_____________________

 

Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là sau sự kiện 11/9, các vấn đề có tính chất toàn cầu ngày càng chi phối chính sách đối ngoại của các nước, đặc biệt là tại diễn đàn đa phương. Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nhận thức được rằng có một số vấn đề, trước đây chỉ là mối quan tâm riêng của mỗi quốc gia, nay đã thu hút được sự chú ý của nhiều nước. Các vấn đề nghèo đói, dịch bệnh, môi trường bị tàn phá và bạo lực cộng đồng - đang đe dọa nền văn minh của nhân loại và đáng chú ý hơn cả là những nguy cơ mang tính phi truyền thống đối với quan hệ quốc tế. Hiện tại các vấn đề này đang trở thành các chủ đề nổi trội trong nghiên cứu và hoạch định chính sách của các nước, nhất là Mỹ. Sự phát triển của tình hình này đặt ra vấn đề là liệu các vấn đề mang tính toàn cầu có phải là những vấn đề được Mỹ sử dụng như một công cụ can thiệp vào công việc quốc tế và nội bộ các nước trong thời kỳ toàn cầu hóa hay không? Các vấn đề hiện tại được Mỹ triển khai và thúc đẩy có thay thế cho việc dùng vũ lực hay chỉ là những biện pháp được Mỹ tiến hành song song? Đó là những vấn đề cần giải đáp nhằm góp phần cho việc hoạch định chính sách của Việt Nam đối với Mỹ trong giai đoạn mới. Nhằm giải đáp một phần những vấn đề đã nêu, trong bài viết, tác giả sẽ tập trung phân tích những vấn đề sau: (i) cơ sở tạo nên sự quan tâm của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu; (ii) Các vấn đề toàn cầu trong chính sách đối ngoại Mỹ và (iii) Các vấn đề toàn cầu trong quan hệ Mỹ - Việt.

Cơ sở tạo nên sự quan tâm của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu

Trong vài thập kỷ gần đây, thuật ngữ “các vấn đề toàn cầu” được đề cập khá nhiều trong các công trình nghiên cứu và trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương. Trong các công trình nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, đa số các học giả đều cho rằng “những vấn đề xuất hiện do có sự phát triển khách quan của xã hội, tạo ra nguy cơ cho toàn thể nhân loại và đòi hỏi hợp nhất nỗ lực của toàn bộ cộng đồng thế giới để giải quyết”.[1] Chiến tranh lạnh kết thúc, an ninh của các quốc gia xuất hiện những vấn đề mới bên cạnh những vấn đề nằm trong sự quan tâm và tính toán trong thời kỳ trước, đó là: HIV/AIDs, buôn bán người qua biên giới, buôn bán ma túy, môi trường, hiểm họa thiên tai, đói nghèo, an ninh lương thực, an ninh con người… Những vấn đề này tác động đến an ninh của các quốc gia không kể giàu, nghèo và tác động đến hệ thống chính trị quốc tế và đòi hỏi phải có sự hợp tác của các thành viên trong cộng đồng quốc tế. Cũng như các nước khác, Mỹ nhận thức được đầy đủ tác động của các vấn đề toàn cầu đối với nước Mỹ. Sở dĩ Mỹ có được nhìn nhận mới đối với các vấn đề toàn cầu là do những lý do sau:

Thách thức của các vấn đề toàn cầu đối với bản thân nước Mỹ

Hiện nay, nước nào cũng nhận thức được về những hiểm họa do các vấn đề toàn cầu gây ra đối với sự tồn tại và phát triển của từng nước, nhưng mức độ nhận thức của mỗi nước cũng tương đối khác nhau, tùy thuộc vào thế và lực cũng như từng ưu tiên chiến lược của quốc gia đó trong những thời kỳ nhất định. Như các nước khác trên thế giới, mặc dù là nước đi đầu trong quá trình toàn cầu hóa trên thế giới, nhưng những thách thức do các vấn đề toàn cầu hóa gây ra cũng tạo nên những mối quan ngại đối với người dân Mỹ và các nhà hoạch định và triển khai chính sách.

