Sự so sánh này chính xác là sự thổi phồng. Và điều đó cũng làm xao lãng vấn đề thực sự gây de dọa đến triển vọng kinh tế trong tương lai của nước này.

Kinh nghiệm năm 1998 là độc nhất vô nhị

Quay trở lại mùa Hè năm 1998, nền kinh tế Nga phải đương đầu với một loạt thách thức trái ngược nhau. Các nhà hoạch định chính sách kiên quyết duy trì ghìm giá đồng ruble ở tỷ giá 6 ruble đổi 1 USD như một niềm tự hào, được chứng minh bằng việc tái định giá đồng ruble vào ngày 1/1/1998 với tỷ lệ 1 ruble mới đổi lấy 1.000 ruble cũ. Trong tình hình dự trữ ngoại hối chỉ đủ chi trả cho hàng nhập khẩu cho 3 tháng đầu năm đó và ảnh hưởng xấu xuất hiện ở tất cả các nền kinh tế thị trường mới nổi như là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 1997, các thị trường tài chính thiên về việc thử nghiệm cách giải quyết của các nhà chức trách là điều dễ hiểu. Hơn nữa, chính sách công thời hậu Xôviết của Nga vẫn đang được thực hiện và quản lý kinh tế thì yếu kém.

Chúng ta đều biết điều gì đã xảy ra. Ngày 17/8/1998, không thể trì hoãn đáo hạn trái phiếu kho bạc trong nước của mình hoặc hoàn lại chúng (thậm chí còn gặp khó khăn trong việc tìm tiền mặt để trả lương cho quân đội), chính phủ đã vỡ nợ tính theo đồng ruble (tổng cộng tương đương với gần 40 tỷ USD). Các ngân hàng lớn của Nga, đầu cơ điên rồ bằng những đồng USD đi vay, đột nhiên không còn khả năng thanh toán. Những nỗ lực vô ích của Ngân hàng Trung ương, dưới sức ép chính trị đáng kể từ các ông trùm ngân hàng, nhằm đảm bảo tính thanh khoản khi đó đã phá hỏng hoàn toàn mục tiêu mới của họ là bình ổn đồng ruble ở mức 10 ruble đổi 1 USD. Đầu tháng 9/1998, đồng ruble được thả nổi và mất giá dần dần xuống mức 21 ruble đổi 1 USD vào cuối năm đó.

Lần này thì khác

Nói một cách khách quan, đầu năm 2015, tình hình không tương tự như vậy và không có nhiều lý do gây lo ngại sâu sắc ít nhất về cán cân kinh tế vĩ mô đã làm xói mòn niềm tin năm 1998. Đương nhiên, các chính sách vững chắc về thể chế và cấu trúc nhằm nâng cao năng suất và khiến nền kinh tế linh hoạt hơn đáng buồn là vẫn không đầy đủ, nhưng quan điểm phổ biến rằng Nga đang gặp khủng hoảng bắt nguồn từ những mối lo ngại trước mắt về mặt vĩ mô. Vì thế làm thế nào để giải thích sự đóng kịch của cả các chuyên gia Nga lẫn nước ngoài khi than vãn về điều có vẻ như là nước Nga rơi vào hỗn loạn? 

Giá dầu giảm thê thảm là chủ đề của cả hai câu chuyện, và cũng là một cách giải thích quá dễ dãi. Từ đầu tháng 1/1997 đến cuối tháng 6/1998, giá dầu Brent đã giảm 56%. Từ cuối tháng 6/2014 đến giữa tháng 1/2015, giá dầu Brent sụt giảm 60%. Tuy nhiên, sự tương đồng chỉ dừng ở đó.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ tháng 8/1998 là một lời cảnh tỉnh và các nhà hoạch định chính sách Nga đã học được một số bài học quan trọng. Ngoài những cải cách tài chính lớn như thuế thu nhập cá nhân cố định, Kho bạc kiểm soát tập trung tất cả chi tiêu của chính phủ, dự tính ngân sách thận trọng và cuối cùng thiết lập hai quỹ chính phủ như là một bước đệm cho giá dầu tăng, sự thay đổi quan trọng nhất là cho phép thả nổi đồng ruble. Điều này đặc biệt quan trọng do giá dầu ngày càng giảm nhanh trên các thị trường quốc tế bắt đầu vào cuối năm 2014. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã đưa ra biện pháp thả nổi tự do vào giữa tháng 11/2014, vài tuần trước sự thay đổi theo kế hoạch, nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối của mình. Một quyết định khôn ngoan như vậy không chỉ công nhận rằng với tư cách là một đồng tiền định giá trên thị trường dầu lửa quốc tế, tỷ giá hối đoái đồng ruble chắc chắn có liên hệ với giá dầu, nó còn bảo vệ một cách rộng rãi ngân sách vì gần như tất cả chi tiêu chính phủ được tính theo đồng ruble.

