14.jpg

Nhìn lại năm 2015, chu kỳ phục hồi kinh tế Mỹ rõ ràng đã vượt lên dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu, thể hiện một xu thế phát triển tương đối mạnh mẽ. Triển vọng năm 2016, xu hướng phục hồi kinh tế của Mỹ không thay đổi, động lực tăng trưởng nội sinh ổn định và mạnh mẽ, tình hình các mặt cơ bản vẫn nổi trội hơn đa số các nền kinh tế chủ yếu khác; nhưng điều đáng xem xét ở đây là, không gian cải thiện kinh tế Mỹ tương đối hạn chế, khả năng đem đến niềm vui bất ngờ cho thị trường vốn không lớn. Năm 2016, sự phục hồi của Mỹ đã “không còn là điều mới mẻ”, so với châu Âu, sức hút của thị trường chứng khoán Mỹ có phần sụt giảm. Đồng USD sẽ tạm thời chạm đỉnh sau lần đầu tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp đến trải qua một giai đoạn mất giá, sau đó mới khôi phục xu hướng tăng giá dài hạn. Năm 2016, Mỹ vẫn là nền kinh tế có đặc trưng ổn định bá quyền, vì vậy, một khi thế giới xảy ra sự kiện “thiên nga đen”, hoặc cục diện địa chính trị hỗn loạn bùng phát, thì “cơn sốt tài sản USD ” sẽ lại tăng nhiệt.

Xu thế chung không thay đổi: Đà phục hồi ổn định

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ, kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái, năm 2008 và năm 2009, GDP thực tế lần lượt giảm 0,29% và 2,78%. Chịu ảnh hưởng của chính sách kích thích kinh tế với quy mô lớn, bắt đầu từ quý 3 năm 2009, kinh tế Mỹ phục hồi trở lại, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2010-2014 lần lượt là 2,53%, 1,6%, 2,22%, 1,49% và 2,43%; Theo dự báo của IMF, dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2015 là 2,57%, tăng 0,14 điểm % so với năm 2014.

Nhìn về tương lai, năm 2016, xu thế phục hồi kinh tế Mỹ không thay đổi, IMF dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 2,84%, tăng 0,27 điểm % so với năm 2015. Tình hình phục hồi kinh tế Mỹ ổn định, xu hướng phục hồi sẽ không vì chính sách tiền tệ thắt chặt, biến động địa chính trị gia tăng và sự thay đổi chu kỳ chính trị mà nảy sinh những biến động căn bản. Nhìn vào tình hình cơ bản của nền kinh tế Mỹ cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn là một trong những trọng tâm tăng trưởng ổn định nhất thế giới, chất lượng phục hồi đáng được khẳng định.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và mạnh mẽ. Đặc điểm lớn nhất của kinh tế Mỹ là mô hình tăng trưởng nội sinh. Tỷ lệ tăng trưởng hàng quý của Mỹ thường biến động, không phải là chỉ tiêu tối ưu nhất để quan sát tình hình vận hành kinh tế Mỹ. Ví dụ, 3 quý đầu năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng hàng quý của kinh tế Mỹ lần lượt là 0,6%, 3,9% và 2,1%, biến động lớn, xu thế không rõ ràng. Tác giả cho rằng chỉ tiêu quan trọng để phán đoán xu thế kinh tế Mỹ là tỷ lệ tăng trưởng nội sinh, tức là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sau khi loại bỏ ba nhân tố gây xáo động lâu dài là sự biến đổi tồn kho, xuất khẩu ròng và chi tiêu của chính phủ. Kết quả dự đoán của tác giả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng nội sinh của kinh tế Mỹ ổn định và mạnh mẽ hơn so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng quý, 3 quý đầu năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng nội sinh lần lượt là 1,66%, 3,24% và 3,27%, bình quân đạt 2,86%, không chỉ cao hơn mức bình quân 0,96% của thời kỳ khủng hoảng những năm 2008-2014, cũng cao hơn mức bình quân lịch sử 1,91% từ năm 1947 đến 2014.

