Ngày 20/1 giờ địa phương, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Từ khi tham gia tranh cử đến tranh luận bầu cử, cho đến khi thắng cử, lời lẽ và chủ trương của Donald Trump đã dẫn đến sự chỉ trích, lăng mạ và phản đối của người dân Mỹ và giới truyền thông Mỹ bằng các bài viết dài. Nhưng những điều này không thể thay đổi sự thực Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Vậy liệu chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thật sự như ông nói trước đây không? Chính sách thương mại của ông sẽ có những ảnh hưởng gì? 

Trọng điểm bài viết này đã nêu rõ khái niệm cầm quyền và chính sách thương mại của Donald Trump, mục tiêu chính sách thương mại liệu có thể thực hiện được hay không và khả năng thực thi. Trong bài viết này, tác giả thông qua việc phân tích lần lượt 7 chính sách có liên quan đến thương mại mà Donald Trump từng đề cập đến, đã rút ra trọng tâm chính sách thương mại của Donald Trump chính là ổn định, thậm chí ngăn chặn sự phát triển hơn nữa của khu vực hóa và toàn cầu hóa, giữ các doanh nghiệp và ngành nghề Mỹ ở lại trong nước, đồng thời thông qua các hiệp định thương mại song phương mở ra thị trường xuất khẩu ở nước ngoài, từ đó tạo ra việc làm và của cải nhiều hơn cho các công nhân Mỹ. 

Ngày 22/11/2016, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông qua Youtube công khai tuyên bố khái niệm cầm quyền và chính sách 100 ngày cầm quyền mà ông sẽ áp dụng và thực thi. Trong đó, “nước Mỹ trên hết” trở thành khái niệm cầm quyền rõ rệt. Trọng tâm của khái niệm này là: dù là trong lĩnh vực luyện thép, sản xuất ô tô hay chữa bệnh, mong muốn việc sản xuất và sáng tạo của thế hệ sau sản sinh ở Mỹ, từ đó tạo cơ hội làm giàu và việc làm cho các công nhân Mỹ. 

Trên phương diện chính sách thương mại, trước tiên, Chính quyền Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Donald Trump cho rằng Hiệp định này đối với Mỹ sẽ là một tai họa (tiềm tàng). Thứ hai, Mỹ sẽ thảo luận với các nước khác về hiệp định thương mại song phương công bằng để đưa việc làm và ngành nghề quay trở lại nước Mỹ. Trong lĩnh vực năng lượng, Donald Trump cũng muốn xóa bỏ nhiều hạn chế nhằm tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm có trình độ cao, có giá trị gia tăng cao… Tóm lại, đường hướng chủ yếu trong chính sách thương mại và kinh tế của Chính quyền Donald Trump sẽ là: “Nước Mỹ trên hết, việc làm tối thượng, củng cố tầng lớp trung lưu của Mỹ, đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. 

Ngày 27/11/2016, Donald Trump một lần nữa tuyên bố sẽ giảm bớt thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ, giảm từ 35% xuống 15%, đã dẫn đến sự phản đối của Pháp và Đức (ngày 1/12); ngày 30/11, công khai can ngăn hoạt động thuê gia công ở nước ngoài của tập đoàn Carrier, thông qua ưu đãi thuế và hủy bỏ công ty mẹ tham gia hợp đồng mua sắm chính phủ đe dọa buộc tập đoàn này để hoạt động thuê ngoài ở lại nước Mỹ. 

Trên thực tế, những hành động này cũng là trọng tâm cương lĩnh tranh cử của Donald Trump. Trong thời gian tranh cử, theo lôgích tương tự, ông còn đề xuất muốn rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thậm chí muốn đàm phán lại một số hiệp định song phương hiện có; muốn trục xuất những người lao động nhập cảnh trái phép, xây dựng bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico; thu thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico. 

Dưới đây tác giả bài viết lần lượt phân tích 7 chính sách thương mại của Donald Trump: 

Thứ nhất, rút khỏi TPP 

Việc ký kết và thực thi TPP sẽ mang lại sự thay đổi lớn trên hai phương diện, thứ nhất là sự hình thành quy tắc thương mại và đầu tư mới. Một trong những khẩu hiệu của TPP là xác định quy tắc mới về thương mại và đầu tư cho thế hệ tiếp theo. Những quy tắc này không những liên quan đến việc thâm nhập thị trường và các hạn chế trên biên giới, mà còn là các quy tắc liên quan đến ảnh hưởng cạnh tranh công bằng, môi trường kinh doanh sau biên giới. Trong TPP, nếu môi trường quy tắc trong các nước thành viên đều giống nhau, đối với thương mại và đầu tư cũng đều mở cửa thì sẽ nảy sinh sự việc như thế nào? Trước tiên, hàng hóa và thương mại trong khu vực đều có thể tự do di chuyển; thứ hai, điều quan trọng hơn là đầu tư thậm chí là nguồn lao động (nguồn lao động tố chất cao) cũng có thể tự do di chuyển, như vậy, các hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty các nước thành viên đều sẽ được tiến hành theo ưu thế so sánh xuyên khu vực, thậm chí toàn cầu hóa của các nước khác nhau. 

