Từ Xyri tới Mali, từ Iran tới Biển Đông, việc Mỹ không muốn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột ở xa lãnh thổ của họ là một chủ đề chính trong các cuộc tranh luận về địa chính trị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay ở Davos. Sự vắng mặt của các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Obama tại sự kiện thường niên thu hút nhiều quốc gia tham gia này phần nào minh chứng cho quan điểm cho rằng Mỹ đang rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Các nhà lãnh đạo của Nga, Đức, Anh, Italia, Nam Phi, Gioócđani và nhiều quốc gia khác đã tới Davos. Các giám đốc ngân hàng của Mỹ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới học giả đều tham dự diễn đàn, tuy nhiên các quan chức cao cấp nhất của Chính quyền Mỹ tham dự diễn đàn chỉ gồm một thứ trưởng tài chính, một trợ lý ngoại trưởng và một đại diện thương mại sắp mãn nhiệm. Các đại biểu tham dự diễn đàn này tranh luận về việc khi nào và liệu Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một và cường quốc toàn cầu - ước tính vào khoảng đầu những năm 2020 hoặc sau đó - hay không, và những rắc rối nào có thể xảy ra nếu Oasinhtơn vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương không can dự. Một bộ trưởng tham dự diễn đàn tại Davos đã đề cập tới nguy cơ "một thế giới không có sự lãnh đạo của Mỹ". Theo vị bộ trưởng này, nếu không có sự can thiệp của Mỹ, Xyri sẽ trở thành "một Xômali tại Địa Trung Hải", và các quốc gia Trung Đông sẽ gây ra một cuộc chiến tranh "mượn tay kẻ khác" thông qua các vụ xung đột bè phái, một vài cuộc chiến trong số đó có thể sẽ khiến bạo lực quân sự lan tràn sang các khu vực láng giềng và thậm chí có thể tới tận châu Âu.

Vali Nasr của Đại học Johns Hopkins cho rằng Iran có thể sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân của nước này nhằm nỗ lực phá vỡ tình thế bị cô lập hiện nay của họ, bởi Oasinhtơn đang gia tăng sức ép đối với Iran bằng các lệnh trừng phạt kinh tế, tuy nhiên Mỹ lại tránh can dự bằng con đường ngoại giao trực tiếp hoặc có những động thái quân sự đối với Têhêran. Trong một bài phát biểu trước dân chúng, Vua Abdullah của Gioócđani nói rằng đất nước của ông, từng cử quân đi chiến đấu chống lại những tay súng Hồi giáo tại Ápganixtan, đang phải đối mặt với "quân Taliban mới tại Xyri" - nơi mà một chi nhánh của al-Qaeda đang chiếm ưu thế trong số các lực lượng từng chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Vua Abdullah cho rằng nếu ông Assad sụp đổ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể "loại bỏ hết chúng" (ám chỉ những phần tử Taliban tại Xyri). Gioócđani đã tiếp nhận khoảng 300.000 người Xyri tị nạn, khiến các nguồn tài nguyên nghèo nàn và sự ổn định chính trị của vương quốc trên sa mạc này bị đe dọa. Một số người Xyri bị trục xuất có mặt tại Davos phàn nàn rằng Gioócđani đã đóng cửa biên giới đối với những người của phe đối lập tại Xyri.

Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi cư trú của khoảng 150.000 người Xyri tị nạn, đồng thời đóng vai trò như một căn cứ hậu phương cho phe nổi dậy tại Xyri. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng một ngày nào đó, cộng đồng quốc tế sẽ phải xin lỗi người dân Xyri, giống như từng làm với Ruanđa, vì đã không can thiệp nhằm ngăn chặn các cuộc tàn sát. Hoàng tử Arập Xêút Turki al-Faisal - một thành viên cấp cao của gia đình hoàng tộc, từng đứng đầu cơ quan tình báo và là Đại sứ tại Luân Đôn (Anh) và Oasinhtơn (Mỹ) - cho biết phe nổi dậy tại Xyri không được nhận những vũ khí chống tăng và chống máy bay bởi vì Mỹ và các nhà sản xuất hạn chế chuyển vũ khí cho các bên thứ ba. Các chuyên gia chiến lược của Mỹ giải thích rằng lợi ích duy nhất của Oasinhtơn tại Xyri là ngăn chặn bất kể mối đe dọa nào có thể xảy ra đối với Ixraen và đảm bảo các loại vũ khí hóa học không rơi vào tay "những kẻ khủng bố". Việc Mỹ tránh bị lôi kéo vào xung đột đồng nghĩa với việc Oasinhtơn sẽ chỉ hứa hẹn và cung cấp những hỗ trợ về mặt tình báo cho Pháp, trong bối cảnh Pháp đang chiến đấu tại Mali nhằm chống lại những phần tử có quan hệ với mạng lưới al-Qaeda - những kẻ nổi lên từ những khu vực nằm ngoài sự cai trị của chính phủ là Sahara và Sahel.

Nỗ lực khôi phục các cuộc đàn phán giữa Ixraen và Palextin mới đây của Tổng thống Obama đã thất bại khi Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu từ chối không chịu ngừng xây dựng các khu định cư của người Do Thái. Hầu như không mấy ai cho rằng ông Obama sẽ đưa ra một sáng kiến hòa bình mới vào thời điểm hiện nay. Gideon Rose, biên tập viên của "Tạp chí Chính sách Đối ngoại", nói rằng sau khi tự giải thoát khỏi cuộc chiến tại Irắc và đang dần rút quân khỏi Ápganixtan, việc can thiệp quân sự vào Thế giới Hồi giáo đã trở thành "một lời nguyền" đối với Chính quyền của Tổng thống Obama. Một số đại biểu tham gia diễn đàn tại Davos cho rằng việc Chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm hướng tới châu Á là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc căng thẳng leo thang tại Trung Đông và Bắc Phi. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama sau khi tái đắc cử hồi tháng 11/2012 tới Đông Nam Á đã bị phủ bóng đen bởi vụ xung đột giữa Ixraen và Palextin tại Dải Gada. Đây là lời nhắc nhở rằng một vấn đề ít được ưu tiên hơn có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Đây cũng là thời điểm các mối quan hệ quanh khu vực Đông Á đang ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Bắc Triều Tiên và các nước láng giềng, và trên hết là quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Cựu Thủ tướng Ôxtrâylia Kevin Rudd, một chuyên gia về Trung Quốc, đã thúc giục Tổng thống Obama tận dụng nhiềm kỳ hai của ông để đưa ra một sáng kiến lớn nhằm xây dựng quan hệ hợp tác an ninh với Trung Quốc, một phần cũng là nhằm ngăn ngừa xảy ra xung đột tại Biển Đông. Wu Xinbo, Giám đốc Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, cho rằng Oasinhtơn nên bắt đầu xây dựng quan hệ an ninh với Trung Quốc bằng cách chấm dứt các cuộc tuần tra liên tục trên không và trên biển ngoài khơi Trung Quốc - những động thái theo ông là mang hơi hướng của "chính sách ngăn chặn" của Liên Xô trước đây. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng dưới sự dẫn dắt của một chính phủ mới mang nặng chủ nghĩa dân tộc hơn, Nhật Bản có thể sẽ theo đuổi một cách tiếp cận "mang tính tấn công" trong tranh chấp với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Joseph Nye, cựu quan chức Mỹ và hiện là một giảng viên tại Đại học Harvard, nói rằng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều lo ngại về điều được cho là sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân sự ở nước kia, mặc dù "đây không phải là chủ nghĩa dân tộc những năm 1930". Tuy nhiên, ông Nye cho rằng giới lãnh đạo mới của cả hai nước sẽ coi phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu, và nếu Mỹ đưa ra những thông điệp thận trọng đối với cả hai nước này, triển vọng phát triển quan hệ ba bên sẽ rất tốt đẹp.

Theo Arabnews (ngày 29/1)

Mỹ Anh (gt)