Ngày 20/8/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ (BQP Mỹ) công bố Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương (APMSS) theo yêu cầu của Quốc hội tại Khoản 1259 của Đạo luật trao quyền quốc phòng cho năm tài chính 2015. APMSS cấu trúc gồm ba phần chính: (i) Mục tiêu; (ii) Bối cảnh chiến lược; và (iii) Các biện pháp triển khai.

Về mục tiêu, BQP Mỹ nhằm đạt ba mục tiêu chiến lược. Một là bảo vệ tự do trên biển. BQP Mỹ nêu rõ thêm rằng tự do trên biển không chỉ là tự do cho các tàu thuyền thương mại quá cảnh qua các tuyến đường biển quốc tế mà bao gồm tất cả các quyền, quyền tự do, quyền sử dụng biển và vùng trời phía trên nhất là của tàu chiến và máy bay chiến đấu được công nhận theo luật pháp quốc tế. Hai là ngăn chặn xung đột và cưỡng ép. Ba là thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế. Luật lệ sẽ dẫn dắt tương lai biển Châu Á, chứ không phải là cưỡng ép hay vũ lực.

Về bối cảnh chiến lược, BQP Mỹ cho rằng môi trường an ninh khu vực đang thay đổi nhanh chóng bắt nguồn từ ba thách thức.

Thách thức thứ nhất là tranh chấp yêu sách biển và lãnh thổ: BQP Mỹ khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền nhưng đảm bảo tất cả các yêu sách phù hợp với nguyên tắc đất thống trị biển. Nếu là đảo thì phải là vùng đất tự nhiên ở trên mặt nước biển khi thủy triều lên.

Ở Biển Đông, tranh chấp chủ quyền và yêu sách biển bao gồm ba loại: (i) Yêu sách lãnh thổ giữa Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam; (ii) Yêu sách biển giữa các bên cả về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với tài nguyên và yêu sách các vùng biển; (iii) Yêu sách biển quá mức do một số nước đòi hỏi. Ví dụ, Malaysia hạn chế các hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế, hoặc năm 2009, Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” nhưng chưa làm rõ là yêu sách đối với toàn bộ vùng biển hay các thực thể đất liền bên trong.

Ở Hoa Đông, tranh chấp nổi lên khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa ba đảo ở Senkaku vào năm 2012. Trung Quốc phản đối và liên tục điều tàu chấp pháp xâm nhập vào khu vực 12 hải lý xung quanh Senkaku để thách thức yêu sách của Nhật. Tháng 11/2013, Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông gây ra căng thẳng và lo ngại ở khu vực.

Ở Ấn Độ Dương, trái ngược với Biển Đông và Hoa Đông. Mặc dù tồn tại một vài tranh chấp biển nhưng tình hình tương đối ổn định và được giải quyết thông qua các cơ quan tòa án quốc tế.

Bản đồ tranh chấp ở Trường Sa

Bản đồ tranh chấp ở Trường Sa

Thách thức thứ hai là về hiện đại hóa quân đội và lực lượng chấp pháp. BQP Mỹ cho rằng việc các nước tăng cường hiện đại hóa quân sự và lực lượng chấp pháp làm gia tăng nguy cơ tính toán sai hoặc gây ra xung đột trên biển.

BQP Mỹ đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc hiện đại hóa mọi khía cạnh quân sự biển, từ hải quân trên mặt nước đến tàu ngầm, máy bay, tên lửa, ra-đa và hải cảnh. Trung Quốc hiện có 303 tàu hải quân các loại và 205 tàu chấp pháp, lớn hơn rất nhiều so với các nước ở khu vực cộng lại. Trong đó, các tàu chấp pháp bán quân sự là công cụ chính mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng kiểm soát ra các khu vực tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ cao nhằm ngăn cản sự can thiệp của bên ngoài vào xung đột và để chống lại công nghệ quân sự của Mỹ. Xung đột Đài Loan là mục tiêu chính cho hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhưng nước này cũng đang chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ ở Biển Đông và Hoa Đông, thậm chí có thể tác chiến ngoài chuỗi đảo thứ nhất với đội hải quân đa nhiệm vụ tầm xa được trang bị năng lực tấn công mạnh.

