Sự phát triển của dịch COVID-19 và phản ứng của chính phủ

Ngày 20/1, Hàn Quốc đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Đó là một phụ nữ Trung Quốc đi từ Vũ Hán đến Incheon. Chính phủ Hàn Quốc đã ngay lập tức nâng mức cảnh báo về cuộc khủng hoảng bệnh truyền nhiễm từ “quan tâm” lên “chú ý”; sau khi ca mắc COVID-19 thứ 4 được xác nhận vào ngày 27/1, mức cảnh báo lại được nâng lên “cảnh giác”, và thành lập Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc về dịch COVID-19. Đồng thời, ngày 31/1, 1/2 và 2/12, Chính phủ Hàn Quốc đã lần lượt đưa gần 850 công dân từ Vũ Hán về nước. Từ ngày 4/2, Hàn Quốc bắt đầu cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người Trung Quốc và người nước ngoài đến thăm hoặc ở lại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Đến ngày 10/2, Hàn Quốc tổng cộng có 28 ca mắc COVID-19, sau đó một vài ngày số ca mắc bệnh được xác nhận giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp không kéo dài, từ giữa và cuối tháng 2/2020 tình hình dịch COVID-19 thay đổi đột ngột. Ca mắc COVID-19 thứ 31 là một bước ngoặt. Bệnh nhân này từ chối kiểm tra dù đã có triệu chứng viêm phổi, và còn tham gia buổi lễ của giáo phái Tân Thiên Địa vào ngày 9/2 và 16/2, gây ra cái gọi là “siêu lây nhiễm” trong ngày 16/2. Sau ngày 19/2, số ca nhiễm virus SASR-CoV-2 được xác nhận tại Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng với tâm dịch là Daegu và Bắc Gyeongsang lân cận; đến ngày 22/2, toàn bộ 17 tỉnh thành của Hàn Quốc đều xác nhận có ca mắc COVID-19. Tính đến 0h ngày 5/3, số ca được xác nhận ở Hàn Quốc là 5.766 người, trong đó 4.327 người ở Daegu và 861 người ở Bắc Gyeongsang. Số ca được xác nhận có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa chiếm 59,9% tổng số ca trên cả nước.

Ngày 23/2, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải áp dụng một số biện pháp mạnh. Trước tiên, nâng mức cảnh báo về cuộc khủng hoảng bệnh truyền nhiễm từ “cảnh giác” lên “nghiêm trọng” cao nhất, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc buộc phải đưa ra cảnh báo như vậy kể từ sau dịch cúm năm 2009. Hai là, thành lập Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc do Thủ tướng Chung Sye-kyun đứng đầu điều hành. Ba là, tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và các trường trên cả nước tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học, đây cũng là lần đầu tiên Hàn Quốc kéo dài thời gian nghỉ học trên cả nước. Trước đó, Thị trưởng Park Won-soon đã ra lệnh cấm tụ tập ở những nơi quan trọng của Seoul như quảng trường Gwanghwamun… và đóng cửa Nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa. Từ ngày 24/2, hầu hết các nơi tụ tập của một số nhóm đặc biệt đều ngừng hoạt động.

Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục ban hành hoặc chuẩn bị một loạt biện pháp mạnh để cố gắng đảo ngược xu hướng của dịch COVID-19 và giảm thiểu thiệt hại.

Thứ nhất, tăng cường các nỗ lực phòng chống dịch, kiểm soát các nguồn lực y tế và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Các đơn vị liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh đã tiến hành một cuộc điều tra đối với toàn bộ thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, Seoul đã kiện các lãnh đạo của giáo phái này lên Văn phòng công tố viên. Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch quyết tâm ổn định tình tình ở Daegu trong 4 tuần, tiến hành kiểm tra và rà soát đối với thành phố Daegu theo phương châm chung “2 tuần tìm kiếm + 2 tuần điều trị”. Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn lực y tế ở Daegu và Bắc Gyeongsang, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực huy động nguồn lực của các bên để gấp rút tiếp viện cho hai khu vực này. Trước nhu cầu về khẩu trang tăng mạnh, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết phải hạn chế xuất khẩu khẩu trang, cung cấp một nửa sản lượng thông qua mạng lưới phân phối công cộng và ưu tiên cho nhân viên y tế. Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài, Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, khuyến nghị lưu học sinh hai nước không nên xuất cảnh. Các trường đại học của Hàn Quốc sẽ dạy học từ xa cho 33.000 lưu học sinh Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng đến quá trình học tập của họ.