Cuối thế kỷ 20 và đặc biệt là khi sang thế kỷ 21, nước Mỹ phải đối phó với những thay đổi phức tạp và khó dự đoán bởi sự cộng hưởng của các vấn đề toàn cầu như môi trường, nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, sự bất ổn định của nền kinh tế toàn cầu... vượt quá khả năng giải quyết của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, kể cả Mỹ. Hai ví dụ điển hình là khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 và sự kiện 11/9. Vị trí cách biệt về địa lý của nước Mỹ không còn có khả năng ngăn cách tác động của những sự kiện ngoài biên giới nước Mỹ. Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, cho dù mạnh đến đâu, người Mỹ cũng không thể đánh giá thấp những tác động của môi trường quốc tế đối với an ninh quốc gia Mỹ. Bởi vì theo thuyết chủ nghĩa tự do thì trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mối đe dọa của một nước này cũng sẽ nhanh chóng trở thành điều quan ngại của người dân nước khác. Ngay khi triển khai chiến lược “ dính líu và mở rộng, Tổng thống Bill Clinton đã nhấn mạnh “về bản chất, không phải tất cả các nguy cơ an ninh đều cấp bách hoặc dính đến quân sự. Những vấn đề xuyên quốc gia như chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu, ma túy, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tăng dân số quá nhanh và dòng người tỵ nạn cũng gây ra những tác động về an ninh cho chính sách của Mỹ cả trước mắt lẫn lâu dài. Buôn bán ma túy bất hợp pháp đã gây tổn hại cho nước Mỹ mỗi năm khoảng 67 tỷ USD, hàng ngàn tỷ USD đã tiêu tốn cho các tội phạm xuyên quốc gia khác.[2] Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề môi trường xuyên quốc gia đang nổi lên cũng gây ảnh hưởng ngày càng lớn đến ổn định quốc tế và do đó sẽ trở thành những thách thức mới đối với chiến lược của Hoa kỳ”.[3] Tổng Thống Clinton thừa nhận thế giới ngày nay “vẫn còn bị đe dọa bởi những thù hận và những hiểm họa mới... Trật tự thế giới cũ không còn, thế giới trở nên kém ổn định hơn”[4]. Ông cũng chỉ ra rằng “những thách thức chúng ta gặp phải là đáng sợ” trong “một thế giới mà chúng ta phải cạnh tranh giành mọi cơ hội, đó là công việc không hề dễ dàng”.[5] Ví dụ, trực tiếp đối với Mỹ, căn bệnh HIV/AIDs đang là mối đe dọa không nhỏ. Đây là một trong năm căn bệnh hàng đầu dẫn đến tử vong của lứa tuổi 25-44. Bộ Y tế và Dịch vụ Con người (Department of Health and Human Service) đánh giá rằng ở nước Mỹ, hơn 400.000 người bị bệnh AIDs trong năm 2003 và khoảng 850.000-900.000 người bị nhiễm HIV. Các trường hợp bị AIDs ngày càng tăng trong các cộng đồng, trong đó người Mỹ gốc Phi chiếm khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm. Và kèm theo đó có khoảng 180.000-200.000 người bị nhiễm HIV mà không hề nhận thức được và từ họ có thể gây lây nhiễm cho người khác trong cộng đồng. Ngoài ra, có khoảng nữa triệu người khác sống ở nước Mỹ sống với HIV mà không hề được chữa trị.[6] Cùng với HIV/AIDs, vấn đề buôn bán ma túy cũng đang là mối hiểm họa tiềm tàng với sự ổn định của cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Hiện tại, Mỹ rất quan ngại vì tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện hút tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Tại Mỹ, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, số người nghiện hút ở độ tuổi từ 18 đến 25 chỉ chiếm 4% tổng số người nghiện, đến đầu thập kỷ 80 con số này tăng lên đến 6,4%. Và đến giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, số người nghiện là thanh thiếu niên của Mỹ đã đạt mức đáng ngại. Đến năm 2004, 19,1 triệu thanh niên Mỹ trong đó 7,9% là số tuổi từ12[7], tiêu tốn đến 60 tỷ USD mỗi năm. Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát Ma túy Quốc gia của Nhà trắng (White House Office of National Drug Control) thì ma túy trái phép đã gây tổn hại cho Mỹ là 180,9 tỷ USD.[8] Những mối hiểm họa có nguồn gốc từ các vấn đề toàn cầu này tác động trực tiếp đến sự bền vững của từng cá nhân và cộng đồng trong lòng xã hội Mỹ.

Một thách thức mang tính toàn cầu đang được lưu tâm và sẽ là mối quan ngại của Mỹ trong nhiều năm tới là chủ nghĩa khủng bố quốc tế và sự gia tăng của những thách thức không cân xứng.[9] Ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ, điều bảo đảm chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thông thường, không còn là yếu tố quyết định trong một cuộc chiến tranh không cân xứng. Tính chất không cân xứng của nó thể hiện ở ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là Mỹ phải bảo vệ toàn bộ những điểm có thể trở thành mục tiêu của khủng bố trong khi đó, các tổ chức khủng bố chỉ cần nhằm vào một số điểm dễ bị tổn thương nhất để tấn công. Hai là trong khi Mỹ và các lợi ích của Mỹ là mục tiêu có thể nhìn thấy được thì hoạt động của các tổ chức khủng bố không dễ gì phát hiện. Ba là sự không cân xứng về chi phí và tổn thất. Tính chất không cân xứng của những mối đe dọa khủng bố thực chất đã làm cho sức mạnh của Mỹ không còn là cơ sở để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và an toàn cho công dân Mỹ.

