Philippines kiện Trung Quốc về một số khía cạnh trong tranh chấp tại Biển Đông bằng việc đệ trình thông báo khởi kiện ra toà án Trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục VII vào ngày 22/1/2013. Trung Quốc ngay sau đó đã tuyên bố không tham gia vụ kiện và trả lại thông báo của Philippines. Tiếp theo, hồ sơ gồm 4000 trang lập luận về vấn đề thẩm quyền của toà và nội dung của vụ kiện đã được Philippines đệ trình lên Toà Trọng tài vào ngày 30/3/2014[1].

Vụ kiện mang tính chất phức tạp cao do liên quan đến nhiều dạng tranh chấp cả về vùng biển, khả năng yêu sách chủ quyền và xác định vùng biển cho cho các cấu tạo địa lý trên biển và giá trị pháp lý của đường lưỡi bò của Trung Quốc. Vụ việc cũng phức tạp hơn khi Trung Quốc là một bên chính trong vụ kiện nhất quyết không chịu tham gia vụ kiện trên cơ sở  cái gọi là toà không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Cơ sở mà Trung Quốc nêu ra bao gồm đây là các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không thuộc phạm vi của Công ước Luật biển 1982 và các tranh chấp phân định biển mà Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận giải quyết bằng biện pháp tài phán. Trung Quốc cũng còn cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc là vi phạm các thoả thuận giữa Trung Quốc và Philippines về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp đàm phán song phương và Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)[2].

Trải qua hơn ba năm xem xét, hàng nghìn trang hồ sơ và các phiên tranh tụng, ngày 29/10/2015 toà đã ra phán quyết về thẩm quyền xét xử vụ việc.  Nội dung vụ kiện tiếp tục được xem xét trong phán quyết cuối cùng, dự kiến công bố vào nửa cuối năm 2016.

Theo phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015, toà đã bác bỏ lập luận về mặt thủ tục của Trung Quốc rằng giữa Phillippines và Trung Quốc có các cơ chế thoả thuận song phương để giải quyết tranh chấp; và hai nước cũng có Tuyên bố Ứng xử các bên về Biển Đông (DOC2002) và Hiệp ước Thân thiện Hữu nghị và Hợp tác (TAC) của ASEAN để giải quyết tranh chấp. Toà cho rằng, các tuyên bố và Hiệp định này không ràng buộc và các bên không có cơ chế để biện pháp tài phán khác[3]. Về khía cạnh nội dung, trong số 15 điểm Philippines kiện Trung Quốc, Toà khẳng định có thẩm quyền xem xét với 7 nội dung khởi kiện của Philippines. Thẩm quyền với 8 nội dung khởi kiện còn lại sẽ được Toà tuyên bố sau khi tiếp tục nghiên cứu hồ sơ bổ sung trong phiên xét xử về nội dung. Như vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, đối với 7 điểm mà toà tuyên bố có thẩm quyền để xem xét có nghĩa là chắc chắn đây sẽ là các điểm phù hợp về mặt pháp lý để toà xét xử trong phiên nội dung tới. Việc toà chấp nhận sẽ xem xét 7 trong 15 nội dung đơn kiện chỉ là khẳng định về thẩm quyền xét xử của Toà, không phải là nhận định 7 nội dung đơn kiện này sẽ được xét xử có lợi hay hại cho bất cứ bên nào, việc phân định đúng sai sẽ được quyết định vào phiên tiếp theo.

Cụ thể 7 nội dung được toà chấp nhận sẽ xét xử như sau[4]:

1.    Bãi cạn Hoàng Nham không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa

2.    Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và đá Subi là các thực thể lúc nổi lúc chìm do đó không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa và không phải là đối tượng chiếm hữu lãnh thổ;

3.    Đá Gaven và Đá Mc Kennan (bao gồm đá Huy Gơ) là các thực thể lúc nổi lúc chìm không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, nhưng ngấn nước thấp nhất có thể được sử dụng làm đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của đá Nam Yết và Sinh Tồn.

4.    Đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

5.    Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines một cách trái pháp luật thực hiện các hoạt động đánh cá truyền thống mưu sinh tại bãi Hoàng Nham.

