Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực đã trở thành một hiện tượng không mới mẻ trong đời sống quan hệ quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi của sự trỗi dậy này, cụ thể là vị trí mà Trung Quốc có tham vọng và đủ khả năng chiếm lĩnh trong trật tự thế giới thời gian tới vẫn còn là một vấn đề đang được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trên toàn thế giới quan tâm và tranh luận. Jonathan Fenby, trong cuốn sách “Liệu Trung Quốc có chiếm lĩnh thế kỷ 21” (Will China Donminate the 21st Century) gồm 5 chương, 141 trang (xuất bản năm 2014 và tái bản năm 2017 bởi nhà xuất bản Polity Press, Anh), đã tiến hành phân tích một cách toàn diện các khía cạnh trong quá trình phát triển của Trung Quốc từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…, cho đến tư tưởng, ý thức hệ, để đưa ra kết luận, mặc dù Trung Quốc đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội song vẫn tiềm tàng nhiều yếu tố khiến việc trở thành cường quốc hàng đầu, thống lĩnh thế giới trong thế kỷ 21 vẫn là một tham vọng chưa thể đạt tới của cường quốc hơn 1 tỷ dân này.
Một trong những điểm thú vị của cuốn sách là trình tự mà tác giả sử dụng trong tường thuật nghiên cứu của mình. Để trả lời cho câu hỏi Liệu Trung Quốc có chiếm lĩnh thế kỷ 21 hay không, tác giả đã không đi theo trật tự các nghiên cứu thông thường là đưa ra một hệ thống các luận điểm song song và giải quyết bằng các luận cứ, luận chứng mạch lạc, xuyên suốt toàn bộ nghiên cứu. Thay vào đó, Jonathan Fenby, một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc, cựu Biên tập viên tờ Người quan sát (The Observer) và tờ South China Morning Post, tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị về Trung Quốc, với sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá Trung Hoa đã dẫn dắt độc giả vào cuốn sách của mình theo một trình tự mang đậm tính phương Đông đó là đứng từ xa quan sát giấc mơ thống trị của người Trung Hoa sau đó mới dần dần phân tích các thành tố làm nên giấc mơ đó và đưa ra kết luận về việc liệu rằng tham vọng thống lĩnh có thể trở thành hiện thực hay không. Mặc dù cách lập luận này không thực sự là trình tự nghiên cứu phổ biến, đồng thời sẽ gây một chút khó khăn cho độc giả trong việc liệt kê các nhân tố một cách hệ thống song lại rất phù hợp cho một cuốn sách viết về Trung Quốc – một quốc đậm nét văn hóa phương Đông với lối tư duy từ xa tới gần, từ quan – tri rồi mới đến ngộ - hành. Từ đó, mức độ tin cậy và thuyết phục của cuốn sách được tăng lên đáng kể khi đem đến cho độc giả về việc đây là cuốn sách thể hiện cách nhìn về Trung Quốc từ một con mắt sâu sắc từ phía bên trong chứ không phải phân tích từ bên ngoài như một số các tài liệu phân tích Trung Hoa đến từ các học giả phương Tây hiện nay. Đồng thời, với tư cách là một nhà báo lâu năm, tác giả đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ tương đối dễ hiểu, giàu hình tượng, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính thông tin và logic. Chính điều này đã tạo nên sự hứng thú ban đầu của độc giả để từ đó từng lớp phân tích các nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể trở thành cường quốc thống trị trong thế kỷ 21.
