Bằng việc điều chỉnh cả chính sách đối nội và đối ngoại, ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo duy nhất sau Đặng Tiểu Bình thay đổi hoàn toàn bức tranh chính trị nội bộ và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên. Các lãnh đạo Trung Quốc từ thời Mao có xu hướng xếp chính sách đối ngoại ở vị trí thứ yếu trong nghị trình quản trị đất nước. Tuy nhiên, ông Tập, vì những lý do đề cập trong bài, cho thấy quyết tâm và sự tự tin thay đổi khuôn mẫu truyền thống này nghiêng về cách tiếp cận thống nhất. Khi làm vậy, ông Tập Cận Bình hướng tới một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Để hiểu cách thức ông Tập triển khai “ngoại giao nước lớn” ( ), tác giả sử dụng mô hình có điều chỉnh dựa trên học thuyết năng lực quốc gia của Joel Migdal. Bằng hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và dân túy bao trùm bởi xu hướng toàn cầu, cải tổ đổi mới thể chế, huy động các nguồn lực, triển khai với kỷ luật, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, khả năng lãnh đạo khéo léo tận dụng thời điển lịch sử thế giới, ông Tập Cận Bình giúp Trung Quốc xây dựng năng lực ngoại giao mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sách “ngoại giao nước lớn” của ông Tập cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Triển vọng Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu không thực sự chắc chắn.

Xây dựng năng lực ngoại giao mạnh mẽ hơn

Người ta thường sử dụng cụm từ “có tính quyết đoán hay quyết đoán” khi mô tả chính sách “ngoại giao nước lớn” ( 国外 ) dưới thời Tập Cận Bình.[1] Tuy nhiên, ngoại giao nước lớn lâu dài và hiệu quả của mọi cường quốc cần nhiều thứ, ngoài tính quyết đoán dựa trên tự tin; chính sách này phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc phù hợp với các mục tiêu xác định và khả năng triển khai của cường quốc đó. Trong cuốn sách nổi tiếng “Xã hội Hùng mạnh và Quốc gia Yếu đuối,”[2] Joel Migdal giải thích việc một số quốc gia phát triển thực thi chính sách nhằm thay đổi cơ bản xã hội thành công hơn những nước khác. Các điều kiện quan trọng hình thành năng lực quốc gia cho phép các nước này theo đuổi những thay đổi xã hội mang tính cách mạng, như ông Migdal đề cập chi tiết trong các trường hợp nghiên cứu, bao gồm 1) sự hiện diện của một hệ tư tưởng phổ quát giúp huy động sự ủng hộ chính trị và sự đồng thuận của người dân;[3] 2) khả năng huy động đủ nguồn lực để thực hiện chính sách quốc gia[4]; 3) xây dựng thể chế với các cơ quan hiệu quả[5]; 4) khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và khéo léo[6]; 5) “thời điểm lịch sử thế giới và một số mối đe dọa bên ngoài trong đó lực lượng chính trị ngoại sinh ủng hộ việc kiểm soát xã hội tập trung.[7]

Học thuyết của Joel Migdal xem xét trường hợp các nước đang phát triển cố phá vỡ khuôn mẫu của xã hội truyền thống, trong khi triển khai chính sách chuyển đổi xã hội đầy tham vọng hướng tới thiết lập một quốc gia có vị thế trung tâm. Bối cảnh và động lực thúc đẩy ông Tập hướng tới chính sách đối ngoại quyết đoán nhiều điểm tương đồng với cách thức một cường quốc hình thành trong nghiên cứu của Migdal.

Thậm chí chưa hết nửa nhiệm kỳ đầu, ông Tập Cận Bình cho thấy sự khác biệt với những người tiền nhiệm về tầm nhìn, chính sách và phong cách điều hành đất nước. Tốc độ ông Tập thực hiện tất cả những điều này không có gì đặc biệt khi một lãnh đạo chính trị xóa bỏ di sản của các chính quyền trước sau khi giành chiến thắng, ở một đất nước từ lâu đánh giá cao tính tiếp nối thay vì sự gián đoạn, tốc độ và quy mô của những thay đổi ông Tập tạo ra rất đáng chú ý; Điều này chứng tỏ bản chất cũng những thay đổi dưới thời ông Tập.

Đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên, việc ông Tập Cận Bình nắm rất nhiều quyền lực khiến nguyên tắc “lãnh đạo tập thể”, duy trì dưới thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào,[8] dần xóa bỏ. Ông Tập Cận Bình tăng cường quyền lực bằng việc phát động cuộc chiến chống tham nhũng tác động sâu rộng trong nội bộ đảng và nhà nước, thúc đẩy và ưu tiên xây dựng quân đội hùng mạnh giống với quân đội của một siêu cường, thay vì quân đội trong học thuyết chiến tranh nhân dân của Mao, và cố gắng đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi mô hình tăng trưởng cao nhờ tập trung đầu vào từ thời Đặng Tiểu Bình.

Trên mặt trận đối ngoại, các sáng kiến ​​và thành tựu của ông Tập nhìn chung như nhau. Về cơ bản, ông Tập Cận Bình đã từ bỏ chiến lược “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình[9], thay bằng chính sách đối ngoại quyết đoán và chủ động hơn. Cùng với nghị trình trong nước, ông Tập trở thành nhà lãnh đạo duy nhất sau Đặng Tiểu Bình thay đổi hoàn toàn bối cảnh chính trị trong nước và quan hệ đối ngoại ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Tuy nhiên, nếu coi những thay đổi ông Tập tạo ra trên phương diện đối nội và đối ngoại là ngang nhau, chúng ta bỏ qua một điểm mấu chốt. Từ thời Mao tới Hồ Cẩm Đào, các lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng xếp chính sách đối ngoại ở vị trí thứ yếu trong nghị trình quản trị đất nước. Tuy nhiên, ông Tập, vì những lý do đề cập trong bài, cho thấy quyết tâm và sự tự tin thay đổi khuôn mẫu truyền thống về mối quan hệ và ranh giới giữa chính sách đối nội và đối ngoại, nghiêng về cách tiếp cận thống nhất trong việc quản trị cả hai lĩnh vực, một động thái đột phá tại đất nước có nhiều cuộc cách mạng hậu cách mạng hơn bất kỳ quốc gia nào. Theo phong cách “Tổng thống Uy quyền” của Tổng thống Mỹ[10], siêu cường hiện tại và đối thủ lớn nhất với tham vọng siêu cường của Trung Quốc, ông Tập nâng ngoại giao ngang tầm với chính sách đối nội và tập trung nhiều tâm huyết hướng tới mục tiêu đó với tốc độ đầy ngoạn mục. Nỗ lực hợp nhất nghị trình trong nước vào một chiến dịch tổng lực để khẳng định hình ảnh của Trung Quốc cho thấy ông Tập khác biệt với những người tiền nhiệm. Ngoài ra, cách tiếp cận này tạo không gian quốc tế lớn hơn và các cực tăng trưởng mới cho ngoại giao và kinh tế giúp ông Tập Cận Bình huy động nguồn lực chung trên cả hai mặt trận, qua đó thử nghiệm các hoạt động ngoại giao lớn và tạo ra các đột phá ngoại giao mà giới lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã tìm kiếm.

Dĩ nhiên, ông Tập không phải nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc cố gắng sáp nhập nghị trình đối nội và đối ngoại thành một mục tiêu đầy tham vọng. Như nhà sử học Thẩm Chí Hoa (Zhihua Shen) khéo léo đề cập trong nghiên cứu gần đây, xử lý mối quan hệ với Triều Tiên từ năm 1945 đến năm 1976 là sản phẩm của một lãnh đạo hành động như hoàng đế, không phân biệt chính sách đối nội hay đối ngoại miễn cả hai phục vụ mong muốn của ông trở thành lãnh tụ cuộc cách mạng cộng sản thế giới.[11] Sự khác biệt giữa Mao và Tập là Mao không thể đạt được cả hai mục tiêu trong khi ông Tập dường như có cơ hội tốt hơn để thúc đẩy thành công các mục tiêu đối nội và đối ngoại. Yếu tố khác biệt chính là ông Tập xây dựng năng lực ngoại giao mạnh phù hợp với mục tiêu và tạo điều kiện cho cách tiếp cận thống nhất của ông, một điều xa xỉ Mao mơ ước nhưng đơn giản là ngoài tầm với ở thời điểm đó.

