Hầu như không ai có thể đoán trước được rằng năm 2016 sẽ chứng kiến vụ thử tên lửa và hạt nhân chưa từng có ở Triều Tiên, mà gần đây nhất là vụ thử thứ năm và lớn nhất từ trước tới nay, được cho là ở mức 10 kiloton. Nhưng tất cả những điều này lẽ ra chẳng có gì bất ngờ. Dưới thời Kim Jong Un, cách tiếp cận của Triều Tiên tới việc phát triển các lực lượng chiến lược của mình có những khác biệt đáng kể - hiếu chiến hơn – so với dưới thời cha hay thời ông của Kim Jong Un. Sự thay đổi đáng chú ý này đưa bán đảo Triều Tiên vào con đường dẫn tới chiến tranh hạt nhân, trừ phi liên minh Mỹ-Hàn có thể thích ứng được với những sự kiềm chế răn đe và phòng thủ nhằm vào một đối thủ được trang bị hạt nhân hạng 2.

Trong khi Triều Tiên dưới thời Kim Jong Il đã thực hiện 18 vụ thử tên lửa trong suốt 18 năm cai trị của ông, thì chỉ trong vòng 4 năm qua, dưới thời Kim Jong Un, Triều Tiên đã chứng kiến 35 vụ phóng tên lửa và 3 vụ thử hạt nhân. Bằng lời nói và hành động, Kim Jong Un đã tỏ rõ ý định gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa, theo đuổi bom nhiệt hạch, và phát triển khả năng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, vốn từ lâu đã được coi là tiêu chuẩn vàng cho khả năng trả đũa được bảo đảm. Đã qua rồi cái thời có thể suy đoán rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ là tượng trưng hay những lợi điểm thương lượng, hoặc rằng mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân chỉ “mang tính giả định sâu sắc”, như một phát ngôn viên Nhà Trắng dưới thời Chính quyền George W. Bush từng mô tả nó.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên giờ đây đã được đẩy nhanh hơn, ít bị kiềm chế, và có mối liên hệ cởi mở với chương trình tên lửa của nước này hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang vội vã triển khai một lực lượng hạt nhân có thể đảm bảo được sự tồn tại của chế độ bằng việc đảm bảo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay thế hoặc xâm chiếm Triều Tiên đều sẽ dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Nhưng Washington và Seoul đang đối phó với Triều Tiên như thể nước này giờ vẫn đang trong những năm 1980.

Trong một thời gian dài, sách lược chính sách đối ngoại của Triều Tiên bao gồm những cuộc tấn công lặp đi lặp lại, quy mô nhỏ, riêng rẽ và có thể phủ nhận nhằm vào các mục tiêu Hàn Quốc và Mỹ. Về mặt lịch sử, những cuộc tấn công này được hậu thuẫn bởi sự sẵn sàng tiến hành chiến tranh thông thường nếu liên minh này trả đũa. Giờ đây, rủi ro thậm chí còn lớn hơn; những kiểu tấn công tương tự như vậy được hậu thuẫn bởi sự sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh hạt nhân. Đến lượt nó, sách lược chính sách đối ngoại của liên minh trong lịch sử gồm có việc đưa ra mối đe dọa hạt nhân, sẵn sàng áp đặt sự thay đổi chế độ và thống nhất bán đảo Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột, và những bước chuẩn bị liên tục triển khai các lực lượng quân sự quy mô lớn nhằm chứng thực cho mối đe dọa này.

Sau sách lược này, liên minh vẫn phát đi tín hiệu như thường lệ về những hành động mà nó sẵn sàng thực hiện chống lại Triều Tiên, từ việc triển khai máy bay ném bom B-52 có khả năng hạt nhân, phái các tàu sân bay, tới huy động hàng trăm nghìn lực lượng mặt đất nhằm xâm lược và chiếm giữ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên việc đi theo một trong hai con đường đó – Mỹ sử dụng hạt nhân trước hoặc thay đổi chế độ - sẽ loại bỏ những sự khích lệ cho sự kiềm chế hạt nhân của Triều Tiên trong tình huống xảy ra xung đột. Bằng việc giữ nguyên cách thức cũ, liên minh đang vô tình khiến cho bất kỳ xung đột nào cũng đều có khả năng tiến tới hạt nhân cao hơn.

