Satu Limaye, Giám đốc Trung tâm Đông-Tây ở thủ đô Oasinhtơn, cho rằng cải thiện nền kinh tế đang suy yếu của Mỹ là ưu tiên hiện nay của các nhà lãnh đạo nước này song quan hệ của Mỹ với các nước châu Á cũng là mối quan tâm lớn không kém vì quan hệ này đang tạo ra một hiện trạng phức tạp đan xen giữa những lo ngại và cơ hội. Mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các tác động kinh tế, chính trị và an ninh có liên quan là những vấn đề gây đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Sự chú ý đã và đang tăng lên của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây là khác thường và hiện Mỹ đang có các cơ hội để tăng cường quan hệ với các nước như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Campuchia và Việt Nam. Chuyến thăm Ma-lai-xi-a và Cam-pu-chia tháng 12/2010 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thể hiện mạnh mẽ cam kết của Mỹ đối với khu vực này. Sắp tới, rất có thể Tổng thống Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 20 tới thăm Ma-lai-xi-a.

Satu Limaye lưu ý rằng quan hệ của Mỹ với Ấn Độ đang có cơ hội tốt để cải thiện hơn nữa và Mỹ nhận thức hơn về vai trò quan trọng của Ấn Độ trong khu vực Nam Á cũng như châu Á. Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á lo ngại nhiều hơn khi nền kinh tế của họ gắn bó hơn với Trung Quốc trong khi Mỹ vẫn là đối tác an ninh gần gũi với họ hơn Trung Quốc rất nhiều. Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu trong khi Mỹ là nước bảo trợ các vấn đề chính trị và an ninh của các nước châu Á. Trong bối cảnh này, nếu Mỹ không can dự về kinh tế với châu Á thì khoảng cách quan hệ giữa Mỹ và châu Á sẽ càng xa. Mỹ cần thận trọng trước nguy cơ này trong bối cảnh đang có nhiều nỗ lực của một số nước châu Á tìm cách lập ra các tổ chức kinh tế chỉ bao gồm các nước châu Á để gạt Mỹ khỏi châu lục này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hầu hết các nước châu Á đều muốn Mỹ đảm bảo an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các học giả Ôxtrâylia nhấn mạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện là thách thức hàng đầu đối với vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và thế giới. Cán cân sức mạnh ở châu Á đã thay đổi và thực sự trở thành mối lo ngại của Mỹ và đồng minh. Lần đầu tiên, một đối tác buôn bán hàng đầu của Ôxtrâylia không phải là đồng minh mà là Trung Quốc. Trong 6 tháng gần đây, giọng điệu ngoại giao của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng chú ý khiến nhiều nước châu Á phải cân nhắc nghiêm túc vai trò quan trọng của Trung Quốc trong các tính toán chiến lược của họ trong tương lai.

Nhiều nước Đông Nam Á tăng ngân sách quốc phòng để mua sắm rất nhiều vũ khí hiện đại. Mặc dù có nhiều mối lo ngại trên thế giới về nguy cơ chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á, song hai phân tích an ninh mới đây của EWC cho rằng việc các nước trong khu vực tăng cường mua sắm vũ khí không thể coi là chạy đua vũ trang vì không phù hợp với các tiêu chuẩn thông thường của mô hình một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, quá trình tái vũ trang khu vực này cũng đáng chú ý vì các loại vũ khí được mua vượt quá việc hiện đại hóa đơn thuần các lực lượng vũ trang trong khu vực và có thể làm thay đổi lớn về tính chất và đặc điểm của các cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực.

Richard A.Bitzingger và Bronson Percival, hai nhà phân tích chính trị của EWC về các vấn đề an ninh và quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò của các chính sách quốc gia trong tiến trình mua sắm vũ khí hiện đại hóa quân đội cũng như sự khác biệt trong nhận thức về “mối đe dọa” giữa các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước này đều có nhiều lý do để hiện đại hóa quân đội để theo kịp khả năng quân sự của nước láng giềng. Các nước Đông Nam Á đều muốn duy trì hiện trạng cân bằng sức mạnh trong khu vực đồng thời đảm bảo sự ổn định trong nước chứ không muốn trở thành bá quyền khu vực.

 

Theo EWC

Mỹ Anh (gt)