Quan niệm về quyền lực mềm, được định nghĩa như là sức cuốn hút, quyền khiến những người khác phải làm cái mà người ta mong muốn mà không cần phải có sự ép buộc hoặc xúi giục cụ thể, đã bắt đầu xuất hiện trong những công bố liên quan tới những triển vọng chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, sự quan tâm ngày càng lớn tới quyền lực mềm, coi đó như nền tảng của đường lối ngoại và an ninh quốc gia của Nhật Bản, lại trùng hợp với mong muốn của đất nước này tăng cường quyền lực cứng, kể cả những khả năng quân sự và thực hiện điều đó vì những mục đích lớn hơn nhiều so với những mục đích duy nhất là tự vệ. 

Quyền lực mềm của Nhật Bản: Chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản 

Trước hết, Nhật Bản đã trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế độc đáo đối với các nước châu Á. Những thành tựu kinh tế của họ từ lâu đã là một thành tích đáng khâm phục và là ví dụ đầu tiên về sự công nghiệp hoá và sự phồn vinh ngoài phương Tây. Mặc dù kinh tế của nước này đã phải chịu đựng một sự khủng hoảng kéo dài kể từ khi “bong bóng kinh tế” nổ tung năm 1989, nhưng Nhật Bản từ lâu đã là nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trong năm 2010 có thể được coi là một bước ngoặt quyết định. Nhưng người ta không thể quên mức độ phát triển của Nhật Bản, và vấn đề là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ tính theo đầu người vẫn cao gấp 10 lần so với của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của họ trong những thập kỷ qua trở thành một hình mẫu về “nhà nước phát triển” đối với nhiều nước châu Á. 
Việc sử dụng quyền lực mềm của Nhật Bản, được nhận thấy rõ nhất như là một công cụ của chính sách quốc gia, liên quan tới viện trợ phát triển chính thức (ODA). Chính sách ODA của Nhật Bản luôn chiếm một vai trò quan trọng trong những nỗ lực của họ để thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Các khoản ODA của Nhật Bản đã tăng gấp ba từ năm 1980 đến 1990, và nước này trở thành nước viện trợ quan trọng nhất thế giới. Từ năm 1994 đến 2004, Nhật Bản đã đảm nhận gần 1/5 tổng khối lượng ODA thế giới. Mặc dù phần đóng góp của họ đã giảm kể từ năm 2000, nhưng nó vẫn có ý nghĩa với con số 9,699 tỉ USD năm 2008. 

Viện trợ kinh tế như là một sự hỗ trợ vật chất cho nước tiếp nhận không phải là quyền lực mềm mà là quyền lực cứng. Tuy nhiên, những quan điểm quyết định sự phát triển và việc thực hiện ODA là một sự thể hiện quyền lực mềm của nước cho tặng, theo nghĩa phản ánh những giá trị của xã hội cho tặng. 

Chính sách viện trợ phát triển của Tôkyô được dẫn dắt bởi các nguyên tắc, những nguyên tắc này thể hiện thành quả tri thức và lịch sử của đất nước. Cho tới gần đây, viện trợ phát triển của Nhật Bản được dẫn dắt bởi một nguyên tắc, nó đem lại cho nước tiếp nhận quyền khởi xướng các dự án cần tài trợ. Nguyên tắc này bắt nguồn từ kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự quản lý tự chủ và có trật tự các dự án phát triển. Sự tập trung của Tôkyô vào viện trợ cho các nước châu Á không chỉ phản ánh những lợi ích thương mại của Nhật Bản, mà còn là kết quả của sự hiểu biết và kinh nghiệm của họ về châu Á, nếu không nói là về các quan hệ lịch sử của họ với khu vực này. Từ lâu, Nhật Bản đã do dự trong việc gắn ODA với vấn đề nhân quyền ở các nước nhận viện trợ. Sự do dự trong việc rao giảng dân chủ và nhân quyền đối với nước ngoài có nguồn gốc chủ yếu từ quá khứ là đất nước quân phiệt và bành trướng của họ. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối những năm 1980, Tôkyô tự coi mình là người biện hộ cho dân chủ hoá và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Đồng thời, chủ nghĩa hòa bình và tình cảm chống hạt nhân của Nhật Bản có vai trò quyết định tới chính sách viện trợ của họ. Và chính sách này, với tầm cỡ môi trường gia tăng, phản ánh những bài học nhận được từ kinh nghiệm riêng của họ trước những hậu quả của đô thị hoá và công nghiệp hóa thời kỳ hậu chiến tranh. 