Trung Quốc – cường quốc bị giam cầm trong giấc mộng lớn của chính mình
Xuyên suốt chương viết về “Giấc mộng Trung Hoa”, tác giả đã khắc họa toàn cảnh giấc mơ bá chủ của người Trung Quốc từ sâu xa trong lịch sử đi qua những năm tháng cách mạng hồi đầu thế kỷ 21 cho tới giai đoạn “trỗi dậy” hiện nay. Điểm thú vị của chương này là ở chỗ tác giả không chỉ tập trung phân tích người Trung Quốc muốn gì mà chỉ ra giấc mơ ấy đã kìm chân chính họ trong việc thống trị thế giới ở thế kỷ 21 như thế nào. Cụ thể, so sánh với các quốc gia đã từng chiếm vị trí siêu cường thế giới khác, Trung Quốc là trường hợp tương đối đặc biệt với quá khứ đã từng xưng ngôi “bá chủ thiên hạ” của mình. Mặc dù việc Trung Quốc đang trỗi dậy về kinh tế, quân sự song song với sự suy giảm tương đối của cường quốc hiện tại là Hoa Kỳ đang trở thành động lực khiến tham vọng thống lĩnh của Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, song chính giấc mơ thống trị tồn tại hàng ngàn năm đã biến thành một lực cản đáng kể, kìm chân quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Tác giả lập luận, cho tới thời điểm hiện tại, giấc mơ thống trị thế giới vẫn là chiếc áo quá rộng khi mà so sánh lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chỉ là tương đối, trong khi nó tạo ra áp lực buộc chính phủ phải tập trung vào tốc độ tăng cường các chỉ số sức mạnh thay vì chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, quá khứ bành trướng của người Trung Quốc cộng với việc “giấc mơ Trung Hoa” là một ý tưởng rõ ràng xuyên suốt hàng chục thế kỷ đã tạo ra tâm lý e dè, thậm chí là chống Trung Quốc ở phần còn lại của thế giới. Cuối cùng, chính giấc mơ Trung Hoa được hình thành cách đây hàng ngàn năm đã khiến người Trung Quốc mắc kẹt trong cách tư duy về quyền lực theo kiểu cũ, đó là mở rộng lãnh thổ, chiếm lĩnh đất đai thay vì mở rộng ảnh hưởng thông qua các giá trị “mềm” như văn hóa, tư tưởng hay sức hấp dẫn của thể chế chính trị. Với sự phát triển của luật pháp quốc tế đặc biệt liên quan tới chủ quyền bất khả xâm phạm của các quốc gia, có thể nói tư duy này đã trở nên lỗi thời và bất khả thi trong nhiều trường hợp. Tham vọng thống lĩnh của Trung Quốc, định hình theo cách đó sẽ trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết. Có thể thấy, trong phần phân tích về “Giấc mơ Trung Hoa”, Jonathan Fenby đã thể hiện một cách rõ nét, ngay từ những bước ban đầu, mang tính khái quát nhất là “Mơ gì?”, người Trung Quốc đã bị kìm chân trong con đường vươn tới vị trí thống lĩnh trong thế kỷ 21.
Trung Quốc và những vấn đề chưa thể giải quyết
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả Jonathan Fenby đã khảo sát ba lĩnh vực cần thiết để Trung Quốc có thể thực hiện giấc mộng bá chủ của mình, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Trình tự sắp xếp các lĩnh vực cũng thể hiện sự hiểu biết của tác giả về thứ tự ưu tiên trong đường lối phát triển mà chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi, chính trị vẫn là yếu tố hàng đầu mang tính quyết định, sau đó mới đến kinh tế và văn hóa xã hội. Trong mỗi chương, ông đã vạch ra các điểm khiến Trung Quốc không thể đạt được vị trí thống lĩnh thế kỷ 21.2 II “Cái giá của chính trị” (The Price of Politics), tác giả cho rằng chính thể chế chính trị hiện tại là một lực cản đối với khả năng thống lĩnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì việc đi sâu phân tích các nhược điểm của thể chế chính trị Trung Quốc đã được thực hiện trong nhiều nghiên cứu khác, Jonathan Fenby tập trung vào phân tích các chiến lược và con đường nắm quyền của Tập Cận Bình, lãnh đạo hạt nhân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ đó chỉ ra tác động cản trở của các yếu tố này đối với con đường phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới. Việc tập trung vào yếu tố cá nhân trong phân tích chính trị Trung Quốc là một điểm thú vị của trên hai khía cạnh: (i) Cho thấy sự hiểu biết của tác giả về tình hình chính trị Trung Quốc hiện tại với vị trí ngày càng tuyệt đối của Tập Cận Bình trong quá trình hoạch định chính sách và (ii) Phù hợp với đặc tính cá nhân của vị nguyên thủ này khi ông có sự kiên quyết hơn hẳn so với lãnh đạo trước đó là Hồ Cẩm Đào trong việc duy trì vai trò cũng như hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản như là yếu tố tiên quyết trên con đường phát triển của Trung Quốc. Chính hai nét này, theo tác giả, đã buộc sự phát triển của Trung Quốc phải trả một cái giá tương đối đắt vì việc duy trì thể chế chính trị sẽ đồng nghĩa với việc nền cản trở quá trình xây dựng kinh tế thị trường, phát triển bền vững cũng như trong sạch hóa bộ máy lãnh đạo – các điều kiện không thể thiếu nếu Trung Quốc muốn đạt vị trí siêu cường trên thế giới trong thời gian tới. Với sự mạnh mẽ và kiên quyết trong thế nắm giữ sức mạnh gần như tuyệt đối của người lãnh đạo của Trung Quốc, đảm bảo sự tồn tại của thể chế chính trị hiện tại là cái giá mà nước này nhất định phải trả, cũng đồng nghĩa với việc phát triển trở thành thứ yếu và giấc mơ thống lĩnh khó đạt được hơn.