Vậy bằng cách thức nào ông Tập Cận Bình xây dựng năng lực ngoại giao để theo đuổi ngoại giao nước lớn trong một khoảng thời gian ngắn như vậy? Trong 5 năm dười thời ông Tập, nhiều ví dụ cho thấy Trung Quốc đã chuyển đổi mạnh mẽ. Theo mô hình Joel Migdal về cách thức các cường quốc thay đổi triệt để xã hội, ông Tập ý địnhnỗ lực xây dựng một nền tảng hiệu quả giúp thay đổi sứ mệnh ngoại giao của Trung Quốc từ đảm bảo môi trường hòa bình có lợi cho sự phát triển đất nước sang mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu đối nội và đối ngoại, cùng cái gọi là Giấc mơ Trung Hoa.[12] Những ví dụ này bao gồm sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc 1) không chỉ là phản ứng với những diễn biến bên ngoài chủ động tận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi (hãy nhớ tới yếu tố ‘thời điểm lịch sử thế giới’?) đặc biệt khi những điều kiện giúp thay đổi cán cân sức mạnh có lợi cho Bắc Kinh; 2) nâng ngoại giao kinh tế thành một kế hoạch tổng thể nhằm xây dựng một mạng lưới các hiệp định, thỏa thuận và thể chế để củng cố vị thế của Trung Quốc như một lựa chọn thay thế cho trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt dưới hình thức “Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường” (BRI); 3) triển khai, trên quy mô lớn và tinh vi, ngoại giao đa phương như hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc để nêu bật và nhấn mạnh quyết tâm của ông Tập trở thành lãnh đạo mới trên vũ đài toàn cầu, và quan trọng hơn tạo điều kiện hình thành một liên minh không chính thức Trung Quốc ở “vị trí trung tâm”; 4) xây dựng quân đội hùng mạnh và là một phần của chính sách ngoại giao quyết đoán hướng tới chính sách thực dụng lẽ phải thuộc về kẻ mạnh trong các tranh chấp quan trọng và điểm nóng.

Trong điều kiện bình thường, để theo đuổi hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào ở trên điều thần kỳ về ngoại giao. Việc theo đuổi đồng thời và tất cả các mục tiêu cho thấy bản chất triệt để và mức độ thay đổi so với quá khứ trong chính sách ngoại giao nước lớn của ông Tập Cận Bình, đồng thời thể hiện định hướng ông muốn đạt được.