Vai trò của ODA trong an ninh của Nhật Bản được nêu rõ ràng trong Hiến chương thông qua hồi tháng 8/2003: mục tiêu của ODA là “góp phần cho hoà bình và phát triển của cộng đồng quốc tế và từ đó giúp đảm bảo an ninh và phồn vinh của Nhật Bản”. Cách tiếp cận xây dựng hòa bình của Nhật Bản cũng có viễn cảnh tương tự: những nỗ lực nhằm ngăn ngừa khả năng và sự tái diễn của các cuộc xung đột, viện trợ nhân đạo khẩn cấp, viện trợ tái thiết hậu xung đột, viện trợ phát triển trung hạn và dài hạn. 

Báo cáo năm 2004 của Hội đồng an ninh quốc gia về những khả năng phòng thủ của Nhật Bản, nhóm cố vấn bên cạnh Thủ tướng Junichiro Koizumi, nhắc lại vai trò của quyền lực mềm trong chính sách an ninh của Nhật Bản, đặc biệt kêu gọi “sử dụng tốt nhất quyền lực mềm và quyền lực cứng của Nhật Bản như những phương tiện duy trì hoà bình và an ninh”. Với việc thừa nhận bản chất ngày càng đa dạng của các mối đe dọa trong thế giới hậu ngày 11/9 - từ những mối đe dọa quân sự cổ điển tới chủ nghĩa khủng bố, tới việc phổ biến các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), tới các mối đe dọa về môi trường, HIV-AIDS và các kiểu khác liên quan tới các vấn đề an ninh nhân loại – báo cáo đó biện hộ cho sự phát triển của một chiến lược an ninh hội nhập, tập hợp các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp hướng tới Nhật Bản và để giảm thiểu những tổn thất nếu những đe dọa đó tác động tới Nhật Bản. Mặt khác, báo cáo đó nhấn mạnh tầm quan trọng về an ninh của các cá nhân, coi đó như yếu tố ngăn chặn các cuộc xung đột và là yếu tố ổn định. 

Nếu việc dựa đặc biệt vào quyền lực mềm không được Hội đồng an ninh và các khả năng phòng thủ của Kỷ nguyên mới nêu ra trong báo cáo gửi Thủ tướng Naoto Kan hồi tháng 8/2010, thì việc cam kết tích cực của Nhật Bản về an ninh nhân loại vẫn được nêu lên như một yếu tố quan trọng của cái mà báo cáo này coi như sự đồng nhất Nhật Bản với “dân tộc sáng tạo hòa bình”. 

Những đóng góp tài chính của Nhật Bản cho các hoạt động của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và các hoạt động khác thật có ý nghĩa, nhưng thường được cộng đồng quốc tế đón nhận khá lạnh nhạt, do sự do dự của Nhật Bản trong việc gửi nhân viên tham gia các hoạt động đó. Việc tôn trọng các khuynh hướng thể chế, tuy hạn chế những hoạt động triển khai đó nhưng lại nhận được sự ủng hộ của nhân dân và trấn an được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á láng giềng, những nước vốn nghi ngờ sự hiện diện quốc tế của Nhật Bản theo hướng quân phiệt hoá. 

Tháng 9/2010, Tôkyô đã tham gia 12 hoạt động gìn giữ hòa bình (OMP) của Liên hợp quốc: Angôla (1992), Campuchia (1992), Môdămbích (1993), Xanvađo (1994), Gôlan (1996), Timo Leste (2007 và 2010), Nêpan (2007), Xuđăng (2008), Haiti (2010). Nhật Bản cũng tham gia các hoạt động quốc tế tại Ruanđa (1994), tại Timo Leste (1999), tại Ápganixtan (2001) và Irắc (2003). 