6.    Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) phải bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi Hoàng Nham và Bãi Cỏ Mây;

7.    Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ quy định trong Công ước điều khiển các tàu chấp pháp của mình một cách nguy hiểm gây ra nguy cơ va chạm một cách nghiêm trọng đối với các tàu bè của Philippines đang đi lại tại khu vực gần bãi Hoàng Nham.

Nhìn vào nội dung của 7 điểm mà toà chấp nhận có thẩm quyền, có thể nhận thấy đây là các điểm liên quan đến quy chế của đảo, cụ thể là các thực thể được yêu cầu xem xét là đảo đá nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý; vấn đề nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường; vấn đề đánh bắt cá của ngư dân Philippines tại bãi Hoàng Nham do bị Trung Quốc cản trở; nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn khi đi lại trên biển. Các vấn đề được toà xem xét có thẩm quyền này đều không liên quan đến phân định biển, chủ quyền lãnh thổ như Trung Quốc đã lập luận bác bỏ thẩm quyền của toà. Hơn nữa, ở hai điểm cuối về nghĩa vụ phải tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển phải bảo vệ môi trường và điều khiển các phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển an toàn không gây nguy hiểm đến phương tiện của các nước khác là quy định chung áp dụng đối với tất cả các nước và không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ hay vùng biển.

Các nội dung khác còn lại mà toà chưa xem xét có thẩm quyền hay không là những nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò; và việc xác định các hành động liên quan đến việc vi phạm thực hiện chủ quyền và quyền chủ quyền trên một số bãi đá nằm trên thềm lục địa của Philippines.

Các hoạt động của toà tiếp theo và phản ứng của các bên

Theo thông cáo báo chí ngày 30/11/2015, toà sẽ xem xét đưa ra phán quyết về nội dung với 7 điểm đã nêu trên. 8 điểm còn lại toà sẽ tiếp tục nghiên cứu hồ sơ bổ sung từ các bên (từ Philippines và Trung Quốc (Trung Quốc tiếp tục tuyên bố không chấp nhận toà có thẩm quyền và không tham gia[5])) và ra kết luận tại phán quyết cuối cùng[6].  Theo quy định của Công ước luật biển, quyết định của toà trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc này sẽ là cuối cùng, không thể bị kháng cáo và ràng buộc tất cả các bên tham gia. Do đó, Philippine và Trung Quốc đều có nghĩa vụ phải tuân theo phán quyết của toà cho dù kết quả của phán quyết đó là có lợi hay bất lợi cho các nước này và cho dù một bên thành viên của Công ước là Trung Quốc[7] có tuyên bố không chịu chấp nhận phán quyết thì phán quyết vẫn có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Việc Trung Quốc không chịu tuân theo phán quyết của toà sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cuả nước này trong các mối quan hệ quốc tế. Còn với Philippines, nước này luôn thể hiện sự ủng hộ vai trò của toà án với việc giải quyết tranh chấp. Một học giả của Philippines đã bình luận trên trang web amti.csis.org rằng việc toà ra phán quyết có thẩm quyền xét xử vụ kiện Philippines với Trung Quốc là có lợi cho các quốc gia khác liên quan vì các quốc gia có tranh chấp trên biển với Trung Quốc sẽ có cơ sở pháp lý để tìm cách áp dụng biện pháp pháp lý tương tự cho một số tranh chấp cụ thể  với Trung Quốc để toà giải quyết. [8].

Nguyễn Thái Giang, Học viện Ngoại Giao

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Xem thêm bối cảnh của vụ kiện trong thông cáo báo chí ngày 30/11/2015 của toà tại http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1524

[2] Xem thêm về lập trường về vụ kiện của Trung Quốc tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml

[3] Xem thêm phán quyết của toà tại http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506

[4] Xem bản thông cáo báo chí ngày 30/11/2015 về 7 trong 15 điểm toà tuyên bố có thẩm quyền xét xử tại http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1524

[5] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1310474.shtml

[6] Như đã trích dẫn tại thông cáo báo chí ngày 30/11/2015 của toà tại http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1524

[7] Trích dẫn như trên, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhiều lần khẳng định ở nhiều cấp và mọi nơi toà không có thẩm quyền xét xử vụ án và Trung Quốc có quyền không chấp nhận phán quyết.

[8] Xem thêm ý kiến học giả Philippines tại http://amti.csis.org/implications-of-the-philippines-v-china-award-on-jurisdiction/