Tác giả tập trung phân tích các khía cạnh về kinh tế trong chương 3 “Bẫy thu nhập trung bình” (The Middle Power Trap). Trong phần này, tác giả nhận định, cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, Trung Quốc đang rơi vào bẫy phát triển trung bình. Theo đó, sau khi Trung Quốc trải qua sự phát triển mạnh mẽ trong hiện tại với các thế mạnh về mặt tài nguyên, con người…, đã đến thời điểm nền kinh tế nước này chững lại với những vấn đề cần giải quyết. Để mô tả sự “chững lại” này, trong trang 63, tác giả đã sử dụng cụm từ “bốn không” mà Nguyên thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã sử dụng từ năm 2007, đó là “không bền vững”, “không đồng bộ”, “không cân bằng” và “không ổn định”. Trong phần này, tác giả đã đi phân tích khá sâu về các nguyên nhân, biểu hiện cũng như hệ quả của “bốn không” mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải. Điểm hấp dẫn trong phần này nằm ở chỗ, “bốn không” mà Trung Quốc đang đối mặt được tác giả mô tả trong thế “động” khi đặt vào trong sự diễn tiến của chính trị Trung Quốc với sự lên nắm quyền của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường – những chính trị ra có quyết tâm cải tổ tương đối mạnh mẽ. Theo đó, cả hai vị lãnh đạo đều được mô tả là có quyết tâm cũng như năng lực trong việc nhìn ra và cải thiện các vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải. Tuy nhiên, cải tổ sẽ đồng nghĩa với việc thay đổi nhiều điểm trong thể chế chính trị của Trung Quốc, làm giảm quyền lực của Đảng Cộng sản nói chung và các nhà lãnh đạo nói riêng – một điều không thể chấp nhận trong tình hình chính trị Trung Quốc đương đại. Chính điều này, chứ không phải là các yếu kém về nền kinh tế ở trên mới là “cái bẫy” cho sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Đây là lập luận tương đối sắc bén khi cho thấy việc thống lĩnh về kinh tế của Trung Quốc trong thế kỷ 21 gần như là một “nhiệm vụ bất khả thi” vì sự thay đổi các yếu kém về kinh tế gắn liền với sự sụt giảm về quyền lực chính trị - một điểm khiến cải tổ, đổi mới, phát triển không thể là một lựa chọn của cường quốc này.
Về mặt văn hóa - xã hội, trong chương 4 “Câu hỏi tại sao” (The White Question), tác giả cho rằng, Trung Quốc hiện giờ đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức về cả đối nội lẫn đối ngoại. Ở trong nước, chất lượng cuộc sống, thể chế pháp lý và đặc biệt là lòng tin của người dân đối với tầng lớp lãnh đạo đều là các điểm thiếu hụt của Trung Quốc trong tương quan so sánh với tiêu chuẩn của một cường quốc, chưa nói đến một cường quốc có khả năng thống lĩnh thế giới. Đối với các quốc gia bên ngoài, Trung Quốc cũng không phải là một quốc gia “hấp dẫn”, thậm chí còn là một hình ảnh tương đối xấu xí và đáng sợ với chính sách bành trướng lãnh thổ thể hiện ở các va chạm của mình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây. Trong luận điểm này, ở trang 101, tác giả còn chỉ ra một điểm tương đối thú vị về mặt xã hội học đó là mối liên hệ giữa tỷ lệ nam – nữ với các cuộc bành trướng trong lịch sử từ Á tới Âu khi các quốc gia phát động chiến tranh xâm lược thường có tỷ lệ nam giới vượt trội so với nữ giới – một hiện trạng mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay với bản sắc “trọng nam, khinh nữ” cùng với chính sách một con của mình. Tất nhiên, đây là một giả định có thể gây nhiều tranh cãi đối với các những người theo thuyết nam nữ bình quyền, song cũng là một quan sát đáng ghi nhận. Đồng thời, cũng trong chương này, tác giả đã đưa đến một luận điểm hấp dẫn về mối liên hệ giữa khả năng thống lĩnh của Trung Quốc và các đặc tính văn hóa xã hội của nước này. Khi so sánh với các sự kiện một cường quốc đang lên thay thế một cường quốc đã có trong việc lãnh đạo thế giới, Johnathan Fenby đã khẳng định, sở dĩ, những sự chuyển tiếp này có thể xảy ra vì suy cho cùng, các cường quốc đều sở hữu trung các giá trị và thước đo về văn hóa và tư tưởng tương đồng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành cường quốc số 1, sự chuyển tiếp không chỉ có ý nghĩa về mặt quyền lực, mà còn là sự thay đổi hẳn giữa các giá trị từ Tây sang Đông, từ dân chủ theo kiểu của Mỹ sang chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Trung Quốc… Chính vì vậy, chắc chắn, nó sẽ kéo theo sự phản đối và cự tuyệt không chỉ từ cường quốc hiện tại (Mỹ) mà còn từ các quốc gia còn lại trên thế giới vốn đang hài lòng với trật tự thế giới mà Mỹ đặt ra sau khi chiếm lĩnh vị trí siêu cường duy nhất từ sau Chiến tranh Lạnh tới nay. Có thể nói, các vấn đề về văn hóa, xã hội đã khiến cho sức mạnh mềm của Trung Quốc suy giảm đáng kể, khiến nước này không thể thực hiện được tham vọng thống trị thế giới trong thế kỷ 21.