Vậy các hoạt động kinh doanh xuyên khu vực thậm chí toàn cầu hóa sẽ gây ảnh hưởng ra sao đối với các nước phát triển như Mỹ? Chúng ta lấy ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm và chuyển phát nhanh hàng không ưu tiên mở cửa trong TPP làm ví dụ. Các hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ của ngành viễn thông Mỹ có thể tiến hành chuyển dịch trên quy mô lớn ra nước ngoài – một mặt đáp ứng nhu cầu bản địa (cung ứng thị trường nước ngoài, đồng thời nếu thị trường bản địa đủ lớn), mặt khác, cũng có thể từ nước ngoài cung cấp cho thị trường Mỹ. Trên thực tế, trong vài chục năm qua, toàn cầu hóa và việc mở cửa ngành viễn thông Mỹ (tuy chưa đạt đến trình độ mà TPP kỳ vọng), đã khiến cho nhiều hoạt động kinh doanh của ngành nghề này thuê gia công bên ngoài, cả ngành ở trạng thái nhập siêu. Từ sau năm 2008, 2009 trong thời gian khủng hoảng tài chính, dịch vụ máy tính trong đó cũng không ngừng mở rộng nhập siêu thương mại, hàng năm đều vượt trên 10 tỷ USD. Tương tự, việc mở cửa và cải thiện môi trường quy chế trong các ngành tài chính, bảo hiểm và chuyển phát nhanh hàng không cũng sẽ kéo theo sự thay đổi tương tự. 

Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển mà người Mỹ vẫn tự hào cũng sẽ có sự thay đổi rất lớn bởi sự tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Năm 1999-2008, tỷ lệ hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty đa quốc gia Mỹ tiến hành ở nước ngoài không ngừng nâng cao, kim ngạch không ngừng tăng lên: Tăng từ 13% và 18 tỷ USD năm 1999 lên đến 17% và 42 tỷ USD năm 2008. Việc gia tăng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, một mặt sẽ mang lại lợi ích đặc quyền sáng chế nhiều hơn, mặt khác cũng sẽ thúc đẩy các công ty đa quốc gia của Mỹ và các nước phương Tây yên tâm thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển ở các nước và khu vực có giá thành thấp ở nước ngoài, từ đó dẫn đến việc mất đi các công việc có giá trị gia tăng cao. 