Thứ hai, động lực chính thúc đẩy tiêu dùng của Mỹ thể hiện rất tốt. Kinh tế Mỹ theo mô hình tiêu dùng điển hình, từ năm 1947 đến nay, trung bình hàng quý kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,25%, trong đó, tiêu dùng đóng góp 2,08%, tạo nên nguồn động lực lớn cho tăng trưởng. Các số liệu cho thấy động lực tiêu dùng của Mỹ biểu hiện rất tốt: 3 quý đầu năm 2015, tăng trưởng bình quân tiêu dùng hàng quý đạt 3,23%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 1,33% giai đoạn 2008-2014, đã gần với mức lịch sử 3,38%; đóng góp bình quân mỗi quý của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế là 2,17 %, cao hơn nhiều so với 0,9% của các năm 2008-2014, đã cao hơn mức bình quân lịch sử 2,08%. Tiêu dùng được quyết định bởi thu nhập quốc dân và xu hướng tiêu dùng cận biên. Nhìn vào tương lai, có thể hy vọng về triển vọng tiêu dùng của Mỹ: một mặt, thu nhập tăng trưởng ổn định, 3 quý đầu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người thực tế hàng quý tăng 2,63%, không chỉ cao hơn mức trung bình 0,49% mỗi quý của giai đoạn 2008-2014, còn cao hơn mức trung bình lịch sử 2,14%; mặt khác, tỷ lệ tiết kiệm giảm, trong 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm cá nhân chiếm trong thu nhập thực tế bình quân mỗi tháng là 3,58%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân lịch sử 6,72%.

Thứ ba, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Mỹ tiếp tục nâng cao. Lý thuyết và thực tiễn phát triển kinh tế đã chỉ ra rằng vốn, sức lao động và TFP là 3 động lực lớn của tăng trưởng. Trong bối cảnh dân số thế giới lão hóa và tính thanh khoản dồi dào, TFP là chỉ số chính quyết định chất lượng tăng trưởng toàn cầu và sắp xếp thứ hạng trong tương lai. Kể từ khi bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2009, TFP của Mỹ tăng trưởng một cách chậm chạp, theo số liệu chính thức của Mỹ, năm 2010, mức tăng trưởng năng suất lao động của các thành phần kinh tế Mỹ là 0%, giai đoạn 2011-2014 lần lượt là 0,71%, 0,96%, 1,03% và 1,12%, năm 2015 và 2016 ước tính tăng lần lượt là 1,17% và 1,42%. Điều then chốt đảm bảo TFP tăng trưởng là đi tiên phong trong việc đổi mới khoa học kỹ thuật, trong 3 quý đầu năm 2015 tỷ lệ tăng trưởng hàng quý của nghiên cứu và phát triển Mỹ là 5,68%, không chỉ cao hơn nhiều so với bình quân 1,09 % giai đoạn 2008-2014, cũng cao hơn mức bình quân lịch sử 5,13%.

Thứ tư, Mỹ vẫn duy trì sức hấp dẫn ổn định về thống trị. Tính ổn định của bá quyền Mỹ và đồng USD luôn là động lực cơ bản để lượng lớn các nguồn vốn quốc tế đổ vào Mỹ. Trên thực tế, xu hướng phục hồi của kinh tế Mỹ hai năm gần đây tương đối ổn định, địa vị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế chưa từng có sự suy giảm rõ rệt, sau khi đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cũng chỉ “lấn át” vị trị của đồng euro và bảng Anh, tỷ giá hối đoái của USD dưới sự ảnh hưởng của chu kỳ chính sách hàng đầu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang luôn duy trì được thế mạnh. Dưới nền tảng như vậy, Mỹ tiếp tục duy trì sức hút ổn định thống trị đối với dòng vốn toàn cầu: 3 quý đầu năm 2015, vốn đầu tư và vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ bình quân hàng quý lần lượt là 6,8 tỷ USD và 15,7 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức bình quân lịch sử; 9 tháng đầu năm 2015, tuy mức lưu động của dòng vốn quốc tế của Mỹ qua kênh chính thức bình quân mỗi tháng giảm 14,8 tỷ USD, nhưng mức lưu động của dòng vốn quốc tế của Mỹ qua kênh tư nhân bình quân mỗi tháng lại tăng 9,8 tỷ USD, điều này chứng tỏ đồng thời với việc chính phủ một số nước cắt giảm việc nắm giữ tài sản đồng USD, thì đầu tư của tư nhân đối với tài sản đồng USD vẫn được xem trọng.

