Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga, do liên quan tới vai trò của Moskva trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đã khiến Nga sẵn sàng mạo hiểm đa dạng hóa đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á. Những tuyên bố của Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev đưa ra trong chuyến thăm gần đây tới khu vực này đã cho thấy rõ Nga có ý định cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc để giành thị phần tại Đông Nam Á.

Nga đặt mục tiêu từ nay tới năm 2020 sẽ tăng gấp đôi kim ngạch trao đổi thương mại với ba quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Theo những phát biểu chính thức của Thủ tướng Medvedev trong chuyến công du khu vực vừa qua, Nga sẽ nâng kim ngạch trao đổi thương mại với Thái Lan và Indonesia lên mức tương ứng là 10 tỷ USD và 5 tỷ USD trong năm 2016; và lên 10 tỷ USD với Việt Nam.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác thương mại với Nga không chỉ hấp dẫn đối với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), Hàn Quốc có ý định cùng với Nga tham gia một dự án tại đặc khu công nghiệp Rajin-Sonbong của Triều Tiên vào cuối tháng 4. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul ngày 13/4 phát biểu tại Seoul: “Xung đột giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tạo ra một mục tiêu tham vọng khác cho ngành ngoại giao Hàn Quốc”.

Trong chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Nga, nhiều thỏa thuận đã được ký kết nhằm nâng cấp các nhà máy điện của Việt Nam và cung cấp cho Hà Nội loại máy bay chở khách Sukhoi Superjet-100 cùng nhiều toa xe lửa. Các công ty của Nga cũng đang đàm phán về việc xây dựng nhà máy điện Ninh Thuận I – nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, mua cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất, và lắp ráp xe tải KAMAZ của Nga tại Việt Nam.

Từ Việt Nam, Thủ tướng Nga tới Thái Lan. Tại đây, trong hai ngày 7-8/4, ông đã ký nhiều thỏa thuận với chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Những thỏa thuận này cũng đề cao hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cung cấp máy bay chở khách Sukhoi Superjet-100 và xe tải KAMAZ, sử dụng vốn của Thái Lan trong dự án xây dựng một tuyến đường sắt tại tỉnh Kalimantan của Indonesia. Đổi lại, Thái Lan tìm cách đàm phán về việc tăng cường cung cấp các sản phẩm nông nghiệp của nước này cho thị trường Nga.

Trong chuyến công du của ông Medvedev, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một tuyên bố quan trọng rằng đàm phán về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu có thể sẽ được hoàn tất trong vài tháng tới. 

Yaroslav Lisovolik, người đứng đầu bộ phận phân tích của Ngân hàng Deutsche, nói: “Việt Nam là một bệ đỡ quan trọng để (Nga) bước chân vào khu vực ASEAN năng động và đạt được nhiều hợp đồng với các nước khác trong khối này”.

Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Yury Zaitsev, chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng thuộc Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc gia Nga, nói: “Khả năng cạnh tranh của Nga thường kém hơn EU, Mỹ, Australia và Trung Quốc – những quốc gia hiện đang có nhiều hoạt động làm ăn tại Việt Nam và Thái Lan”. Theo Zaitsev, những quy định riêng của từng nước cũng là rào cản đối với hoạt động kinh doanh của Nga trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Lisovolik, Nga vẫn có một vài lợi thế khi trao đổi thương mại với ASEAN: “Đầu tiên, Nga có thể mở cửa toàn bộ thị trường EAEU cho các đối tác của Nga. Thứ hai, đề xuất hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và nhiên liệu với Nga là điều hấp dẫn đối với nhiều quốc gia”.

Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học MGIMO, nói thêm rằng Nga sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác giữa các khu vực. Ông nói: “Trọng tâm của Nga là thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga”.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ bị đóng băng do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga đang theo đuổi chính sách phát triển hợp tác thương mại tích cực hơn với các nước châu Á. Ông Lisovolik đánh giá rằng về tổng thể Nga đã lựa chọn hướng đi đúng đắn. Ông nói: “ASEAN là thị trường năng động và phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay”.

Theo Russia Beyond the Headlines

Trần Quang (gt)