Những đóng góp đó vẫn còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng, vì Hiến pháp Nhật Bản không cho phép sử dụng sức mạnh để giải quyết những bất đồng quốc tế, sự đóng góp trực tiếp của Nhật Bản chỉ hạn chế ở những hoạt động phi quân sự, gửi người thực hiện những nhiệm vụ không tham chiến, như ủng hộ hậu cần, những đóng góp bằng hiện vật hoặc sự ủng hộ kỹ thuật. Đạo luật hợp tác hòa bình quốc tế năm 1992 đưa ra năm nguyên tắc tạo điều kiện cho sự tham gia của Nhật Bản vào OMP: 1/ hiệp định ngừng bắn giữa các bên; 2/ sự nhất trí của các nước chủ nhà và các bên xung đột trong việc Liên hợp quốc thực hiện OMP; 3/ sự vô tư của OMP; 4/ khi một trong những điều kiện đòi hỏi không còn, chính phủ Nhật Bản có thể rút nhân viên của họ về; 5/ việc sử dụng vũ khí phải được hạn chế ở mức tối thiểu cần thiết cho việc bảo vệ sự sống và toàn vẹn thân thể của các nhân viên này. 

Số lượng tham gia của Nhật Bản cũng rất hạn chế, đặc biệt là sự đóng góp thực chất của Nhật Bản cho ngân sách của Liên hợp quốc. Tháng 4/2009, chỉ có 39 công dân Nhật Bản tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình, đưa Nhật Bản đứng vào hàng thứ 83 trong việc đóng góp nhân lực, so với Trung Quốc là 2 150 người, nước này cũng thực hiện những nhiệm vụ không tham chiến, đặc biệt ở các nước châu Phi nơi Trung Quốc thực hiện một đường lối ngoại giao tích cực. 

Hẳn là cần phải nêu lên tình trạng thiếu nhân viên người Nhật có tư chất ngoại giao và có khả năng nắm bắt những ngôn ngữ cần thiết và tích cực tham gia nghĩa vụ trong các tổ chức quốc tế. Ví dụ, năm 2008, chỉ có 113 người Nhật tham gia các đội quân của Liên hợp quốc, trong khi sự đóng góp của Nhật Bản chiếm 16,6% ngân sách Liên hợp quốc, so với Mỹ là 341 người, Đức 168, Pháp 126 và Anh là 104, những đóng góp ngân sách bắt buộc của mỗi nước theo thứ tự kể trên là 22%, 8,58%, 6,3% và 6,64% ngân sách của tổ chức này. Ngay cả Trung Quốc và Nga, với những đóng góp nghĩa vụ là 2,67% và 1,2%, đã có 79 người tham gia các cơ quan này. 

Nhật Bản đã được bầu vào chiếc ghế uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an nhiều lần hơn bất kỳ một nước thành viên nào khác của Liên hợp quốc, và với nhiệm kỳ mới hai năm, đây là lần thứ 10, tại khóa họp thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2008. Tuy nhiên, tham vọng của họ muốn được giữ chiếc ghế uỷ viên thường trực cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, do sự thiếu nhất trí về một dự án cải cách toàn diện Liên hợp quốc, và đặc biệt về đề xuất mà Nhật Bản đã ủng hộ cùng với Đức, Ấn Độ và Braxin (G4). Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc mở rộng Hội đồng bảo an, điều này sẽ khiến Nhật Bản trở thành uỷ viên thường trực, nhưng lại không nghe theo đề xuất của G4. Các nước châu Phi, sự ủng hộ mà quần đảo này có tính tới, đã đồng ý ủng hộ sơ đồ này nhưng nhấn mạnh đề xuất của họ mà không có chút hy vọng nào được ghi nhận: quyền phủ quyết đối với 6 nước thành viên mới của Hội đồng bảo an, có hơn 5 ghế không thường trực của châu Phi. Điều đặc biệt rõ ràng là thất bại của Nhật Bản trong việc tập hợp một sự ủng hộ quyết định lại tương ứng với sự chống đối của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, được xây dựng chủ yếu trên cơ sở món nợ lịch sử của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á ủng hộ tư cách ứng cử viên của Nhật Bản: Campuchia, Philíppin, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo, Việt Nam. Bên cạnh đó cần bổ sung các nước như Mỹ, Ôxtrâylia, Braxin, Pháp, Đức và Anh. 

