Việc trở lại nắm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông – đảng đã điều hành Nhật Bản 54 năm trong 58 năm qua, bao gồm cả phần lớn thời gian hai “thập kỷ mất mát” vừa qua – ban đầu khiến các nhà đầu tư và các học giả phải lo ngại. Nhưng Abe ngay lập tức bắt tay vào một chiến dịch tham vọng phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, và khoảng 6 tháng sau đó, những nỗ lực của ông dường như đang mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, trên mặt trận chính sách đối ngoại, Abe – nổi tiếng trong phe đối lập là nhà dân tộc chủ nghĩa bảo thủ - đã làm dấy lên sự tranh cãi bằng việc dường như nghi ngờ về hồ sơ thời chiến của Nhật Bản. Vào giữa tháng 5, khi những sự căng thẳng gia tăng với các nước láng giềng hùng mạnh của Nhật Bản, ông đã có cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Tạp chí Foreign Affairs Jonathan Tepperman ở Tokyo. 

Hỏi (+): Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông với tư cách là thủ tướng. Lần đầu ông đã không thành công, nhưng lần này, mọi việc dường như khác: tỷ lệ tán thành của ông là hơn 70%, và thị trường chứng khoán ở mức cao trong 5 năm. Ông học được những bài học gì từ những sai lầm trong quá khứ, và lần này ông đang làm gì khác? 

Trả lời (-): Lần trước, phục vụ với tư cách là thủ tướng, tôi đã không thể lấy chương trình nghị sự của mình làm ưu tiên. Tôi đã hăm hở hoàn thành mọi việc cùng một lúc, và đã kết thúc chính quyền của mình trong thất bại. Sau khi từ chức, tôi đã đi khắp đất nước trong 6 năm đơn giản chỉ để lắng nghe. Khắp nơi, tôi nghe thấy mọi người đang phải chịu mất việc do giảm phát kéo dài và sự tăng giá đồng tiền. Một số người không còn hy vọng về tương lai. Vì vậy, điều diễn ra một cách tự nhiên là chính quyền nhiệm kỳ hai của tôi cần phải ưu tiên việc xóa bỏ giảm phát và chuyển hướng nền kinh tế Nhật Bản. Hãy nói rằng lần này tôi xác định đúng các ưu tiên để phản ánh những mối quan tâm của người dân, và các kết quả ngày càng đáng chú ý, điều có thể giải thích cho tỷ lệ tán thành cao. Tôi cũng đã bắt đầu sử dụng các mạng truyền thông xã hội như Facebook. Thường thì các phương tiện truyền thông truyền thống chỉ trích dẫn một phần những gì các chính trị gia nói. Việc này đã cản trở công chúng hiểu được những ý định thực sự của tôi. Vì vậy hiện nay tôi đang gửi đi các thông điệp trực tiếp qua Facebook và các mạng khác đến công chúng. 

+ Vì vậy, ông né tránh được các nhà báo theo cách đó? 

- Không, tôi cho rằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp như cuộc phỏng vấn này là quan trọng, và tôi chưa bao giờ rụt rè trước phương tiện truyền thông. Tôi muốn nói là những gì tôi thực sự muốn nói đôi lúc biến mất khi chỉ được trích dẫn một phần – thậm chí là bị trích dẫn sai. 

+ Ông đã nói rằng chương trình nghị sự kinh tế của ông là ưu tiên hàng đầu của ông. Chính sách Abenomics có 3 “mũi tên”: gói kích thích tài chính 10 nghìn tỷ yên, nhằm mục tiêu lạm phát và cải cách cơ cấu. Ông đã bắn hai mũi tên đầu. Vậy mũi tên thứ ba sẽ như thế nào? 

- Mũi tên thứ ba là về chiến lược tăng trưởng, mà sẽ được dẫn dắt bởi 3 khái niệm then chốt: sự thách thức, sự mở cửa, và sự đổi mới. Trước hết, anh cần phải hình dung ra kiểu Nhật Bản nào mà các anh muốn có. Đó là Nhật Bản nuôi dưỡng 3 khái niệm đó. Khi đó, anh sẽ nhìn vào những lĩnh vực mà anh nổi trội hơn. Hãy thử lấy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe làm ví dụ. Đất nước tôi có một nguồn cung cấp sự chăm sóc tốt, mà có thể cho phép người Nhật Bản sống lâu hơn người nước khác. Vậy thì tại sao không sử dụng sự đổi mới về y tế để vừa thúc đẩy nền kinh tế vừa góp phần vào phúc lợi của phần còn lại của thế giới? Chuyến đi gần đây của tôi đến Nga và Trung Đông đã khiến tôi tin chắc rằng có nhiều cơ hội ở ngoài đó cho ngành công nghiệp y học Nhật Bản. Các công nghệ giảm lượng khí thải cácbon điôxin, khí thải mà Nhật Bản có rất nhiều, cũng như vậy. Nhưng để thúc đẩy sự đổi mới, anh vẫn phải mở cửa. 