Thứ hai, nhanh chóng hoàn thành quá trình lập pháp về ba luật có liên quan đến dịch COVID-19. Ngày 26/2, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự thảo sửa đổi về Luật phòng và chống bệnh truyền nhiễm, Luật kiểm dịch và Luật y tế. Theo những dự thảo sửa đổi này, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 từ chối xét nghiệm, cách ly hoặc nhập viện điều trị giống như ca mắc COVID-19 thứ 31 sẽ phải đối diện với hình phạt nặng.

Thứ ba, chuẩn bị ngân sách lớn bổ sung cho công tác phòng chống dịch. Hàn Quốc ước tính quy mô ngân sách bổ sung lần này sẽ trên 10.000 tỷ won (khoảng 8,3 tỷ USD), thậm chí lên đến 15.000 tỷ won, vượt xa mức 6.200 tỷ won khi bùng phát hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015. Khoản ngân sách này chủ yếu được dùng để mở rộng và bổ sung các nguồn lực y tế, cung cấp nguồn vốn hoạt động ổn định khẩn cấp và các khoản vay lãi suất cực thấp cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp phiếu ưu đãi cho nhóm người có thu nhập thấp và các nhóm người yếu thế khác.

Thứ tư, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, chẳng hạn như giảm phí cho thuê đối với tài sản của chính phủ, tài sản của các tập đoàn độc lập địa phương và tài sản của các tổ chức công. Nếu bên cho thuê tài sản tư nhân đồng ý giảm chi phí cho thuê, chính phủ cũng sẽ miễn giảm 1/2 chi phí.

Tuy nhiên, tình hình chống dịch của Hàn Quốc không mấy lạc quan. Một mặt, Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề không đủ nguồn cung trang thiết bị y tế và phân bổ không đều. Số giường bệnh tại Daegu và Bắc Gyeongsang không đáp ứng đủ so với số ca bệnh nặng tăng mạnh. Việc cung ứng dụng cụ phòng hộ như khẩu trang cũng không tốt, có người xếp hàng nhiều giờ cũng vẫn không mua được khẩu trang. Ngoài ra, việc một số ít cá nhân và tổ chức không hợp tác cũng trở thành vấn đề đau đầu chính phủ. Giáo phái Tân Thiên Địa bị nghi ngờ trì hoãn, che giấu báo cáo trong quá trình các bộ ngành liên quan tiến hành điều tra. Mục sư Jeon Kwang-hoon, Chủ tịch Liên đoàn cơ đốc giáo Hàn Quốc đã bị bắt vì là người đứng đầu nhóm biểu tình kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in từ chức. Điều khiến mọi người lo lắng hơn là một số bệnh nhân không có triệu chứng, bệnh nhẹ được cách ly tại nhà lại không chấp hành theo hướng dẫn của chính phủ, vẫn tự do đi lại, gây khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh.

Hàn Quốc đối mặt với cú sốc toàn diện

Dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng toàn diện đối với Hàn Quốc. Trước hết là chính trị trong nước. Cuộc bầu cử quốc hội dự kiến tổ chức vào ngày 15/4 tới là chương trình nghị sự chính trị quan trọng nhất trong nửa đầu năm 2020 của Hàn Quốc. Các đảng đối lập đã đua nhau cơ cấu lại tổ chức, chính trường Hàn Quốc hình thành cục diện “5 đảng cạnh tranh, 2 lực lượng tranh quyền”. Đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền, đảng Bảo thủ mới và đảng Hợp nhất tương lai đang đe dọa sẽ trả thù đối thủ. Tuy nhiên, cùng với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, hoạt động vận động tranh cử của các đảng phái cũng bị gián đoạn, sự khó đoán định của cuộc bầu cử đã tăng lên đáng kể, thậm chí có khả năng sẽ hoãn bầu cử. Dịch bệnh đang thu hút mọi sự quan tâm của dư luận, khiến bầu cử không còn là vấn đề cần được quan tâm như trước. Cụ thể, chính phủ khó tránh khỏi bị chỉ trích vì ứng phó kém hiệu quả với dịch COVID-19, nhưng các đảng đối lập cũng không dám lợi dụng cơ hội này để đả kích đảng cầm quyền, bởi lẽ cạnh tranh giữa các đảng phái trong thời điểm cả nước đang đồng tâm chống dịch sẽ đi ngược với lòng dân, hơn nữa một khi dịch bệnh được khống chế, các đảng đối lập khó tránh khỏi việc bị chính đảng trả thù.