Kết quả của hành động này là giá dầu hòa vốn đối với ngân sách đã được giảm từ 110 USD/thùng xuống 75 USD/thùng, và thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ không vượt quá 3% GDP ngay cả khi giá dầu duy trì trung bình xung quanh mức 50 USD/thùng.

Các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ lần cuối giá dầu giảm mạnh vào nửa cuối năm 2008 (khi giá giảm từ 141 USD/thùng vào đầu tháng 7 xuống 35 USD/thùng vào cuối tháng 12), khiến nền kinh tế Nga ít có khả năng bị tổn thương hơn nhiều trước sự sụp đổ tài chính bên ngoài. Đáng chú ý nhất, không giống năm 2008, khu vực doanh nghiệp Nga giờ đây là một chủ nợ nước ngoài cho vay ròng và nợ nước ngoài của khu vực công ở mức thấp nhất.

Thông thường những rủi ro về nợ công được đánh giá bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng phương Tây chủ yếu dựa trên cơ sở khả năng và sự sẵn sàng của họ để trả nợ. Ít nhất từ quan điểm kinh tế vĩ mô, hành động của họ trong thời gian gần đây nhằm hạ cấp nợ công của Nga, thậm chí đe dọa xếp hạng lại nó vào dưới mức đầu tư hay mức “rác”, tỏ ra cường điệu. Vì tỷ giá hối đoái đồng ruble giảm mạnh đã bảo vệ doanh thu từ dầu lửa bằng đồng nội tệ của chính phủ, cơn sốc giá dầu do đó khó có khả năng tác động mạnh đến vị thế tài chính. Và mặc dù việc hạ giá ngoại tệ đã làm tăng lượng nợ bằng đồng ruble tính theo ngoại tệ, cân đối kế toán tổng hợp của khu vực doanh nghiệp trên thực tế sẽ cải thiện vì lượng tài sản bên ngoài tính theo ngoại tệ thậm chí còn lớn hơn. Vì các biện pháp trừng phạt đã khiến các tập đoàn Nga gần như không thể vay mượn từ phương Tây, các khoản chi trả nợ ròng đã khiến nợ nước ngoài của Nga từ 729 tỷ USD giảm xuống còn khoảng 600 tỷ USD từ đầu năm 2014. Trên nguyên tắc, tổng nợ nước ngoài của Nga là 363 tỷ USD vẫn hoàn toàn trả được bằng dự trữ 386 tỷ USD của CBR, một khi nợ được điều chỉnh theo nợ bằng đồng ruble (khoảng 106 tỷ USD) và nợ liên công ty (khoảng 131 tỷ USD).

Một điểm mạnh nữa trong lợi thế của Nga khi đối phó với giá dầu suy giảm hiện nay là tính liên tục của các nhà hoạch định chính sách cấp cao cả ở Bộ Tài chính lẫn CBR. Đây là những người đã trải qua và xử lý những thách thức kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm 1998 và một lần nữa vào năm 2008. Họ mang đến sự bảo đảm nào đó rằng ít nhất những sai lầm chính sách trước đây sẽ không lặp lại.