BQP Mỹ cũng đề cập đến hiện đại hóa quân sự của Nhật và các nước Đông Nam Á. Nhật đang cải thiện khả năng răn đe của Lực lượng phòng vệ (JSDF), tăng ngân sách cho cảnh sát biển, tổ chức lại lực lượng quân sự và chấp pháp ở Senkaku, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị tình báo, trinh sát, do thám (ISR), nâng cấp máy bay tuần tra, ra-đa mặt đất, các đơn vị tên lửa và năng lực đổ bộ tấn công.

Trong khi đó, Việt Nam mua sáu tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, tàu khu trục, tàu hộ tống và tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển tầm xa. Năm 2014, Nhật Bản tuyên bố cung cấp cho Việt Nam sáu tàu cảnh sát biển đã qua sử dụng. Philippines năm 2011 và 2013 mua hai tàu cảnh sát biển của Mỹ nằm ngoài các điều khoản của hiệp ước liên minh.

Bảng 1: So sánh lực lượng hải quân Trung Quốc và các nước

Bảng 2: So sánh lực lượng lực lượng chấp pháp Trung Quốc và các nước

Thách thức thứ ba bao gồm ba vấn đề. Một là việc sử dụng lực lượng bán quân sự để cưỡng ép các bên yêu sách khác. BQP Mỹ cho biết Trung Quốc rất tích cực trong việc sử dụng các tàu chấp pháp để vừa có thể mở rộng kiểm soát ra các khu vực tranh chấp, vừa tránh leo thang thành xung đột quân sự. Trung Quốc đồng thời điều các tàu hải quân thường trực ở phía sau để răn đe và tham chiến nếu xung đột xảy ra, ví dụ vụ Scarborough và Cỏ Mây với Philippines, HD981 với Việt Nam và Nam Luconia với Malaysia.

Hai là hành xử không an toàn trên biển và trên không. Việc Trung Quốc giải thích quyền chủ quyền mở rộng vượt qua lãnh hải và vùng trời đã tạo ra va chạm với các lực lượng của Mỹ và đồng minh của Mỹ hoạt động ở vùng biển và vùng trời quốc tế, làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng, ví dụ như vụ máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc chặn máy bay trinh sát P-8A của Mỹ ngoài khơi Hải Nam tháng 8/2014.

Ba là việc cải tạo đảo quy mô lớn. BQP Mỹ cho rằng việc bồi đắp, cải tạo đảo không phải là hoạt động mới vì các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan đã làm từ những năm 1970-1980 nhưng điểm đáng chú ý là quy mô và tốc độ bồi đắp, cải tạo đảo của Trung Quốc. Từ tháng 12/2013-6/2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 2.900 mẫu Anh, chiếm 95% diện tích đất đai ở Trường Sa, lớn hơn gấp 17 lần tổng diện tích các bên yêu sách khác cải tạo trong vòng 40 năm qua. Đặc biệt, chỉ trong ba tháng trước thời điểm BQP Mỹ công bố APMSS, diện tích đất Trung Quốc bồi đắp tăng tới 50% từ 2.000 mẫu Anh vào tháng 5/2015. Trên cả bảy thực thể chiếm đóng, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng mà Mỹ quan ngại nhất là mục đích quân sự như đường băng 3.000 mét ở Chữ Thập và đang dự xây một đường băng thứ hai ở Subi, cầu cảng cho tàu chiến và tàu chấp pháp neo đậu phục vụ các hoạt động dài ngày ở phía nam Biển Đông.

Riêng về giải quyết tranh chấp, BQP Mỹ cho rằng giải quyết hòa bình các tranh chấp biển là cần thiết, nhiều nước đang sử dụng và tuân theo các cơ chế pháp lý quốc tế. Ví dụ, Ấn Độ và Bangladesh đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp ở Vịnh Bengal; Malaysia và Singapore sử dụng Tòa án công lý quốc tế (IJC); Philippines đang yêu cầu Tòa trọng tài thường trực (PCA) giải quyết một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Tháng 6/2015, PCA đã tổ chức phiên điều trần nghe Philippines trình bày quan điểm và xác định tính pháp lý trong đơn kiện của Philippines và thẩm quyền thụ lý vụ án của PCA.

Về các biện pháp triển khai, BQP Mỹ đưa ra bốn nhóm biện pháp chính.

Nhóm thứ nhất là tăng cường năng lực quân sự của Mỹ thông qua phát triển năng lực, tăng cường hiện diện và tập trận, đào tạo.