Niềm vui không nhiều: Việc cải thiện cận biên có hạn

Mặc dù nhìn từ tình hình tuyệt đối trên các mặt cơ bản cho thấy sự phục hồi kinh tế Mỹ vừa ổn định, lại mạnh mẽ, so sánh với đa số các thể kinh tế vẫn đang vùng vẫy dưới mức bình quân lịch sử, thì ưu thế của Mỹ tương đối rõ rệt; nhưng nhìn từ sự thay đổi cận biên của các mặt cơ bản, thì sự phục hồi kinh tế Mỹ đã trở nên thông thường mang tính tập quán, không gian đem lại sự bất ngờ cho thị trường không lớn, trong khi các thể kinh tế khác trên toàn cầu với tình trạng tuyệt đối không mấy tốt đẹp lại có thể thể hiện sự thay đổi cận biên ấn tượng.

Thứ nhất, tăng cận biên của tăng trưởng kinh tế không còn hiếm. Kể từ cuộc khủng hoảng đến nay, kinh tế Mỹ đã thể hiện đặc trưng đi đầu mang tính chu kỳ rõ rệt đối với kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sớm nhất, khởi động phục hồi sớm nhất, xác nhận phục hồi cũng sớm nhất. Bị ảnh hưởng bởi điều này, kinh tế Mỹ hai năm gần đây biểu hiện tương đối mạnh mẽ, ví dụ, theo số liệu dự báo của IMF, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng 0,14 điểm % so với năm 2014, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng kỳ giảm 0,31 điểm % so với năm 2014, tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi giảm 0,66 điểm %, các nước BRICS giảm toàn bộ, tăng trưởng kinh tế các nước Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Brazil và Nga dự tính lần lượt giảm 0,03 điểm %, 0,13 điểm %, 0,49 điểm %, 3,17 điểm % và 4,42 điểm %. Tuy sự cải thiện cận biên của kinh tế Mỹ năm 2015 tương đối tốt, nhưng tình hình này trong năm 2016 có sự thay đổi. Theo dự báo của IMF, năm 2016, kinh tế Mỹ so với năm 2015 tăng 0,27 điểm %, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng kỳ tăng 0,44 điểm %, tốc độ tăng trưởng kinh tế các thị trường mới nổi là 0,56 điểm %, như vậy sự cải thiện về cận biên của kinh tế Mỹ không còn là hiện tượng nổi bật nữa.

Thứ hai, mức tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp chậm lại. Cơ sở vi mô của kinh tế vĩ mô là doanh nghiệp, tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp là cơ sở vật chất quyết định sự biểu hiện của thị trường vốn. Hai quý đầu năm 2015, tăng trưởng bình quân hàng quý của lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ là 2,86%, không chỉ thấp hơn so với bình quân quý 5,58% của giai đoạn 2008-2014, còn thấp hơn so với mức bình quân lịch sử 7,35%, quý 2 năm 2015, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ chỉ tăng 0,6 điểm %. Biểu hiện của các doanh nghiệp tài chính đặc biệt đáng thất vọng, biểu hiện của các doanh nghiệp phi tài chính cũng không có gì đáng nói. Lợi nhuận tăng trưởng chậm lại khiến niềm tin của các doanh nghiệp giảm mạnh, quý 3 của năm 2015, chỉ số triển vọng kinh tế CEO của Mỹ là 74,2, không chỉ thấp hơn nhiều so với chỉ số 113 của quý 1 năm 2011, còn tạo ra kỷ lục thấp mới kể từ quý thứ 4 năm 2009 đến nay.