Trong hoàn cảnh hiện nay là giá dầu sụt giảm và sự thiếu niềm tin vào đồng ruble khi lạm phát gia tăng như là kết quả của thời kỳ đồng ruble mất giá nhanh chóng trước đó một trong những thách thức lớn đối với chính sách kinh tế là làm cách nào CBR sẽ xử lý sự đánh đổi khó khăn giữa “vỏ dưa” là ổn định tài chính và “vỏ dừa” là một chính sách tiền tệ chặt chẽ để ổn định tỷ giá hối đoái và làm giảm tỷ lệ lạm phát. Những triển vọng tăng trưởng yếu và việc hướng tới các kênh đầu tư an toàn trong khu vực ngân hàng với quá nhiều ngân hàng nhỏ tạo ra sức ép to lớn đòi CBR phải cung cấp hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên khi làm vậy, giới chức tiền tệ cần phải biết rằng tính thanh khoản này của đồng ruble sẽ chảy vào thị trường ngoại tệ, phá hỏng những nỗ lực của chính họ nhằm ổn định tỷ giá hối đoái. Và ngay dù các nhà hoạch định chính sách công nhận rằng cần phải ngay lập tức tái cơ cấu khu vực ngân hàng, có thể hiểu được việc họ lưỡng lự áp dụng một chính sách dứt khoát có nguy cơ khiến người ta đổ xô đến ngân hàng rút tiền như vậy. Tuy thế, họ cần phải tàn nhẫn hơn trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Nga không đơn độc

Cần phải nhấn mạnh rằng trong khi thành tích kinh tế của Nga trong những tháng gần đây đã xấu đi nghiêm trọng, điều này không nên được nhìn nhận một cách riêng biệt. Đã có một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu trong đó Nga chịu tác động bất lợi cùng với nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi khác, đặc biệt là ở các nước sản xuất năng lượng và hàng hóa tiêu dùng. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ là một trong số vài điểm sáng trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới, kể cả Trung Quốc, đang giảm tốc và, trong trường hợp các nước khu vực đồng euro, thực sự đang giảm phát. Các biện pháp tiền tệ liều lĩnh nhằm nâng cao nhu cầu trong nước đã được triển khai ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến và nỗ lực xuất khẩu thất nghiệp thông qua cuộc chiến tiền tệ, rõ ràng nhất trong trường hợp Nhật Bản, đang thổi bùng sự bất ổn ngày càng tăng trong những biến số tài chính quốc tế.

Nỗi lo sợ đình trệ muôn thuở, theo cách gọi của Larry Summers, một trong những nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ, gợi lên sự thử nghiệm của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới, phần nhiều trong số đó với những hậu quả không chắc chắn và đương nhiên là không lường trước. Với bối cảnh toàn cầu quá phức tạp, nền kinh tế Nga bị vùi dập không chỉ bởi giá dầu giảm mạnh như năm 2008. Ngay cả khi không có những nỗ lực nhằm cô lập Nga về chính trị và kinh tế diễn ra sau các sự kiện ở Ukraine, sự từ bỏ đồng loạt của các nhà đầu tư khỏi các thị trường mới nổi và việc đánh giá lại những rủi ro ở các thị trường mới nổi nói chung đã kích thích tình trạng dịch chuyển sang những nơi an toàn. Đồng USD và các thị trường tài chính Mỹ là địa điểm chủ yếu cho sự tái phân phối tài sản này. Trên thực tế việc tái phân bổ danh mục này đã tác động đến quyết định của các nhà đầu tư Nga cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tài sản của Nga. Giá dầu và tỷ giá hối đoái đồng ruble giảm mạnh đã làm trầm trọng thêm những sức ép này, khiến vốn chảy mạnh ra khỏi Nga.

Và các biện pháp trừng phạt?

Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính được áp đặt đối với Nga ngày càng tăng trong năm 2014 của một nhóm lớn các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, cũng có vai trò của nó. Một phần, tác động trực tiếp của các biện pháp trừng phạt đã làm tăng chi phí vốn và tạo ra những sự không chắc chắn về tái cơ cấu nợ cũng như nguồn tài chính mới. Điều tồi tệ hơn dường như là hiệu ứng gây chán nản đối với giới kinh doanh và các ngân hàng phương Tây ở khắp nơi do sự thiếu chắc chắn về lộ trình tương lai và thời điểm áp đặt các biện pháp trừng phạt. Nhiều ý kiến trong thời gian gần đây đã đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt, cùng với giá dầu giảm về tình trạng xấu đi dường như đột ngột của nền kinh tế Nga. Đó là một cách nói hấp dẫn đối với cả những bên đang áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể tuyên bố rằng chúng đã có hiệu quả như dự định lẫn những người ở Nga muốn có một thứ giơ đầu chịu báng phù hợp cho tình hình kinh tế ngày càng xấu đi.

Ở Nga và nước ngoài, đã có nhiều con số được nhắc đến về tác động định lượng của các biện pháp trừng phạt. Điều quan trọng hơn, theo quan điểm của tác giả, là sự thay đổi trong nhận thức. Về phần Nga, dường như sau hiệu ứng sốc ban đầu, nền kinh tế đang chịu tác động, dẫn tới một sự đa dạng hóa sang các thị trường và nguồn tài chính khác. Một đồng ruble bất ngờ có tính cạnh tranh hơn có thể không làm được gì nhiều để giảm nhẹ một số ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp trừng phạt, nhưng theo thời gian nó có thể giúp thúc đẩy sự tái định hướng lành mạnh nền kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách do dự theo đuổi. Một điều may trong cái rủi là không chỉ các công ty Nga đã giảm đáng kể nợ nước ngoài của họ, các biện pháp trừng phạt chắc chắn còn giúp họ tránh được những khoản vay mượn khổng lồ bằng đồng USD chi phí thấp vào năm 2014 mà vào lúc này có thể là một gánh nặng trả nợ to lớn. Và hãy hiểu rõ rằng nếu giá dầu không giảm mạnh trên các thị trường quốc tế, sẽ gần như không có lý do để lo ngại trong ngắn hạn về nền kinh tế Nga. Ngay cả như vậy, tác giả vẫn không tin rằng Nga sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn một cuộc suy thoái nhỏ trong năm 2015.

Ngay dù một số dự đoán kinh khủng hơn về GDP của Nga trong năm 2015 trở thành hiện thực, nên hiểu rằng Nga sẽ vẫn là một bên tham gia kinh tế lớn trên thế giới. Một số người ở phương Tây chắc chắn đang mơ tưởng khi họ hành động như thể Nga có thể bị phớt lờ hoàn toàn cứ như nước này là Cuba, Triều Tiên hay Iran. Thứ nhất, trên thực tế Nga là một cường quốc châu Âu truyền thống có hơn 140 triệu người tiêu dùng có giáo dục và thuộc tầng lớp trung lưu đầy khao khát. Hơn nữa, Nga là một nền kinh tế toàn cầu hóa cao độ với thương mại quốc tế của nước này (xuất nhập khẩu) trên GDP lớn hơn ở Brazil hay Mỹ, và tương đương với Trung Quốc và Anh theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Thứ hai, Nga càng bị các thể chế và doanh nghiệp do phương Tây chi phối tẩy chay càng lâu, nước này sẽ càng chuyển đổi trọng tâm kinh tế và tài chính sang châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Trong thời gian dài hơn, phần lớn sự chuyển đổi này không thể đảo ngược được.

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới

Trong bất kỳ trường hợp nào, Nga sẽ phải tìm đường đi trong một môi trường quốc tế khó khăn hơn nhiều, không chỉ vì các biện pháp trừng phạt. Có một mức độ mong manh bất thường trong toàn bộ hệ thống tiền tệ quốc tế được nuôi dưỡng bởi 6 năm thực thi những chính sách và thử nghiệm đặc biệt của các ngân hàng trung ương ở phần lớn các nền kinh tế tiên tiến.