Từ ứng phó tới chủ động đối phó khi khủng hoảng xảy ra hoặc cơ hội xuất hiện

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế được hưởng lợi rất nhiều từ một loạt các sự kiện quốc tế; các sự kiện này giúp Trung Quốc vượt qua những thách thức khó khăn hoặc biến những thách thức này thành cơ hội quý giá. Việc Iraq quyết định xâm chiếm Kuwait năm 1990 và cuộc chiến Iraq lần thứ nhất giúp giảm bớt áp lực phương Tây áp đặt lên Trung Quốc sau sự kiện năm 1989 bởi Mỹ muốn tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc khi thông qua các nghị quyết quan trọng của Liên Hợp Quốc.[13] Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 1997/1998 giúp Trung Quốc giành thêm nhiều uy tín, ngay cả từ phía Mỹ, vì nước này quyết định không phá giá tiền tệ. Vụ tấn công ngày 11/9/2001 giúp Trung Quốc và Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao khi chỉ vài tháng trước một máy bay do thám Mỹ va chạm với một máy bay phản lực Trung Quốc, buộc hạ cánh (và bị giam giữ) tại đảo Hải Nam.[14] Với cuộc chiến Iraq năm 2003, Mỹ sa lầy trong “cuộc chiến dài nhất” kể từ Thế chiến thứ hai với phí tổn chiến tranh hơn 4 nghìn tỷ USD. Điều này khiến uy tín của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, và quan trọng hơn, tạo ra nhiều nhóm cực đoan hơn như ISIS khiến Mỹ phân tâm, góp phần ảnh hưởng tới  chính sách Xoay trục Châu Á. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007/2008 cũng tác động tới Trung Quốc. Tuy nhiên, xét tổng thể, cuộc khủng hoảng cũng là cơ hội: tiếp tục làm suy yếu Mỹ và theo đó, toàn bộ nền kinh tế phương Tây. Đồng thời, cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ sau Thế chiến thứ hai mang lại cho nền kinh tế Trung Quốc một lực đẩy lớn khi Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia[15] có thể trụ vững trong cuộc khủng hoảng, giúp thay đổi cán cân quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2012, Trung Quốc tiếp tục trải qua một loạt diễn biến bên ngoài tạo ra các thách thức trực tiếp và gián tiếp đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới thời ông Tập, cách Trung Quốc đối phó những tình huống như vậy có nhiều thay đổi -  Trung Quốc không còn hài lòng với việc chủ yếu phản ứng trước những sự kiện này, tận dụng nhiều nhất cơ hội có thể trong khi để những sự kiện này diễn ra một cách tự nhiên. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình thúc đẩy việc tận dụng những diễn biến này và có những hành động mạnh mẽ, ngay cả có nguy cơ phá vỡ một số nguyên tắc lâu đời để chèo lái những diễn biến này theo hướng Trung Quốc mong muốn. Ví dụ, hành động của Nga ở Crimea vào năm 2014 đã tạo rạn nứt lớn trong quan hệ Nga-Mỹ và chấm dứt mọi hy vọng “thiết lập lại”. Mặc dù từ lâu luôn bảo vệ nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc im lặng khi Nga xâm phạm các nguyên tắc này. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình hướng tới thúc đẩy quan hệ gần như đồng minh với Nga vào thời điểm nước Nga rất cần phá vỡ sự cô lập quốc tế.[16] Tương tự, sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump, ông Tập nhanh chóng tận dụng việc ông Trump quyết định rút khỏi TPP và Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu khi tuyên bố Trung Quốc là Người bảo vệ mới của thế giới đối với toàn cầu hóa và hợp tác đa phương trong vấn đề thương mại và nóng lên toàn cầu.[17]

Trên thực tế, ông Tập Cận Bình không thay đổi từ ứng phó sang chủ động nắm bắt và điều chỉnh diễn biến bên ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong một sớm một chiều. Cũng không đơn giản là thể hiện “quyết tâm”. Kể từ khi nắm quyền lực, ông Tập nỗ lực xây dựng nền tảng giúp Trung Quốc chủ động và mạnh mẽ hơn trong việc đối phó các diễn biến bên ngoài. Nỗ lực của ông Tập Cận Bình thể hiện ở một số khía cạnh. Đầu tiên, ông Tập ưu tiên việc cấu trúc thượng tầng (设计), nền tảng cơ sở (), quan điểm ba chiều (视角) và sự phối hợp (协调). Ông cũng điều chỉnh bộ máy ngoại giao và an ninh quốc gia với mục tiêu tăng cường khả năng điều phối chính sách đối ngoại, đặc biệt thiết lập Hội đồng An ninh Quốc gia phiên bản Trung Quốc, Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương (Central National Security Commission - CNSC) và tập hợp quanh ông một nhóm các trợ lý và nhà phân tích có năng lực và đáng tin cậy.[18] Với việc thúc đẩy khái niệm hóa và xây dựng thể chế, ông Tập ở vị trí mạnh hơn nhiều so với những người tiền nhiệm, thay vì phản ứng như trước đây, Trung Quốc chủ động định hình các diễn biến bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ cơ hội hoặc nguồn lực sẽ không đảm bảo thành công. Khả năng phản ứng nhanh, dứt khoát và một mô hình phối hợp hiệu quả sẽ quan trọng, nếu không nói là rất quan trọng, trong nỗ lực chuyển đổi những diễn biến bên ngoài thành cơ hội. Cho đến giờ, ông Tập chứng tỏ không phải là một người cơ hội; sự sắc sảo trong nắm bắt các sự kiện trên thế giới và mức độ quyết tâm giúp ông vượt xa những người tiền nhiệm trong vấn đề này.[19]

Nâng tầm ngoại giao kinh tế trong chính sách đối ngoại Trung Quốc

Hội nhập vào nền kinh tế quốc tế là điểm khởi đầu lý do khiến kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách vào cuối những năm 1970. Không có gì ngạc nhiên khi ngoại giao kinh tế là một phần quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc kể từ đó. Khác biệt ông Tập tạo ra là tầm nhìn và nỗ lực nâng tầm ngoại giao kinh tế đóng vai trò trung tâm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc.[20] BRI là minh chứng rõ nhất về sự chuyển đổi này, một sáng kiến mang đậm dấu ấn của ngoại giao Tập Cận Bình.

BRI chính thức được thông qua vào năm 2013. Trên thực tế, một số học giả và viện nghiên cứu trong giới ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc thăm dò ý tưởng tương tự cách đây nhiều năm dựa trên luận điểm đã đến lúc Trung Quốc vượt khỏi các nước láng giềng lân cận để “Hướng Tây (Trung Á), hoặc “Hướng Nam (Nam Á)”, mở rộng không gian đối ngoại của Trung Quốc để cân bằng với chính sách Xoay trục châu Á của Mỹ, tạo dựng nền tảng mới để đáp ứng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc về lợi ích an ninh hoặc kinh tế chiến lược. Tuy nhiên, BRI của ông Tập Cận Bình có tầm vóc vượt xa mọi ý tưởng bàn thảo lúc đó. Đặc biệt, sáng kiến này lồng ghép một số thành tố quan trọng trong lợi ích cốt yếu của Trung Quốc, bao gồm:

- Nhu cầu đảm bảo các tuyến vận tải và cảng biển huyết mạch trong hoạt động cung ứng năng lượng của Trung Quốc, mở rộng thương mại và các kết nối kinh tế khác.

- Nhu cầu tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc bao gồm mong muốn sử dụng thị trường nước ngoài để điều chuyển sản xuất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.

- Tham vọng của quân đội Trung Quốc, lần đầu tiên, tạo dựng mạng lưới các kho cung ứng hỗ trợ toàn cầu để hỗ trợ lực lượng hải quân biển xanh thực thụ.

- Các tính toán chiến lược của Trung Quốc nhằm thách thức trật tự thế giới Mỹ chi phối, Trung Quốc cần xây dựng nguyên mẫu thay thế dưới hình thức một mạng lưới không chính thức các bên có chung lợi ích và Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Một mạng lưới như vậy sẽ hấp dẫn hơn các nước nhưng tránh phá vỡ trực tiếp hệ thống hiện tại, ít nhất trong mắt giới lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế. Xét cho cùng, trong khi sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế nằm chủ yếu sức mạnh kinh tế bao gồm khả năng tham gia các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng khổng lồ với hiệu quả và quy mô lớn hơn so với phương Tây, cùng nguồn tài chính gần như vô hạn của nhà nước.

- Sự tin tin và năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc xây dựng thể chế toàn cầu và thiết lập luật chơi[21] - loại bỏ lợi thế một chiều thường nghiêng về phía Mỹ và phương Tây.

Tóm lại, BRI thể hiện quyết tâm của ông Tập Cận Bình trong việc xây dựng một mạng lưới các thỏa thuận, dự án và thể chế do Trung Quốc chi phối, giúp Trung Quốc có thực lực trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt. Một số chuyên gia bao gồm các học giả Trung Quốc đã chỉ trích BRI (và đúng như vậy) quá tham vọng.[22] Tuy nhiên, hiệu ứng “tiếng vang” có lẽ là một phần quan trọng trong tính toán ban đầu của ông Tập. Cách tiếp cận từ từ có thể có nhiều lợi ích hơn. Nhưng với ông Tập, nếu ảnh hưởng của BRI đủ lớn như một lời tuyên bố về một thể chế mới do Trung Quốc dẫn dắt, lợi ích chiến lược khi đó thực sự vượt xa những bất lợi.