Thứ ba, tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp giảm. Tiếp tục hồi phục sau khủng hoảng, năng lực sản xuất của Mỹ dần phục hồi. Và sau khi sản xuất phục hồi đến một ngưỡng nhất định, sản xuất công nghiệp sẽ giảm tốc: 3 quý đầu năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ bình quân mỗi quý so với cùng kỳ năm trước tăng 2,58 điểm %, nhưng quý thứ 3 chỉ tăng 0,93 điểm %, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân lịch sử 3,86%. 10 tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất tổng thể công nghiệp Mỹ bình quân hàng tháng tăng 1,86 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng tháng 9 và tháng 10 chỉ tăng 0,66 điểm % và 0,34 điểm %, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân lịch sử 3,88%.

Thứ tư, việc cải thiện thị trường sức lao động đối mặt với trở ngại. Thúc đẩy việc làm là mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế Mỹ, kể từ khủng hoảng đến nay, chịu ảnh hưởng cùng lúc của chính sách kích thích và sự phục hồi nội sinh mạnh mẽ, tình hình việc làm của Mỹ tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, những số liệu chi tiết cho thấy việc cải thiện thị trường sức lao động Mỹ đã bước vào trạng thái bão hòa: Tháng 10/2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 5%, đã giảm đáng kể so với giai đoạn cao điểm 10% của tháng 10/2009, và theo ước tính chính thức của Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tiềm tàng của Mỹ cuối năm 2015 là 5,05%, cũng có thể nói là, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã đạt đến mức độ tiềm tàng, để đẩy mạnh hơn nữa việc làm cần phải thông qua cơ cấu chính sách để giảm bớt mức độ thất nghiệp tiềm tàng.

Không ngừng tăng lãi suất: Ảnh hưởng của bầu cử là có hạn

2016 là năm bầu cử của Mỹ. Cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ sắp tới vì những đặc trưng dưới đây mà mang ý nghĩa quan trọng: thứ nhất, Obama sẽ rời khỏi vũ đài chính sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Mỹ chắc chắn phải chào đón một vị tổng thống mới; thứ hai, cùng với việc tổng thống mới lên nắm quyền, Mỹ sẽ đối diện với “sự thay đổi” lãnh đạo cao nhất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính; thứ ba, Mỹ chắc chắn sẽ hoàn thành việc kế nhiệm tổng thống trong một thời kỳ rối ren, không chỉ việc vận hành đồng USD và lựa chọn chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở vào giai đoạn then chốt, mà địa chính trị toàn cầu đang bước vào thời kỳ nguy cơ cao do khủng bố IS, khủng hoảng Ukraine và cạnh tranh giữa các nước lớn không ngừng leo thang.

Chính vì ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử 2016, mà rất nhiều chuyên gia thị trường cho rằng, Ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ chịu ảnh hưởng mang tính chu kỳ của chính trị bầu cử, càng phải thận trọng hơn trong lựa chọn chính sách tiền tệ. Theo số liệu của Bloomberg, dự báo của thị trường đối với lãi suất chuẩn của Mỹ cuối năm 2016 bình quân khoảng 1%, dự báo bình quân cuối năm 2017 là khoảng 1,5%, điều này có nghĩa là thị trường lo lắng kinh tế Mỹ cơ bản vẫn chưa đủ mạnh để chịu được mức tăng lãi suất nhanh chóng, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ tiến hành một cách “từ từ”. Tác giả cho rằng phương thức thắt chặt thực tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang có thể càng cứng rắn hơn so với mong muốn của thị trường, dự đoán của tác giả đối với lãi suất chuẩn của Mỹ cuối năm 2016 là 1,25%, năm 2017 là 2%. Có 4 nguyên nhân để tác giả đưa ra phán đoán như vậy:

