Theo báo “Văn Hối” (Hồng Công) ngày 8/4, Trung tâm Nghiên cứu Phòng vệ của Nhật Bản lần đầu tiên đã công bố một báo cáo cho rằng cùng với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, khả năng va chạm giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng phòng vệ Nhật Bản khó có thể tránh khỏi, do đó Chính phủ Nhật Bản cần “nâng cao cảnh giác”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc nỗ lực trong việc loại bỏ những lo ngại đối với các nước xung quanh.

“Văn Hối” cho biết báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phòng vệ (thuộc Cục Phòng vệ Nhật Bản) đã lấy vụ va chạm tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại vùng biển quần đảo Điếu ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) hồi năm ngoái làm bối cảnh, nhấn mạnh việc Trung Quốc gần đây tăng nhanh phát triển lực lượng quân sự hải dương, điều này đang tạo ra mối đe dọa đối với hệ thống đảm bảo an ninh Nhật-Mỹ. Theo báo cáo, trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế đang giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh quốc gia, bảo đảm vững chắc lợi ích hải dương và tuyến đường vận chuyển năng lượng đã trở thành “nhiệm vụ mới” đối với quân đội Trung Quốc. Trung Quốc đang từng bước xác lập vị trí nước lớn, đồng thời trở thành nhân tố quan trọng tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với môi trường an ninh khu vực Đông Bắc Á, công cuộc hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.

Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc chưa hài lòng với trật tự thế giới hiện nay, đồng thời ý thức được rằng để bảo đảm an ninh của mình, cần phải đưa ra định nghĩa mới đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong vấn đề chủ quyền và lãnh thổ. Theo đó, việc bảo vệ lợi ích quốc gia đang được mở rộng về mặt địa lý cũng như về nội dung. Đồng thời, phạm vi hoạt động quân sự của Trung Quốc cũng được mở rộng, không chỉ ở Đông Hải hay Biển Đông mà còn vươn tới Thái Bình Dương và châu Phi. Để bảo đảm cho tuyến hàng hải thương mại cũng như lợi ích hải dương, quân đội Trung Quốc những năm gần đây có ý định tiến hành các cuộc diễn tập và huấn luyện viễn dương “thường xuyên”, ra sức nâng cao ưu thế quân sự tại khu vực bên ngoài.

Không chỉ trong vấn đề lãnh thổ, Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng ưu thế trong các lĩnh vực hải dương, không gian vũ trụ và không gian mạng, Chính phủ Nhật Bản cần phải ý thức được “tính quan trọng của bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời kỳ mới”, “nâng cao cảnh giác”. Báo cáo cũng chỉ trích Chính phủ Trung Quốc trong việc “tự cho phép mình” tiến hành tập trận tại Đông Hải, song lại phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn tại vùng biển này. Báo cáo nhấn mạnh “hy vọng Trung Quốc nhận thức được những lo ngại của các nước Đông Bắc Á và có hành động cụ thể để giảm bớt những lo ngại này”.

Khi đề cập đến những trang bị hiện đại của quân đội Trung Quốc như máy bay chiến đấu và tàu ngầm thế hệ mới, báo cáo cho rằng khả năng va chạm giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng phòng vệ Nhật Bản khó có thể tránh khỏi. Để phòng ngừa xảy ra “sự cố” ngoài dự tính, Trung Quốc và Nhật Bản cần xây dựng cơ chế quản lý nguy cơ, tăng cường giao lưu quốc phòng, thúc đẩy hơn nữa lòng tin giữa hai chính phủ.

Theo giới phân tích, lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra một báo cáo đặc biệt nhằm vào một đối tượng cụ thể chứng tỏ Chính phủ Nhật Bản đang ngày càng cảnh giác cao độ trước sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.

Nhận xét về báo cáo trên, Vương Kiến, chuyên gia các vấn đề Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong bối cảnh quân lực Trung Quốc phát triển khá mạnh, cho dù phía Trung Quốc có tiếp tục nhấn mạnh rằng chỉ áp dụng chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, Nhật Bản trước sau vẫn cho rằng Trung Quốc đang bành trướng sức mạnh quân sự. Theo Vương Kiến, báo cáo trên cho thấy Nhật Bản đang “hưởng ứng” chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ. Báo cáo đề cập rất nhiều đến Biển Đông và Thái Bình Dương, những khu vực không có mấy liên quan đến Nhật Bản, cách đề cập này chỉ là “nói theo” quan điểm của Mỹ.

Vương Kiến cũng cho rằng không loại trừ khả năng giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, như va chạm máy bay và tàu thuyền, thậm chí đối đầu về quân sự, giữa hai bên, song ông hy vọng hai bên cũng sẽ kiềm chế được ở mức độ nhất định, dù sao thì cả hai bên đều không muốn thấy một cuộc xung đột leo thang. Theo Vương Kiến, Nhật Bản hiện không còn tinh thần ngoại giao “Đông Á thân cận”, đã từ bỏ thỏa ước trong thông báo chung xây dựng ngoại giao với Trung Quốc, Nhật Bản hiện chỉ có dựa vào “đồng minh Nhật-Mỹ” mà thôi.

Theo Lương Vân Dương, chuyên gia các vấn đề Nhật Bản thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc là một nước lớn đang phát triển, việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc không thể tránh khỏi những nghi ngại của các nước xung quanh. Do đó, cùng với việc minh bạch hơn nữa về quân sự, Trung Quốc cũng cần tăng cường lợi ích chung với các nước xung quanh, chỉ có thế mới có thể có được môi trường phát triển tốt.

 

Theo Văn Hối

 

Quốc Trung (gt)