Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân là một ví dụ lớn về sự thành công của chủ nghĩa quốc tế tự do thời hậu chiến: mặc dù có sự phổ biến các khả năng công nghệ tiềm tàng, chỉ có 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân này có phần tạo thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình bằng việc giảm các mối đe dọa và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Chế độ này cũng góp phần vào an ninh các nước cũng như các khu vực bằng việc ngăn chặn các nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Dưới một môi trường tương đối ổn định như vậy, trật tự quốc tế tự do thời hậu chiến đã giúp cho sự nổi lên của các cường quốc mới, như Nhật Bản và Đức, nhưng cũng cung cấp lý do cho sự nổi lên của đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng, có thể thấy với Trung Quốc. 

Nhưng hiện nay, trật tự quốc tế tự do này, đặc biệt là trật tự hạt nhân, đang bị thách thức. Trong khi quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân và tính hợp pháp của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đều có được sự ủng hộ chung, thì việc trung thành với hiệp ước này không phải mang tính tự động. Thực tế đơn giản này trở nên phức tạp hơn khi chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân phải đối mặt với những thách thức phổ biến vũ khí hạt nhân kéo dài và không được giải quyết của Triều Tiên và Iran . Nếu những vấn đề về phổ biến vũ khí hạt nhân này vẫn không được giải quyết, và các nhà nước như Iran và Triều Tiên có địa vị là nhà nước có vũ khí hạt nhân, các nước khác có thể không còn động lực để trung thành với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Hơn nữa, Mỹ - bên tham gia chính mà sự răn đe hạt nhân mở rộng và ưu thế lớn về công nghệ, công nghiệp và tài chính của nó đã giúp định hình chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế - đang phải đối mặt với “sự vỡ nợ chiến lược”, cái mà tác giả Michael Mazarr miêu tả là một cuộc khủng hoảng trong việc xử lý khoảng cách giữa các mục tiêu chiến lược của Mỹ và khả năng của nước này quản lý các hệ thống quốc tế. Kể từ khi các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil nổi lên, việc mất đi ưu thế về quân sự, kinh tế và công nghệ sẽ tác động đến ưu thế về tâm lý, mà có thể ngăn các nước khác ủng hộ hay liên kết họ với các thể chế toàn cầu do Mỹ lãnh đạo như chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4/2009 ở Praha, hiện nay được biết đến như là Chương trình nghị sự Praha, phần lớn được xem là một lời hứa hẹn về một thế giới lý tưởng không có vũ khí hạt nhân. Tổng thống, trong khi thừa nhận nghĩa vụ tinh thần của Mỹ lãnh đạo thế giới trong việc hiện thực hóa mục tiêu này, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có an ninh hạt nhân và sự không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, mà đòi hỏi phải có sự củng cố chặt chẽ hơn. Ông nói: “Những quy tắc cần phải ràng buộc. Những sự vi phạm cần phải bị trừng phạt”. Đồng thời, tổng thống bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển hòa bình năng lượng hạt nhân: “Không một đường hướng nào thành công nếu dựa trên cơ sở phủ nhận các quyền sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình của các quốc gia chơi theo luật”. Một đề xuất mà Obama đưa ra là thành lập ngân hàng nhiên liệu hạt nhân đa phương. Điều đó sẽ đảm bảo sự tiếp cận năng lượng hạt nhân mà không làm gia tăng các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, trong khi chấp nhận rằng thực sự là không thể áp đặt sự tham gia bắt buộc trong một cơ chế như vậy. 

Nếu Tổng thống Obama muốn tiếp thêm sức sống cho Chương trình nghị sự Praha, ông phải đối mặt với hai câu hỏi cơ bản. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến các công cụ và khuôn khổ chính sách – làm thế nào có thể khiến các nước sở hữu năng lượng hạt nhân đang nổi lên rời xa khỏi các công nghệ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là việc làm giàu và tái chế nhạy cảm, trong khi cũng đảm bảo cho họ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình? Câu hỏi thứ hai là về việc thực thi các chính sách và khuôn khổ do kết quả của điều đó: ai nên gánh lấy trách nhiệm này và chịu những chi phí của việc thực thi chính sách? Dưới ưu thế của Mỹ, câu trả lời cho câu hỏi thứ hai này là rõ ràng, nhưng những thay đổi cơ cấu đang diễn ra trong trật tự hạt nhân quốc tế và những nỗi lo sợ đang gia tăng về tình trạng vỡ nợ chiến lược của Mỹ khiến cho nó trở nên thích đáng hơn. Câu hỏi này cũng thích đáng với Nhật Bản. Nhật Bản vẫn có một vị trí đặc biệt trong trật tự hạt nhân quốc tế hiện nay với tư cách là nhà nước duy nhất không có các vũ khí hạt nhân (NNWS) sở hữu toàn bộ công nghệ chu trình nhiên liệu, là nạn nhân duy nhất của việc sử dụng có chủ đích vũ khí hạt nhân nhằm vào dân thường, và là một đồng minh của Mỹ trong các biện pháp răn đe mở rộng của nước này. Nhìn chung, Nhật Bản là nước được lợi nhiều nhất từ trật tự hạt nhân quốc tế hiện nay và là một cường quốc nguyên trạng chủ yếu nhận thấy cần phải bảo vệ và củng cố chế độ không phổ biến hạt nhân đang tồn tại. Vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I thảm họa vào tháng 3/2011 đã thúc đẩy hơn nữa Nhật Bản cân nhắc lại không chỉ các hoạt động an toàn hạt nhân và các kế hoạch điều tiết, mà còn làm thế nào để giải quyết các thách thức an ninh hạt nhân quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc không thể giải quyết được các vấn đề này có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân. Đối mặt với tình trạng vỡ nợ chiến lược của Mỹ trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, Tokyo hiện nay có thể ở vào vị trí đảm nhiệm một vai trò lãnh đạo lớn hơn nhiều trong việc tiếp sức sống và thực thi chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện thời. 