Hiện tại, trong khi nước Mỹ phải tập trung toàn lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những vấn đề toàn cầu khác vẫn có nguy cơ đe dọa ổn định ở các khu vực, nơi Mỹ có những lợi ích thiết yếu. Sự đan xen giữa các vấn đề toàn cầu đang ngày càng lan rộng, càng cho thấy những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt rất phức tạp, đa dạng và phân tán. Lý do chính là vì dù là siêu cường duy nhất, nhưng Mỹ không thể chi phối toàn bộ công việc của thế giới và áp đặt ý chí của mình. Quyền lực trong kỷ nguyên toàn cầu hóa trở nên phân tán hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó “các mối đe dọa ít nhất cũng nguy hiểm và có phần phức tạp như chúng ta đã gặp ở thời kỳ trước đây”.[10] Một trật tự thế giới mới đang hình thành trong đó Mỹ không thể dễ dàng áp đặt tất cả mọi ý muốn của mình đối với hệ thống quốc tế. Chính vì vậy, các chính quyền Mỹ sau Chiến tranh lạnh đều nhấn mạnh vai trò của các liên minh và đánh giá cao sự hỗ trợ của các đồng minh trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Nhận thức của giới lãnh đạo Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu

Nhìn chung, quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ phụ thuộc nhiều vào nhận thức của giới lãnh đạo và thiên hướng chính trị trong từng chính quyền Mỹ. Ở từng thời điểm nhất định, quan điểm của Mỹ đối với mỗi vấn đề đều phụ thuộc vào quan điểm của bộ máy hoạch định chính sách an ninh, đối ngoại. Chính vì vậy, cho đến nay mỗi một chính quyền dưới bất kỳ sự lãnh đạo của một tổng thống nào, các chiến lược đối ngoại được triển khai đều mang dấu ấn của cá nhân tổng thống đó. Các vấn đề toàn cầu đã xuất hiện trong quan hệ quốc tế nhưng chỉ đến thời kỳ tổng thống Clinton và tổng thống George W. Bush mới được nhấn mạnh. Mỹ là một trong nước đầu tiên trên thế giới thể hiện mối quan tâm đến các vấn đề toàn cầu.

Thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 đã chứng kiến sự điều chỉnh và xác định lại khái niệm an ninh nhằm thích nghi với môi trường chiến lược mới sau Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh kết thúc, sự kiện 11/9 xảy ra tại nước Mỹ và hàng loạt các vụ khủng bố xảy ra ở các nước đã khiến cho bản chất thực sự của các vấn đề an ninh trở thành một nội dung tạo ra sự tranh luận rộng khắp. Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, nhiều sự kiện trên thế giới, trong đó có thể tính đến những tác động chính trị và xã hội của cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970, đã làm cho các nước trên thế giới chú ý đến những nguy cơ đe dọa an ninh khác ngoài những nguy cơ quân sự trở thành vấn đề xuyên quốc gia cần sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Khái niệm về đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia của các nước, nhất là Mỹ, trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, nhất là sau sự kiện 11/9 đã thay đổi.

Những người theo thuyết hiện thực mới (neo-realism) trong khi vẫn coi an ninh quốc gia là mục tiêu tối thượng thì cũng đã phải thừa nhận rằng cùng với sức mạnh quân sự, những khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hoá của quyền lực cũng góp phần đem lại và đảm bảo an ninh quốc gia. Có thể thấy rằng, quan niệm về an ninh và sức mạnh quốc gia mang tính toàn diện hơn. Từ cách tiếp cận đó, những vấn đề an ninh mới xuất hiện ngày càng nhiều và được chú trọng, bao gồm từ xung đột sắc tộc, suy thoái môi trường, khan hiếm nguồn nhân lực, di cư ồ ạt cho đến tội phạm có tổ chức, các hoạt động liên quan đến buôn bán người và thuốc phiện và khủng bố. Hầu hết những mối nguy cơ an ninh này đều mang tính chất xuyên quốc gia.

Năm 1991, Tổng thống George Bush (cha) đưa ra sáng kiến thừa nhận An ninh sinh thái là một bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia. Năm 1994, chính quyền Bill Clinton chấp nhận an ninh sinh thái là một bộ phận của chiến lược an ninh quốc gia. Những báo cáo chiến lược an ninh quốc gia tiếp theo, bên cạnh những vấn đề môi trường, nạn khủng bố, tội phạm quốc tế, buôn lậu ma túy, mua bán vũ khí và di cư bất hợp pháp đã được coi là những mối đe dọa mang tính chất xuyên quốc gia. Ngoài ra, ở Mỹ, giới cầm quyền cho rằng nước nào làm chủ được khoa học công nghệ cao thì nước đó sẽ lãnh đạo thế giới. Tháng 9/1995 Tổng thống Clinton đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia về Khoa học và Công nghệ với bốn mục tiêu cơ bản: duy trì ưu thế quân sự; kiểm soát vũ khí hạt nhân; đối phó với các mối đe dọa toàn cầu; và tăng cường an ninh kinh tế Mỹ. Đây được coi là chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của nước Mỹ về khoa học và công nghệ, theo đó khoa học và công nghệ được hướng tới phục vụ chiến lược Can dự và Mở rộng nhằm giúp Mỹ duy trì vị trí của mình trên thế giới.