Phát triển năng lực: BQP Mỹ đang đầu tư phát triển những năng lực và quan niệm mới cho phép các lực lượng của Mỹ hoạt động tự do kể cả trong môi trường tranh chấp, tăng cường năng lực phát huy sức mạnh từ biển, từ trên không và từ dưới biển. Ví dụ, Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, tàu đổ bộ tấn công USS America, khu trục hạm DDG-1000, các máy bay chiến đấu F-22, B-2, B-52 và F-35 đến Châu Á.

Để hiện thực hóa yêu cầu này, trong ngắn hạn, BQP Mỹ: (i) Đầu tư vào chương trình hiện đại hóa vũ khí tổng thể, bao gồm kế hoạch phát triển tên lửa dành cho các hoạt động trên biển có thể phóng được từ đất liền, từ biển và từ trên không; (ii) Sắm vũ khí có thể tấn công từ xa như tên lửa không đối hải tầm xa (JASS-ER) và tên lửa hành trình chống hạm tầm xa;  (iii) Đầu tư phát triển khả năng linh hoạt để phản ứng nhanh và hiệu quả với các thách thức biển tiềm tàng; (iv) Đầu tư phát triển khả năng trinh sát, giám sát và do thám như sắm máy bay trinh sát 24 E-2D Hawkeye dùng trên hàng không mẫu hạm, máy bay trinh sát thế hệ mới 47 P-8A, phát triển máy bay trinh sát không người lái MQ-4C và điều tới Hạm đội 7 vào năm tài khóa 2017. Về dài hạn, BQP Mỹ sẽ phát triển bộ sáng kiến và năng lực mới gọi là “Bù đắp thứ ba” (Third Offset) – phát triển công nghệ vũ khí, đặc biệt là rô-bốt, hệ thống tự động, tự thu nhỏ, dữ liệu lớn, v.v. đảm bảo tự do tiếp cận cho các lực lượng của Mỹ trong môi trường chống phong tỏa/tiếp cận (A2/AD).

Hiện diện: Mỹ hiện diện quân đội ở khu vực hơn 60 năm qua và đang duy trì 368.000 quân nhân ở Châu Á – Thái Bình Dương. Trong 05 năm tới, Mỹ sẽ tăng gần 30% tàu chiến cho Hạm đội 7. Đến 2020, 60% tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ ở nước ngoài sẽ tập trung ở Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản, Úc và Guam (phát triển thành trung tâm hiện diện quân sự chính) là những điểm hiện diện quan trọng ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ sẽ điều luân phiên bốn tàu tuần duyên tới Singapore vào năm 2017 – hiện diện hải quân cố định ở Đông Nam Á lần đầu tiên trong hơn 20 năm.

Tập trận và đào tạo: Mỹ tăng cường hiện diện thường lệ và liên tục ở Biển Đông thông qua các hoạt động từ huấn luyện đào tạo cho đồng minh và đối tác đến thăm cảng biển, hợp tác tự do hàng hải và các hoạt động khác. Mỹ cho rằng nếu để một số nước ở khu vực tự do tăng cường yêu sách biển mà không bị thách thức thì sẽ làm hạn chế tự do trên biển, ví dụ như việc vẽ các đường cơ sở không phù hợp hoặc hạn chế quá mức tàu chiến thực hiện qua lại vô hại ở lãnh hải và tự do các hoạt động quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế. Năm 2014, Mỹ đã thách thức 35 yêu sách quá mức trên thế giới, trong đó 19 yêu sách thuộc phạm vi của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Mỹ cũng đang tăng về cả mức độ, cấp độ và quy mô của các cuộc tập trận trong khu vực. Ở Đông Bắc Á, Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện các cuộc tập trận thường kỳ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức hơn 400 sự kiện với Philippines bao gồm tập trận Balikatan trong năm 2015, tập trận giám sát biển với Indonesia (SEASURVEX) năm 2015, tập trận đổ bộ với Malaysia trong năm 2014 và 2015, tăng các hoạt động đào tạo với Việt Nam gồm Hoạt động hợp tác hải quân (NEA) tháng 3/2015. Trong sáu năm, hợp tác hải quân với Việt Nam tăng từ thăm cảng biển đơn thuần tới các hoạt động dài ngày giúp các thủy thủ tăng cường hiểu biết về hoạt động và thủ tục của mỗi bên. Ngoài ra, Mỹ còn tổ chức tập trận đa phương như RIMPAC-2014 với sự tham gia của Trung Quốc, dự kiến mời Trung Quốc tham gia RIMPAC-2016 với mức độ như năm 2014.

