Với tiêu đề "Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, đã qua rồi kỷ nguyên Trung Quốc có dư thừa sự lựa chọn", bài viết trên tờ The Wall Street Journal mở đầu bằng cách nhắc lại kỳ tích của Trung Quốc, đó là kéo hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế phi mã, và từ chỗ chỉ mới vài thập niên trước còn là một quốc gia nghèo đói, bị cô lập giờ đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, một loạt thách thức như gánh nặng nợ nần ngày một lớn, các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, và các biện pháp hạn chế các lực lượng thị trường đã đe dọa Trung Quốc sẽ bị thụt lùi trên con đường vươn lên hàng ngũ những nước giàu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu như không có sự thay đổi căn bản, Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung lưu, nghĩa là tăng trưởng thấp, năng suất giảm trong khi các hộ gia đình nghèo đi. Thậm chí không loại trừ nền kinh tế Trung Quốc sẽ có sự hạ cánh khó khăn, với nợ xấu tăng vọt, người tiêu dùng mất lòng tin, đồng NDT mất giá, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt... Để đối phó với những thách thức này, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, rót thêm vốn cho các công ty thua lỗ, những hạ tầng cơ sở không cần thiết và các khoản trả lãi nợ. Theo ước tính của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch, tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ của Trung Quốc hiện tương đương 242% GDP, tăng so với mức 217% của một năm trước. Các khoản trả lãi nợ hiện ngốn của các hộ gia đình và các công ty số tiền tương đương 20% GDP. Hệ quả là nền kinh tế sẽ thiếu sự đầu tư cho sản xuất và cuối cùng sẽ rơi vào trạng thái giảm phát kéo dài như Nhật Bản trong mấy thập niên gần đây. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Trung Quốc không thịnh vượng được như Nhật Bản. Một Trung Quốc ốm yếu sẽ kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm sút. Những quốc gia điêu đứng nhất sẽ là những nước sản xuất hàng hóa, như Brazil, vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc.

Với tiêu đề "Trật khỏi đường ray- kỷ nguyên kinh tế mới của Trung Quốc", bài viết đăng trên tờ The New York Times  lưu ý trong hai năm qua, Trung Quốc bắt đầu cho phép, thậm chí khuyến khích, các công ty, người dân đầu tư tài sản ra nước ngoài. Biện pháp này nhằm một mũi tên trúng hai đích, đó là góp phần làm giảm áp lực tình trạng giảm phát ở trong nước bắt nguồn từ tình trạng đầu tư quá nhiều và công suất dư thừa, đồng thời làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chính sách này đã bị lạm dụng: người Trung Quốc ồ ạt mua nhà và đầu tư ở hải ngoại. Ngân hàng Trung ương phản ứng bằng cách hạ giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu và khiến các khoản đầu tư ra nước ngoài trở nên tốn kém hơn và ít hấp dẫn hơn. Kết quả thu về lại là tình hình trở nên hỗn loạn. Trước giá trị đồng NDT bị mất giá tại các thị trường quốc tế, các gia đình và các công ty Trung Quốc lo ngại rằng tài sản tính bằng đồng NDT của họ sẽ bị mất giá trị, và do vậy càng đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, khiến cuộc khủng hoảng tiền tệ thêm trầm trọng. Mới trong tuần này, các nhà quản lý đã áp đặt cái gọi là cơ chế ngừng giao dịch khi cổ phiếu giảm quá mạnh nhằm ổn định thị trường chứng khoán, song trên thực tế lại càng gây hỗn loạn.

Cách phản ứng thông thường của Trung Quốc mỗi khi kinh tế gặp khó khăn là chi tiền. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, giới chức Trung Quốc đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD. Khoản tiền này được đổ vào hạ tầng cơ sở, đường cao tốc, và đã giúp Trung Quốc chống chọi với những khó khăn làm chao đảo Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Hiện Trung Quốc lại áp dụng cách làm cũ này. Trong mấy tháng qua, chính phủ đã giảm lãi suất và thực thi một loạt biện pháp để giúp kích kích tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương phản ứng trước cú lao dốc của thị trường chứng khoán bằng cách bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động cho vay. Sau cú đóng cửa đột ngột thị trường chứng khoán hôm 4/1, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tới thăm một trong những công ty quốc doanh lớn nhất và cũng đang gặp rắc rối nhiều nhất của nước này, Công ty sắt thép Taiyuan. Tại đây, ông Lý đã trấn an các công nhân và hối thúc họ "khôi phục sức mạnh và nhiệt huyết". Không đóng cửa những công ty thua lỗ đồng nghĩa với việc Trung Quốc lẩn tránh cuộc cải tổ vô cùng cần thiết. Quốc gia này cũng đang mắc nợ công chồng chất do phải duy trì sự tồn tại của những công ty kiểu này.

Với tiêu đề "Những khó khăn tài chính của Trung Quốc tác động như thế nào tới các nhà đầu tư Mỹ", bài viết trên tờ USA Today mở đầu bằng thông tin phản ứng dây chuyền từ cú lao dốc của thị trường khoán Trung Quốc đã khiến 47 tỷ phú Mỹ thiệt hại hơn 1 tỷ USD trong tuần mở đầu năm mới. Tuy nhiên, ngay sau đó bài viết đã liệt kê những lý do khiến các nhà đầu tư Mỹ không nên lo ngại trước những tác động từ thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, hầu hết các công ty Mỹ không đầu tư nhiều vào chứng khoán Trung Quốc, do đó hầu hết các nhà đầu tư có cổ phần tại các công ty nội địa Mỹ không phải chịu rủi ro trực tiếp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một thế giới được kết nối, những tác động thường có sức lan tỏa toàn cầu, do đó các thị trường có phản ứng trước mọi diễn biến dù là nhỏ nhất. Thứ hai, những dư chấn này có thể kéo dài trong vài tháng, song theo thời gian sẽ dịu bớt. Dự đoán có thể mất ít nhất là trong Quý I năm nay thì hoạt động kinh doanh tại cả Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ có cải thiện. Thứ ba, kế hoạch phát triển kinh tế cho 5 năm tới của Trung Quốc sẽ sớm được tiết lộ, và sẽ có tác động tới thị trường theo hướng tích cực. Bởi lẽ khi các nhà đầu tư có thông tin về xu hướng chính sách của Trung Quốc, thị trường sẽ bắt đầu ổn định trở lại.

Tổng hợp từ The New York Times, The Wall Street Journal, USA Today

Văn Cường (gt)