Sự kiện 11/9 đã tạo nên một bước ngoặt mới trong nhận thức của người Mỹ về đe dọa an ninh quốc gia đối với họ. Vấn đề chống khủng bố đã trở thành trọng tâm của chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Georg Bush (II). Vấn đề khủng bố trên thực tế đã là một vấn đề tồn tại trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên sự kiện này đã làm cho chống khủng bố đã trợ thành trọng tâm, mục tiêu hàng đầu trong chính sách của Mỹ cả về khía cạnh đối nội lẫn đối ngoại. Bản chiến lược an ninh quốc gia 2002 đã tập trung vào vấn đề chống khủng bố và an ninh quân sự thể hiện ở học thuyết “đánh đòn phủ đầu”. Bản chiến lược an ninh quốc gia 2/2006 nhấn mạnh, nước Mỹ phải “tăng cường liên minh để đánh bại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và xúc tiến ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại chúng ta (Mỹ) và bạn bè của chúng ta (Mỹ)”.[11] Bên cạnh đó với các vấn đề mang tính toàn cầu khác, Mỹ cũng là nước thể hiện mối quan ngại sâu sắc. Mỹ là nước tuyên bố coi việc buôn bán phụ nữ và trẻ em như là tội phạm xuyên quốc gia và là hình thức buôn bán nô lệ hiện đại và nô lệ toàn cầu” và coi căn bệnh HIV/AIDs là vấn đề cần phải tập trung sức lực để giải quyết. Tổng thống Bush cam kết nước Mỹ sẽ đi đầu trong việc đương đầu với những thách thức nghiêm trọng này của thế kỷ 21.

Có thể nhận thấy rõ rằng, cách tiếp cận đối với vấn đề được coi là mang tính chất toàn cầu trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 thể hiện sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ đối với những hiểm họa đối với nhân loại nhưng vẫn là sự kế tục của tư duy sẵn sàng can thiệp để giải quyết những vấn đề Mỹ thuộc lợi ích sống còn của Mỹ. Và trong chính sách đối ngoại của Mỹ các vấn đề toàn cầu được đề cập và đang trở thành nội dung được các tổng thống Mỹ sử dụng để hỗ trợ cho chiến lược an ninh, đối ngoại của Mỹ.

Các vấn đề toàn cầu trong chính sách đối ngoại Mỹ

Mục tiêu đối ngoại của Mỹ

Như trên đã phân tích, một điều có thể thấy rõ ràng là các vấn đề thuộc lợi ích nước Mỹ, nhất là vấn đề an ninh luôn được đặt lên hàng đầu và Mỹ sẵn sàng bảo vệ những lợi ích này vô điều kiện. Đồng minh Mỹ chỉ đứng hàng thứ hai và kinh tế thế giới được xếp xuống thứ ba. Tuy nhiên lợi ích quốc gia của tất cả các chính quyền của Mỹ đều có cùng bản chất, phản ánh tham vọng đứng đầu thế giới của giới lãnh đạo của nước Mỹ với mục tiêu chiến lược xuyên suốt duy trì vị trí siêu cường của Mỹ, ngăn chặn bất cứ nước nào hoặc thế lực nào nổi lên thách thức vai trò của Mỹ. Đây là mục tiêu chiến lược dài hạn, và là yếu tố bất biến chi phối chiến lược an ninh của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Chính vì vậy, hầu hết các vấn đề toàn cầu đều sẽ trở thành mối quan tâm của Mỹ, bên cạnh mục đích đảm bảo sự an toàn cho người Mỹ, nhằm dựa vào đó mà tập hợp được dư luận ủng hộ Mỹ.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, ngăn chặn không còn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Mỹ. Trong một thời gian, nước Mỹ không có trọng điểm chiến lược đối ngoại mà chỉ có một đường hướng đối ngoại chung chung là “can dự và mở rộng”. Ở một góc cạnh nào đó, sự kiện 11/9 đã tạo ra một đường hướng mới cho chiến lược đối ngoại của Mỹ và trọng tâm chiến lược đối ngoại của Mỹ là cuộc chiến chống khủng bố. Mục tiêu chống khủng bố sẽ chi phối và xác định những ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ đối với từng vấn đề, khu vực và đối tượng cụ thể. Đây sẽ tiếp tục là ưu tiên chiến lược của Mỹ bất kể chính quyền tiếp theo là Cộng hòa hay Dân chủ. Về thực chất, chống khủng bố đã được chính quyền Clinton đề cập trong chiến lược “can dự và mở rộng” nhưng đến thời kỳ tổng thống Bush nó đã được phát động thành một cuộc chiến tranh dài lâu, với kẻ thù vô hình và đây là kiểu chiến tranh chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Giới lãnh đạo Mỹ cho rằng mục tiêu của chính sách chống khủng bố về cơ bản là ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai. Chiến lược chống khủng bố gồm ba mục tiêu chính: (i) đối phó với những kẻ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự kiện ngày 11/9 mà Mỹ cho rằng đó là Bill Laden và mạng lưới Al Qaeda; (ii) tiêu diệt các cơ sở hoạt động của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Điều này có nghĩa là bất cứ nước nào mà Mỹ cho rằng đang nuôi dưỡng, hoặc có khả năng nuôi dưỡng và chứa chấp các tổ chức khủng bố[12] và (iii) duy trì một sự nhất trí quốc tế về cuộc chiến chống khủng bố nhằm tranh thủ sự ủng hộ và đặc biệt là sự hợp tác của các nước trên thế giới trong lĩnh vực chia sẻ thông tin.

Cuộc chiến chống khủng bố, ưu tiên chiến lược trước mắt và mục tiêu chiến lược dài hạn là Mỹ giành được ngôi vị bá chủ thế giới song song tồn tại, và không phải mâu thuẫn với nhau. Mỹ theo đuổi và thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc. Hơn thế nữa, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt cũng được tính đến nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn hơn là ngăn chặn không cho bất cứ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ.