Thứ nhất, kinh tế Mỹ đã đạt đến ngưỡng của tăng lãi suất, việc không còn tồn tại nhu cầu cấp thiết sẽ không cho phép chính sách tiền tệ nới lỏng một lần nữa. Điều cần nhấn mạnh là, kinh tế Mỹ về cơ bản đã đáp ứng được điều kiện thắt chặt. Một mặt, động lực tăng trưởng nội sinh của kinh tế Mỹ ổn định và mạnh mẽ, mặt khác, sức ép ổn định vật giá của Mỹ dần tăng, sau khi loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc của thị trường hàng hóa chủ lực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chủ yếu của Mỹ tháng 10/2015 tăng 1,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước đó, đã tiếp cận ngưỡng thắt chặt là 2%. Hơn nữa, cân nhắc đến việc đồng USD năm 2016 có thể phải đối mặt với sự mất giá mang tính giai đoạn sau khi đã chạm đỉnh, các nước xuất khẩu dầu mỏ có khả năng trong tương lai sẽ hạn chế sản lượng, và sự phục hồi kinh tế sẽ tự nhiên mang đến hiệu ứng thúc đẩy nhu cầu, tác giả cho rằng thị trường hàng hóa chủ lực rất có thể có xu hướng phục hồi trở lại vào năm 2016, tiếp theo đó là mang lại áp lực lạm phát từ một hướng khác. Ngoài ra, nhu cầu cấp thiết của Mỹ đang thu hẹp và sẽ không còn tồn tại trong tương lai, hiệu ứng lạm phát của việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ không ngừng tăng lên, hiệu ứng tăng trưởng dần mất đi, xem xét đến sự chậm trễ về mặt chính sách từ nửa năm đến một năm của chính sách tiền tệ, do đó, Mỹ cần phải duy trì tăng lãi suất, dựa vào dự đoán để hóa giải sức ép lạm phát.

Thứ hai, hiệu ứng ngắn hạn của bầu cử Mỹ năm 2016 có thể sẽ đẩy nhanh sự cần thiết của việc tăng lãi suất. Kết quả của bầu cử rất quan trọng, và quan trọng hơn cả kết quả bầu cử lại là quá trình bầu cử. Nếu đơn giản hóa cuộc bầu cử Mỹ 2016 thành sự biến đổi hình sin của mô hình tổng cầu và tổng cung để tiến hành phân tích thì có thể dễ dàng phát hiện, chủ trương chính trị của hai đảng gần như hoàn toàn trái ngược nhau, sự biến động của kết quả bầu cử cũng chính là hình sin thể hiện tổng cầu trong ngắn hạn. Đảng Dân chủ nghiêng về cánh tả với đường lối mềm mỏng, một khi lại thắng cử, hình sin thể hiện tổng cầu ngắn hạn sẽ nghiêng về bên phải, cân bằng kinh tế trong ngắn hạn mới sẽ tiếp tục nghiêng về tầng lớp trung lưu và cải thiện việc làm mà nhóm người nghèo quan tâm; Đảng Cộng hòa nghiêng về cánh hữu với đường lối cứng rắn, một khi thắng cử, thì hình sin thể hiện tổng cầu ngắn hạn sẽ nghiêng về bên trái, cân bằng kinh tế ngắn hạn mới sẽ có xu hướng điều chỉnh giá cả mà tầng lớp giàu có quan tâm. Và cho dù kết quả bầu cử như thế nào, trong bối cảnh hình sin tổng cung theo hướng thẳng đứng dài hạn, thì ảnh hưởng lâu dài của cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 sẽ phụ thuộc vào tình hình thay đổi về chính sách của hai đảng đối với các yếu tố thực tế. Nhìn vào tình hình hiện tại, cơ hội chiến thắng của Đảng Dân chủ có vẻ lớn hơn, vì vậy khả năng gia tăng lạm phát ngắn hạn của Mỹ cũng tăng một cách tiềm tàng.

Thứ ba, tính độc lập trong chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang có thể sẽ vượt quá mong đợi của thị trường. Tác giả sử dụng những số liệu thu được, tiến hành khảo sát tính biến động của chính sách lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang trong 40 năm từ năm 1974 đến năm 2013. Kết quả cho thấy từ năm 1994 đến năm 2013, Ngân hàng Dự trữ Liên bang tiến hành 7 lần thay đổi chính sách, khoảng cách giữa các lần thay đổi chính sách là khoảng 11,2 tháng; trong khi đó từ năm 1974 đến năm 1993, Ngân hàng Dự trữ Liên bang tiến hành 12 lần thay đổi chính sách, khoảng cách thời gian giữa các lần thay đổi chính sách chỉ là 7,67 tháng. Số liệu cho thấy 20 năm qua, tính tùy cơ ứng biến của Ngân hàng Dự trữ Liên bang đã giảm rõ rệt so với 20 năm trước đó, tính vững chắc trong phương hướng chính sách tiền tệ Mỹ có tiềm năng tăng. Vì vậy, Ngân hàng Dự trữ Liên bang một khi khởi động tăng lãi suất, sẽ không nhanh chóng thay đổi quan điểm, việc dự đoán sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ (QE4) là cách nói hoàn toàn không có cơ sở, tính độc lập mạnh mẽ cũng có nghĩa là Ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ không vì chu kỳ của chính trị mà làm chậm tiết tấu tăng lãi suất.