Và những hạn chế của nó… 

Nhật Bản đang phải đối đầu với một thách thức dân số nghiêm trọng, dân số của họ năm 2005 đạt mức tối đa trước khi bắt đầu điều mà người ta dự kiến là sụt giảm kéo dài. Với một tỷ lệ sinh đẻ thấp, dân số hiện nay (127 triệu người) sẽ giảm xuống còn 115 triệu năm 2030 và khoảng 90 triệu năm 2055. Nhật Bản già đi nhanh chóng: số người trên 60 tuổi sẽ chiếm 25,2% tổng dân số vào năm 2015 và 37% vào năm 2040. Những thay đổi dân số đó tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân công, đặc biệt trong lĩnh vực không có tay nghề, và cả trong lĩnh vực có tay nghề, góp phần đem lại những khó khăn về tăng trưởng của nước này. Hệ thống chính trị Nhật Bản chậm chạp trong việc xử trí những xu hướng đó, và câu trả lời của họ có tính phản ứng hơn là chủ động, rụt rè hơn là dũng cảm, chọn lọc thay vì toàn diện. Dư luận chung cũng ít ủng hộ những lời kêu gọi xét lại chính sách nhập cư hạn chế hiện nay. Hiện, những người nước ngoài chiếm chưa đến 2% tổng dân số, và Nhật Bản do dự trước ý kiến chú trọng việc tăng dân số, luôn ưu tiên ý kiến cho rằng trật tự và an ninh trong nước phụ thuộc vào tính đồng nhất văn hoá và sắc tộc của Nhật Bản. 

Tuy nhiên, có một số tín hiệu cho thấy rằng Nhật Bản ngày càng nhận thức được những hậu quả của sự giảm sút và già hoá dân số của họ. Cộng đồng giới kinh doanh, các nhóm bảo vệ nhân quyền kêu gọi thực hiện một chính sách nhập cư tự do hơn. Một số khu vực đã thu hút được một số lượng lớn người nước ngoài, họ tới Nhật Bản theo một chế độ đặc biệt cho phép kiếm được việc làm một cách hợp pháp – khác với những người nhập cư khác, không được phép làm việc ở những lĩnh vực không có tay nghề. 

Một cách từ từ và có chọn lọc, Nhật Bản cũng mở ra một số lĩnh vực cho các công dân nước ngoài có tay nghề và chuyên môn đặc biệt như chăm sóc lão khoa, trạm xá, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính. Năm 2006, Nhật Bản và Philíppin đã ký một hiệp định quan hệ đối tác kinh tế trong đó Nhật Bản sẽ nhận 400 y tá và 600 hộ lý Philíppin, những người này sẽ được đào tạo và sẽ phải trải qua một cuộc thi sát hạch cho phép họ hành nghề như người Nhật và làm việc tại Nhật Bản. Một hiệp định tương tự đã được ký với Inđônêxia trong năm 2007: Nhật Bản đã nhận 400 y tá và 600 hộ lý người Inđônêxia trong vòng hai năm cũng với những yêu cầu trên. Trong hai trường hợp trên, các y tá và hộ lý được phép làm việc tại Nhật Bản trong thời gian ba năm đối với Philíppin và bốn năm đối với Inđônêxia. Nhưng những điều kiện đòi hỏi cao tới mức họ ít có cơ hội cân nhắc đầy đủ tình trạng thiếu thốn nhân sự mà nhiều vùng của nước này phải chịu đựng. Năm 2008, 104 y tá và 104 hộ lý Inđônêxia đã trải qua một cuộc thi sát hạch toàn quốc và không ai trong số họ vượt qua được. Năm 2009, 173 y tá và 109 hộ lý đã thi nhưng chỉ có một hộ lý vượt qua. 

Tín hiệu “bừng tỉnh” khác của Nhật Bản là chiến dịch “cùng tồn tại đa văn hoá” mà chính phủ và các cơ quan địa phương mới đưa ra để cải thiện điều kiện sống của những người nhập cư nước ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn còn hạn chế, về mục tiêu cũng như tầm cỡ. Không có chính sách hòa hợp thực sự giữa những người di cư, các chính phủ địa phương và trong nước, vốn coi sự hiện diện của họ như có tính tạm thời. Từ đó dẫn tới đề xuất của chính phủ tài trợ cho sự hồi hương của những người di cư Mỹ Latinh gốc Nhật Bản, những người này bị mất việc làm do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2010 và do sự giảm sút của xuất khẩu Nhật Bản. Điều kiện đặt ra cho sự giúp đỡ hồi hương này là những người di cư phải từ bỏ quyền đòi lại giấy phép làm việc. 