Vấn đề toàn cầu trong chiến lược đối ngoại của Mỹ

Đứng trước những thay đổi to lớn của tình hình thế giới sau Chiến tranh lạnh, từ khi Clinton lên cầm quyền, Mỹ đã tích cực xem xét và điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Từ tháng 9/1993, thông qua một loạt các bài phát biểu quan trọng, cả Ngoại trưởng Christopher, cố vấn an ninh quốc gia Anthony Lake, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và của Tổng thống Clinton, chính quyền Clinton đã phác hoạ ra những nét chính của một chiến lược đối ngoại mới “Chiến lược mở rộng”. Sau hơn một năm thảo luận, kiểm nghiệm và điều chỉnh tháng 2 năm 1995, Nhà trắng chính thức công bố Chiến lược “Can dự và Mở rộng” và chiến lược này được coi là chiến lược đối ngoại của Mỹ trong những năm còn lại của thế kỷ 20. Chiến lược này gồm bốn nội dung chính: Một là, củng cố cộng đồng các nền dân chủ thị trường lớn, trong đó Mỹ là hạt nhân. Hai là, khuyến khích và củng cố các nền dân chủ mới và các nền kinh tế thị trường, ở nơi có thể, đặc biệt ở các nước có tầm quan trọng đặc biệt và cơ hội đặc biệt. Ba là, chống lại xâm lược và ủng hộ giải phóng tại các nước thù địch với dân chủ thị trường. Và bốn là theo đuổi chương trình nhân đạo, không chỉ cung cấp viện trợ mà còn giúp dân chủ và thị trường bắt rễ trong các khu vực có mối quan tâm nhân đạo lớn nhất.

Thực chất của chiến lược “Can dự và Mở rộng” là phát huy vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, duy trì lợi ích an ninh và kinh tế ở các khu vực, từng bước thiết lập trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, bành trướng ảnh hưởng kinh tế, chính trị, văn hoá Mỹ và thể chế dân chủ tư sản theo mô hình của Mỹ và phương Tây. Để triển khai chiến lược trên, hoạt động đối ngoại của Mỹ đều xoay quanh ba trụ cột: an ninh kinh tế, an ninh quân sự và thúc đẩy dân chủ nhân quyền trong đó đảm bảo lợi ích kinh tế được coi là ưu tiên nhất. Có thể thấy rõ rằng, nước Mỹ đã mở rộng mục tiêu chính sách đối ngoại của mình sang các vấn đề tầm toàn cầu. Lý do chính là do có sự thay đổi trong mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ và đặc biệt là liên quan đến mức độ nhấn mạnh về vấn đề dân chủ và nhân quyền trong các chính quyền khác nhau của Mỹ. Sự tập trung của chính sách đối ngoại đã chuyển sang các vấn đề trước đây đã từng tồn tại nhưng không phải là ưu tiên của Mỹ. Sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn biên giới và các vấn đề về nhân quyền, dân chủ, chống khủng bố đã trở thành một trong các mục tiêu của chính sách của Mỹ đối với các nước. Bên cạnh đó, thế giới, trong thời kỳ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trở nên phức tạp hơn, nhưng cũng có điều kiện thuận lợi hơn cho các quốc gia cùng phối hợp hành động giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Trong chiến lược “Can dự và Mở rộng”, Tổng thống Clinton đã khẳng định “những vấn đề toàn cầu cần được giải quyết thông qua các chương trình phát triển có tài trợ được để có các giải pháp đáng tin cậy. Vai trò lãnh đạo của Mỹ là quan trọng. Nếu các giải pháp như trên không phát triển, tương lai của hành tinh này sẽ rất nguy kịch”.[13]

Sau sự kiện ngày 11/9/2001, nội dung của chính sách đối ngoại Mỹ đã có sự điều chỉnh lớn. Chủ nghĩa khủng bố đã trở thành thách thức lớn đối với vấn đề ổn định của Mỹ và thế giới. Mỹ không những phải thay đổi lại tư duy chiến lược an ninh, quốc phòng cho bản thân nước Mỹ mà còn lợi dụng sự kiện này tiến hành cuộc tập hợp lực lượng toàn cầu dưới danh nghĩa “chống chủ nghĩa khủng bố”. Chống khủng bố đã thay thế mục tiêu “chống cộng sản” thời kỳ Chiến tranh lạnh và trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng và là ranh giới phân biệt định bạn thù”. Bản chiến lược an ninh quốc gia 2002 đã nhấn mạnh đến vấn đề chống khủng bố và nhấn mạnh đến an ninh quân sự thể hiện ở học thuyết “đánh đòn phủ đầu”. “Với niềm tin vào những nguyên tắc của tự do và giá trị của một xã hội mở cửa, vị trí này đi cùng với những trách nhiệm, nghĩa vụ và cơ hội chưa từng có. Sức mạnh vượt trội của quốc gia này cần được sử dụng để thúc đẩy cán cân quyền lực ủng hộ tự do”.[14] Nó thể hiện một cách hệ thống và chính thức quan điểm, học thuyết đối ngoại của chính quyền Bush trong bối cảnh sau 11/9. Dựa trên nền tảng đó, chính sách đối với thế giới của chính quyền Bush được triển khai theo các hướng “chúng ta sẽ bảo vệ hòa bình chống lại những mối đe dọa từ những kẻ khủng bố và độc tài… Chúng ta sẽ mở rộng hòa bình bằng việc khuyến khích các xã hội tự do và mở cửa trên khắp các châu lục và bảo vệ nhân quyền”. Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, các vấn đề toàn cầu đã chiếm một vị trí ưu tiên. Hầu hết các chương trình, dự án quan trọng chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề này đều trực thuộc sự quản lý của Bộ Ngoại giao Mỹ. Các chương trình, dự án đều được triển khai theo cung cấp tài chính tạo việc làm, ngăn chặn từ gốc song song với việc các biện pháp can thiệp như hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo về những tiến triển, diễn biến tình hình liên quan đến một vấn đề cụ thể. Ví dụ : hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều có báo cáo về “Nạn buôn bán người”, về tình hình buôn bán ma túy… về những nước mà Mỹ quan tâm.