Nhóm thứ hai là xây dựng năng lực biển cho các nước đồng minh và đối tác. BQP Mỹ tập trung giúp các nước phát triển năng lực cho các lực lượng biển, cơ sở hạ tầng cần thiết, hậu cần, tăng cường thể chế, kỹ năng thực hành cho các lực lượng biển.

Ở Đông Bắc Á, BQP Mỹ tăng cường năng lực cho lực lượng đổ bộ bảo vệ đảo của Nhật thông qua việc bán Thủy thiết giáp AAVs và máy bay vận tải V-22 Ospreys, máy bay không người lái E-2D Hawkeye. Ở Đông Nam Á, BQP Mỹ ưu tiên phát triển tổng hợp các năng lực giúp các nước tăng cường khả năng phòng thủ biển và tuần tra biển thông qua Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tuyên bố tại Shangri-La tháng 5/2015. BQP Mỹ đặc biệt tập trung vào bốn lĩnh vực.

Một là mở rộng năng lực nhận thức về biển, hướng tới tạo bức tranh hoạt động chung ở khu vực. Ví dụ, Mỹ giúp Singapore thành lập Nhóm chia sẻ thông tin biển (Singapore Maritime Information-Sharing Group), coi đây là hình mẫu trong việc chia sẻ thực hành và bài học từ các hoạt động biển ở khu vực, hiện là hợp tác song phương sau có thể mở rộng các nước khác trong khu vực. Hai là cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết, hậu cần và thủ tục hoạt động để đối phó với các tình huống hiệu quả hơn. Ba là tăng cường năng lực và sự đàn hồi cho các nước bằng việc tổ chức tập trận và các hoạt động song phương và khu vực. Bốn là giúp tăng cường thể chế, quản trị, đào tạo nhân lực, nhận diện lĩnh vực cần hiện đại hóa và yêu cầu mới cho việc phát triển năng lực an ninh biển, ví dụ, giúp Malaysia thành lập các cơ quan biển thống nhất như Cơ quan thực thi biển (MMEA), giúp Philippines xây dựng Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia (PNCWC) ở Manila.

Mỹ đồng thời cộng tác với các đối tác lớn ở khu vực như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc để giúp các nước Đông Nam Á. Ví dụ năm 2014, sau cuộc gặp ba bên Obama, Abe và Abbott, Bộ Quốc phòng Mỹ cộng tác với đối tác ở Nhật Bản và Úc để tăng cường năng lực cho Đông Nam Á, bắt đầu là Philippines. BQP Mỹ cũng cộng tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực: (i) Duy trì tầm nhìn chung về các vấn đề biển, ví dụ Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ-Ấn cho khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tháng 01/2015; (ii) Nâng cấp đối tác an ninh biển song phương, ví dụ tập trận song phương Malabar; (iii) Cải thiện khả năng nhận thức về biển ở khu vực.

Nhóm thứ ba là ngoại giao quân sự để giảm thiểu rủi ro thông qua đối thoại song phương với Trung Quốc và các biện pháp giảm thiểu rủi ro toàn khu vực.

Với Trung Quốc, BQP Mỹ triển khai ba trụ cột. Một là đối thoại thông qua các tương tác chính sách và lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy quan điểm chung về môi trường an ninh quốc tế và những thách thức liên quan. Hai là cố gắng xây dựng những lĩnh vực cụ thể và thực tế để phát triển khả năng hợp tác ở những lĩnh vực có lợi ích chung. Ba là tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro thông qua việc cải thiện các hoạt động an toàn và các mô hình thể chế hóa (như đường dây nóng quốc phòng) để giảm khả năng xảy ra các vụ đụng độ hoặc tính toán sai.