Thông qua cuốn sách của mình, Jonathan Fenby đã đưa đến một cái nhìn toàn diện, khách quan về các vấn đề nội tại của Trung Quốc, từ đó thể hiện các luận điểm thuyết phục về việc Trung Quốc sẽ không thể thống lĩnh thế kỷ 21. Cuốn sách có giá trị tham khảo cao cho các độc giả muốn tìm hiểu về Trung Quốc từ bên trong trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, chính sự toàn diện này cũng khiến cho cuốn sách gặp phải một số vấn đề nhất định về cả nội dung và logic trình bày như sau: (i) Nghiên cứu vẫn chưa thực sự sâu sắc khi đề cập tới từng vấn đề nhỏ cụ thể, như phân tích các mặt trong tính cách lãnh đạo của Tập Cận Bình hay các vấn đề kinh tế, xã hội chuyên sâu. Mặc dù đâu đó trong các chương sách tác giả cũng đề cập tới xuất thân và tính cách của vị lãnh đạo này, song các tình tiết được đưa ra chưa được sắp xếp theo một hệ thống hay khuôn khổ phân tích toàn diện liên quan tới mối quan hệ giữa cá nhân lãnh đạo và các quyêts sách quốc gia. Đồng thời, cuốn sách cũng mang tính liệt kê, khảo sát các đặc điểm của nền kinh tế, xã hội Trung Quốc chứ chưa có các phân tích sâu sắc hơn trên bất kỳ một lĩnh vực cụ thể nào; và (ii) Mặc dù việc sắp xếp trình tự các chương thể hiện rất rõ đường hướng tư duy của người Trung Quốc theo phân tích ở trên, song nó cũng khiến cho một số yếu tố, lập luận bị lặp lại ở các chương, đặc biệt là nội dung về mâu thuẫn giữa phát triển sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc với phát triển kinh tế của cường quốc này. Mặc dù có thể nói đây là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, cản trở Trung Quốc trong quá trình thống lĩnh thế giới, song đồng thời, cũng có thể khiến tạo cho người đọc ấn tượng không mong muốn về định kiến chính trị của tác giả trong một nghiên cứu có giá trị rất lớn về mặt khoa học. Đồng thời, khi Trung Quốc tham gia càng sâu vào đời sống chính trị thế giới, có lẽ độc giả sẽ kỳ vọng nhiều hơn vào các phân tích liên quan tới các thách thức và cơ hội đối ngoại, định hình nên khả năng thống lĩnh của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Tóm lại, cuốn sách “Liệu Trung Quốc có thể thống lĩnh thế kỷ 21” là một cuốn sách có giá trị tham khảo lớn về Trung Quốc. Qua cuốn sách, một lần nữa Jonathan Fenby đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc và toàn diện của mình về Trung Quốc trong suốt quá trình phát triển của cường quốc này. Cuốn sách cũng là một tiếng nói thuyết phục trong cuộc bàn luận về vị trí mà Trung Quốc có thể đạt tới trong thời gian tới. Đây là một vấn đề có giá trị tham khảo quan trọng không chỉ về mặt tranh luận học thuật mà còn đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm các đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc trong dài hạn.
Lê Thu Hà, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.