Chỉ trong ba thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ là một trong số các nước nghèo nhất thế giới thành một trong các câu chuyện phát triển thành công nhất thế giới. Công cuộc cải cách kinh tế “Đổi Mới” từ cuối thập niên 1980 đã giúp Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng toàn diện. Điều này đã góp phần vào mức tăng trưởng trung bình 7%/năm đầy ấn tượng trong giai đoạn 1991-2010. 

Bất chấp tiến triển này, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ hiện nay, các thành tựu của Việt Nam là khá mong manh. Hiện 1/3 dân số Việt Nam- khoảng 30 triệu người- đang có nguy cơ trở lại mức nghèo đói. Báo cáo chung của WB với Chính phủ Việt Nam, có tên gọi “Việt Nam 2035”, cho thấy Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các cải cách mới để thúc đẩy nền kinh tế và đạt được mức tăng trưởng mà sẽ cho phép họ giành được vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập kỷ tới. Báo cáo này được chuẩn bị với các tài liệu từ các chuyên gia Việt Nam và quốc tế. Báo cáo vạch ra một loạt biện pháp mà Việt Nam có thể tiến hành để đạt được mục tiêu tham vọng là trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong vòng một thế hệ tới. Bản báo cáo đã đưa ra ba thông điệp rõ ràng: 

Thứ nhất, Việt Nam sẽ phải có mức tăng trưởng hàng năm ít nhất là 7% để trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập kỷ tới. Mức tăng trưởng này có thể được hậu thuẫn bởi việc tăng cường đổi mới, đô thị hóa bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu. Việc thiết lập một khu vực tư nhân hiệu quả và có tính cạnh tranh hơn cũng vô cùng quan trọng. Khu vực tư nhân của Việt Nam sẽ lớn mạnh với ít rào cản cạnh tranh hơn và sẽ có thêm nhiều nguồn vốn và nguồn đất được phân bổ hiệu quả hơn. Các bước đi này sẽ giúp Việt Nam có được lợi thế của các cơ hội thương mại mới từ các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Tuy nhiên, chỉ riêng tăng trưởng là chưa đủ để thúc đẩy đời sống của tất cả người dân Việt Nam. Thông điệp thứ hai của bản báo cáo đó là xây dựng đất nước dựa trên bình đẳng và toàn diện xã hội. Báo cáo đưa ra lý do để Việt Nam phải quan tâm toàn diện đến các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội và cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu đang già hóa và thành thị hóa. Chỉ trong vòng 30 năm, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ cực nghèo từ 50% xuống còn khoảng 3%- một thành tích đáng kinh ngạc. Việt Nam giờ có cơ hội để tập trung giải quyết 3% còn lại- những người chủ yếu thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở các khu vực hẻo lánh- những người dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam phải hứng chịu các tác động khác nhau của biến đổi khí hậu; trong khi phần lớn dân số và tài sản kinh tế tập trung ở các khu vực trũng. 

WB đang giúp đỡ giải quyết thách thức này thông qua một dự án nâng cấp có thể sẽ biến các khu vực đô thị trì trệ thành các cộng đồng có khả năng chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Gần 1.000 km trong hệ thống cấp thoát nước và đường sá được làm mới hoặc nâng cấp đã giúp giảm thiểu tình trạng lũ lụt và cải thiện môi trường cho 200 vùng lân cận có thu nhập thấp. Việc trẻ em của các hộ nghèo được tiếp cận tốt hơn với giáo dục, dinh dưỡng và dịch vụ y tế cũng vô cùng quan trọng. Các cải cách khác cần bao gồm việc thiết lập một hệ thống lương hưu bền vững hơn, nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình trung học và phổ cập bảo hiểm y tế. 

Thông điệp cuối cùng của báo cáo liên quan đến vấn đề quản trị. Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để đạt được các mục tiêu đến năm 2035 thông qua cải cách quản trị toàn diện. Mặc dù chúng ta đã chứng kiến tiến triển lớn trên mặt trận này, song Việt Nam vẫn khao khát trở thành một xã hội hiện đại và dân chủ hơn. Các biện pháp này sẽ dựa trên các thể chế có trách nhiệm, minh bạch và được xây dựng vững chắc dựa trên nhà nước pháp quyền. 

Hiện rõ ràng có nhiều thách thức phía trước, song Chủ tịch Jim Yong Kim tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể đạt được chương trình nghị sự cải cách đầy tham vọng nếu Việt Nam tiếp tục khai thác tiềm năng của khu vực tư nhân và thực hiện các đề xuất trong báo cáo này. WB sẵn sàng ủng hộ tầm nhìn năm 2035 của Việt Nam về việc trở thành một xã hội công bằng, thịnh vượng và là một tấm gương điển hình cho các nước trên thế giới.

Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Văn Cường (gt)