+ Nhưng Nhật Bản có những hạn chế đối với nền kinh tế của mình mà cản trở nó phát triển: trợ cấp cao dành cho nông nghiệp, sự điều chỉnh quá mức, sử dụng lao động nữ không đúng mức, chính sách nhập cư tồi tệ. Những vị thủ tướng trước đây đã tìm cách đối phó với các vấn đề này và đã va phải một bức tường. Ông sẽ tập trung vào những cải cách nào? 

- Thời gian không ủng hộ chúng tôi. Giảm phát kéo dài và sự đình trệ kinh tế xảy ra do điều đó đã kéo dài 15 năm khiến đất nước tôi gần như đứng im trong khi phần còn lại của thế giới đã tiến xa. Đây là cơ hội cuối cùng dành cho chúng tôi, và do đó, cảm giác về tình trạng khẩn cấp là rất lớn. Cảm giác này được chia sẻ rộng rãi hơn bao giờ hết trong các nhà làm luật đồng nghiệp của tôi. Đúng là nông nghiệp vẫn còn quan trọng, không chỉ với tư cách là một ngành công nghiệp mà còn đối với việc giữ cho kết cấu xã hội Nhật Bản được bền chặt. Nhưng đường hướng của tôi là khiến nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn và hướng vào xuất khẩu. Đất nông nghiệp Nhật Bản rất giàu sức hấp dẫn tự nhiên trời phú. Chỉ đơn giản hãy để cho chúng được thế giới biết đến nhiều hơn. Chắc chắn là nơi nào cần, chúng tôi sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu. Nhiều đầu tư hơn vào các công nghệ cốt lõi cũng quan trọng, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Nhật Bản. Chúng tôi phải làm tất cả những việc này lúc này, đồng thời. 

Về sự mở cửa, đặc biệt đáng lưu ý là quyết định của tôi về Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các chính quyền trước đây đã không dứt khoát. Tôi quyết định bước vào các cuộc đàm phán TPP. Dĩ nhiên, giới vận động hành lang ủng hộ nông nghiệp phản đối kịch liệt điều đó, và các hiệp hội nông nghiệp ở trong số những người ủng hộ đảng LDP lớn nhất và quan trọng nhất. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực làm việc để đưa họ đi cùng. Nếu chúng tôi không thay đổi, sẽ không có bất cứ một tương lai nào cho nông nghiệp Nhật Bản, hay cho các khu vực và cộng đồng địa phương Nhật Bản. 

+ Ông đã đưa ra một chương trình kích thích tài chính lớn cho đến nay đã thành công. Nhưng ông có lo lắng về nợ của Nhật Bản, đã đạt mức 220-230% GDP, không? 

- Nhật Bản đang đối mặt với sự suy giảm rất nhanh tỷ lệ sinh, và thu nhập quốc gia của Nhật Bản đã mất tới 50 nghìn tỷ yên do giảm phát kéo dài. Đặt những việc đó cùng với nhau, và anh có một cơ sở thuế nhỏ hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, và đó là mối quan tâm cốt lõi đã khiến chính phủ tôi đưa ra kế hoạch phục hồi “ba mũi tên”. Bên cạnh mua lại trái phiếu và những khoản trả lãi, chi tiêu hiện nay của chính phủ phải đáp ứng được doanh thu thuế hàng năm. Việc đạt được sự cân bằng đó vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và chúng tôi đã có một cam kết quốc tế sẽ làm như vậy. Cho tới năm tài khóa 2015, chúng tôi sẽ giảm một nửa thâm hụt trong bảng cân đối cơ bản, và cho tới năm 2020, chúng tôi sẽ đạt được sự cân bằng. Để làm được như vậy, chúng tôi phải tăng doanh thu thuế. Chúng tôi cũng cần chấm dứt chu kỳ giảm phát. Và chúng tôi phải đạt được tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng cần phải cải thiện tính hiệu quả trong chi tiêu chính phủ. Chúng tôi đã quyết định tăng thuế suất tiêu dùng, loại thuế quan trọng để duy trì các dịch vụ an sinh xã hội. Tôi hiểu rằng tình hình hiện nay là khó khăn, và nền kinh tế thế giới sẽ có những thăng trầm. Nhưng đó là sự ủy thác tôi nhận được và chúng tôi đang len lỏi tìm cách vượt qua. 