Nhật Bản từ lâu đã bị chỉ trích về nhịp độ chậm trễ của họ trong việc tự do hoá thị trường nội địa và hiếm khi được coi là nước cạnh tranh. “Danh sách những nước được phần thưởng trong cuộc cạnh tranh thế giới năm 2010” đặt Nhật Bản vào vị trí thứ 27 trên tổng số 58 nước, trong một sự sắp xếp để xem xét “khả năng của các nền kinh tế quốc gia trong việc thu hút và duy trì vốn đầu tư thông qua việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh thế giới”. Vị trí đầu tiên dành cho Xinhgapo, tiếp đến là Hồng Công, Mỹ, Thuỵ Sĩ và Ôxtrâylia. 

Cách tiếp cận của Nhật Bản cũng khá thụ động liên quan tới các chế độ tự do trao đổi khu vực hoặc song phương, Tôkyô không thường xuyên phản ứng trước những lời kêu gọi của các nước khác tiến hành các cuộc đàm phán về các hiệp định song phương, và chỉ tăng cường các cuộc thảo luận song phương sau khi Trung Quốc đã dùng sức mạnh tìm cách ký kết các hiệp định như vậy với một số nước láng giềng, đặc biệt với các nước trong tổ chức ASEAN. Mặt khác, Nhật Bản tìm mọi cách bảo vệ các khu vực kinh tế của họ một cách khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, và chỉ tới những tháng gần đây chính phủ của Thủ tướng Kan mới chứng tỏ một sự quan tâm nhất định tới việc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ có lẽ sẽ tham gia TPP vào tháng 11/2011, nên Nhật Bản vội vã tham gia tổ chức này, mặc dù các nhà sản xuất nông nghiệp cũng như sự ủng hộ chính trị của họ chống lại hiệp định này. 

Ngoài những vấn đề kinh tế và nhập cư, Nhật Bản vẫn chưa hòa giải được với lịch sử của họ. Họ luôn không chấp nhận xem xét một cách rành mạch quá khứ xâm lược của những năm 1930, điều này hạn chế sức lôi cuốn của họ đối với cộng đồng quốc tế, và đặc biệt đối với các nước láng giềng châu Á. Một làn sóng chỉ trích của Trung Quốc và Hàn Quốc đã dâng cao trong năm 2005 phản đối các chuyến thăm lặp lại của Thủ tướng J.Koizumi tới ngôi đền Yasukuni tại Tôkyô, nơi thờ những người đã chết trong cuộc chiến tranh, kể cả những tội phạm chiến tranh như Hideki Tojo. Quả thực, những người kế nhiệm ông đã có ý định cải thiện các quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng những thái độ mang tính dân tộc chủ nghĩa do những bất đồng lịch sử gây ra vẫn còn sống động. Và đóng góp quan trọng của Nhật Bản cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc chưa thể ngăn chặn được những bất đồng về vấn đề này giữa hai nước. 

Cuộc tranh luận xung quanh các sách giáo khoa lịch sử cho thấy quá khứ đế quốc chủ nghĩa của Nhật Bản làm tối đi hình ảnh đương đại của họ trong con mắt của các nước láng giềng. Lý luận dân tộc chủ nghĩa mong muốn những hành động chính trị và quân sự của Nhật Bản chống các nước láng giềng châu Á kể từ thời Minh trị Duy Tân không khác chút nào so với những hành động chiếm đoạt lãnh thổ và những hành động khác do các phần tử đế quốc chủ nghĩa của các cường quốc phương Tây tiến hành trên thế giới. Năm 2001, một cuốn sách chứa đựng những yếu tố xét lại đó đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua. Mặc dù tỷ lệ tán thành trong số các đoàn thể của Nhật Bản vẫn rất thấp, nhưng việc xuất bản cuốn sách đó đã gây ra một cuộc tranh luận mạnh mẽ không chỉ ở các nước láng giềng mà còn ở ngay Nhật Bản. 