Mỹ là nước đi đầu trong việc cung cấp nguồn tài chính cho các chương trình đối phó với một số vấn đề mang tính đe dọa xuyên quốc gia, đó là công tác chống buôn bán ma túy, nạn buôn bán người qua biên giới, phòng chống HIV/AIDs, phòng chống thiên tai hoặc chống chủ nghĩa khủng bố... Ví dụ, với nhận thức về mối nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDs, Tổng Thống George Bush đã coi việc ngăn chặn căn bệnh này trên phạm vi toàn thế giới là một trong những ưu tiên đối ngoại của Mỹ. Năm 2004, Ông tuyên bố triển khai “Kế hoạch Khẩn cấp về Cứu trợ bệnh nhân AIDS”(PEPAR). Đây là một nỗ lực lớn với số tiền trị giá 15 tỷ USD kéo dài trong 5 năm. Mục đích của kế hoạch là ngăn chặn bảy triệu trường hợp lây nhiễm mới, trong đó dành ưu tiên đặc biệt đối với thanh niên thông qua những mô hình can thiệp nhằm thay đổi hành vi và tiết dục. Theo dự tính, 20% ngân sách từ Kế hoạch khẩn cấp sẽ được dành cho ngăn chặn lây nhiễm, và một phần ba ngân quỹ sẽ dành cho các chương trình khuyến khích không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bên cạnh đó, chương trình này còn nhằm vào việc hướng đến những người bị nhiễm HIV mà chưa đến giai đoạn AIDs thông qua các biện pháp tiền ngăn chặn, đồng thời với việc xây dựng một hệ thống cảnh báo. Việt Nam đã trở thành nước thứ 15 tiếp nhận sự hỗ trợ của Mỹ trong việc chống HIV/AIDS. Sáng kiến của Tổng thống Bush có thể được coi như là một bước đột phá trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDs và đã đặt nước Mỹ vào vị trí dẫn đầu cộng đồng quốc tế. Tháng 5/2007, Tổng thống Bush tuyên bố gia hạn (PEPAR) thêm 5 năm nữa, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào năm tài chính 2008 với một khoản tiền là 30 triệu USD. Tháng 9 năm 2007, Mỹ tiếp tục chuyển cho Quỹ toàn cầu chống HIV/AIDS, lao và sốt rét khoản tiền 531 triệu USD.[15] Hai chương trình lớn này do Mỹ khởi xướng đã có những kết quả tích cực. Đó là có khoảng 1,1 triệu người đã được chữa trị từ nguồn tiền của PEPAR và hàng loạt các hoạt động ngăn chặn, tuyên truyền giúp các cộng đồng. Bên cạnh những tác động tích cực do hai quỹ này đem lại, mục đích của việc tăng thêm chi phí cho “Kế hoạch khẩn cấp về Cứu trợ bệnh nhân AIDS” và Quỹ toàn cầu chống HIV/AIDS, lao và sốt rét chính là việc “bảo vệ những quyền con người cơ bản” và “kêu gọi các quốc gia khác trên thế giới cùng tham gia - hiện tại là Anh. Và đó chính là sức mạnh về sự lãnh đạo của Mỹ”.[16].

Hoặc đối với vấn đề chống buôn bán người qua biên giới, trong báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia năm 2006, đề cập đến vấn nạn buôn bán người, Tổng thống Bush khẳng định nước Mỹ “nỗ lực loại bỏ hoàn toàn tệ nạn này. Các thế hệ tương lai sẽ không tha thứ cho những ai nhắm mắt làm ngơ trước tệ nạn này”.[17] Năm 2000, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về Bảo vệ nạn nhân buôn người (The Trafficking Victims Protection Act - TVPA) nhằm “trừng phạt những kẻ buôn người, bảo vệ nạn nhân và ngăn không cho nạn buôn người xảy ra. Theo quy định trong luật, hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình lên Quốc hội một báo cáo về tình hình đấu tranh chống lại các hình thức buôn người của các chính phủ nước ngoài (Trafficking in Persons - TIP). Mỹ quy định rằng “Quốc gia nào không có những hành động đáng kể nhằm tuân thủ những tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người, theo luật pháp Mỹ, sẽ bị đánh giá tiêu cực và xếp “loại ba” trong Báo cáo. Kết quả là quốc gia đó sẽ không được nhận các khoản viện trợ không liên quan đến vấn đề nhân đạo và thương mại từ Chính phủ Hoa Kỳ”.[18] Khi xem xét, đánh giá “nỗ lực” của các chính phủ nước ngoài đối với tệ nạn này, Báo cáo này nhấn mạnh đến ba nội dung: truy tố, bảo vệ và ngăn chặn. Bên cạnh đó, yêu cầu chiến lược nhằm vào nạn nhân của các vụ buôn bán người đòi hỏi phải giải quyết thỏa đáng về giải cứu, hồi phục và tái hòa nhập. Việc đặt ra tiêu chí như vậy là nhằm giám sát “bảo vệ những quyền tự do hiện đang bị những hiểm họa trên thế giới thách thức, đó là các quyền của phụ nữ và quyền tự do cho đàn ông, phụ nữ và cho những trẻ em bị dính vào mạng lưới buôn bán người tàn nhẫn”.[19]