Mặc dù là thông qua các quy tắc lao động, bảo vệ môi trường đã hạn chế sự cạnh tranh không bình đẳng của các nước khác, nhưng hạn chế về mặt địa lý và khoảng cách về mặt trình độ phát triển kinh tế vẫn sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn về mức lương giữa các nước phát triển như Mỹ với các nước thị trường mới nổi. Do vậy, trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh giống nhau, các công ty đa quốc gia nhất định sẽ lựa chọn nhiều hơn các khu vực có giá thành thấp hơn và môi trường kinh doanh chuẩn mực, ổn định để tiến hành. Như vậy, sự sắp xếp cơ chế và các quy tắc mới trong TPP không những sẽ mang đến sự nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn sẽ dẫn đến sự mất đi cơ hội việc làm, đặc biệt là cơ hội việc làm có giá trị gia tăng cao, lương cao. Trong hoạt động nghiên cứu và phát triển như nhau, lương của một nhân viên nghiên cứu phát triển ở Ấn Độ chỉ bằng một phần mấy, thậm chí chỉ bằng một phần mười mấy ở Mỹ! Công việc như vậy tại sao nhất định phải tiến hành ở Mỹ? Thứ hai là việc mở cửa thị trường. Hiệu ứng việc làm khi mở cửa thương mại biểu hiện trên hai phương diện. 1) Hiệu ứng việc làm do việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và cạnh tranh nhập khẩu tương ứng tạo ra. Sau khi mở cửa thương mại, các ngành nghề tương đối ưu thế của một quốc gia sẽ được mở rộng, các ngành nghề kém ưu thế sẽ bị kiềm chế, thậm chí đào thải, từ đó mang lại hiệu ứng việc làm. Nhưng ở các nước phát triển, cơ hội việc làm mới được tạo ra chủ yếu tập trung ở trong các lĩnh vực ngành sản xuất và ngành dịch vụ mũi nhọn. Trong việc điều chỉnh các ngành nghề theo loại hình tập trung lao động thấp, các ngành nghề tập trung kỹ thuật và tập trung vốn cao không ngừng mở rộng, sự sụt giảm tổng thể cơ hội việc làm là khó tránh. 2) Hiệu ứng việc làm do việc nâng cao hiệu quả sản xuất tạo ra. Sau khi mở cửa thương mại, việc mở rộng phân công quốc tế, việc nâng cao trình độ chuyên môn hóa và mức độ thành thạo đều sẽ tăng thêm hiệu quả sản xuất, từ đó giảm bớt nhu cầu việc làm. So với việc sắp xếp FTA hiện nay, việc mở cửa thị trường mà TPP thực hiện triệt để hơn, phạm vi rộng rãi hơn: trong lĩnh vực hàng hóa, các sản phẩm tự do hóa đạt đến 99%, trong lĩnh vực dịch vụ cũng còn xa mới vượt qua trình độ của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại dịch vụ của WTO. Tóm lại, điều hình thành TPP là các quy tắc trong tương lai và việc mở cửa thị trường trong tương lai. Rút khỏi TPP sẽ không gây ảnh hưởng đối với cơ hội thị trường nước ngoài hiện nay của Mỹ, lại có thể ngăn chặn việc hình thành các quy tắc mới và mở cửa hơn nữa, cũng như xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa dựa trên các quy tắc và mở cửa này, tránh để các doanh nghiệp và ngành nghề, đặc biệt là ngành dịch vụ ở Mỹ chuyển dịch ra nước ngoài thêm nữa. Nhưng việc rút khỏi TPP cũng sẽ phải trả cái giá rất lớn. Trên phương diện kinh tế, rút khỏi TPP đánh dấu việc Mỹ từ bỏ quyền lãnh đạo xác định quy tắc quốc tế cho thương mại và đầu tư mới. Điều quan trọng hơn là trên phương diện địa chính trị, TPP vẫn là điểm then chốt để Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, củng cố liên minh. Rút khỏi TPP sẽ khiến cho các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương không có người chỉ huy không biết làm thế nào, cũng đã tạo cơ hội lấp chỗ trống cho các nước cạnh tranh tiềm tàng. Mặc dù Donald Trump chắc chắn rút khỏi TPP, nhưng xét về lâu dài, có thể kiên trì được bao lâu, liệu có quay trở lại bằng hình thức khác hay không vẫn cần phải quan tâm. 

Thứ hai, đàm phán lại NAFTA và các hiệp định thương mại song phương 

Thông qua các hiệp định thương mại song phương, thúc đẩy việc làm và các ngành nghề ở lại nước Mỹ, chỉ có trong hai trường hợp như vậy thì mới có khả năng: thứ nhất, so với tình hình hiện nay, có thể tăng thêm nhiều cơ hội xuất khẩu của Mỹ, từ đó kéo theo việc mở rộng ngành xuất khẩu và gia tăng việc làm. 

Ở đây, tình hình hiện nay là: Mỹ đã thông qua WTO và xác định quy chế tối huệ quốc với 164 thành viên, và có cơ hội gia nhập thị trường; Đồng thời, thông qua 14 hiệp định thương mại song phương và khu vực, xác định sắp xếp thuế quan ưu đãi đặc biệt với 20 quốc gia. Muốn trên cơ sở này mở rộng hơn nữa cơ hội thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Trước tiên, phải nắm chắc những cơ hội này, không làm cho tình hình xấu đi; thứ hai, muốn mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu mới. 

Về việc đàm phán lại NAFTA, mức độ mở cửa hiện nay đã rất cao. Lấy thương mại hàng hóa làm ví dụ, 97,5% giá trị xuất khẩu nông sản phẩm, 100% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Mỹ ở thị trường Canada đều có mức thuế quan bằng 0; 94,4% giá trị xuất khẩu nông sản phẩm, 99,1% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Mỹ trên thị trường Mexico cũng đều có mức thuế quan bằng 0. Dư địa mà phương diện này có thể cải tiến rất nhỏ. Trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư cũng tương tự. Còn trên phương diện các đề tài và quy tắc mới, Mỹ đã giải quyết được những vấn đề này thông qua việc khuyến khích Canada và Mexico tham gia đàm phán TPP, thậm chí đã mở rộng cơ hội thị trường trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Do vậy, việc đàm phán lại NAFTA, trong điều kiện rút khỏi TPP, xét về mức độ nào đó chính là thành quả “tân trang” lại TPP, đặt trong khuôn khổ hiệp định song phương. 