+ Dường như đôi khi có hai Shinzo Abe khác nhau: một Abe theo chủ nghĩa dân tộc hay bảo thủ, làm những việc gây tranh cãi như ủng hộ việc xem xét lại sách giáo khoa lịch sử, nghi ngờ vấn đề phụ nữ làm nô lệ tình dục, hay nghi ngờ tính hợp pháp của tòa án tội ác chiến tranh của khối đồng minh, và Abe thực dụng chìa tay ra với Trung Quốc và Hàn Quốc và là người thận trọng không để leo thang tình trạng căng thẳng về quần đảo Senkaku. Gần đây, cả hai con người Abe này đã thể hiện rõ: trước hết, ông dường như đang chất vấn ở Nghị viện rằng liệu Nhật Bản có phải là một nước xâm lược trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai không, và rồi một tuần sau đó ông thừa nhận những đau khổ mà Nhật Bản đã gây ra trong cuộc chiến tranh này. Vậy đâu là Abe thật, và mọi người nên hiểu sự thay đổi giữa hai Abe này như thế nào? 

- Như tôi đã nói ngay từ đầu, tôi đã có những nhận xét chỉ được các phương tiện truyền thông chủ đạo trích dẫn một phần hay trích dẫn sai. Hãy để tôi nói lại cho đúng. Trong nhiệm kỳ đầu và nhiệm kỳ hiện nay của tôi với tư cách là thủ tướng, tôi đã nhiều lần bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc rằng tôi chia sẻ những thiệt hại và sự đau khổ lớn lao mà Nhật Bản đã gây ra trong quá khứ đối với người dân ở nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á. Tôi đã nói rõ điều đó, tuy nhiên nó đã ít được phổ biến rộng rãi. 

+ Ông có chấp nhận rằng Nhật Bản là nước xâm lược khi nước ông xâm chiếm Trung Quốc, khi nước ông xâm chiếm Triều Tiên, và khi nước ông tấn công Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai không? 

- Tôi chưa bao giờ nói rằng Nhật Bản không phạm phải hành động xâm lược. Tuy nhiên, đồng thời, việc xác định “sự xâm lược” là tốt hay không tốt như thế nào không phải là việc của tôi. Đó là những gì mà các sử gia phải tiếp tục làm việc. Tôi phải nói rằng công việc của chúng ta là thảo luận về việc chúng ta nên tạo ra kiểu thế giới nào trong tương lai. 

+ Dường như khi ông nói về lịch sử thì luôn gây các rắc rối, vậy thì tại sao không tránh nói vấn đề đó? Và hãy cho phép tôi hỏi một câu có liên quan: Để gạt các vấn đề này sang một bên, ông có thể cam kết, với tư cách thủ tướng, sẽ không đến thăm đền Yasukuni cả chính thức lẫn với tư cách cá nhân? 

- Tôi chưa bao giờ đưa ra với bản thân mình vấn đề lịch sử. Trong các cuộc bàn cãi ở Nghị viện, tôi đã đối mặt với các câu hỏi từ các thành viên khác, và tôi đã phải trả lời họ. Khi làm vậy, tôi tiếp tục nói rằng vấn đề này là một vấn đề đối với các sử gia, vì nếu không, các anh có thể chính trị hóa nó, hoặc biến nó thành một vấn đề ngoại giao. Về đền Yasukuni, hãy để tôi thuyết phục anh nghĩ về nơi các anh bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã chết trong chiến tranh, Nghĩa trang quốc gia Arlington ở Mỹ. Các vị tổng thống Mỹ đến đó, và với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản, tôi cũng đã đến đó. Giáo sư Kevin Doak thuộc trường Đại học Georgetown chỉ ra rằng việc đến thăm nghĩa trang này không có nghĩa tán thành chế độ chiếm hữu nô lệ, cho dù các binh lính phe Liên bang được chôn cất ở đó. Tôi xét thấy chúng tôi có thể tạo ra một lập luận tương tự về Yasukuni, nơi thờ cúng linh hồn của những người đã mất trong khi phục vụ đất nước họ. 

+ Nhưng với tất cả sự kính trọng, có 13 tội phạm chiến tranh loại A được chôn cất tại Yasukuni, điều là lí do tại sao việc khiến Trung Quốc và Hàn Quốc phẫn nộ là khi các thủ tướng Nhật Bản đến đó. Chẳng phải việc chỉ hứa hẹn sẽ không đi đến đó sẽ dễ dàng hơn? 