Mặc dù những nghiên cứu lịch sử được tiến hành phối hợp với Trung Quốc và Hàn Quốc trong những năm 2000 đã phản ánh một ý chí nhất định của ba chính phủ trong việc nắm bắt lịch sử theo những quan điểm khác nhau và hội tụ các quan điểm đồng nhất và chưa đồng nhất, tác động của cách tiếp cận này đối với tương lai của các quan hệ song phương vẫn còn phải xem xét. 

Các chính sách sức mạnh ở Đông Bắc Á 

Đông Bắc Á là một môi trường an ninh khó nắm bắt và bất ổn, ở đó quyền lực mềm của Nhật Bản không thể cạnh tranh với các chính sách của quyền lực cứng. 

Ngày 7/9/2010, một tàu đánh cá Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tiễu của lực lượng canh gác bờ biển của Nhật Bản ở vùng biển Đông, gần quần đảo Senkaku mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều công bố chủ quyền, Tôkyô khẳng định rằng tàu của Trung Quốc đã chủ ý đâm vào tàu của Nhật Bản. Thuyền trưởng tàu đánh cá đã bị bắt, và sau đó được trả tự do vào ngày 22/9, sau khi Trung Quốc không ngừng phản đối và ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản. 

Trước vụ va chạm đó, các quan chức Nhật Bản đã dao động trước lập trường kiên quyết và lời kêu gọi khẩn cấp hướng tới đối thoại. Việc giải quyết vấn đề, và đặc biệt là trả tự do cho thuyền trưởng Trung Quốc, không thể không tác động tới thái độ của công chúng đối với chính phủ của Thủ tướng Kan: sự ủng hộ ông đã giảm 10 điểm từ giữa tháng 9 tới đầu tháng 10, trong khi 84% số người được hỏi bày tỏ sự “lo ngại” về các chính sách đối ngoại và an ninh của chính phủ. Một cuộc thăm dò do báo Asahi Shimbun tiến hành hồi đầu tháng 10/2010 cho thấy 83% số người được hỏi phản đối việc trả tự do cho thuyền trưởng người Trung Quốc. Trong một bầu không khí gây xúc động cho cả hai bên, các quan chức chính trị đang nỗ lực theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa bằng cách tìm kiếm đối thoại, nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang. Trong bối cảnh đó, quyền lực mềm của Nhật Bản đối với Bắc Kinh và Mỹ chỉ có thể hầu như mang tính chất ngoài lề. 

Đồng thời, sự bất lực của Tôkyô trong việc đưa ra chương trình nghị sự cho chính sách đối ngoại của họ còn được bộc lộ rõ ràng hơn qua một loạt các sự kiện liên quan tới Nga. Ngày 7/7/2010, Đuma quốc gia Nga thông qua một đạo luật coi ngày 2/9 là ngày kỷ niệm chấm dứt cuộc chiến tranh yêu nước, đây là một quyết định bị Tôkyô coi như là ý đồ của Mátxcơva tái khẳng định yêu sách của họ đối với các vùng đất đang tranh chấp với Nhật Bản. Ngày 28/9, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và người đồng cấp Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gặp gỡ và ra một tuyên bố chung kỷ niệm 65 năm ngày chấm dứt chiến tranh, và kêu gọi tăng cường liên minh chiến lược Trung-Nga. Ngày 1/11, bất chấp những lời cảnh cáo của Nhật Bản, Tổng thống Nga đã tới thăm đảo Kunashir mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Nhân dịp này, Thủ tướng Kan tuyên bố rằng các vùng đất phía Bắc là một phần của lãnh thổ Nhật Bản, và coi hành động trên của Medvedev là “thực sự đáng tiếc”. Bộ trưởng Ngoại giao nước này đã triệu đại sứ Nga để bày tỏ sự phản đối chính thức. Bộ trưởng Ngoai giao Nga đáp lại rằng Tổng thống Nga có quyền tự do tới thăm bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ quốc gia của họ, và rằng sự phản đối của Nhật Bản là một thái độ can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Tôkyô đã tạm thời triệu hồi đại sứ của họ tại Mátxcơva, sau đó triệu hồi vĩnh viễn vào cuối tháng 12/2010, hẳn là do thất bại của họ trong việc đánh giá cụ thể những phát triển của vấn đề ở Nga. 