Đây không phải là thách thức tồi tệ nhất đối với Nga. Ở mức độ nào đó, gần như tất cả các nhà quan sát nền kinh tế Nga đổ lỗi cho sự kết hợp giữa giá dầu và các biện pháp trừng phạt về tình hình ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, ngay cả một cái nhìn thoáng qua về dữ liệu cũng gây bối rối và thách thức những cách giải thích đơn giản. Có lẽ tin xấu thực sự là thành tích kinh tế yếu kém của Nga khởi đầu trước khi giá dầu bắt đầu giảm và các biện pháp trừng phạt được áp đặt. GDP thực đã chậm lại còn 1,3% năm 2013, từ 3,4% năm 2012, và đã giảm xuống trong năm 2014 trước khi có các biện pháp trừng phạt và đặc biệt là trước khi giá dầu giảm. Rõ ràng những điều gì đó khác, gây bối rối hơn, đang diễn ra, và đang được ngụy trang bằng giá dầu và các biện pháp trừng phạt.

Không may, câu thần chú cũ kỹ đó đang lặp lại. Nga phải đa dạng hóa vượt ra ngoài năng lượng và nguyên liệu thô sang nền kinh tế theo mô hình sử dụng nguồn nhân lực và một khu vực tư nhân năng động, năng suất. Đây là chính sách chính thức ít nhất kể từ khi Kế hoạch Gref về cải cách cơ cấu được lập ra năm 2000. Tổng thống, thủ tướng và các quan chức cấp cao khác đã khẳng định lại đường hướng này kể từ đó và tuy thế vẫn gần như không có gì để chứng minh cho điều này.

Điều đáng tiếc là các nhà hoạch định chính sách Nga đã giới hạn bản thân họ chỉ trong những chính sách kinh tế vĩ mô cần thiết do lần sụp đổ giá dầu năm 2008 khi giá dầu Brent giảm 75% trong nửa cuối năm đó. Những chính sách đầy đủ để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa của Nga đã không bao giờ ra đời vì giá dầu sau đó quay trở lại khoảng 70 USD/thùng vào giữa năm 2009, và tăng dần lên 100 USD/thùng vào đầu năm 2011 cho tới giữa năm 2014. Như các nhà kinh tế German Gref và Alexei Kudrin, trong số những người khác, phát biểu, Nga đã tránh được việc phải đưa ra những quyết định khó khăn có thể làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu lửa và các hàng hóa tiêu dùng khác. Thay vào đó, sự phụ thuộc của nước này đã tăng lên. Một số nhà bình luận thậm chí đã đưa ra sự so sánh hời hợt với chế độ Xôviết trước đây, ám chỉ rằng xu hướng hiện tại là không thể đảo ngược được nếu không có sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực.

Điều rõ ràng là mô hình tăng trưởng làm nền tảng cho nền kinh tế trong thập kỷ trước, sử dụng khả năng hiện có tốt hơn và mở rộng khu vực dịch vụ, đã đạt tới giới hạn. Sự khan hiếm đầu tư tư nhân hữu ích cản trở việc tiến đến một nền kinh tế định hướng theo tăng trưởng mới. Các chính sách cần thiết để đi theo đường lối đó đều được biết rõ. Chúng bao gồm việc áp dụng nghiêm ngặt pháp quyền và thực hiện hợp đồng, bộ máy tư pháp vô tư và hiệu quả, minh bạch ở tất cả các cấp trong chính phủ, tư nhân hóa và bãi bỏ quy định, và các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ.

Thiếu ý chí chính trị để theo đuổi cơ hội mà những sự kiện gần đây mang lại rõ ràng là điều đáng lo ngại. Có lẽ muộn còn hơn không. Có thể khi giá dầu Brent giảm xuống 25 USD/thùng và duy trì ở mức đó trong một thời gian, điều này sẽ khiến thái độ đối cải cách thể chế một cách nghiêm túc sẽ thay đổi. Nếu không, triển vọng tương lai quả thực là ảm đạm bất kể giá dầu hay quan hệ đối ngoại của Nga như thế nào. Hơn bất kỳ điều gì khác, điều này sẽ phụ thuộc vào vị thế của Nga với tư cách là một cường quốc thế giới trong thế kỷ 21.

Theo Russia in Global Affairs

Thùy Anh (gt)