Trên phương diện hiệp định thương mại song phương, chỉ có 12 hiệp định song phương có hiệu lực và được thực thi hiện nay ở Mỹ, ngoài ra có 2 hiệp định thương mại khu vực, đó là: NAFTA ký kết với Canada và Mexico, Hiệp định thương mại tự do Cộng hòa Dominica – Trung Mỹ (CAFTA-DR) ký kết với các nước Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Cộng hòa Dominica, tổng cộng liên quan đến 8 nước. Do vậy, đối tác đàm phán song phương tiềm tàng vẫn rất nhiều. Trong đó, ngoài Canada, Mỹ vẫn chưa ký kết hiệp định song phương với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mexico. Nhưng trên thực tế, thông qua NAFTA, tương đương đã ký kết hiệp định này với Mexico, thông qua đàm phán TPP cũng tương đương đã ký kết hiệp định song phương với Nhật Bản. Đồng thời, trong mấy năm qua, Mỹ cũng đã tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) song phương với EU và đã đạt được tiến triển nhất định. Chỉ có vẫn chưa tiến hành đàm phán trên phương diện này với Trung Quốc. Xét về mặt lý luận, tiến hành đàm phán thương mại song phương, ký kết hiệp định thương mại trình độ cao với các nước lớn đang phát triển mới nổi có trình độ bảo hộ tương đối cao, mức độ mở cửa thị trường tương đối thấp, vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sẽ rõ rệt hơn. Do vậy, Trung Quốc cần phải là đối tượng đàm phán song phương mà Chính quyền Donald Trump ưu tiên lựa chọn. Nhưng mức độ khó khăn khi tiến hành đàm phán thương mại với các nước mới nổi như Trung Quốc cũng rất lớn. Chẳng hạn, những nước lớn mới nổi này liệu có đồng ý tiến hành đàm phán song phương này với Mỹ hay không, cho dù đồng ý thì liệu có thể đạt được hiệp định mà Donald Trump hài lòng hay không, cần phải mất bao nhiêu thời gian cũng đều không thể xác định được. Đồng thời, liệu có cần phải và có thể thực hiện được hiệp định thương mại song phương dựa trên cơ sở “bình đẳng, cùng có lợi” hay không cũng còn nhiều nghi vấn. Như vậy, mặc dù đã áp dụng một số biện pháp định ra mức độ mở cửa của hiệp định thương mại đa phương và khu vực hiện nay, thông qua hình thức hiệp định thương mại song phương, Chính quyền Donald Trump cũng rất khó thực hiện sự mở rộng mang tính thực chất về thương mại xuất khẩu của Mỹ, từ đó tạo ra cơ hội việc làm nhiều hơn. 

Thứ hai, ổn định quy mô mạng lưới sản xuất ở khu vực thậm chí trên toàn cầu hiện nay, ngăn chặn sự chuyển dịch ngành nghề sản xuất và các hoạt động thuê ngoài (business outsourcing) của các công ty Mỹ, không làm gia tăng sự mất đi việc làm. Nếu có khả năng, ngăn chặn hơn nữa sự liên hệ mạng lưới sản xuất mang tính khu vực nào đó hiện nay thậm chí mang tính toàn cầu, thúc đẩy một bộ phận ngành nghề và doanh nghiệp quay trở lại nước mình, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn. 

Các doanh nghiệp và ngành nghề ở Mỹ đã tham gia đầy đủ trong mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu. Bắt đầu từ năm 1960, các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu triển khai hoạt động “công nghiệp gia công cho khách hàng” ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico, và trong mấy chục năm sau đó, dần dần xây dựng thành cơ sở sản xuất Bắc Mỹ của NAFTA; ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng là hoạt động diễn ra ở hai nơi của các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh các sản phẩm điện tử sớm nhất. Thời kỳ giữa và cuối những năm 1980, dưới sự thúc đẩy của công ty Microsoft và Intel, đã phát động một cuộc cách mạng “chủ nghĩa Wintel” (Windows/Intel) trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy sự chuyên môn hóa và tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp máy tính, khiến cho chiến lược hội nhập theo chiều dọc truyền thống lỗi thời, đồng thời kéo theo thúc đẩy cả thế giới bước vào thời đại thông tin. Hiện nay, trong nhiều ngành nghề ở Mỹ, tồn tại rất nhiều “công ty ảo” chỉ kinh doanh thương hiệu và tiếp thị, hoặc nghiên cứu phát triển và thiết kế, các hoạt động khác đều được chia ra tiến hành ở các nơi trên thế giới, kiểu thứ nhất như công ty Nike, kiểu thứ hai như công ty Apple… Do vậy, thông qua đàm phán thương mại song phương, một mặt, có thể thúc đẩy mở cửa thị trường với các quốc gia trọng điểm, mặt khác, hạn chế và ràng buộc sự hình thành quy tắc trên cơ sở đa phương, cũng như việc xây dựng mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị ở khu vực thậm chí trên toàn cầu. Như vậy, mặc dù là thông qua đàm phán song phương, đặc biệt là hiệp định song phương với các nước như Trung Quốc, Mexico…, thị trường xuất khẩu có thể trực tiếp tăng thêm cũng hạn chế. Nhưng lại có thể làm yếu đi vai trò cơ sở gia công, lắp ráp, sản xuất ở khu vực thậm chí trên toàn cầu của những quốc gia này, từ đó làm vững chắc thêm bước đi khu vực hóa, toàn cầu hóa ngành nghề và doanh nghiệp của Mỹ. 