Ở nước Nga thời kỳ hậu Yeltsin, tình cảm dân tộc chủ nghĩa đã lớn mạnh và chiến dịch cải tổ sự thống nhất đất nước dưới thời Putin, được coi là tham vọng tái tranh cử của Medvedev năm 2012, loại bỏ mọi sự nhượng bộ của Mátxcơva trong một tương lai có thể dự đoán. Đồng thời, không có một chính trị gia Nhật Bản nào lại liều lĩnh giảm bớt yêu sách đòi lại sự toàn vẹn lãnh thổ phía Bắc trong lòng quốc gia. Từ lâu Nhật Bản đã nhấn mạnh tới sự phát triển cân bằng giữa các quan hệ kinh tế và quan hệ chính trị với Nga. Nhưng những phát triển mới đây ở Mátxcơva cho thấy rằng các quan hệ kinh tế có thể tiếp tục tăng cường mà không đạt được tiến bộ chính trị cụ thể nào. Ngoài ra, Nhật Bản đã lựa chọn tự vệ chống lại sự leo thang của Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với đồng minh Mỹ. Cách thức mà Nhật Bản và Mỹ điều chỉnh chính sách Trung Quốc của mỗi nước và điều chỉnh quan hệ đồng minh của họ là mục tiêu của những cuộc tranh luận mạnh mẽ ở cả hai nước, đã có những tiếng nói vang lên ở hai bên bờ Thái Bình Dương kêu gọi mở cửa với Trung Quốc, hoặc ngăn cản điều đó. Việc Trung Quốc trở thành cường quốc được coi như là một sự thúc đẩy vừa hướng tới quyền lực cứng vừa hướng tới quyền lực mềm của Mỹ và của Nhật Bản, nó khuyến khích một sự hợp tác lớn mạnh của hai bên để tăng cường sự phối hợp quyền lực cứng với nhau. 

Nhật Bản đã phát triển một cách ấn tượng các quan hệ kinh tế, xã hội và văn hoá của họ với Trung Quốc, và quyền lực mềm của họ đã được đón nhận khá tích cực bởi một bộ phận ngày càng nhiều người Trung Quốc tới thăm Nhật Bản. Các sinh viên Trung Quốc chiếm số đông trong những sinh viên nước ngoài tới học tại Nhật Bản. Họ bị thu hút tới đây bởi nền văn hoá và kinh tế của nước này, nhiều người trong số họ tìm được việc làm ở đây hoặc những cơ hội khác phục vụ cho việc học tập của họ. 

Một yếu tố quan trọng khác tác động tới sự cân bằng giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng của Nhật Bản được tạo thành bởi chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Không phải văn hoá, cũng không phải sự hiện diện thể chế của Nhật Bản là vấn đề lớn đối với việc tháo gỡ khủng hoảng. Sự gia tăng căng thẳng ở bán đảo này kích động việc tăng cường quyền lực cứng của Nhật Bản và sự liên minh với Mỹ. 

Vì vậy, Nhật Bản đã lựa chọn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác an ninh của họ với Mỹ, và họ thực hiện điều đó mặc dù liên minh này dường như mâu thuẫn với mong muốn được thừa nhận như là một nhân tố trong việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột quốc tế. Trong tương lai, những đòi hỏi của liên minh Nhật-Mỹ sẽ hướng hơn nữa tới một sự củng cố quyền lực cứng - đặc biệt là những khả năng quân sự - và hướng tới sự phối hợp kế hoạch hoá chung giữa hai nước. 

Trường hợp của Irắc thật có sức thuyết phục. Chính phủ Nhật Bản đã ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Irắc và cho phép các Lực lượng phòng vệ tham gia các hoạt động tái thiết, những hành động có mục đích gây xáo trộn lớn trong cộng đồng quốc tế. Quyết định của Chính phủ Nhật Bản ủng hộ sự can thiệp của Mỹ bị dư luận Nhật Bản phản đối mạnh mẽ, vì họ cho rằng tất cả các biện pháp hòa bình giải quyết khủng hoảng chỉ có thể thực hiện được trước khi sử dụng sức mạnh. Thái độ thực tế của Chính phủ Nhật Bản trong quan hệ đồng minh của họ với Oasinhtơn đã làm cho họ thuyết phục được dư luận, như họ đã làm được điều đó liên quan tới quyền lực mềm. 