Thứ tư, đẩy nhanh tăng lãi suất là lựa chọn tối ưu giảm thiểu tỷ lệ hy sinh của chính sách. Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ sẽ tự nhiên đem đến sự thay đổi toàn diện trên các mặt như thất nghiệp, lạm phát, biến động…, giảm thiểu tỷ lệ hy sinh tổng thể của việc chuyển hướng chính sách, một điểm rất quan trọng là phải ổn định việc dự báo chính sách. Trên thực tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang sau khủng hoảng luôn cố gắng tăng cường chỉ đạo việc dự báo, sau lần tăng lãi suất đầu tiên, Ngân hàng Dự trữ Liên bang nếu làm chậm nhịp điệu, thể hiện sự do dự, thì sẽ khiến những dự đoán về việc nới lỏng chính sách hiện nay của thị trường nhanh chóng tăng lên, dẫn tới làm giảm đáng kể hiệu quả dự đoán về việc thắt chặt tiền tệ, đồng thời sẽ đem đến ảnh hưởng bất lợi cho việc phục hồi chỉ số tiết kiệm và chỉ số tiêu dùng. Vì vậy, một khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, lựa chọn tối ưu chính là nhanh chóng nâng mức lãi suất chuẩn lên cao hơn mức lạm phát chính, tránh việc dao động chính sách đem đến những tổn thất phúc lợi quá mức không cần thiết.

Năm 2016: Sự phục hồi của Mỹ không còn là điều mới mẻ

Sự phục hồi kinh tế Mỹ năm 2016 đã trở nên không còn là điều mới mẻ mang tính tập quán, xu thế phục hồi ổn định, động lực nội sinh mạnh mẽ, tuy kinh tế Mỹ cơ bản vẫn dẫn đầu thế giới, nhưng không gian cải thiện cận biên tương đối nhỏ hẹp, khả năng đem đến sự bất ngờ cũng không lớn.

Năm 2016, Ngân hàng Dự trữ Liên bang kiên trì xu hướng thắt chặt tiền tệ, mức độ và tần suất điều chỉnh tăng lãi suất có thể sẽ vượt quá dự đoán của thị trường. Bầu cử Mỹ tuy sẽ làm thay đổi môi trường chính trị kinh tế Mỹ, mang đến sự thay đổi lâu dài không thể xem nhẹ, nhưng sẽ không trực tiếp đem đến ảnh hướng quá lớn đối với lựa chọn chính sách và hướng đi kinh tế năm 2016. Tác giả cho rằng năm 2016, sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ không mang lại sự tăng cận biên quá lớn đối với tài sản đồng USD. So với châu Âu, vai trò của thị trường chứng khoán Mỹ tương đối cao, bất ngờ tương đối ít, sức hấp dẫn vì thế không còn nhiều. Giá trị đồng USD có thể sẽ tạm thời chạm đỉnh sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, sau đó trải qua một giai đoạn mất giá, rồi mới khôi phục xu thế tăng giá lâu dài. Năm 2016, Mỹ vẫn là nền kinh tế mang đặc trưng ổn định thống trị, vì vậy, một khi thế giới xảy ra sự kiện “thiên nga đen”, hoặc bất ổn địa chính trị bùng phát, “cơn sốt tài sản đồng USD” sẽ một lần nữa nóng lên./.

Theo “2016:美国经济复苏大势不变 - FTchinese

Vũ Hiền