Cơ hội tốt nhất để bán đảo Triều Tiên tránh khỏi số phận “đám mây hình nấm” là bằng cách điều chỉnh cho thích ứng với – chứ không phải đánh giá thấp – những rủi ro và đòi hỏi đặc trưng của sự răn đe nhằm vào một đối thủ được trang bị hạt nhân hạng 2. Liên minh, và đặc biệt là Mỹ, phải “luồn chỉ qua lỗ kim bé xíu” bằng cách thiết kế ra một kiểu răn đe đáng tin cậy, mà không châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hai bước đi hướng tới sự thích ứng lần lượt là: giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc phát đi tín hiệu quân sự của liên minh, lên kế hoạch và kiềm chế những mục tiêu và quy mô của các xung đột nổ ra.

Ít tai ương hơn

Nhằm kiềm chế việc phát đi tín hiệu hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải tiến hành một số điều chỉnh, bao gồm việc chấm dứt triển khai B-52 tới bán đảo này, chuyển các cuộc tham vấn “chiếc ô hạt nhân” với Hàn Quốc thành các cuộc tham vấn khu vực chưa phân rõ trắng đen, và tạo ra khoảng cách lớn hơn tới triển vọng Mỹ sử dụng hạt nhân trước.

Mỹ có truyền thống triển khai máy bay B-52 – loại máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân – từ đảo Guam tới bán đảo Triều Tiên mỗi khi muốn gửi lời đe dọa tới miền Bắc. Hàm ý rằng Washington có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân mang lại cho Triều Tiên động lực đặt hệ thống vũ khí hạt nhân của nước này vào trạng thái báo động, như Kim Jong Un đã ra lệnh vào tháng 4 vừa qua. Điều này chưa bao giờ thực sự là vấn đề trong những thập kỷ trước, trước khi Triều Tiên có vũ khí hạt nhân gần như có thể bắn tới mục tiêu, nhưng thời thế đã thay đổi. Và dù có vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay không, thì ưu thế thông thường đáng chú ý của liên minh so với Triều Tiên cũng gây tranh cãi về việc có cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong quân sự hay không. Hơn nữa, như tác giả đã giải thích trong cuốn sách của mình mang tên Rival Reputations (Danh tiếng Đối thủ), không có bằng chứng nào cho thấy các máy bay B-52 thậm chí đã làm thay đổi nhận thức của Triều Tiên về liên minh theo cách mong muốn; lịch sử về cách những chiếc B-52 từng được sử dụng ở Triều Tiên – sau những sự cố mà trong đó liên minh không có hành động thực sự nào nhằm đáp trả một cuộc tấn công của Triều Tiên – đã khiến cho những chiếc B-52 nhiều khả năng phát đi tín hiệu về sự tắc trách thay vì sự kiên quyết.

Việc phát đi tín hiệu hạt nhân tới Triều Tiên cũng tồn tại dưới những hình thức kín đáo hơn so với những chuyến bay B-52, chẳng hạn như các cuộc tham vấn “chiếc ô hạt nhân” giữa Mỹ và Hàn Quốc được quảng bá công khai. Kể từ những năm 1970, Mỹ đã cam kết mở rộng khả năng răn đe hạt nhân của mình tới các đồng minh được lựa chọn, trong đó có Hàn Quốc. Những nỗ lực này đã được tăng cường sau hai vụ tấn công của Triều Tiên vào năm 2010, khi các quan chức liên minh thiết lập những cơ chế tham vấn mới để trấn an Hàn Quốc về cam kết của Mỹ và để phối hợp các chính sách quốc phòng riêng của hai nước về vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Chỉ mới vào tháng 2 năm nay, Mỹ đã thành lập cái mà hiện nay được gọi là Ủy ban Chiến lược răn đe với Hàn Quốc, được thông cáo báo chí mô tả như là đánh bóng các lực lượng hạt nhân Mỹ để trấn an Hàn Quốc về sự sẵn sàng của các lực lượng này.