 Tuy nhiên, mục đích khẳng định vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới luôn được Mỹ lồng ghép trong các chương trình hành động, hỗ trợ giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Ngoài ra, màu sắc “thực dụng” và “lợi ích quốc gia Mỹ trên hết” được chính quyền Bush sẵn sàng áp dụng thông qua việc sẵn sàng đơn phương rút lui khỏi nhiều hiệp định quốc tế được nhiều nước trên thế giới, thậm chí cả hiệp định mà các chính quyền trước ký kết như: Nghị định thư Kyoto (được Chính quyền Clinton ký tại Kyoto, Nhật), Hiệp ước cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân (CTBT), Hiệp ước cấm vũ khí sinh học, Hiệp ước về Toà án hình sự quốc tế, đơn phương rút khỏi Hội nghị phân biệt chủng tộc, trợ cấp Quĩ hoạt động dân số LHQ, quyết tâm theo đuổi kế hoạch “lá chắn tên lửa”, sẵn sàng phá bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ký với Liên Xô năm 1972) bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới kể cả đồng minh Tây Âu của Mỹ... Chính quyền Bush cho rằng các cam kết này không mang lại lợi ích thậm chí đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Cam kết “can dự các công việc trên thế giới nhưng sẵn sàng hành động đơn phương” đã trở thành một trong những nét đặc trưng của chính sách đối ngoại dưới Chính quyền Bush. Chính quyền Bush đã cố gắng phân bổ lại các nguồn lực của nhánh hành pháp nhằm tập trung vào những cường quốc đang nổi lên. Và với mục đích nhằm đảm bảo rằng những nước này được đưa vào mạng lưới chủ yếu của Mỹ trong phạm vi một trật tự do Mỹ tạo nên, Washington vẫn tiếp tục cố gắng bênh vực cho uy tín của họ tại các diễn đàn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với các vấn đề khác nhau như phổ biến vũ khí hạt nhân, các quan hệ liên quan đến tiền tệ, môi trường. Lý do chính là vì những nỗ lực này tập trung nhiều hơn vào các vấn đề chính trị hơn là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.[20]

Có thể thấy rằng, chính sách đối ngoại của Bush có phần mang nặng màu sắc “thực dụng” có phần trái ngược với chủ nghĩa quốc tế của Clinton và đảng Dân chủ với nội dung chiến lược nhằm “mở rộng nền dân chủ thị trường” nhưng có thể thấy rằng cách tiếp cận đối với vấn đề an ninh của Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 21 vẫn là sự duy trì tư duy dựa trên việc tăng cường sức mạnh của Mỹ, sẵn sàng dùng vũ lực hoặc uy hiếp bằng vũ lực, sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp quốc tế. Vì vậy, các vấn đề toàn cầu cũng được nhấn mạnh dưới góc độ hỗ trợ cho những mục đích an ninh quan trọng của Mỹ.

Các vấn đề toàn cầu trong quan hệ Việt-Mỹ

Đối với Việt Nam, quan hệ Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá đầy đủ. Hiện nay hai nước quan hệ với nhau không chỉ vì các tính toán an ninh, chiến lược mà còn vì cả lợi ích kinh tế của mỗi bên cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế. Mỹ hợp tác và hỗ trợ một cách tích cực giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng như phòng chống buôn bán ma túy, giải quyết nạn dịch HIV/AIDs và nạn buôn bán người qua biên giới… Thông qua văn phòng của USAID tại Hà Nội Mỹ đã hỗ trợ một khoản tài chính cho các chương trình, dự án lớn triển khai tại Việt Nam.

Tháng 6/2004 Tổng thống Bush tuyên bố Việt Nam nằm trong Kế hoạch viện trợ khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống (PEPAR), theo đó Việt Nam nhận 10 triệu USD cho năm 2004 và 27 triệu USD cho năm 2005. Kế hoạch này tập trung vào việc phòng chống có trọng điểm cho các nhóm có nguy cơ cao, mở rộng chăm sóc và hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDs… Tính đến cuối năm tài chính 2006, Việt Nam nhận được 76 triệu USD nhằm phòng ngừa và chữa trị HIV/AIDS theo chương trình PEPAR.