- Tôi nghĩ rằng việc một nhà lãnh đạo Nhật Bản cầu nguyện cho những người đã hy sinh mạng sống để phục vụ cho đất nước là một điều tự nhiên, và tôi nghĩ rằng điều này không có sự khác biệt so với những gì lãnh đạo các nước khác làm. Sau khi Yasukni thờ cúng linh hồn những tội phạm loại A, thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã không có bất cứ phàn nàn nào về các chuyến viếng thăm đến đó trong vài năm. Sau đó đột nhiên, họ bắt đầu phản đối các chuyến viếng thăm này. Vì vậy, tôi sẽ không nói rằng liệu tôi sẽ đến thăm hay không đến thăm ngôi đền này. 

+ Vào tháng 1/2013, ông đã nói rằng không còn cơ hội để đàm phán về quần đảo Senkaku. Nếu ông có quan điểm cứng rắn đến vậy và Trung Quốc có quan điểm cứng rắn đến vậy, thì sẽ không có sự tiến bộ. Vậy thì giải pháp là gì? 

- 7 năm trước đây, với tư cách là thủ tướng, tôi đã chọn Trung Quốc làm điểm đến đầu tiên trong một chuyến thăm chính thức. Vào dịp đó, tôi đã đồng ý với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng cả hai nước phải cố gắng có được mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trên cơ sở những lợi ích chiến lược chung. Tôi đã truyền đạt đến người Trung Quốc thông điệp rằng Nhật Bản và Trung Quốc có mối quan hệ không thể tách rời, đặc biệt là về các mối quan hệ kinh tế. Và tôi tin rằng sẽ là sai lầm nếu đóng cửa mọi lĩnh vực quan hệ song phương bởi vì một vấn đề duy nhất – đó sẽ không phải là một hành động khôn ngoan. Đó là lý do tại sao tôi luôn để cửa mở cho đối thoại. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc nên quay trở lại điểm xuất phát của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi mà hai nước đã tán thành. 

Về quần đảo Senkaku, Nhật Bản đã thu hồi chúng vào năm 1895, sau khi thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Và phải sau năm 1971 Trung Quốc mới có yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo này. Quần đảo Senkaku là một bộ phận không thể thiếu của lãnh thổ Nhật Bản, trên cơ sở cả lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Chỉ sau khi giữ im lặng trong 76 năm, và sau khi Mỹ đề cập đến sự tồn tại tiềm năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bên dưới đáy biển khu vực đó, thì Trung Quốc, mới bắt đầu đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình, một cách tương đối bất ngờ. Kể từ năm 2008, phía Trung Quốc đã đưa các tàu chính thức hoặc tàu hải quân thâm nhập vào các lãnh hải Nhật Bản. Hiện tượng này đã tồn tại lâu hơn và ăn sâu bén rễ hơn người ta vẫn thấy. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi phải giải quyết vấn đề này theo cách chuyên nghiệp nhất, và tôi đã chỉ thị cho toàn bộ chính phủ của mình phản ứng trước tình huống này theo cách bình tĩnh nhất có thể. Và chúng tôi vẫn nói rằng chúng tôi sẽ luôn để mở cửa cho đàm phán. 

+ Nhưng ông sẵn sàng làm gì để giải quyết vấn đề này? Đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải gần đây đã nói với tôi rằng việc tốt nhất sẽ là tảng lờ vấn đề chủ quyền và quay trở lại hiện trạng ở đó Trung Quốc và Nhật Bản chấp nhận bất đồng ý kiến. 

- Tuyên bố đó của Trung Quốc có nghĩa là Nhật Bản nên thừa nhận rằng có tồn tại vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết. Chúng tôi có thể không bao giờ cho phép có lập luận này. Phía Trung Quốc đang sử dụng lập luận tương tự chống lại Việt Nam và Philippines để giành sự kiểm soát các đảo ở Biển Đông. Và gần đây, vào ngày 8/5/2013, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài báo nghi ngờ vị thế của chính Okinawa . Chúng tôi không bao giờ đồng ý với người Trung Quốc gác lại vấn đề quần đảo Senkaku. Nói rằng chúng tôi đã đồng ý ở trong quá khứ là lời nói hoàn toàn dối trá của người Trung Quốc. 

+ Do sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành vi hung hăng hơn của nước này, ông vẫn tin tưởng vào mối quan hệ an ninh của Mỹ hay ông cảm thấy rằng Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn để tự bảo vệ mình? Và đây có phải là lí do ông quan tâm đến việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản? 

- Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn tin tưởng vào liên minh Nhật-Mỹ - 100%. Sau trận động đất ở Đông Nhật Bản vào năm 2011, Mỹ đã cử 20.000 nhân viên quân sự đến; thậm chí dưới hoàn cảnh khó khăn, Mỹ đã đề nghị hợp tác trong những nỗ lực xây dựng lại đất nước của Nhật Bản. Đó là sự phản ánh chân thực mối quan hệ của chúng ta. Và chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh và vui lòng ủng hộ sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ hướng tới châu Á. Nhưng đồng thời, Nhật Bản cũng sẵn sàng thực thi các trách nhiệm của mình. Trong 10 năm qua, đất nước tôi tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng. Mặt khác, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự của mình lên gấp 30 lần trong 23 năm qua. Do đó, năm 2013, lần đầu tiên trong 11 năm, chính quyền của tôi chọn tăng nhẹ ngân sách quốc phòng. Đó là một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẵn sàng thực thi các trách nhiệm của mình. Liên quan đến vấn đề quyền tự vệ tập thể, hãy tưởng tượng rằng các tàu của Mỹ ở biển khỏi bị tấn công, và một chiếc tàu vũ trang, chẳng hạn như tàu khu trục Aegis, từ Nhật Bản, đồng minh hiệp ước của Mỹ, đi ngang qua. Dàn xếp mà hiện nay chúng tôi có ở Nhật Bản không cho phép tàu khu trục này có bất cứ phản ứng nào. Điều đó thật là điên rồ. 

+ Vậy ông muốn thay đổi điều 9 (điều khoản hòa bình trong hiến pháp Nhật Bản) để giải quyết vấn đề này? 

- Sửa đổi hiến pháp đòi hỏi phải vượt qua được một rào cản lớn: chúng tôi sẽ phải có được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên trong Quốc hội Nhật Bản và sau đó là đa số trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Tuy nhiên, thực tế vẫn là Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới không gọi các tổ chức quốc phòng của mình là quân đội. Điều đó thật là vô lý, khi chính phủ đang chi tổng cộng 5 nghìn tỷ yên mỗi năm cho tự vệ. Tôi nghĩ rằng hiến pháp của chúng tôi cần phải quy định rằng các Lực lượng phòng vệ của chúng tôi là các lực lượng quân đội và cũng cần quy định các nguyên tắc đã được thiết lập từ lâu về sự kiểm soát dân sự và chủ nghĩa hòa bình. Ngay cả nếu chúng tôi khôi phục quyền tự vệ tập thể hay sửa đổi điều 9 trong hiến pháp, thì điều đó sẽ chỉ đặt Nhật Bản vào địa vị tương tự như các nước khác khắp toàn cầu. Chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề này theo một cách kiềm chế. Ngay cả nếu chúng tôi sửa đổi hiến pháp và có thể sử dụng quyền tự vệ tập thể, chúng tôi vẫn ở địa vị hạn chế hơn so với người Canada . 

+ Để làm rõ, ông có muốn thay đổi hiến pháp để khiến việc tự vệ tập thể trở nên dễ dàng hơn không? 

- Tôi muốn thấy hiến pháp được sửa đổi, và đảng tôi đã đưa ra một đề nghị dự thảo sửa đổi hiến pháp, bao gồm cả điều 9. 

+ Tại sao đa số người dân Nhật Bản vẫn phản đối việc xem xét lại hiến pháp? 

- Hơn 50% người Nhật Bản ủng hộ ý tưởng thay đổi hiến pháp (nói chung), trong khi chưa đầy 50% ủng hộ việc sửa đổi điều 9. Nhưng các cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng một khi được biết chi tiết hơn về lý do căn bản, họ sẽ chuyển sang ủng hộ việc sửa đổi. 

+ Vậy ông có nghĩ rằng họ chỉ không hiểu vấn đề không? 

- Chỉ 30% người dân ủng hộ việc cho phép quyền sử dụng vũ lực trong tự vệ tập thể. Nhưng khi chúng tôi đưa ra một trường hợp cụ thể có liên quan, chẳng hạn như việc Triều Tiên phóng tên lửa, và chúng tôi giải thích trước công chúng rằng Nhật Bản có thể bắn hạ các tên lửa nhằm vào Nhật Bản, nhưng không phải các tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ, cho dù Nhật Bản có khả năng làm được như vậy, thì hơn 60% dư luận thừa nhận rằng điều này là không đúng./.

Theo "Foreign Affairs", số tháng 7-8/2013

Mỹ Anh (gt)