Nhưng vì Mỹ không cần tới vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Triều Tiên, mà cũng không muốn châm ngòi nổ hạt nhân Triều Tiên, nên các cuộc tham vấn nhằm mục tiêu trấn an Hàn Quốc về cam kết của Mỹ tốt hơn nên được dành cho một vấn đề nghiêm trọng hơn: quyết định xem Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc vào lúc nào và bằng cách nào để đối phó với những hành động khiêu khích, những cuộc tấn công du kích và các chiến dịch quân sự có phạm vi hạn chế của Triều Tiên. Đây là những mối đe dọa đang tồn tại trong khu vực mà nhiều nhà hoạch định chính sách hiện nay mô tả là khu vực xung đột chưa phân rõ trắng đen. Chúng là những vấn đề cụ thể mà Hàn Quốc thực sự phải đối mặt, và việc để xảy ra những vấn đề này gây lo lắng cho Hàn Quốc về mức độ đáng tin cậy của các cam kết của Mỹ. Chẳng hạn, sau vụ tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên nhằm vào một tàu hải quân của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong do Hàn Quốc nắm giữ vào năm 2010, các quan chức Hàn Quốc đã công khai đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của sự răn đe mở rộng và đề xuất ý tưởng về một chương trình vũ khí hạt nhân Hàn Quốc độc lập. Vì hành vi của Triều Tiên – chứ không chỉ là sự có mặt của vũ khí hạt nhân – là mối quan ngại chủ yếu, nên các cuộc tham vấn với Hàn Quốc sẽ hiệu quả hơn nếu chúng tập trung vào những vấn đề thực tiễn thay vì cố gắng hiện thực hóa những hứa hẹn hạt nhân phi thực tế.

Hơn nữa, những đợt triển khai B-52 và các cuộc tham vấn về chiếc ô hạt nhân chỉ là những công cụ được làm cho khả thi nhờ một chính sách lớn hơn của Mỹ về việc kiềm chế cái gọi là bảo đảm an ninh tiêu cực từ phía Triều Tiên. Đánh giá Tư thế Hạt nhân năm 2010 của Mỹ trên thực tế hứa hẹn với tất cả các bên tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) rằng Mỹ sẽ không tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước này trong bất kỳ tình huống nào. Là một chính sách được công bố, điều này chẳng khác gì là một lời đe dọa được “chế tác” cẩn thận bằng sự loại trừ. Mỹ không mở rộng đảm bảo của mình không sử dụng trước vũ khí hạt nhân tới các nước không tuân thủ hiệp ước, có nghĩa là về mặt chính sách, các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng ra kịch bản mà trong đó một tổng thống Mỹ nhận thấy sự khôn ngoan hoặc sự cần thiết trong việc tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân – chứ chưa nói tới tấn công hạt nhân mang tính phòng ngừa – nhằm vào Triều Tiên, điều khiến cho lời đe dọa về việc làm như vậy trở nên đáng ngờ. Dĩ nhiên không có gì đảm bảo rằng những hạn chế về việc Mỹ phát tín hiệu hạt nhân sẽ dẫn tới sự kiềm chế của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột, song chúng sẽ thúc đẩy Triều Tiên (và Mỹ) tránh hành động thiếu suy nghĩ bằng việc khiến vũ khí hạt nhân trở nên ít nổi bật hơn để nghĩ tới, lên kế hoạch và tiến hành những xung đột tiềm tàng trên bán đảo này.

Giảm sức nóng

Những biện pháp này có thể giúp giảm bớt sức nóng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng không giải quyết được sự cần thiết phải có một sự răn đe đáng tin cậy chống lại chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của một Triều Tiên được trang bị hạt nhân. Tình huống mới nổi lên này thể hiện một nghịch lý. Một mặt, liên minh phải thể hiện được quyết tâm bằng việc áp đặt những phí tổn không thể chấp nhận được lên Triều Tiên vì những hành động gây hấn. Cùng lúc đó, liên minh phải làm mọi việc trong khả năng của mình để đảm bảo rằng chế độ ở Bình Nhưỡng không tin rằng liên minh sẽ tìm cách tiêu diệt hay thay thế nó; những điều kiện như vậy sẽ trở thành biến cố khơi mào chiến tranh hạt nhân. Những yêu cầu dường như mâu thuẫn này – về việc thể hiện quyết tâm và chỉ truyền đạt những ý định công kích ở mức hạn chế – có thể được điều hòa bằng việc tăng cường răn đe chống lại bạo lực ở mức độ thấp chưa đến chiến tranh và đem lại một sứ mệnh mới cho các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).