Phía Mỹ cũng có những bước hợp tác với Việt Nam trong việc phòng và chống dịch SARS và cúm gia cầm. Một khoản tài trợ 9 triệu USD đã được cung cấp cho Việt Nam nhằm hỗ trợ cho những cố gắng của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây là chương trình giúp cho các biện pháp ngăn ngừa và đối phó cũng như giáo dục công chúng và nâng cao năng lực cho Bộ Y tế và các chương trình nâng cao nhận thức do các tổ chức phi chính phủ thực hiện.[21]

Bên cạnh các lý do nhân đạo từ phía các cơ quan hỗ trợ tài chính, một lý do khác nữa là Việt Nam là một trong những nước có các lộ trình cụ thể cam kết giải quyết một cách tích cực các vấn đề được Mỹ quan tâm. Thực tế này được nhiều nước trong đó có Mỹ ghi nhận. Có thể thấy đây là các vấn đề mang tính toàn cầu mà Mỹ có lợi ích hợp tác và giúp Việt Nam. Theo đánh giá của phía Mỹ, Việt Nam có năng lực, bộ máy tổ chức và nhất là quyết tâm chống các bệnh dịch này.

Nhìn chung, các dự án, chương trình Mỹ được triển khai ở Việt Nam đều phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước như: chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội phát triển ngành nghề… Trong quá trình thực hiện, các cơ quan của Mỹ đều có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các đối tác Việt Nam. Các dự án đều nhấn mạnh đến tính bền vững và khả năng duy trì các hoạt động sau khi dự án, chương trình kết thúc, chủ yếu thông qua việc xây dựng và tăng cường năng lực cho người dân và đối tác Việt Nam.

Tuy vậy, không có nghĩa là Mỹ sẽ  hoàn toàn hợp tác với Việt Nam trong mọi vấn đề mà Việt Nam cần có sự trợ giúp của các nước. Hiện nay, sự hợp tác giữa hai nước đã mở ra ở diện rộng, và việc tiếp tục tranh thủ được sự giúp đỡ đó  nhưng đồng thời hạn chế được những tác động tiêu cực vẫn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhiều ngành và sự hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức của hai bên.

                                                                   TS. Nguyễn Thái Yên Hương, Học viện Ngoại giao

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế  số 1 (72), tháng 3 - 2008, Học viện Ngoại giao

[1] Nguyễn Trọng Chuẩn, Những vấn đề toàn cầu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI (Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia, 2006), tr. 15.

[2] Anthony Lake, “Foreign Weakness: A Potential Threath to U.S Security”, Global Executive Forum, July/1998, p. 1/5.

[3] William J. Clinton, Chiến lược an ninh Quốc gia: Sự cam kết và mở rộng 1995-1996 (Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 1997, tr. 23.

[4] .William J. Clinton, First Inaugural Adress, January 20th 1993. 1996-2007, The Avalon Project at Yale Law School.

[5] Như trên.

[6] US Department of State, “Chapter 7: The Global HIV/AIDs Epidemic”, 2005 Economic Report of the President. February 17, 2004.

[7] US. Department of Health and Human Service, “National Survey on Drug User and Health”, 2004.

[8] Office of the President, “Office of National Drug Control Policy. The Economist Costs of Drug Abuse in the United States: 1999-2002”, December 2004, tr. vii.

[9] Steven Lambakis, James Kiras, Kristin Kolet, “Understanding the Asymmetric Threats to the United States. National Institute for Public Policy”, September 2002, tr 1-3.

[10] Barack Obama, “Renewing American Leadership”, Foreign Affairs, July/August 2007, tr. 1/8.

[11] Thông tấn xã Việt Nam, “Chiến lược an ninh quốc gia của Hợp chủng quốc Hoa kỳ 2006”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 8-9/2006.

[12] Federalist Society for Law and Public Policies, “White Paper on Anti-Terrorism Legistration. Intellegence and the New Threat: the USA PATRIOT Act” and Brain H. Hook. Margaret J. A. Pecteclin, Petter L.Wesh, “Inforamtion Sharing Between Intellegence and Law Enforecment Communities”, December 2001, tr. 4/19.

[13] William J. Clinton, Chiến lược an ninh Quốc gia: Sự cam kết và mở rộng 1995-1996 (Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 1997), tr. 99.

[14] Nhà trắng, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2002, tr. 1.

[15] Cheryl Pellerin, “HIV/AIDs Fight Targets Health, Related Development Issues”, tại địa chỉ usinfo.state.gov, truy cập ngày 27/9/2007.

[16] Như trên.

[17] Thông tấn xã Việt Nam, “Chiến lược An ninh quốc gia tháng 2 năm 2006”, Tài liệu tham khảo, số 8-9/2006.

[18] Văn phòng Giám sát và Chống buôn người Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. “Báo cáo về Nạn Buôn Người”. Năm 2006.

[19] Thông tấn xã Việt Nam, “Chiến lược An ninh quốc gia tháng 2 năm 2006”, tlđd.

[20] Daniel W. Drezner,“The New New World Order”, Foreign Affairs, March/April 2007.

[21] “Việt Nam-Hoa kỳ: Những kỳ vọng mới”, Tạp chí Việt - Mỹ, tháng 11/2006, tr. 60.