Các tiêu chuẩn và sức mạnh: cái gì định hướng chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân? 

Một số người lập luận rằng thế giới hậu đơn cực ngày nay có thể được cai trị thông qua sự hợp tác lấy mạng làm trung tâm trong các chính phủ và các thực thể phi chính phủ. Giáo sư thuộc trường Đại học Princeton G.John Ikenberry cho rằng trong khi sức mạnh Mỹ tương đối giảm trong suốt giai đoạn hậu chiến, thì sự cai trị của trật tự quốc tế đang chuyển từ trật tự bá quyền, có thứ bậc sang trật tự quốc tế tự do, bằng phẳng hơn. Theo trật tự mới này, việc duy trì và bảo vệ những lợi ích công toàn cầu, như các cơ chế tuân thủ và thực thi chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẽ trở thành một dự án chung bao gồm không chỉ các bên tham gia chính hiện nay như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, mà còn các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu có một siêu cường đơn lẻ, như Mỹ, thì việc cung cấp lợi ích công không còn có thể duy trì được. 

Cơ chế tuân thủ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay có thể được hiểu là một cấu trúc 3 lớp. Lớp thứ nhất và cũng là lớp cơ bản bao gồm NPT, các biện pháp bảo vệ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). NPT quy định các tiêu chuẩn và các quy tắc cơ bản, và các biện pháp bảo vệ của IAEA mang lại sự đảm bảo cơ bản và tối thiểu về sự tuân thủ của các nước. Tuy nhiên, như đã thấy trong các trường hợp chương trình hạt nhân Iran và Triều Tiên, IAEA không thể thực thi các biện pháp này đủ để xoa dịu những mối lo sợ về an ninh của các nước thành viên. Việc này dần dần làm xói mòn độ tin cậy của hiệp ước và cơ quan này. 

Đó là lí do tại sao phần chính thức của chế độ này cần có sự hỗ trợ từ lớp thứ hai và thứ ba: lớp thứ hai bao gồm các chính sách được thực hiện qua các khuôn khổ song phương hay đa phương trong số các nước có quan điểm giống nhau như Nhóm các nước cung cấp năng lượng hạt nhân (NSG), Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), và Nghị quyết 1540 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (UNSCR1540). Các khuôn khổ chính sách này điều chỉnh và ngăn chặn việc buôn bán hay chuyển giao trái phép các nguyên vật liệu và công nghệ nhạy cảm bởi các bên tham gia hoặc nhà nước hoặc phi nhà nước. Lớp thứ ba liên quan đến các sáng kiến chính trị và kinh tế để thuyết phục việc tuân thủ. Điều này có thể mang lại những sự khích lệ hiệu quả hơn cho việc tuân thủ và làm nản lòng ý định tách khỏi chế độ này. Chẳng hạn, biện pháp răn đe mở rộng của Mỹ cho phép các nước đồng minh tập trung vào việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự bằng việc giảm các mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ các đối thủ có vũ khí hạt nhân tiềm tàng. Trong các trường hợp không tuân thủ, các nước sở hữu năng lương hạt nhân cung cấp công nghệ và nguyên liệu có thể ngừng hợp tác và rút khỏi các nước tiếp nhận. Trong một kịch bản khác, mặc dù gây tranh cãi, trường hợp Iraq đã chứng tỏ rằng việc theo đuổi WMD (Vũ khí hủy diệt hàng loạt) có thể gây ra hành động của các nhà nước khác nhằm thay thế chính phủ có liên quan. 

Về mặt lịch sử, Mỹ là nhà kiến tạo trật tự hạt nhân quốc tế và đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình xây dựng và duy trì nó bằng việc mang lại các ý tưởng chính sách mới và đưa ra các sáng kiến. Gần đây, sự nhấn mạnh của Mỹ là làm thế nào để củng cố việc thực thi và tuân thủ. Các ý tưởng chính sách của Mỹ bao gồm PSI, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Quan hệ đối tác toàn cầu G8, và ngân hàng nhiên liệu đa phương. Cái được gọi là Thỏa thuận 123, được lấy tên của Mục 123 trong Đạo luật năng lượng nguyên tử Mỹ năm 1954, là công cụ quan trọng nhất: nó tạo ra sự cần thiết phải có một thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ và các nước khác như là điều kiện tiên quyết cho bất cứ thỏa thuận nào về hạt nhân. Biện pháp này có thể có hiệu quả nếu Mỹ đặc biệt có khả năng mang lại các những sự khích lệ và thực thi các kết quả của sự không tuân thủ. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận 123 với nhiều nước khác nhau, Washington đối mặt với sự phản đối từ các đối tác tiềm tàng, những nước nhận thấy tình trạng căng thẳng giữa quyền không thể nhượng lại theo đuổi năng lượng hạt nhân hòa bình và tiêu chuẩn của không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngay cả với những nước bạn thân thiết như Saudi Arabia và Hàn Quốc, các thỏa thuận không dễ dàng có được. Chẳng hạn, vì đề xuất của Mỹ với Saudi Arabia đặt ra quá nhiều hạn chế về kiểu phát triển năng lượng hạt nhân được phép, Riyadh tìm kiếm một thỏa thuận theo kiểu Ấn Độ, cụ thể từng nước như thỏa thuận cho phép Ấn Độ tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có xuất xứ Mỹ, thay vì một thỏa thuận tiêu chuẩn mà Mỹ có chẳng hạn với UAE. Quả thật, trong quá trình củng cố, chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân này đã bị gắn chặt vào một tình thế bế tắc lớn: Làm thế nào có thể thúc đẩy việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân trong khi củng cố việc không phổ biến và an ninh hạt nhân? 