Triều Tiên có một lịch sử lâu đời về bạo lực quy mô nhỏ không bị đáp trả - hơn 1.300 vụ việc dẫn đến hơn 1.600 thương vong kể từ năm 1961 – điều mà qua thời gian đã thuyết phục giới tinh hoa Bình Nhưỡng rằng không có nguy cơ lớn nào trong những cuộc tấn công nhỏ, đơn lẻ và có thể phủ nhận được. Triều Tiên phải “tỉnh ngộ” trước ý niệm này bằng sự đáp trả nhanh chóng và tập trung trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công trong tương lai; đơn giản là không còn con đường nào khác để thiết lập sự răn đe chống lại những vi phạm chưa tới mức chiến tranh.
Trong khi đó, vai trò của USFK phải chuyển dịch từ vai trò truyền thống của nó như một lực lượng phòng thủ tuyến đầu – tức là một biểu tượng chính trị được thiết kế nhằm đảm bảo việc Mỹ sẽ phái quân tiếp viện quy mô lớn trong trường hợp xảy ra chiến tranh – sang một vai trò có khả năng tự chiến đấu và giành chiến thắng các chiến dịch quân sự có giới hạn. Mỗi năm, USFK dẫn dắt Key Resolve và Foal Eagle (Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non), những cuộc tập trận quân sự lớn với sự tham gia của hàng nghìn binh lính đến từ khắp nơi trong khu vực. 28.500 binh lính của USFK đơn giản là không phải để tự mình giành chiến thắng một cuộc chiến tranh. Song Triều Tiên hiểu rằng những lực lượng quy mô lớn đổ vào Hàn Quốc là bước mở đầu cho sự thay đổi chế độ và các cuộc tấn công Bình Nhưỡng, mặc dù đó không phải là ý định của liên minh. Tồi tệ hơn, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã cảnh báo Mỹ vào năm 1994 – một thập kỷ trước khi quốc gia này có vũ khí hạt nhân – rằng “chúng tôi sẽ không cho các người có thời gian tập hợp binh lính trên khắp Hàn Quốc để tấn công chúng tôi… nếu rõ ràng các người có ý định tấn công thì chúng tôi sẽ tấn công”. Lời đe dọa này nên được hiểu theo nghĩa đen; nếu chế độ tin rằng nó đang phải đối mặt với sự diệt vong sắp xảy ra, thì khả năng Triều Tiên sử dụng hạt nhân trước sẽ lớn hơn nhiều. Hàm ý đối với USFK là lực lượng này phải sẵn sàng đạt được các mục tiêu quân sự chưa tới mức thay đổi chế độ và tái thống nhất mà không có sự hỗ trợ của các lực lượng tiếp viện quy mô lớn, bởi vì nếu không làm như vậy có nghĩa là có nguy cơ vô tình khuyến khích một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.

Thách thức lớn nhất cho thế hệ các nhà hoạch định chính sách tiếp theo của Mỹ và Hàn Quốc không phải là phi hạt nhân hóa hay sự thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên. Đây là những tầm nhìn vĩ đại, nhưng không phù hợp với thực tế trên thực địa. Thay vào đó, liên minh phải điều chỉnh cho thích ứng với những yêu cầu răn đe đang tiến triển chống lại một đối thủ được trang bị hạt nhân. Điều này có nghĩa là thể hiện tinh thần sẵn sàng lớn hơn trong việc đáp trả vũ lực bằng vũ lực, gạt sang một bên vai trò của vũ khí hạt nhân Mỹ càng nhiều càng tốt, và tự giới hạn cả mục đích lẫn phương tiện của xung đột quân sự nhằm tránh các cuộc tấn công hạt nhân dựa trên những hiểu lầm hoặc những tín hiệu không dự đoán được.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry từng viết: “Chúng ta phải đối phó với Triều Tiên như nó vốn có, chứ không phải như những gì ta muốn nó trở thành”. Với việc Triều Tiên giờ đây là một mối đe dọa đang nổi lên, việc lắng nghe lời khuyên của ông càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.

Theo “Foreign Affairs” (ngày 11/9)

Vũ Hiền (gt)