Nhật Bản cũng ủng hộ nỗ lực của Mỹ ở Ápganixtan, bằng cách đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu ở khu vực Ấn Độ Dương kể từ năm 2001. Sứ mệnh đó đã chấm dứt ngày 15/1/2010, khi chính phủ mới của Thủ tướng Hatoyama từ chối gia hạn luật cấp phép. Khi đó, chính phủ của đảng Dân chủ Nhật Bản đã hướng sang viện trợ dân sự, hứa hẹn viện trợ trong khuôn khổ tới mức 5 tỷ USD. 

Về mặt khái niệm, bất kỳ nước nào cũng có hai loại quyền lực và họ phải tìm cách tối ưu nhất để kết hợp chúng lại với nhau: quyền lực cứng của một quốc gia có thể góp phần cho sự bành trướng của quyền lực mềm, nhưng nó cũng có thể làm xói mòn tất cả. Cũng với ý nghĩa như vậy, quyền lực mềm có thể bổ sung cho những khiếm khuyết nhất định của quyền lực cứng, nhưng nó không thể là cái thay thế - điều đó thể hiện trong cách tiếp cận của Nhật Bản với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Tóm lại, quyền lực mềm trước hết được các nhà quan sát cảm nhận thấy và việc sử dụng nó có thể có một kết quả không mong đợi, nếu không nói là ngược lại với kết quả như mong muốn đối với nước mục tiêu. 
Nhật Bản phải đầu tư vào những khả năng cần thiết cho quyền lực cứng trong những giới hạn mà Hiến pháp của họ áp đặt, tất cả giống như việc họ phải học cách sử dụng có hiệu quả hơn quyền lực mềm to lớn của họ. Nhật Bản phải thực hiện tích cực hơn nữa một đường lối ngoại giao phản ánh sự cam kết lâu dài của họ vì một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, và kinh nghiệm hậu chiến tranh của họ về phát triển kinh tế. Nhật Bản phải tăng cường tầm nhìn của họ tại Liên hợp quốc và trong các tổ chức quốc tế khác, mà ở đó quyền lực mềm của họ thu được những kết quả có ý nghĩa. Quyền lực này đạt được việc chấm dứt giảm bớt các nguồn tài chính dành cho các chương trình ODA và cho Liên hợp quốc. Đối với quyền lực mềm, vấn đề cần thiết là rèn luyện cho người dân những nhận thức cụ thể, những khả năng kỹ thuật và thông thạo ngôn ngữ cần thiết để làm việc ở các cơ quan quốc tế. 

Vấn đề đối nội có nguy cơ cản trở khả năng của nước này trong việc cân bằng quyền lực mềm và quyền lực cứng. Nhật Bản đã trải qua những sự thay đổi liên tục về chính quyền với các đời thủ tướng như Abe (2006-2007), Fukuda (2007-2008), Aso (2008-2009), Hatoyama (2009-2010), và Thủ tướng Kan. Trong một sự bấp bênh chính trị chưa từng thấy đó, đất nước này hầu như không có khả năng đưa ra những sáng kiến dũng cảm cho chính sách đối ngoại. Cựu Thủ tướng Yasuhiro Nakasone cho rằng, trong hai thập kỷ qua, Nhật Bản “không có khả năng thiết lập một chiến lược quốc gia vững chắc cho tương lai của mình, cũng không có khả năng xây dựng một triết lý chính trị có thể ủng hộ chiến lược đó”. 

Vì vậy, Nhật Bản phải tiếp tục dựa vào Mỹ để đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng cấp bách: Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Làm điều đó có nghĩa là Tôkyô tiếp tục nghiêng về quyền lực cứng, bất chấp sức lôi cuốn mạnh mẽ của quyền lực mềm đối với các láng giềng cũng như người dân của họ.

Hằng Nga (gt)