Thứ ba, rút khỏi WTO 

Thứ mà WTO đại diện là một trật tự thương mại quốc tế đa phương lấy quy tắc làm cơ sở. Trật tự này, một mặt có lợi cho việc hình thành sự phân công quốc tế giữa các nước thành viên; điều quan trọng hơn là hơn 30 năm trở lại đây, cũng có lợi cho việc xây dựng chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất ở khu vực thậm chí trên toàn cầu, đồng thời dẫn đến sự chuyển dịch ra nước ngoài trên quy mô lớn và trống rỗng một số ngành nghề ở các nước phát triển. Nếu Donald Trump rút khỏi WTO, xét ở mức độ nào đó chính là để rút khỏi trật tự thương mại quốc tế này lấy quy tắc làm cơ sở, ngăn chặn các doanh nghiệp và ngành nghề ở Mỹ thực hiện hoạt động xây dựng chuỗi giá trị ở khu vực thậm chí trên toàn cầu dựa trên trật tự này, để ở lại trong nước. 

Ngoài ra, rút khỏi WTO, còn phải đối mặt với hàng rào tiếp cận cao hơn trên thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, xét về thuế nhập khẩu hàng hóa, một loại hàng hóa (một bảng thuế xuất nhập khẩu) của một quốc gia thông thường tồn tại đồng thời 3 mức thuế khác nhau: thuế nhập khẩu thông thường, thuế nhập khẩu tối huệ quốc và thuế ưu đãi trong hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực. Trong đó, thuế nhập khẩu thông thường là cao nhất, thuế ưu đãi là thấp nhất (trong đại đa số trường hợp là bằng 0), thuế tối huệ quốc ở mức trung gian. Các thành viên WTO đều được hưởng thuế tối huệ quốc. Nếu rút khỏi WTO, mà lại chưa ký kết hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực với quốc gia này thì phải đối mặt với thuế nhập khẩu thông thường. Như vậy các sản phẩm xuất khẩu và sức cạnh tranh lao động của Mỹ sẽ bị giảm dần, từ đó lượng xuất khẩu sụt giảm, việc làm giảm sút. Các biện pháp của Donald Trump là thông qua đàm phán thương mại song phương để tránh xảy ra tình hình này. Lợi dụng tầm ảnh hưởng thị trường lớn mạnh của Mỹ, buộc các nước khác đưa ra cam kết không thấp dưới mức thuế tối huệ quốc của WTO. Trên thực tế, mức thuế của phần lớn các sản phẩm của các nước ký hiệp định song phương với Mỹ đều đã hạ xuống mức bằng 0. Nhưng rút khỏi WTO, Mỹ lại sẽ phải trả cái giá rất lớn. Trước tiên, cần phải tiến hành đàm phán hiệp định thương mại song phương với 151 thành viên chưa ký kết hiệp định thương mại song phương trong 164 thành viên WTO hiện nay. Công việc này cần phải mất thời gian rất dài, đầu tư rất nhiều nhân lực và tài chính mới có thể hoàn thành.

Thứ hai, trật tự thương mại quốc tế lấy WTO làm cơ sở là do Mỹ đề xướng và lãnh đạo hình thành nên. Rút khỏi WTO sẽ khiến cho khả năng lãnh đạo quốc tế và uy tín của Mỹ giảm đi rất nhiều. Do vậy, sự lựa chọn khả thi hơn là ở lại WTO, nhưng đồng thời tiến hành đàm phán thương mại song phương với các quốc gia trọng điểm (Trung Quốc và Mexico…), hạn chế sự thúc đẩy nhanh chóng khu vực hóa và đa phương hóa dựa trên quy tắc đa phương. Xét một cách tổng hợp, khả năng rút khỏi WTO của Chính quyền Donald Trump tương đối ít. 