Thứ hai là lĩnh vực kinh tế. Sau khi Trung Quốc bùng phát dịch bệnh, các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã bị tác động mạnh do sự thiếu hụt nguồn cung phụ tùng linh kiện từ Trung Quốc, các doanh nghiệp chế tạo với đại diện là tập đoàn Hyundai buộc phải dừng sản xuất một phần. Cùng với diễn biến của dịch bệnh, các doanh nghiệp ở Hàn Quốc liên tiếp xác nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó các doanh nghiệp lớn như nhà máy sản xuất của Tập đoàn Hyundai motors tại khu công nghiệp Ulsan và Tập đoàn Samsung lần lượt dừng sản xuất. Cho dù ngay cả khi hoạt động sản xuất có thể được khắc phục, thì tâm lý tiêu dùng giảm cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường. Ở cấp độ quốc tế, Hàn Quốc là nhà sản xuất chính các phụ tùng linh kiện và sản phẩm trung gian, nên rất có khả năng sẽ gây ra tác động hơn nữa đến chuỗi sản xuất của khu vực Đông Á. Ngoài lĩnh vực chế tạo, các ngành dịch vụ với đại diện là ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê, thời gian và sức tàn phá của dịch COVID-19 có khả năng sẽ vượt dịch SARS và MERS.

Thứ ba là lĩnh vực xã hội. Dịch bệnh làm tăng thêm nỗi lo lắng và bất an vốn đã nghiêm trọng trong xã hội Hàn Quốc, dư luận ngày càng chia rẽ sâu sắc. Ngay trong thời kỳ đầu của dịch bệnh, Hàn Quốc đã xuất hiện sự chia rẽ giữa những người muốn chia sẻ hoạn nạn với Trung Quốc và những người cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Đến giữa tháng 2, khi dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, trong kiến nghị với Nhà Xanh đồng thời xuất hiện hai luồng ý kiến giữa một bên là luận tội và một bên ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in. Ngoài ra, vai trò của giáo phái Tân Thiên Địa trong dịch COVID-19 lần này đã dẫn đến các cuộc thảo luận về tự do tôn giáo và an ninh cộng đồng. Sau dịch bệnh lần này, ảnh hưởng và địa vị của tôn giáo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng giảm.

Thứ tư là lĩnh vực ngoại giao. Sau khi tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng, ngày càng nhiều quốc gia cấm và hạn chế người Hàn Quốc nhập cảnh. Tính đến 19h ngày 2/3, 82 quốc gia đã áp dụng các biện pháp liên quan, trong đó có 36 quốc gia cấm hoàn toàn người Hàn Quốc nhập cảnh, 46 quốc gia còn lại áp dụng biện pháp cách ly. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã can thiệp nhiều lần những không hiệu quả, năng lực ngoại giao của Hàn Quốc đang bị đặt dấu hỏi. Ngoài ra, do trong quân đội Hàn Quốc và lính Mỹ tại Hàn Quốc đã xuất hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nên cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến vào mùa Xuân đã bị hoãn vô thời hạn. Đợt dịch bệnh lần này khiến chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc một lần nữa bị chia rẽ. Khác với chính sách tổng thể của chính phủ quan tâm đến đại cục của quan hệ Hàn-Trung, đảng đối lập lớn nhất - đảng Hợp nhất tương lai - luôn chủ trương cấm hoàn toàn người Trung Quốc nhập cảnh, hơn nữa vẫn sử dụng thuật ngữ “bệnh viêm phổi Vũ Hán” sau khi dịch bệnh đã được đặt tên chính thức, điều đó cho thấy họ vẫn có nhiều thành kiến đối với Trung Quốc.

Min Li là trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên tạp chí Tri thức thế giới, số 6/2020

Minh Anh (gt)