Ảnh hưởng của BRI nhanh chóng phát huy sau khi Trung Quốc giới thiệu và triển khai sáng kiến. Thực tế đây bước đi cực kỳ khôn khéo nhằm mở rộng không gian quốc tế của Trung Quốc thông qua “các liên kết. Với việc nhấn mạnh cái gọi là quan điểm ba chiều và đa chiều khi xem xét mức độ ưu tiên trong quan hệ với các nước, ông Tập cơ bản đã thay đổi cách thức Trung Quốc đánh giá mức độ quan trọng của những nước này với Trung Quốc. Đã qua rồi khi Trung Quốc đánh giá mối quan hệ với một quốc gia cụ thể dựa vào vị trí, thời điểm, một sự kiện hoặc quỹ đạo một chiều. Thay vào đó, Trung Quốc đặt quan hệ với các quốc gia hoặc khu vực khác nhau trong một hệ quy chiếu lớn để tìm kiếm và xem xét các giá trị trong tổng thể quan hệ, tạo ra các cơ hội mới bằng cách kết nối các điểmhướng tới sức mạnh tổng hợp trong một mạng lưới các đối tác thương mại và đầu tư; một lợi thế rất lớn mà không đánh giá một chiều nào về quan hệ song phương có thể phù hợp.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Zhimin Lin nhận bằng Cử nhân tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), bằng Thạc sĩ tại Đại học Princeton (Mỹ) và bằng Tiến sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Washington (Mỹ). Ông giảng dạy tại Đại học Valparaiso từ 1990 đến 2014, hiện tại đang giảng dạy tại Đại học Mao Cao. Các ấn phẩm và nghiên cứu của ông tập trung ở 2 lĩnh vực: mối quan hệ trung ương – địa phương và sự tham gia của công chúng vào chính sách công ở Trung Quốc, chính sách ngoại giao Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình và sự phát triển của Trung Quốc vươn tới Mỹ Latin và châu Phi. Bài viết được đăng trên Journal of Contemporary China, Volume 28, 2019 - Issue 115.

Đinh Anh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)



[1] Kathy Gilsinan, Clic of the moment: Chinas increasing assertiveness, The Atlantic, ngày 25/9/2015, xem tại: https:// www.theatlantic.com/international/archive/2015/09/south-china-sea-assertiveness/407203/;. (truy cập ngày  15/12/2017); Tao Yu, Get ready for an even more assertive China, The Diplomat, ngày 1/11/2017, xem tại: https://thediplomat.com/2017/11/ get-ready-for-an-even-more-assertive-china/. (truy cập ngày 15/12/2017).

[2] Joel S. Migdal, Strong Societies and Weak States, State-Society Relations and State Capabilities in the Third World (Princeton, NJ: Princeton  University  Press, năm 1988).

[3] Tlđd, tr 265.

[4] Tlđd, tr 80.

[5] Tlđd, tr 263.

[6] Tlđd, tr 172, từ 275–277.

[7] Tlđd, từ 271–275.

[8] Angang Hu, ‘《中國集体领导体制》’[‘The System of Collective Leadership in China’] (Beijing: Zhongguo Renmin Daxue Chubanshe, năm 2013).

[9] Charles Glove, ‘Xi Jinping signals departure from low-profile policy,’ (ngày 20/11/2017) xem tại: https://www.ft.com/content/05cd86a6-b552-11e7-a398-73d59db9e399. (ngày truy cập 14/12/2017).

[10] Arthur Schlesinger, The Imperial Presidency (Boston: Houghton Miin Company, năm 1973).