Thứ tư, lần lượt đánh thuế 35% và 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu đến từ Mexico và Trung Quốc 

Xét từ trình tự trong nước, làm như vậy là hoàn toàn có thể. Nhưng làm như vậy đồng thời trong điều kiện Mỹ chưa rút khỏi WTO, Trung Quốc hoặc Mexico (thành viên WTO) có thể tiến hành khởi kiện trong WTO và áp dụng biện pháp chống lại sau phán quyết của WTO. Nếu Mỹ rút khỏi WTO thì những nước này có thể thu thuế mang tính trả đũa đối với các mặt hàng nhập khẩu đến từ Mỹ, từ đó nổ ra cuộc chiến tranh thương mại. Như vậy, trong trường hợp đầu tiên là tự lấy đá đập vào chân mình; trường hợp sau lại là cả hai cùng thiệt hại, hoàn toàn trái ngược dự kiến ban đầu. Chỉ có trong điều kiện Mexico và Trung Quốc “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không áp dụng biện pháp có tính trả đũa thì mới có thể mang lại sự cải thiện cân bằng thương mại cho Mỹ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Rõ ràng, Chính phủ Mexico và Trung Quốc sẽ không khoanh tay chờ chết. 

Nhưng tại sao Donald Trump lại đề xuất những chính sách cực đoan như vậy? Một giải thích hợp lý là ông rất bất mãn với tỷ lệ nhập siêu thương mại lớn giữa Trung Quốc với Mỹ và Mỹ với Mexico, mạng lưới sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ xuất hiện nhập siêu thương mại này (Mexico là nơi sản xuất) và mạng lưới sản xuất toàn cầu (Trung Quốc là nơi sản xuất). Nâng cao toàn diện thuế nhập khẩu các mặt hàng đến từ hai nước này thì có thể cắt đứt sự vận hành bình thường của mạng lưới sản xuất này, ngăn chặn sự chuyển dịch các doanh nghiệp và ngành nghề của Mỹ ra bên ngoài. Như vậy việc Chính quyền Donald Trump đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico, khả năng gây ra cuộc chiến tranh thương mại trên quy mô lớn tương đối nhỏ; Còn áp dụng trực tiếp các biện pháp trong nước để đàm phán thương mại song phương và ưu đãi các doanh nghiệp và ngành nghề Mỹ phát triển thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. 

Thứ năm, hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm từ 35% hiện nay xuống còn 15% 

Từ xưa đến nay, do thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao, rất nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ đăng ký công ty ảo ở các thiên đường thuế nước ngoài để nộp thuế, đồng thời giữ một số lượng lớn lợi nhuận ở nước ngoài. Chẳng hạn, năm 2015, lợi nhuận giữ lại ở nước ngoài của 298 trong 500 công ty đứng đầu thế giới do tạp chí Fortune công bố lên đến 2.490 tỷ USD. Trong đó, lợi nhuận mà công ty Apple giữ lại ở nước ngoài đã cao đến 214,9 tỷ USD, công ty Pfizer là 193,6 tỷ USD, công ty Microsoft là 124 tỷ USD, công ty GE là 104 tỷ USD. Theo thống kê, hàng năm các công ty đa quốc gia lợi dụng thiên đường thuế ở nước ngoài để né tránh nộp thuế liên bang Mỹ lên đến 100 tỷ USD. Năm 2015, mức thuế doanh nghiệp của 298 công ty Mỹ trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune công bố có lợi nhuận ở nước ngoài ước tính là 6,2%, thấp hơn 28,8% mức thuế trong nước, tương đương với nộp thuế liên bang ít hơn 717,8 tỷ USD. Lấy công ty Apple làm ví dụ, năm 2015, lợi nhuận giữ lại ở nước ngoài của công ty này là 214,9 tỷ USD, chỉ nộp thuế theo mức thuế doanh nghiệp 5%. Nếu nộp thuế theo thuế doanh nghiệp trong nước Mỹ (35%) thì công ty Apple đã trốn thuế liên bang 65,388 tỷ USD. Do vậy, việc trốn thuế của những doanh nghiệp này và việc giữ lại lợi nhuận cao ở nước ngoài không những đã làm xói mòn cơ sở thu thuế của Chính phủ Mỹ, mà còn làm giảm các hoạt động đầu tư trong nước của Mỹ, từ đó giảm bớt việc tạo ra cơ hội việc làm. 

Xuất phát từ bối cảnh như vậy, hạ thấp mức thuế doanh nghiệp của Mỹ, thu hút các doanh nghiệp Mỹ và lợi nhuận lớn ở nước ngoài quay trở về Mỹ, tuy không phải là một sự lựa chọn tối ưu, nhưng ít nhất cũng là một kế sách tạm thời. Nhưng đơn phương hạ thấp mức thuế doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nước phát triển. Trong tình hình OECD đã phát hành báo cáo về “giải pháp chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” (BEPS), đồng thời qua sự điều chỉnh của G20, 61 quốc gia trên toàn cầu đều đang áp dụng chương trình, hành động giảm thuế cấp tiến của Donald Trump chắc chắn sẽ gây ra sự hỗn loạn không cần thiết. 

Thứ sáu, xóa bỏ những thủ tục rườm rà, mở rộng cung ứng năng lượng 

Trong hơn 10 năm qua, giá dầu mỏ được nâng cao với mức độ lớn, đã dẫn đến sự cải cách ngành dầu mỏ, điển hình là dầu đá phiến. Do sự tiến bộ kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất, trong thời gian rất ngắn, nước Mỹ với tư cách là nước nhập khẩu và nước sử dụng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, đã vượt qua  Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (tháng 6/2014), từ đó đã giảm nhiều mức độ phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ. 

Năm 2005, mức độ phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ là 60,3%, năm 2015 giảm xuống còn 24,1%. Trong thời gian 10 năm ngắn ngủi, mức độ phụ thuộc nhập khẩu đã giảm 36,2 điểm %. Trong đó, mức độ phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ đối với các nước thành viên OPEC cũng không ngừng giảm xuống. Năm 2015, dầu mỏ đến từ các nước thành viên OPEC chỉ chiếm 30,6% dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ (thời điểm năm 2005 là 40,7%). Tiếp tục phát triển theo xu thế này, Mỹ không những có thể giảm bớt sự phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ đối với các nước thành viên OPEC, mà còn rất nhanh chóng có thể thực hiện được việc tự cấp dầu mỏ. 

Sự phát triển của ngành năng lượng tiêu biểu là dầu mỏ đã mang lại cho Mỹ sự thay đổi lớn trên hai phương diện: Thứ nhất, sự phồn vinh của ngành dầu đá phiến đã trực tiếp tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm; thứ hai, sự gia tăng sản xuất dầu mỏ cũng đã làm sụt giảm lớn việc nhập khẩu năng lượng, làm giảm đi nhiều việc nhập siêu thương mại hàng hóa của Mỹ. Trước đây, nhập khẩu dầu mỏ luôn là bộ phận cấu thành chủ yếu nhất trong nhập siêu thương mại hàng hóa của Mỹ, hiện đã giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn, trong thời kỳ đỉnh cao năm 2008, thâm hụt thương mại dầu mỏ của Mỹ lên cao đến 391,4 tỷ USD, chiếm 47% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ, còn đến năm 2015, hai con số này lần lượt là 87,9 tỷ USD, chiếm 11,5% mức thâm hụt. 

Do vậy, nếu Chính quyền Donald Trump xóa bỏ mọi sự hạn chế trong ngành năng lượng, thúc đẩy việc sản xuất trong các ngành như dầu mỏ và than đá… thì Mỹ có thể thực hiện sự tăng trưởng đồng bộ về ngành nghề và việc làm, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và năng lượng nhập khẩu, thậm chí thực hiện thặng dư thương mại. Nhưng sự tăng trưởng tiêu dùng của năng lượng nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ lại sẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Mỹ trong thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Thứ bảy, níu giữ các doanh nghiệp Mỹ và các hoạt động thương mại của họ thông qua các hình thức như ưu đãi thuế (thậm chí phạt thuế) và mua sắm chính phủ… 

Ngày 30/11/2016, trên  tài khoản Twitter cá nhân, Donald Trump đã tuyên bố tập đoàn Carrier sẽ không chuyển hơn 1.000 cơ hội việc làm từ bang Indiana sang Mexico nữa, nguyên nhân thúc đẩy tập đoàn Carrier đưa ra sự thay đổi này ở 2 phương diện: Thứ nhất là sự thuyết phục của Donald Trump:  bang Indiana đã ưu đãi 7 triệu USD tiền thuế cho tập đoàn này; thứ hai là sự đe dọa của Donald Trump: đe dọa là giảm bớt thậm chí chấm dứt hợp đồng chính phủ liên bang với công ty mẹ của tập đoàn này, đồng thời đe dọa sẽ chuyển hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh khác sang nhập khẩu các sản phẩm hoặc dịch vụ của các công ty nước ngoài, đánh thuế với mức cao. Cùng với cách thức như vậy, Donald Trump có ý đồ vận dụng với nhiều công ty hơn, chẳng hạn tập đoàn Rexnord dự định chuyển dây chuyền sản xuất vòng bi từ Indiana sang Mexico… 

Xét từ ngắn hạn và các án lệ riêng lẻ, làm như vậy có thể mang lại một số thay đổi, thực hiện được mục tiêu tạo ra nhiều việc làm hơn ở Mỹ. Nhưng hiệu quả lâu dài như thế nào rất đáng hoài nghi. Bởi trong điều kiện mở cửa kinh tế thị trường, việc sắp xếp nguồn lực ở khu vực thậm chí trên phạm vi toàn cầu, thu được lợi nhuận tối đa vốn là chuyện đương nhiên của doanh nghiệp. Chính quyền Donald Trump lại muốn thông qua các biện pháp để thay đổi điều kiện ràng buộc kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ ở lại kinh doanh trong nước. Làm như vậy chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Xét về lâu dài, hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia sẽ không chỉ dựa trên việc ưu đãi chính sách không xác định nào đó của một chính phủ của một quốc gia nào đó, mà còn đúng như bình luận của chuyên gia thương mại nổi tiếng của Mỹ Robert Lawrence: “Làm như vậy cũng đã mở ra một tiền lệ không tốt, đó là: đánh dấu một thể chế kinh tế lấy quy tắc làm cơ sở đang chuyển sang thể chế kinh tế lấy thương mại làm cơ sở”. 

Ở trên chúng ta đã lần lượt thảo luận 7 chính sách thương mại của Donald Trump. Đối với những chính sách này, chúng ta không nên xem xét một cách biệt lập, riêng lẻ, mà cần phải phân tích một cách có hệ thống, gắn liền lại với nhau. Xét một cách riêng lẻ, dường như không ít chính sách trong 7 chính sách này đều rất khó thực hiện được mục tiêu chính sách, về cơ bản cũng không thể được thực thi, nhưng xét một cách tổng hợp những chính sách này lại có sự liên hệ nội tại rất mạnh. Sở dĩ Donald Trump muốn rút khỏi WTO, rút khỏi TPP, đồng thời rêu rao muốn đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico, chính là vì ông phản đối sự chuyển dịch ra nước ngoài của các doanh nghiệp và ngành nghề của Mỹ, phản đối vai trò của Mỹ với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng trong mạng lưới sản xuất ở khu vực và toàn cầu; ông không phản đối tự do hóa thương mại, mà phản đối tự do hóa thương mại khu vực và đa phương dẫn đến chuyển dịch ngành nghề của Mỹ. Đương nhiên, ông đồng thời cũng muốn nỗ lực thúc đẩy đàm phán thương mại tự do song phương và mở cửa thị trường, tạo cơ hội thị trường xuất khẩu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Như vậy, trọng tâm chính sách thương mại của Donald Trump chính là ổn định, thậm chí ngăn chặn sự phát triển hơn nữa của khu vực hóa và toàn cầu hóa, giữ các doanh nghiệp và ngành nghề của Mỹ ở lại trong nước, đồng thời thông qua các hiệp định thương mại song phương mở ra thị trường xuất khẩu ở nước ngoài, từ đó tạo ra việc làm và của cải nhiều hơn cho các công nhân Mỹ. 

Do vậy, chúng ta có thể tổng kết sau khi Donald Trump lên nắm quyền, dự đoán một số thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ như sau: 

1. Thúc đẩy xuất khẩu, giảm bớt nhập khẩu một cách thỏa đáng, đặc biệt là nhập khẩu dầu mỏ. Như vậy, sự cân bằng thương mại của Mỹ sẽ được cải thiện rất lớn. 

2. Tuy sẽ không áp dụng biện pháp tăng thuế toàn diện, lâu dài, mức độ lớn nhằm vào mặt hàng nhập khẩu của quốc gia nào đó, nhưng sẽ lại áp dụng các biện pháp bảo đảm, chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn, mức độ lớn hơn, thậm chí bảo hộ thuế quan mang tính tạm thời đối với mặt hàng nào đó của một quốc gia ở một thời điểm nào đó. 

3. Cùng với đó, sự va chạm thương mại giữa các đối tác thương mại chủ yếu sẽ tăng lên: một mặt, Mỹ sẽ quan tâm hơn đến sự thay đổi chính sách của các đối tác thương mại khác và ảnh hưởng của họ đối với Mỹ, mặt khác, cũng sẽ thúc đẩy một cách tích cực hơn đến thương mại xuất khẩu của mình và mở rộng đầu tư đối ngoại. 

4. Thông qua đàm phán song phương, ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư mới với các đối tác thương mại chủ chốt; còn nguyện vọng ký kết hiệp định song phương với một số nước nhỏ dựa trên toan tính chính trị và chiến lược sẽ giảm đi rất nhiều. 

5. Trong lĩnh vực đa phương, đa biên, nỗ lực đề xướng và thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại, thúc đẩy và đề xướng các đề tài mới, động lực dẫn dắt định ra quy tắc thương mại và quy tắc đầu tư toàn cầu có khả năng sẽ yếu đi. 

6. Tiến hành cải cách trong nước, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp và ngành nghề ở lại trong nước.

Tống Hoằng là nghiên cứu viên, trợ lý Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Paper.

Hoàng Lan (gt)