Một sáng kiến không phổ biến vũ khí hạt nhân khác mà Mỹ ủng hộ là cơ chế kiểm soát chu trình nhiên liệu đa phương. Dàn xếp này mang lại một sự khích lệ (sự đảm bảo nguồn cung nhiên liệu) để đổi lấy việc một nhà nước tình nguyện từ bỏ công nghệ chu trình nhiên liệu hạt nhân quốc gia. Bằng việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu hạt nhân trong trường hợp việc vận chuyển nhiên liệu bị gián đoạn, cơ chế này tìm cách mang lại cho các nhà nước một sự khích lệ để từ bỏ chu trình nhiên liệu hạt nhân quốc gia. Tuy nhiên, một số nước thuộc Phong trào không liên kết (NAM) bày tỏ thái độ hết sức lo ngại về khái niệm này do nó có thể đóng cửa cơ hội có được các chu trình nhiên liệu hạt nhân trong tương lai và cho phép Mỹ can thiệp vào chính sách năng lượng nội bộ của một nước. Tuy nhiên, sự suy giảm tương đối ảnh hưởng của Mỹ có những hậu quả đối với khả năng của nước này tạo ra các sáng kiến chính sách mới như các sáng kiến này và đối với việc định hướng cách ứng xử của cá nhân các nước. Nếu Mỹ không thể duy trì đủ sức mạnh để làm đòn bẩy cho cách ứng xử của các nước khác đối với việc tuân thủ, thực thi các quy tắc và mang lại những sự khích lệ, cả trên mặt trận an ninh lẫn kinh tế, thì nước này sẽ mất đi khả năng định hình trật tự quốc tế và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể phải gánh chịu. 

Những thay đổi về cấu trúc trong thị trường năng lượng hạt nhân 

Trung tâm sức mạnh của hoạt động chính trị năng lượng hạt nhân thế giới đang thay đổi theo 3 cách. Thứ nhất, nhu cầu mới đang đến từ các nước mới nổi, thay vì là các cường quốc thông thường. Thứ hai, bên có nhu cầu có thể giành được nhiều tác động đòn bẩy hơn đối với bên cung cấp. Thứ ba, các nước mới nổi cũng đang trỗi dậy với tư cách là các nước cung cấp mới. Sau vụ tai nạn Fukushima vào tháng 3/2011, các nước châu Âu như Đức, Italy và Thụy Sĩ lựa chọn từ bỏ năng lượng hạt nhân. Một số nước đang phát triển đã lên kế hoạch đưa vào sử dụng năng lượng hạt nhân cũng tiến hành xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân của họ. Nhưng vụ tai nạn đó đã không tác động lớn đến nhu cầu toàn cầu đối với năng lượng hạt nhân. Nhiều nước ở châu Á, châu Phi, và Trung Đông vẫn có ý định đưa ra các chương trình năng lượng hạt nhân. Một bản báo cáo của IAEA ước tính công suất phát điện hạt nhân ở Trung Đông và Nam Á sẽ tăng lên gấp 10 lần từ năm 2010 đến năm 2030. Trong cùng giai đoạn, công suất của miền Viễn Đông sẽ tăng lên gấp 3 lần. Cụ thể hơn, Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA) dự tính rằng cho tới năm 2030, Trung Quốc sẽ tăng công suất điện hạt nhân của mình từ 40 đến 100 GW (hiện nay, Trung Quốc có công suất 13GW và vận hành từ 35 đến 100 lò phản ứng). Ấn Độ sẽ tăng từ 10 đến 25 GW (hiện nay đang vận hành ở mức 4GW với 20 đến 70 lò phản ứng). Công suất điện hạt nhân cũng được dự báo tăng lên ở Nga và Triều Tiên, những nước đã tạo ra điện hạt nhân trên quy mô lớn và đã giành được nhiều hợp đồng cung cấp lò phản ứng hạt nhân, như có thể thấy trong các thỏa thuận giữa Nga và Việt Nam hay giữa Triều Tiên và UAE. UAE và Việt Nam , cùng với các nước mới nổi khác, có thể bắt đầu tạo ra điện hạt nhân trong 10 năm tới. 

Những xu hướng này làm phát sinh một số câu hỏi. Thứ nhất, các cường quốc giữ nguyên trạng có thể duy trì đòn bẩy đủ để khiến các cường quốc mới nổi này chấp nhận các quy tắc và tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân chặt chẽ và đôi khi là tốn kém hay không? Thứ hai, nếu sự suy sụp tương đối của các cường quốc nguyên trạng là không thể tránh khỏi, thì liệu các nước mới nổi lên này có sẵn sàng hợp tác để duy trì trật tự không phổ biến bằng việc chia sẻ gánh nặng hay không? Thứ ba, nếu các câu trả lời cho các câu hỏi này là không, thì điều gì xảy ra đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế? Hơn nửa thế kỷ trước, trong học thuyết chuyển giao quyền lực của mình, A.F.K.Organski cho rằng trừ khi Mỹ, một cường quốc nguyên trạng thống trị, cho thấy sự linh hoạt trong việc cho phép Trung Quốc, một nhà nước thách thức, đóng “vai trò thống trị ít nhất ở Viễn Đông”, một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra. Mặc dù một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là không có khả năng xảy ra, tình trạng căng thẳng gia tăng giữa hai siêu cường này trong nhiều lĩnh vực khác nhau có thể hạn chế khả năng của Mỹ định hình các mối quan hệ quốc tế. Làm thế nào để đưa sự trỗi dậy của Trung Quốc vào sự cai trị toàn cầu là một câu hỏi quan trọng nhất mà thế giới đương đại hiện nay đang phải đối mặt. 

Trung Quốc và các nước mới nổi khác có ba diện mạo. Thứ nhất, họ là những nước được lợi nhất từ trật tự quốc tế tự do đang tồn tại. Thứ hai, họ (đặc biệt là Trung Quốc) có thể được xem là các đối thủ tiềm tàng thách thức ưu thế của Mỹ trong trật tự đó khi họ phát triển các khả năng quân sự, kinh tế và công nghệ. Nhưng sự sụp đổ ưu thế của Mỹ, nếu nó mang lại sự mất trật tự quốc tế, sẽ gây hại lớn đến sự phát triển hơn nữa của họ, cái phụ thuộc vào một môi trường chính trị và kinh tế thế giới ổn định. Thứ ba, các nước mới nổi duy trì bản tuyên ngôn của nước đang phát triển, nhấn mạnh định hướng mạnh mẽ hướng tới nguyên tắc không can thiệp. Chẳng hạn, ngược lại với hình ảnh của một siêu cường đang trỗi dậy, Trung Quốc bận tâm với việc đáp ứng các yêu cầu trong nước về chính trị, xã hội và kinh tế mà đôi khi bóp méo mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác. Các nước mới nổi có thể đóng góp ở mức độ nào vào sự cai trị toàn cầu trong một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn? 

Trong trường hợp Trung Quốc, thành tích lẫn lộn về tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát xuất khẩu khiến câu trả lời này trở nên khó khăn. Theo một quan chức thuộc Chi cục Hải quan Đại Liên, vào tháng 7/2009, 2 tháng sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng cấp những sự trừng phạt chống Triều Tiên, 70 kg vanađi đã được tìm thấy ở thành phố biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Vanađi được sử dụng để gia cố thép, có thể được sử dụng để chế tạo tên lửa hay có thể là các lò phản ứng hạt nhân. Người ta có thể hiểu sự kiện này có nghĩa là việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tiếp diễn. Xét cho cùng, Trung Quốc đã cung cấp các lò phản ứng cho Pakistan , đang lên kế hoạch sẽ cung cấp thêm, và đã đồng ý cung cấp một lò phản ứng nghiên cứu cho Sudan vào năm 2020. Mặt khác, việc giới chức Trung Quốc tiết lộ vụ việc này có thể cho thấy sự sẵn sàng của Trung Quốc tuân thủ cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế hiện nay. 

Tuy nhiên, trong một trường hợp phổ biến vũ khí hạt nhân khác, Trung Quốc miễn cưỡng cho thấy có trách nhiệm. Một báo cáo của ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc đã đề cập đến một cáo buộc rằng một công ty Trung Quốc, được cho là có liên hệ với một trong các đơn vị thuộc Quân Giải phóng nhân dân đã bán 4 xe tải dài 21 mét – có khả năng vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo – cho Triều Tiên. Trung Quốc (cùng với Nga) cũng tìm cách giảm bớt những sự trừng phạt của Liên hợp quốc chống Triều Tiên và Iran , và duy trì các mối quan hệ kinh tế với các nước đó. Thái độ nước đôi như vậy trong hoạt động không phổ biến vũ khí hạt nhân cho thấy thế giới không thể dựa vào cam kết kiên định của Trung Quốc củng cố cơ chế không phổ biến. Đồng thời, việc nước này tham gia cơ chế gần như là điều kiện tiên quyết để có thành công trong một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ. 

Các chế độ dân chủ đang trỗi dậy như Ấn Độ cũng tỏ thái độ nước đôi về việc hoàn toàn ủng hộ sự lãnh đạo của Mỹ để thúc đẩy các mục tiêu này, đặc biệt là khi nó đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao cưỡng bức và những sự trừng phạt về kinh tế, và việc sử dụng vũ lực. Mặc dù mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ đã trở thành một chiến lược chung, phổ biến trong số các chuyên gia an ninh quốc gia, về các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, Ấn Độ không hoàn toàn tán thành chính sách của Mỹ đối với Iran. Nước này tiếp tục nhập khẩu dầu lửa từ Iran và xuất khẩu dầu đã tinh chế, bất chấp việc Mỹ yêu cầu ngừng hoạt động này, điều đã làm suy yếu những nỗ lực trừng phạt về kinh tế. Vào tháng 5/2010, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil tìm cách đưa ra sáng kiến của chính họ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran . Những nước này tích cực phát triển chiến lược ngoại giao của họ nhằm tránh phụ thuộc vào một cường quốc đơn lẻ, trong khi duy trì các mối quan hệ kinh tế và chiến lược đa hướng. Nhà phân tích Ian Bremmer đã miêu tả họ là “các nhà nước then chốt” dựa trên hành vi ngoại giao chiến lược của họ, mà thậm chí có thể quyết định số phận của hệ thống quốc tế. 

Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã có một thỏa thuận với Iran, trao đổi 1.200 kg urani được làm giàu ở cấp độ thấp của Iran với 120 kg urani được làm giàu 20% để đổi lấy 1 lò phản ứng nghiên cứu. Thỏa thuận này không được EU 3+3 tán thành và không mang lại một giải pháp. Tuy nhiên, nó đã nhấn mạnh một thực trạng rằng các cường quốc thông thường (như EU 3+3) cho đến nay không thể làm trung gian cho một giải pháp. Nếu một khuôn khổ thay thế, như một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran, có thể tỏ ra hiệu quả hơn, thì đó sẽ là một cú giáng vào các thể chế toàn cầu đang tồn tại mà Mỹ và các cường quốc thông thường khác lãnh đạo. Với sự trỗi dậy của các nhà nước mới nổi với tư cách là các bên tham gia chính trong hoạt động chính trị hạt nhân quốc tế, việc sử dụng ảnh hưởng thông qua sự hợp tác song phương với các nhà nước mục tiêu cũng có thể làm mất đi lực đòn bẩy để xui khiến hành vi các nước đó. Phụ thuộc vào các điều kiện của các thỏa thuận hạt nhân mang tính hợp tác, các bên tham gia có thể có các lựa chọn khác, tốt hơn là lựa chọn Mỹ làm đối tác. Chẳng hạn, Nga hiện nay là nhà cung cấp lớn nhất trên thị trường nhiên liệu hạt nhân thế giới. Moskva đã ban hành luật cho phép nước này lấy lại nhiên liệu đã qua sử dụng và rồi đem bán cho các nước khác như “một nguồn nhiên liệu”.

Các nước khác sau đó có thể tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng này để thu lấy plutoni. So sánh với Mỹ, có luật pháp trong nước ngăn cản nước này chấp nhận nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nước khác, Nga có thể được xem là vượt trội hơn Mỹ trong việc sở hữu nhiều sự khích lệ hơn và các lựa chọn chính sách rộng rãi hơn trong công việc kinh doanh năng lượng quốc tế. Nga cũng linh hoạt hơn trong việc kết hợp các thỏa thuận hạt nhân với những sự khích lệ khác. Chẳng hạn, thỏa thuận 2010 của Nga với Việt Nam được cho là đi kèm với việc bán thiết bị quân sự, bao gồm các tàu ngầm. Nếu các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ bước vào việc kinh doanh năng lượng hạt nhân và đưa ra các điều kiện tương tự, nới lỏng hơn đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, sự an toàn và an ninh, Mỹ và Nhật Bản (những nước cũng có những điều kiện nghiêm ngặt hơn) có thể gặp khó khăn hơn trong việc giành được các hợp đồng. Một câu hỏi cơ bản trong trung hạn là trong chừng mức nào các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thỏa hiệp các lợi ích quốc gia của họ, cũng như hệ thống giá trị của chính họ, vì lợi ích của việc củng cố các tiêu chuẩn không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều không chắc chắn là liệu họ có sẵn sàng dành các chi phí quốc gia này, cũng như định hướng của họ ưu tiên các lợi ích quốc gia của mình theo thế giới quan Westphalia về thế giới, để cung cấp các lợi ích công và duy trì trật tự không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. 

Những xu hướng mang tính cấu trúc trong các hoạt động kinh tế, chính trị và các vấn đề quân sự đang làm xói mòn mức độ vượt trội của Mỹ và sự duy trì mô hình ảnh hưởng hiện nay của Mỹ. Để duy trì sự kiểm soát hiệu quả những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ và các nước có cùng quan điểm phải thiết kế và đưa ra một cơ chế khen thưởng và kỷ luật mới, mà Mỹ có thể xử lý sự suy giảm tiềm tàng của mình trong thị trường trong khi duy trì ảnh hưởng của mình trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay. Bất chấp những thách thức đã được nói đến phía trên, một cơ chế không phổ biến mới như vậy cần phải làm việc với một hoạt động lớn hơn các nhà nước bao gồm các đồng minh, các đối tác, và thậm chí cả các nước không thật có cùng quan điểm. 

Nhật Bản với tư cách là một bên tham gia nước đôi 

Những thay đổi về cấu trúc như vậy trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của Nhật Bản trong chúng? Khi Chương trình nghị sự Praha được đưa ra, Nhật Bản đã nhiệt tình chào đón nó. Bài diễn văn đó xuất hiện đồng thời với sự ra đời một chính quyền mới trong đảng Dân chủ Nhật Bản, lần đầu trở lại nắm quyền kể từ năm 1955 (ngoại trừ một giai đoạn ngắn vào năm 1993). Trên thực tế, việc theo đuổi một thế giới không có hạt nhân đã trở thành một chương trình nghị sự chính sách đối ngoại chính của chính phủ mới, một phần bởi vì việc giải trừ vũ khí hạt nhân là chương trình nghị sự cả đời của Ngoại trưởng Katsuya Okada. Tuy nhiên, mối quan hệ tổng thể giữa Nhật Bản và Mỹ trong 4 năm qua là không dễ dàng. Các vấn đề nổi cộm đã gây ra sự rạn nứt, như việc di chuyển căn cứ Hải quân Mỹ ở Futenma, Okinawa , và Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng về các vấn đề hạt nhân, sự hiểu biết lẫn nhau được làm sâu sắc thêm, bao gồm việc duy trì sự răn đe mở rộng ngay cả khi vai trò của vũ khí hạt nhân giảm đi trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Nó cũng làm tăng mức độ hợp tác trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như việc nghiên cứu và phát triển công nghệ an ninh hạt nhân. 

Trong các thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương, Nhật Bản nhấn mạnh Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định đảm bảo toàn diện của IAEA như là điều kiện tiên quyết cho việc ký kết các thỏa thuận. Nghị định thư bổ sung củng cố và mở rộng các biện pháp đảm bảo của IAEA để xác minh rằng các nhà nước không sở hữu vũ khí hạt nhân tôn trọng triệt để NPT và chỉ theo đuổi công nghệ hạt nhân hòa bình. Ngoại trừ một hiệp ước với Ấn Độ và một sự bất đồng với Brazil, tất cả các thỏa thuận song phương của Nhật Bản đã mang lại sự cam kết của các bên tham gia phê chuẩn Nghị định thư bổ sung. (Cả Ấn Độ lẫn Brazil đều từ chối yêu cầu của Nhật Bản phê chuẩn Nghị định thư bổ sung, khi Ấn Độ tìm kiếm một địa vị đặc biệt tương tự như thỏa thuận Mỹ-Ấn Độ, và Brazil công khai tuyên bố không tán thành Nghị định thư bổ sung (AP) bởi vì họ khăng khăng đòi các biện pháp đảm bảo trong Cơ quan kê khai và kiểm soát nguyên liệu hạt nhân Brazil-Argentine (ABACC) cần phải được công nhận là tương đương với AP). Trong các diễn đàn đa phương, Nhật Bản cũng ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng phổ biến Nghị định thư bổ sung và tạo ra một tiêu chuẩn thẩm tra. Việc làm này phù hợp với Hiệp định 123 của Mỹ. Tuy nhiên, như đã đề cập phía trên, một số nhà nước phản đối mạnh mẽ Nghị định thư bổ sung, các Hiệp định 123, hay bất cứ thứ gì có thể cản trở sự phát triển năng lượng hạt nhân trong tương lai. Trong những trường hợp như vậy, việc Nhật Bản và Mỹ không thể duy trì lợi thế về công nghệ của mình và một phần đáng kể trong thị trường lò phản ứng hạt nhân sẽ hạn chế khả năng của họ định hình các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế. Do đó, một nguyên tắc trong ngoại giao hạt nhân của Nhật Bản để ủng hộ Chương trình nghị sự Praha là tiêu chuẩn hóa việc kinh doanh năng lượng hạt nhân quốc tế và tiêu chuẩn xuất khẩu không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Mỹ và Nhật Bản đã có một số bất đồng, như những sự trừng phạt kinh tế chống Iran. Do Nhật Bản nhập khẩu xấp xỉ 10% dầu lửa từ Iran , Tokyo thận trọng trong việc thực thi một lệnh cấm vận dầu lửa mạnh mẽ. Nhưng Nhật Bản đã nhanh chóng nghĩ lại, và sớm cùng Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt những sự trừng phạt này. Những khác biệt khác liên quan đến các kho dự trữ plutoni và chính sách chu trình nhiên liệu hạt nhân. Khoảng cách giữa hai nước về các vấn đề này lần đầu tiên trở nên rõ ràng vào cuối những năm 1970 khi Mỹ dưới thời Chính quyền Carter đã bắt đầu áp đặt những rào chắn đối với các chính sách chu trình nhiên liệu của Nhật Bản (và châu Âu) bằng việc gây áp lực buộc Nhật Bản phải ngừng hoạt động Nhà máy tái chế Tokai. Mặc dù Mỹ hy vọng tạo ra một sự đồng thuận quốc tế rằng các chu trình nhiên liệu không nên sử dụng cái gọi là các công nghệ, các phương tiện, và nguyên liệu “nhạy cảm”, một liên minh quốc tế mạnh mẽ (bao gồm cả Nhật Bản) chống lại việc này. Nhật Bản, nước đã trải qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên, tìm kiếm quyền độc lập hơn trong chính sách năng lượng và tin tưởng vào quyền không thể chuyển nhượng sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; việc hạn chế công nghệ chu trình nhiên liệu là không thể chấp nhận được. Cuối cùng, Nhóm Đánh giá chu trình nhiên liệu quốc tế (INFCE) đã quyết định rằng bất cứ nước nào cũng có thể tiếp cận được công nghệ này miễn là họ tuân thủ các quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Việc gia hạn vào năm 1988 Hiệp định hợp tác hạt nhân Mỹ-Nhật Bản 1968 đã chứng tỏ thái độ vững chắc của Mỹ ủng hộ chương trình chu trình nhiên liệu của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã đàm phán thành công với Chính phủ Mỹ để nhận được (sự ủng hộ chung/toàn diện) “đồng thuận theo quy trình” cho việc sử dụng các nguyên liệu phân hạch và công nghệ hạt nhân được chuyển giao từ Mỹ, mà không cần có sự thông qua từng trường hợp một dành cho mỗi hoạt động. Đó là sự củng cố vị trí đặc biệt của Nhật Bản trong chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là nhà nước không có vũ khí hạt nhân duy nhất mà có toàn bộ một chương trình chu trình nhiên liệu hạt nhân. Với lịch sử đàm phán song phương tương đối bất thường này, câu hỏi đặt ra cho thế hệ gần đây nhất là liệu Nhật Bản có thể đem lại một mô hình mẫu cho các nhà nước không có vũ khí hạt nhân khác tuân theo chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân không (nếu địa vị đặc biệt của Nhật Bản được xem là một phần thưởng cho việc tuân thủ hoàn toàn các tiêu chuẩn và quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân), hay liệu đó có phải là một ngoại lệ hay không do tính độc nhất của nó. Câu hỏi này đã trở nên thích đáng hơn nhiều với “sự phục sinh hạt nhân” vào giữa những năm 2000, và đã trở nên thậm chí còn phức tạp hơn sau vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong khi tuyên bố rằng cam kết mạnh mẽ của Nhật Bản đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (như việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo của IAEA) là sự chứng thực cho việc sở hữu công nghệ chu trình nhiên liệu hạt nhân, bản thân Nhật Bản ủng hộ “một đường hướng dựa trên tiêu chuẩn” chấp nhận quyền của mỗi nước theo đuổi các hoạt động hạt nhân, bao gồm các chu trình nhiên liệu, chỉ cần họ tuân thủ những đòi hỏi sử dụng hòa bình. Việc này cho thấy rằng Nhật Bản muốn tự thúc đẩy mình với tư cách là một hình mẫu. 

Quả thật, Nhật Bản tạo ra một mô hình lý tưởng: nước này nổi lên từ sự thù địch trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, đã thực hiện sự phục hồi thành công và đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý, và đã đàm phán về những sự đảm bảo răn đe mở rộng với Mỹ. Mặc dù Nhật Bản có tiềm năng công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân, nước này đã quyết định không phát triển chúng và các chính phủ kế tiếp nhau đã tuyên bố rõ ràng là không có tham vọng trở thành một nhà nước vũ trang vũ khí hạt nhân trong 3 nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân của nó kể từ năm 1968. Hơn nữa, Nhật Bản là một thành viên tận tâm của nhiều chế độ kiểm soát xuất khẩu hạt nhân như Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, NSG và PSI. Sự đóng góp của Nhật Bản vào tính hợp pháp của chế độ hiện nay không phải là nhỏ. Nhưng sau vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tính bền vững của “mô hình Nhật Bản” cũng đang chịu thách thức. Chắc chắn, kho dự trữ plutoni của Nhật Bản là mối lo ngại lớn khi sự thu hẹp khu vực năng lượng hạt nhân toàn cầu, cùng với lý do căn bản về kinh tế đáng ngờ, làm lu mờ lý do tồn tại chương trình chu trình nhiên liệu sử dụng plutoni lấy lại được từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng như là nhiên liệu để phục vụ cho lò phản ứng nước nhẹ. Về mặt lý thuyết, nó cũng gây ra nguy cơ khủng bố hạt nhân và sự phổ biến vũ khí hạt nhân tiềm tàng. Thật mỉa mai, Nhật Bản cần hợp tác với Mỹ và thế giới trong việc tìm ra cách để vượt qua sự bế tắc giữa quyền không thể chuyển nhượng được đối với công nghệ hạt nhân và tính hiệu quả của chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà Nhật Bản tin rằng đã khắc phục được bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ của IAEA. 

Cũng xuất hiện các câu hỏi về kiểu “mô hình Nhật Bản”. Tokyo theo giả thiết có thể đưa ra một kiểu mô hình không phổ biến vũ khí hạt nhân mới bằng việc đơn giản là từ bỏ chương trình chu trình nhiên liệu của mình, nhưng không có sự đảm bảo rằng các nước như Iran sẽ từ bỏ việc làm giàu urani của họ bởi vì quyết định của Nhật Bản. Trên thực tế, rất không có khả năng các nước khác sẽ đi theo. Các nhà nước đưa ra các quyết định dựa trên những tính toán chi phí-lợi ích và động lực chính trị trong nước của riêng họ. Trong nhiều thập kỷ, việc xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng là một vấn đề chung toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á. Thay vì đơn giản là từ bỏ chương trình của mình (và có thể cho là bất cứ vai trò lãnh đạo tiềm năng nào) và tách mình ra khỏi vấn đề rắc rối là duy trì kho dự trữ an toàn và việc bố trí các kho dự trữ plutoni, Nhật Bản nên cam kết thảo luận và thực hiện các giải pháp cho thách thức này, đóng một vai trò có trách nhiệm trong xã hội toàn cầu. Giải pháp cho vấn đề này trong ngắn hạn sẽ được rút gọn thành xác định và quyết định vị trí các địa điểm chứa chất thải cuối cùng và đảm bảo khả năng lưu giữ tạm thời ở mỗi nước có năng lượng hạt nhân. Trong trung và dài hạn, nó có thể đòi hỏi phải có các khuôn khổ chính sách quốc tế đổi mới hơn và sự phát triển công nghệ mới cấp khu vực và toàn cầu, mà sẽ đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế rộng hơn và chặt chẽ hơn nhiều theo một tầm nhìn được chia sẻ. Bất kể lựa chọn chính sách năng lượng hạt nhân nội địa nào, Nhật Bản cũng phải duy trì cam kết đóng vai trò quốc tế hàng đầu để đảm bảo sự không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân. 

Hướng tới một Nhật Bản toàn cầu hóa hơn 

Theo đuổi cả sự không phổ biến vũ khí hạt nhân chặt chẽ hơn lẫn quyền tiếp cận không phân biệt đối xử với việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân – mà không làm phương hại đến mỗi một trong những việc này – là một trong những thách thức khó khăn nhất trong Chương trình nghị sự Praha. Do việc thay đổi cấu trúc tiêu chuẩn hiện nay bằng việc cấm tiếp cận công nghệ chu trình nhiên liệu nhạy cảm là không thực tế, các nước thay vào đó phải tìm cách đảm bảo và tăng cường độ tin cậy của việc thực thi, trong trường hợp có vi phạm, và tăng cường sức hút của những sự khích lệ đối với việc tuân thủ. Bằng việc chứng tỏ khả năng của mình duy trì một chu trình nhiên liệu hạt nhân, tuy thế vẫn tuân thủ các biện pháp bảo vệ đang gia tăng này và vẫn là một nhà nước không có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản có thể là nước duy nhất được xác định là hình mẫu về vai trò cho các cường quốc mới nổi. Những thay đổi cấu trúc trong trật tự hạt nhân quốc tế đang diễn ra. Mỹ và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân do Mỹ lãnh đạo đối mặt với các thách thức về khoảng cách đang ngày càng mở rộng giữa các mục tiêu chiến lược của họ và độ tin cậy của việc thực hiện các mục tiêu như vậy trước các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách là các bên tham gia chính trong các thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế, và Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước cùng với Trung Quốc và Ấn Độ cư xử như “các nước chủ chốt”. Mối quan hệ với các nước này đặc biệt quan trọng do họ có thái độ nước đôi đối với các giá trị và tiêu chuẩn mà Mỹ thúc đẩy cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đối mặt với tình trạng không chắc chắn lớn về mức độ mà các nước này chia sẻ những giá trị của chế độ hiện nay và ưu tiên không phổ biến vũ khí hạt nhân của nó, Nhật Bản cần phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế. Trước hết, Nhật Bản, sau khi đã trải qua các thảm họa hạt nhân phức tạp, phải chia sẻ những phát hiện và những bài học mà nước này đã học được. Việc này bao gồm các tiêu chuẩn đóng cửa và khử độc, và sức khỏe cộng đồng. 