Trong các cuộc gặp song phương, Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về các hành xử ở Biển Đông và Hoa Đông như hạn chế đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp, đơn phương thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, cải tạo đảo quy mô lớn và đơn phương thiết lập ADIZ ở Hoa Đông. Mỹ tiếp tục hối thúc Trung Quốc xây dựng lòng tin với các nước láng giềng, bao gồm làm rõ yêu sách biển theo luật quốc tế và cam kết dừng cải tạo, xây dựng cơ sở mới và quân sự hóa các đơn vị đồn trú. Mỹ và Trung Quốc có một số cơ chế giảm thiểu rủi ro như Hiệp định tham vấn quân sự biển (MMCA) ký năm 1998, Bản ghi nhớ (MOU) về các quy tắc hành xử an toàn tránh đụng độ trên biển và trên không năm 2014 và là thành viên ký kết Bộ quy tắc ứng xử tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES).

Ở khu vực, BQP Mỹ khuyến khích phát triển các cơ chế giảm thiểu rủi ro và xây dựng lòng tin trên biển ở Châu Á – Thái Bình Dương, ví dụ như CUES năm 2014; việc Trung Quốc và Nhật Bản đang xem xét thiết lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước; Indonesia và Malaysia tuyên bố trao đổi đoàn để tăng cường minh bạch; và một số nước ASEAN đang xem xét thiết lập đường dây nóng song phương ở Biển Đông để có kênh thông tin trong trường hợp khủng hoảng vô tình xảy ra.

Nhóm thứ tư là tăng cường cơ chế đa phương khu vực. BQP Mỹ tăng cường tham gia vào các thể chế khu vực như ADMM+, ARF, EAMF, WPNS và IONS. Mỹ ủng hộ các hiệp định đa phương để tăng cường an ninh biển ở Châu Á như việc Trung Quốc và ASEAN ký DOC và đàm phán tiến tới ký kết COC. Tại Shangri-La tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết điều chuyên gia kỹ thuật để hỗ trợ các nỗ lực an ninh biển của ASEAN. Năm 2013, Nhóm chuyên gia ADMM+ về an ninh biển tổ chức cuộc diễn tập trên thực địa và dự định tổ chức cuộc diễn tập chống khủng bố trên biển vào năm tới. Tháng 4/2014, Mỹ và ASEAN tổ chức Diễn đàn quốc phòng lần đầu tiên, v.v.

Một số đánh giá

Ngay sau khi BQP Mỹ công bố APMSS, các chuyên gia về an ninh biển bình luận về điểm mạnh và điểm cần bổ sung của APMSS.

Thứ nhất, về điểm mạnh, các chuyên gia có chung nhận định rằng AMPSS mô tả khá rõ và cân bằng cách tiếp cận của BQP Mỹ, giúp giải thích cho công luận Mỹ cũng như khu vực về mục tiêu và cách triển khai các cam kết của Mỹ với Châu Á. Dù tỏ ra khách quan khi đề cập đến cả các bên yêu sách khác nhưng APMSS cũng cho thấy Trung Quốc là trung tâm gây bất ổn khi APMSS nêu đậm các hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc như cải tạo đảo, quân sự hóa các lực lượng biển, hành xử cưỡng ép và không an toàn trên biển và trên không. Ngoài ra, APMSS cũng đề cập đến Ấn Độ Dương, nhấn mạnh cách xử lý hòa bình của Ấn Độ trong tranh chấp ở Ấn Độ Dương để làm nổi bật hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Hay nói cách khác, APMSS thể hiện sự quyết tâm của BQP Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc cho nên trong tương lai gần, Mỹ chưa đi đến thỏa hiệp với Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.

Thứ hai và ngược lại, các chuyên gia cho rằng các biện pháp mà BQP Mỹ đưa ra để ngăn chặn Trung Quốc chưa đủ mạnh. Theo TS. Andrew S. Erickson  (Đại học Hải chiến Hoa Kỳ), BQP Mỹ không nói rõ là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Trong phần về “giảm thiểu rủi ro”, BQP Mỹ nhấn mạnh rằng các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh nhưng không có minh chứng nào cho thấy các phát biểu đó có tác dụng. Việc Mỹ công bố mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 với mức độ tương tự năm 2014 thể hiện sự yếu kém của chính quyền Obama. Trong khi Trung Quốc tăng cường các hành động quyết đoán, Mỹ có vẻ kiềm chế quá mức nên Trung Quốc càng lấn tới.

