Một thế lực kinh tế mới sẽ sớm chen chân vào khu vực ASEAN. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Hà Nội vừa qua, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cùng những người đồng cấp khu vực Thái Bình Dương đã công bố dự án hạ tầng CADP nhằm thúc đẩy toàn diện kinh tế châu Á (mà chủ yếu là Đông Nam Á) trong vòng 5 năm tới. 


Sau khi thế chân Nhật Bản ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2010, sự nổi lên của Trung Quốc tại Đông Nam Á từ vài năm qua là xu thế không thể đảo ngược. Đơn cử như tại Campuchia, các dự án của Trung Quốc đã được phê chuẩn lên tới con số 5,6 tỉ USD (từ 1994 đến nửa đầu năm 2008), gần bằng tổng giá trị đầu tư của Campuchia cho cả nền kinh tế nước này. So sánh trong cùng giai đoạn, Nhật Bản chỉ rót vào đây con số 136,3 triệu USD nhỏ nhoi. Theo thống kê của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), con số này chỉ chiếm 0,7% của tổng giá trị đầu tư của Campuchia. Tại Lào, Việt Nam và Mianma, câu chuyện lại càng tương tự. Nhưng trong số những đối thủ đồng cân đồng lạng như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng hướng về khu vực “sân nhà” ASEAN - như là một phần của dự án hạ tầng mới đầy tham vọng nhằm chia sẻ sự thịnh vượng và kích thích tăng trưởng kinh tế - thì Nhật Bản đã công khai ý đồ và đạt được một thỏa hiệp lớn nhằm chiếm lĩnh vai trò trung tâm sân khấu. 


Trong tài liệu chính sách lưu hành vào tháng 3/2010, Hiệp hội Doanh nghiệp Nippon Keidanren đầy quyền lực của Nhật Bản tuyên bố: “Cần thiết phải xem xét cách thức theo đuổi hợp tác chính phủ - tư nhân, và thiết lập một tổ chức toàn Nhật Bản phục vụ các công trình phát triển hạ tầng”. 


Chiến lược của Nippon Keidanren là rất rõ ràng và đơn giản: Tạo dựng mối quan hệ kinh doanh và ngoại giao lớn hơn nữa trên khắp khu vực ASEAN, huy động tối đa những kế hoạch viện trợ của Nhật Bản và đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật trong khắp khu vực. Trong một tài liệu tương tự, Nippon Keidanren nhấn mạnh: “Chính phủ Nhật Bản đặt sự phát triển châu Á làm thành tố cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng mới của mình”. Nhưng sau nhiều năm chứng kiến Trung Quốc bám đuổi chiến lược tương tự, thông qua các khoản cho vay ưu đãi và thậm chí cả chính sách “ngoại giao mềm”, liệu Nhật Bản đã quá chậm trễ? 


Muộn còn hơn không 


Trong chuyến công du Băngcốc hồi cuối tháng 8/2010, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã thừa nhận với người đồng cấp Thái Lan Kasit Piromya rằng “đáng ra tôi phải đến sớm hơn”. Tôkyô chưa phái một ngoại trưởng nào đến Thái Lan trong khoảng 5 năm, bất chấp sự hiện diện đông đảo của người Nhật ở quốc gia này. Đơn cử một ví dụ trong năm 2007, theo Cơ quan Du lịch Thái Lan, số lượng người Nhật đến Băngcốc bằng đường hàng không nhiều hơn toàn bộ du khách từ Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan cộng lại, và thực tế là nhiều hơn bất kỳ một quốc tịch nào khác, trừ chính người Thái. 


Tại Băngcốc, một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa ông Okada với người đồng cấp Piromya và Thủ tướng Abhisit Vejjajiva là kế hoạch phát triển sông Mê Công. Rồi chỉ ba tuần sau, một nhân vật cấp cao nữa - Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Osamu Fujimura lại đặt chân xuống Băngcốc để tham dự Hội nghị quốc tế Mê Công - Nhật Bản nhằm thúc đẩy Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế Phương Nam, hai tuyến kết nối thương mại cùng vắt qua trung tâm Thái Lan và trải dài tới Mianma ở phía Tây, Việt Nam ở phía Đông, Vân Nam (Trung Quốc) ở phía Bắc và Malaixia (phía Nam). Ông Osamu Fujimura tuyên bố rằng Nhật Bản muốn nắm vai trò trung tâm trong cả hai kế hoạch này. 


Phát biểu tại hội nghị, Quốc vụ khanh Fujimura khẳng định: “Rất nhiều công ty Nhật đang đổ về khu vực này. Tiềm năng phát triển thông qua kết nối là không thể tính hết. Điều đó mang tầm quan trọng sống còn với các công ty Nhật nắm giữ việc lưu thông tối ưu các cơ sở sản xuất trong khu vực, cũng như cho các doanh nghiệp bản địa, và đó cũng là điều kiện không thể thiếu để đưa khu vực đầy tiềm năng phát triển này bùng nổ hết công suất”. 


Từ vài tháng qua, Nhật Bản không chỉ tìm cách “lôi kéo” một mình Thái Lan, mà còn cả Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) để thông qua lần cuối CADP với sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN. Vào cuối tháng Bảy, Ngoại trưởng Okada lại cũng có hai chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Lào và Việt Nam, với bức thông điệp rất cụ thể và rõ ràng. Phát biểu sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Okada đến Viêng Chăn và Hà Nội, Phó Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hidenobu Sobashima khẳng định: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để tăng cường sự kết nối trong khu vực”. 


Nếu so sánh ngược lại, các quan chức cấp cao Trung Quốc ít bận rộn hơn trong khu vực sông Mê Công từ vài tháng qua, đặc biệt là trong mối quan hệ với CADP. Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực sự đã thăm Campuchia vào cuối tháng 12/2009, nhưng chuyến đi chỉ liên quan tới cuộc thảo luận về đầu tư và thương mại. Trong khi đó, các chuyến thăm cấp cao qua lại hồi tháng Chín mới đây giữa Chính quyền quân sự Mianma và các quan chức Bắc Kinh, dường như chỉ liên quan chặt chẽ tới diễn biến chính trị theo dự kiến sau cuộc bầu cử ở Mianma ngày 7/11 tới. Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Than Shwe cũng đi thăm trục kinh tế Thâm Quyến miền Nam Trung Quốc, nhưng các cuộc hội đàm quan trọng khác chỉ liên quan tới các quan chức quân sự cấp cao của hai phía. 

 

Vậy nên, rõ ràng là các nhà ngoại giao Tôkyô đã bận rộn hơn hẳn những đồng nghiệp Trung Quốc trong khắp khu vực sông Mê Công những tuần gần đây, ngay cả khi quốc gia đông dân nhất thế giới đương nhiên nắm giữ mối liên hệ chặt chẽ hơn với Đông Nam Á nhờ vị trí địa lý. Tỉnh Vân Nam (phía Tây Nam Trung Quốc) là một phần trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, bao gồm cả Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Mianma. 


Nhưng bất chấp những nỗ lực gần đây, chính sách ngoại giao cấp cao của Tôkyô với khu vực lục địa Đông Nam Á - nhằm giành sự ủng hộ cho những hợp đồng phát triển hạ tầng lớn của các công ty Nhật - dường như đã khá muộn trong trường hợp dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt Nam. Hồi tháng 6/2010, Quốc hội Việt Nam đã phủ quyết dự án khổng lồ trị giá 56 tỉ USD, sự kiện mà nhiều nhà phân tích đánh giá là quyết định chứng tỏ tính độc lập chưa từng có của cơ quan này. Kết quả đó thực sự đặt dấu chấm hết cho đề nghị rất lớn của một trong hai tập đoàn Nhật Bản. 


Những cây cầu “marathon” 


Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là tác giả thiết kế của những công trình hạ tầng lớn nhằm tạo dựng sự kết nối kinh tế chặt chẽ hơn nữa trong khu vực. Tại hội nghị hồi tháng 9/2010 ở Băngcốc, Quốc vụ khanh Fujimura cho biết Nhật Bản đã xây dựng 300 cây cầu ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công và có kế hoạch phát triển hơn nữa thông qua cấp vốn vay ưu đãi và viện trợ, để rồi các nhà thầu Nhật Bản tham gia xây dựng các dự án này. 


Tại Neak Loueng, thị trấn trọng yếu của Campuchia trên tuyến hành lang Đông - Tây sang biên giới Việt Nam, nơi người dân địa phương vẫn phải vượt sông Mê Công bằng phà, Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng cây cầu trị giá 165 triệu USD vượt đoạn rộng nhất của con sông. Cũng tại Campuchia, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã nhất trí tài trợ dự án nâng cấp các cơ sở cảng dọc sông Mê Công và quanh Biển Hồ Tonle Sap (thuộc tỉnh Siem Reap), dù chi phí cụ thể của những dự án này chưa được ấn định. JBIC cũng tài trợ một phần cho dự án xây dựng mới đường dây tải điện 220 kilôvôn giữa hai tỉnh Kampot và Sihanoukville miền Nam Campuchia, và nâng cấp một loạt các cảng dọc phần sông Mê Công thuộc Lào. 


Toàn bộ các dự án này đều liên quan tới Hành lang Phương Nam , và chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ dự án CADP. Khi các dự án hạ tầng trọng yếu trên tuyến hành lang này vẫn cần được chi hàng tỉ USD, các nhà tài trợ Nhật Bản có thể sẽ phải cam kết cung cấp thêm nhiều khoản vay và tín dụng. Theo báo cáo hồi tháng 9 của ADB, dễ nhận thấy là Trung Quốc chưa hề cam kết một xu nhỏ nào cho bất kỳ dự án nào trong số này. 


Vũ khí ERIA 


Trong khi các đại diện của ERIA, cơ quan nghiên cứu chính thuộc CADP, đã khảo sát khắp khu vực nhằm tăng cường nhận thức về dự án, và giữ liên lạc với những đối tác trong chính phủ và khu vực tư nhân, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tỏ rõ sự quan tâm tới quyền lợi của họ trong việc tham gia CADP, ngay cả khi một số tổ chức tại Nhật Bản khá trì trệ trong việc nhận thức tầm ảnh hưởng của ERIA trong khu vực. Trong bài diễn văn tại một hội thảo chuyên đề của ERIA tại Nhật Bản hồi tháng 12/2009, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Yukio Hatoyama lưu ý: “Dường như Nhật Bản đã bị tuột lại phía sau các nước khác trong việc nhận thức các hoạt động của ERIA”. 


Kể từ đó, ERIA đã có cuộc gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản hồi tháng Giêng và một loạt các cuộc thảo luận khác trong tháng 5/2010. Cũng vào cuối tháng Năm, khoảng 70 đại diện khu vực tư nhân Nhật Bản tại Inđônêxia đã tổ chức cuộc gặp gỡ với ERIA. Kế tiếp, trong tháng 7/2010, các viện nghiên cứu Nhật Bản đã thảo luận cùng ERIA tại Nara (Nhật Bản). Cùng giai đoạn này, ERIA chỉ tổ chức một cuộc gặp duy nhất tại Bắc Kinh trong tháng 7/2010. 

 

Một điểm đáng lưu ý, đại diện đặc trách vấn đề biên giới ERIA của Nhật Bản - ông Hiroshi Okuda là cố vấn cấp cao đồng thời là thành viên ban giám đốc của Toyota, cũng như giữ vị trí ủy viên danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đầy quyền lực. Trái lại, Zhang Yunling - người đồng cấp Trung Quốc của Okuda hầu như không có vai trò gì trong khu vực tư nhân do chỉ là một giáo sư ngành kinh tế và xã hội học. 


Rốt cuộc thì ERIA vẫn chỉ là “con đẻ” của Nhật Bản. Quốc gia này vẫn là “Mạnh thường quân” chính của ERIA, trong khi những phần đóng góp khác là của Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân (chứ không phải Trung Quốc). Hơn nữa, cả Giám đốc điều hành cùng nhà kinh tế trưởng của ERIA - Hidetoshi Nishimura và Fukunari Kimura - đều là người Nhật. Trong Phòng nghiên cứu ERIA lại có thêm ba nhân viên cấp cao người Nhật, trái ngược với duy nhất một nhân viên người Trung Quốc. 


Động cơ để Nhật Bản gây ảnh hưởng chính sách kinh tế trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là rõ ràng. Giữa những năm 1987 và 2007, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trung bình 20%/năm khi các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực bùng nổ. Báo cáo của ADB hồi năm ngoái khẳng định Trung Quốc đã vượt xa Nhật Bản trở thành nước có kim ngạch thương mại lớn nhất châu Á. 


Trong khi thị phần thương mại của Nhật Bản trên thế giới đã trượt khỏi thời kỳ hoàng kim thập kỷ 1970 và 1980, thị phần thương mại thế giới của châu Á lại tăng 22,7% trong năm 1990, lên mức 29,2% trong năm 2007. Bất chấp những nỗ lực của Nhật Bản nhằm giành lại ảnh hưởng ở Đông Nam Á khi ADB và ERIA đang chuẩn bị công bố bản dự án khổng lồ của khu vực này, Trung Quốc dường như vẫn giành được phần “chiến lợi phẩm” lớn nhất. Theo ADB, Nhật Bản có thể thu về khoảng 200 tỉ USD từ các dự án nâng cấp hạ tầng trong một khu vực châu Á đang thời kỳ phát triển, so với 960 tỉ USD của phần còn lại của thế giới. Nhưng con số này quá khiêm tốn khi so sánh với Trung Quốc, nước lại được hưởng lợi chính nhờ vị trí địa lý gần gũi với khu vực này. ADB ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thu về món hời kếch xù, khoảng 3.550 tỉ USD từ các dự án hạ tầng mới cho đến nay, cũng như cho tới tận năm 2020. 


Nhật Bản cũng khẳng định rõ kế hoạch tạo ra những cơ hội đáng kể cho ngành xây dựng cũng như các công ty xây lắp nước này tham gia các dự án hạ tầng. Đó là nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn chưa qua khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 


Sẽ không có nhiều nước có thể chiếm lấy vị trí của Trung Quốc và giành chiến thắng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, khi đã ráo riết chen chân giành giật những hợp đồng xây dựng tại Đông Nam Á, liệu Nhật Bản có thể chiến thắng trong cuộc đấu trên thương trường, nếu như đó không phải là cuộc chiến kinh tế?./.

 

Theo Southeast Asia Globe

TTXVN