Thứ hai, chính sách hạt nhân Nhật Bản cần xem xét đến sự cân bằng plutoni. Cho đến nay, Nhật Bản đã tích lũy được một lượng đáng kể plutoni đã phân tách ở cả trong lẫn ngoài nước (ở Anh và Pháp). Quả thật, có áp lực đang leo thang từ xã hội dân sự cả ở trong Nhật Bản lẫn trên toàn cầu chống lại việc tiếp tục lại hoạt động của các cơ sở chu trình nhiên liệu như nhà máy tái chế Rokkasho và Monju, một lò phản ứng tái sinh nhanh kiểu nguyên thủy. Đòi hỏi toàn cầu cũng đang tăng lên muốn Nhật Bản chịu trách nhiệm nhiều hơn về việc hoặc sử dụng hoặc hủy bỏ kho dự trữ plutoni đã phân tách, khi chương trình sử dụng plutoni của Nhật (sử dụng nhiên liệu ôxít tạp, thường chứa plutoni, trong các lò phản ứng nước nhẹ hiện nay) đã bị ngừng lại sau vụ Fukushima, và việc xem xét lại chương trình chu trình nhiên liệu hạt nhân vẫn chưa được hoàn thành. Một ý tưởng đáp ứng các đòi hỏi này là ngừng hoạt động Rokkasho và Monju, và đặt plutoni đã phân tách vào thùng dự trữ khô. Để giúp đạt được một thế giới không có nguy cơ hạt nhân, Nhật Bản nên hợp tác với Anh, Pháp và các nước khác có các mối quan ngại tương tự về việc bố trí kho plutoni, đặc biệt là ở châu Á. Việc thảo luận và xem xét những lựa chọn thay thế cụ thể như việc sử dụng các nhiên liệu ôxít tạp, kho chứa dài hạn, chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D), và việc tận dụng các lò phản ứng tốc độ nhanh có thể đem lại một điểm khởi đầu . 

Thứ ba, dưới những sự kiềm chế và bế tắc như vậy (nổi bật là vụ tai nạn Fukushima), giải pháp cho cơ chế kiểm soát chu trình nhiên liệu đa phương – như chương trình R&D đa phương về các công nghệ chu trình nhiên liệu hạt nhân hay sự sở hữu và quản lý đa phương các dịch vụ chu trình nhiên liệu hạt nhân, trong khi tăng cường tính minh bạch giữa các nước trong khu vực – đang trở nên thực tế hơn đối với Nhật Bản so với trước đây. Các đường hướng đơn phương không thể đảm bảo đầy đủ trách nhiệm quốc tế hay đảm bảo tìm ra một giải pháp thực tế. Việc đặt vấn đề này vào bối cảnh toàn cầu và việc tăng sự dính líu của các yếu tố quốc tế vào các vấn đề nội bộ của Nhật Bản hẳn đem lại định hướng đúng đắn cho một giải pháp. Có sự mong đợi ngày càng tăng trong cộng đồng chính sách hạt nhân rằng đường hướng đa phương cho sự kiểm soát chu trình nhiên liệu có thể cứu Rokkasho và Monju khỏi bị loại bỏ. Chắc chắn là nếu nhà máy tái chế Rokkasho có thể vận hành như là trung tâm khu vực cho việc xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, mà các nước sử dụng năng lượng hạt nhân trong khu vực sẵn sàng tham gia để đổi lấy việc từ bỏ trước các chương trình chu trình nhiên liệu quốc gia của họ, thì điều đó sẽ tăng cường mạnh mẽ một mục tiêu chủ yếu của không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu kiểu biện minh do chính trị thúc đẩy này có thể trở thành một nhân tố chính quyết định vận mệnh của chương trình chu trình nhiên liệu của Nhật Bản, việc làm đó sẽ dẫn đến những hậu quả thảm họa đối với cả hoạt động chính trị hạt nhân trong nước lẫn trong sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào tư thế không phổ biến vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Thiếu trách nhiệm và sự minh bạch trong việc sử dụng hay hủy bỏ kho dự trữ plutoni, chương trình chu trình nhiên liệu của Nhật Bản có thể mất đi tính hợp pháp trong nước và quốc tế. 

Nếu Nhật Bản đơn giản là dự định từ bỏ chương trình chu trình nhiên liệu hạt nhân, thì việc này sẽ không giúp tăng cường vai trò của Nhật Bản trong việc củng cố trật tự không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế cùng với Chương trình nghị sự Praha. Chính sách năng lượng hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Nhật Bản cũng như khả năng công nghệ và công nghiệp nước này đã được gắn với trật tự hạt nhân quốc tế. Việc Nhật Bản rút lui có thể tạo ra một khoảng trống để một nước nào khác có thể lấp chỗ trống. Hơn nữa, nếu Mỹ mất đi những đóng góp không phổ biến vũ khí hạt nhân đáng ca ngợi của Nhật Bản – như việc nước này cam kết đầy đủ xuất khẩu các biện pháp kiểm soát ở trong nước và ngoài nước, nghiên cứu và phát triển các phương pháp kỹ thuật bảo vệ trong các cơ sở chu trình nhiên liệu, và ủng hộ các sáng kiến chính sách mới – việc đó sẽ giảm khả năng của nước này gây ảnh hưởng hoàn toàn lên hành vi của các nước khác. Trong bất cứ kịch bản nào, vai trò của Nhật Bản sẽ là quan trọng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự Praha. Tokyo có thể đóng vai trò như một hình mẫu về vai trò cho các cường quốc mới nổi cho thấy có thể là một nhà nước có chủ quyền có chu trình nhiên liệu hạt nhân và tuân thủ các biện pháp bảo vệ ngày càng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân và lợi ích công của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu./. 

Theo “Washington Quarterly”, số Xuân năm 2013

Viết Tuấn (gt)