Trong khi đó, TS. Peter Mattis (Jamestown Foundation) cho rằng một trong ba mục tiêu của Mỹ là “ngăn chặn xung đột và cưỡng ép” nhưng các biện pháp triển khai dường như hòa lẫn xung đột với cưỡng ép, không làm rõ được biện pháp nào là để ngăn các hành động cưỡng ép và làm thế nào để có thể đo được mức độ thành công. Chuyên gia hải quân Bryan McGrath (Viện Hudson) cho rằng hầu hết các biện pháp trong APMSS được Mỹ triển khai từ nhiều năm nay. BQP Mỹ nên bổ sung những điểm mới ví dụ như đóng lượng lớn tàu tuần tra tên lửa cho hải quân Mỹ và đối tác hoạt động ở cùng địa điểm hoặc hợp thành đội để có thể chống lại chiến thuật cưỡng ép với số đông của Trung Quốc.

Thứ ba, một số nội dung mới trong lập trường của Mỹ ở Biển Đông chưa được đưa vào APMSS. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Shangri-La tháng 5/2015 đặt ra giới hạn đỏ đối với việc cải tạo đảo của Trung Quốc và tuyên bố sẽ điều tàu chiến và máy bay vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo đá mà Trung Quốc đang cải tạo ở Trường Sa. Trả lời báo chí về việc công bố APMSS, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear ngày 21/8/2015 khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu chiến tới bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép”. Tuy nhiên, điều này không được đề cập trong APMSS.

Ngoài ra, vì để tránh quá tập trung vào Trung Quốc nên BQP Mỹ cũng nêu cả các bên yêu sách khác, trong đó, một số điểm không phản ánh đúng tình hình thực tế và có thể gây bất lợi cho hình ảnh của Việt Nam. Thứ nhất, bản đồ sử dụng trong AOMSS mô tả các thực thể tranh chấp ở Trường Sa theo đơn vị đồn trú (outpost), không theo thực thể (features); bao gồm cả bãi Tư Chính-Vũng Mây. Điều này không chính xác vì Bãi Tư Chính-Vũng Mây thuộc thềm lục địa của Việt Nam, không nằm trong quần đảo Trường Sa. Thứ hai,  BQP Mỹ cho rằng từ 2009-2014, Việt Nam là nước tích cực nhất trong việc nâng cấp các đơn vị đồn trú và cải tạo đất ở Trường Sa. Nhận định này cũng không phản ánh đúng tình hình thực tế vì:  (i) Mức độ cải tạo của Việt Nam rất nhỏ - chính APMSS cũng khẳng định điều này khi BQP Mỹ chỉ ra rằng Việt Nam chỉ cải tạo được gần 60 mẫu Anh (chỉ bằng 1,9% của Trung Quốc) trong khi quy mô và tốc độ cải tạo của Trung Quốc kinh khủng hơn nhiều (chỉ trong 20 tháng từ tháng 12/2013-6/2015, Trung Quốc bồi đắp diện tích gấp 17 lần các nước khác trong 40 năm cộng lại); (ii) Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 6/2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã nói rõ với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng Việt Nam chỉ kè lại xung quanh các đảo nổi để không bị xói lở, đảm bảo sự an toàn cho người dân và các lực lượng đóng trên đảo; chỉ xây những nhà rất nhỏ trên các đảo chìm và không mở rộng ra; (iii) Việc gia cố các điểm đồn trú trên thực thể tồn tại tự nhiên không dẫn đến mở rộng thực thể gấp nhiều lần kích thước thật để xây dựng tổ hợp căn cứ quân sự trên đó như Trung Quốc đang làm; (iv) Việt Nam không sử dụng các thiết bị nạo vét và hút cát công suất lớn để bơm cát lên các thực thể mà vận chuyển đất đai từ đất liền nên không hủy hoại môi trường sinh thái biển.

Tóm lại, APMSS thể hiện nỗ lực nhằm tăng cường địa vị của Mỹ và quyết tâm của BQP Mỹ trong việc ngăn chặn các hành động làm thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tuy còn bộc lộ một số hạn chế (như chưa làm rõ sự khác biệt giữa cưỡng ép và xung đột và vạch ra các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc, chưa xác định được các “ranh giới đỏ” với Trung Quốc như việc đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà nước này đang bồi đắp) nhưng thời gian tới, Việt Nam có thể khai thác các khía cạnh trong Chiến lược của Mỹ liên quan đến các sáng kiến hợp tác xây dựng năng lực chung của Mỹ ở khu vực, đồng thời trao đổi, chia sẻ để Mỹ có cái nhìn chính xác hơn về tình hình thực tế./.

Phạm Duy Thực (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao)