Về mặt lịch sử, phát triển tiềm lực hải quân được coi như một “chỉ số” chủ chốt về quy chế nước lớn. Sự kiện hạ thủy tàu sân bay INS Vikraant đã nhấn mạnh mục đích này của Ấn Độ. Ngoài yếu tố mang lại uy tín cho Ấn Độ, tàu sân bay INS Vikraant sẽ thể hiện khả năng chiến lược của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Với tiềm lực kinh tế và quân sự tăng lên của Ấn Độ, các nhà phân tích chiến lược đang thảo luận về khả năng nước này có thể đóng vai trò hiệu quả như một “người bảo lãnh” về hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương. Những yếu tố thuận lợi và trở ngại nào đối với Niu Đêli trong vai trò này? 

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng Ấn Độ là nước duy nhất tại khu vực Ấn Độ Dương có đầy đủ các nguồn lực và điều quan trọng hơn là có một vị trí chiến lược trung tâm để cung cấp “chiếc ô an ninh” cho khu vực. Như nhà sử học danh tiếng K.M. Panikkar nhấn mạnh tiểu lục địa Ấn Độ chỉ cách Ấn Độ Dương một nghìn dặm đã đặt Ấn Độ vào một vị trí thuận lợi về chiến lược trong phạm vi Ấn Độ Dương hơn so với vị trí của Mỹ đối với Đại Tây Dương hoặc vị trí của Trung Quốc đối với Thái Bình Dương. Ấn Độ hầu như có thể thực hiện vai trò của mình một cách thành thạo về mặt kỹ thuật hơn và với chi phí thấp hơn Mỹ. Do đó, bối cảnh địa chính trị đã tạo cơ sở mạnh cho Ấn Độ trở thành nước có thể cung cấp “chiếc ô an ninh” toàn diện cho khu vực. 

Cấu trúc chính trị bên trong cũng cần được xem xét trong khi thảo luận khả năng của Ấn Độ liên quan đến vấn đề này. Là một nền dân chủ, có chính sách đối ngoại nói chung là không liên kết và không hiếu chiến, Ấn Độ có thể được tin cậy sử dụng những khả năng quân sự đang phát triển mạnh mẽ của họ tại khu vực một cách có trách nhiệm. Điều này trái với Trung Quốc. Khi Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên đã gây lo lắng cho các nước láng giềng ở Thái Bình Dương, do tính chất không rõ ràng về cấu trúc chính trị và chính sách đối ngoại nói chung là hiếu chiến của Bắc Kinh đối với các láng giềng kề cận. Do đó, quyền lực mềm của Ấn Độ (được hỗ trợ bởi cấu trúc dân chủ và chính sách ngoại giao tương đối ôn hòa) là những yếu tố lớn sẽ làm dịu bớt bất kỳ mối lo ngại nào của các nước láng giềng về chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. 

Khi xem xét học thuyết hải quân chiến lược của Ấn Độ, nước này một lần nữa lại thể hiện sức mạnh của một ứng cử viên xứng đáng để bảo đảm an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương. Học thuyết hải quân của Ấn Độ bao gồm sự hiểu biết rất rộng rãi về an ninh, chú ý tầm quan trọng của Ấn Độ Dương, nơi có 2/3 số tàu chở dầu và một nửa số tàu buôn chuyên chở hàng bằng công-te-nơ của thế giới đi qua. Học thuyết này cũng nêu bật những mối lo ngại an ninh mới xuất phát từ nạn cướp biển và hoạt động khủng bố hàng hải. Do đó, hải quân Ấn Độ có một tầm nhìn chiến lược toàn diện để nắm bắt được nhu cầu an ninh đang nổi lên của khu vực Ấn Độ Dương. Hơn nữa, sự phát triển của các hạm đội tàu đã tăng khả năng của hải quân Ấn Độ trong hoạt động giám sát các vùng rộng lớn hơn của  Ấn Độ Dương, đồng thời phản ứng kịp thời trước các mối đe dọa trên biển.

Bên cạnh đó, học thuyết chiến lược của Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương cũng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác an ninh để giám sát khu vực. Để đạt mục tiêu này, Ấn Độ có vẻ đã sẵn sàng hợp tác rộng rãi hơn, bao gồm các hoạt động phối hợp, tập trận chung song phương, trợ giúp an ninh và đối thoại quốc phòng. Các sáng kiến như hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương (IONS) và các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia hai năm một lần trong khu vực có thể tăng lòng tin của các nước láng giềng rằng khu vực Ấn Độ Dương không dựa trên sự bá chủ của Ấn Độ và chính họ cũng là những “cổ đông” quan trọng trong bảo đảm ổn định khu vực. 

Trong khi tất cả các nhân tố này chứng tỏ Ấn Độ có thể đóng vai trò hiệu quả đối với an ninh của khu vực Ấn Độ Dương, cũng cần đề cập đến một trở ngại lớn mà Niu Đêli phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến các nước láng giềng liền kề. Sức ép của những cân nhắc liên quan đến các cuộc bầu cử trong nước đang quyết định chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với những nước này. Mặc dù dân số Ấn Độ đông, song cấu trúc điều hành kiểu liên bang khiến chính sách đối ngoại của nước này đối với một số nước láng giềng liền kề phải phụ thuộc vào các chính đảng tại các bang. Điều này cản trở Ấn Độ đưa ra chính sách phù hợp đối với láng giềng và do đó làm suy giảm lòng tin của họ về cách hành xử chiến lược của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nhìn chung, Ấn Độ hoàn toàn có khả năng cung cấp “chiếc ô an ninh” hiệu quả đối với khu vực Ấn Độ Dương

Theo “IPCS

Hương Trà (gt)