[11] Zhihua Shen, ‘《最后的[天朝]:毛泽东,金日成与中朝 1945–1976’[‘The Last ‘Celestial Empire:’ Mao Zedong, Kim II Sung and Sino-North Korean Relations 1945–1976’] (Hong Kong: The Chinese University of Hong Kong, năm 2017).

[12] Mục tiêu kép của giấc mơ Trung Hoa là xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng và hiện thực hóa công cuộc phục hưng dân tộc, cụ thể là xây dựng  một “xã hội tương đối khá giả tới năm 2021(kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc) và trở thành một  “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa vào năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa).

[13] George H. Bush và Brent Scowcroft, A World Transformed (New York: Vintage Books, năm 1998).

[14] Jacques deLisle, ‘9.11 and US-China relations,’ Foreign Policy Research Institute, ngày 3/9/2011, xem tại: https://www.fpri.org/article/2011/09/911-and-u-s-china-relations/. (truy cập ngày 5/5/2017)

[15] Nền kinh tế lớn khác là Ấn Độ. Ben Bernanke, ‘Asia and Global Financial crisis,’ ngày 19/10/2009, xem tại: https://www.federalreserve.gov/newsevents/speech/bernanke20091019a.htm. (truy cập ngày 5/5/2017).

[16] Douglas E. Schoen và Malik Kaylan, The Russia-China Axis, the New Cold War and American Crisis of Leadership (New York: Encounter Books, năm 2014).

[17] Điều này trái ngược với tài liệu quá khứ của Trung Quốc. Ví dụ năm 2009, Trung Quốc bị chỉ trích tại hội nghị Copenhagen vì hành động chậm chễ với biến đổi khí hậu. Mark Lynas, ‘How do I know China wrecked the Copenhagen deal?’ The Guardian, ngày 22/12/2009, xem tại: https://www.theguardian.com/environment/2009/dec/22/copenhagen-climate-changemark-lynas. (truy cập ngày 1/5/2017).

[18] Jiantao Shi, ‘Will China’s new foreign policy dream team be the key to achieving its global ambitions?’ South China Morning Post, ngày 25/2/2018, xem tại: http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2134189/will-chinas-newforeign-policy-dream-team-be-key. (truy cập ngày 1/3/2018).

[19] Robert Ross và Jo Inge Bekkevold, chủ biên, China in the Era of Xi Jinping, Domestic and Foreign Policy Challenges, chương 5 (Washington DC: Georgetown University Press, năm 2016).

[20] Robert D. Blackwell và Jennifer M. Harris, War by Other Means, Geoeconomics and Statecraft (Cambridge: Harvard University Press, năm 2016).

[21] Yongtu Long, ‘Beijing should play greater role in global rule-making,’ China Daily, ngày 11/11/2016, xem tại: http://europe.chinadaily.com.cn/epaper/2016-11/11/content_27341936.htm. (truy cập ngày 5/4/2017). Tổng thống Obama dường như đã xác nhận xu hướng này với tuyên bố nổi tiếng của ông được trích dẫn, ‘Nếu chúng ta không viết luật chơi cho thương mại trên toàn cầu, hãy đoán điều gì sẽ xảy ra? Trung Quốc sẽ làm điều đó.’ David Sanger và Edward Wong, ‘As Obama plays China card on trade, Chinese pursue their own deals’ The New York Times, (ngày 21/3/2015), xem tại: https://www.nytimes.com/2015/05/13/us/politics/as-obama-plays-china-card-on-trade-chinesepursue-their-own-deals.html. (truy cập ngày 1/6/2015)

[22] Kaisheng Li, ‘不要把一路议过略化’ [Should not put too much emphasis on the strategic significance of BRI], Financial Times (bản tiếng Trung), ngày 6/9/2017, xem tại: http://www.ftchinese.com/story/001074137. (truy cập ngày 5/4/2017); Jiang Li and Shuaiyu Li, ‘中国一路避免成’ [China should avoid making BRI an expansive bet] Financial Times (bản tiếng Trung), ngày 23/6/2017, xem tại: http://www.ftchinese.com/story/001073132. (truy cập ngày 5/4/2017)