Từ đài chỉ huy của tàu tuần dương Cowpens, Thuyền trưởng Gregory Gombert có thể quan sát đội hình hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh gồm ít nhất 5 tàu đổ bộ. Qua sóng radio, giọng tiếng Anh tức giận vẫn liên tục “Tàu Mỹ đang xâm phạm vùng an ninh của Trung Quốc. Các anh cần rời đi ngay lập tức.” Sau khi cắt ngang mũi tàu Cowpens, một tàu đổ bộ Trung Quốc vòng lại và tiến thẳng về hướng di chuyển của con tàu. Một vụ va chạm trực diện là không thể tránh khỏi khi khoảng cách dần thu hẹp. Sau cùng, thuyền trưởng Gombert buộc phải đưa ra quyết định, “Dừng tàu khẩn cấp! hãm tàu! hãm tàu!”. Ngày 5/12/2013, hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới. Không phải ngăn chặn máy bay do thám Aries hay quấy rối tàu hải quân không vũ trang, lần đầu tiên, một tàu đổ bộ nhỏ của Trung Quốc công khai đối đầu với một tàu chiến lớn của Mỹ. Lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới bị thách thức trên chính đại dương của mình và không còn lựa chọn nào khác phải dừng lại. Đây chỉ một trong số nhiều sự kiện được tác giả Michael Fabey mô tả chi tiết, chân thực trong cuốn sách đầu tay xuất bản năm 2017.
Michael Fabey là phóng viên kỳ cựu chuyên đưa tin về lĩnh vực hải quân và quân sự. Trong suốt sự nghiệp, ông đã nhận nhiều giải thưởng, đáng chú ý là Giải thưởng Timothy White và một đề cử Giải Pulitzer. Công việc đem lại cho ông cơ hội quan sát, tiếp xúc với giới chỉ huy cao cấp, nhân sự, khí tài, không chỉ của hải quân Mỹ mà còn các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Trải nghiệm phong phú này giúp tác giả có thể hiểu rõ và mô tả chân thực về các sự kiện, cũng như những vị đô đốc, thuyền trưởng, thủy thủ, phi công hải quân Mỹ hàng ngày hoạt động ở tuyến đầu. Cuốn sách “Dừng Tàu Đột Ngột: Cọ xát Sức mạnh Mỹ - Trung ở Biển Đông”, với độ dài hơn 300 trang, viết về những người như vậy ở từng sự kiện cụ thể. 10 chương sách đã phác họa một bức tranh rất rõ ràng: Thế lực thống trị biển nhiều thập kỷ qua đang bị một lực lượng trỗi dậy thách thức. Hải quân Mỹ -Trung đang trong tình trạng chiến tranh ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên theo tác giả, đây không phải “Chiến tranh lạnh – Cold War” như giữa Mỹ-Liên Xô sau thế chiến thứ 2 hay “Chiến tranh nóng – Hot War”, cuộc chiến trong đó hải quân hai bên tấn công nhau bằng tên lửa hay pháo hạm. Đây là “Chiến tranh ấm – Warm War” phản ánh qua những tình huống đối đầu nguy hiểm trên không và trên biển ở Tây Thái Bình Dương. Trong cuộc chiến này, nếu Mỹ không bảo vệ trật tự luật pháp hiện hành; ngăn chặn hành vi thay đổi nguyên trạng; duy trì tự do hàng hải, hàng không ở các tuyến hải lộ huyết mạch của khu vực, Mỹ sẽ thua. Mỹ thua trong cuộc chiến phi truyền thống này, đơn giản bằng việc giảm hoặc rút bớt quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân, khỏi Tây Thái Bình Dương.
Theo tác giả, không nhiều quốc gia mơ tưởng đến việc thống trị các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, chưa nói tới toàn bộ Thái Bình Dương. Chỉ duy nhất một lực lượng hải quân đủ mạnh có thể coi đây là đại dương của mình. Từ thế kỷ 19, hải quân Mỹ không ngừng mở rộng “hiện diện” (presence) và nâng cao “vị thế” (posture) ở các vùng biển Thái Bình Dương như sự kiện chống cướp biển Malay năm 1831, sự kiện Vịnh Edo (Tokyo ngày nay) năm 1853, đụng độ hạm đội Tây Ban Nha ở Vịnh Manila năm 1898...Năm 1945, hải quân Mỹ sở hữu gần 7.000 tàu, chiếm 70% toàn bộ số lượng tàu hải quân toàn thế giới. Trong 6 Bộ Tư lệnh Khu vực của Mỹ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương là lớn nhất với 378.000 nhân sự, 2.500 máy bay và 200 tàu chiến các loại. Trong nhiều thập kỷ từ sau khi Liên Xô sụp đổ, hải quân Mỹ không gặp bất kỳ thách thức hay nguy cơ nào ở vùng biển được coi là “đại dương” của mình. Cho tới khi, một đối thủ tiềm tàng xuất hiện: Hải quân Trung Quốc.
Trong gần hai thập kỷ, hải quân Trung Quốc chuyển mình nhanh chóng từ lực lượng ven bờ (brown-water) sang hải quân viễn dương (blue-water). Trong quá khứ, hải quân Trung Quốc là một lực lượng lạc hậu, kém phát triển. Với phương Tây, hải quân Trung Quốc ở dưới mức chuẩn của một lực lượng hải quân cần có. Trong gần 600 năm kể từ cuối thế kỷ 15, hải quân Trung Quốc chỉ xếp ngang với hải quân Paraguay, một quốc gia không có biển. Nước này từng chịu thất bại “đau đớn” trước lực lượng hải quân của các nước phương Tây như “Chiến tranh Nha phiến” với Hải quân Anh vào giữa thế kỷ 19 hay cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995-1996. Điều này, cùng việc nền kinh tế thị trường của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào giao thương, dẫn đến nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Đô đốc Lưu Hoa Thanh, “cha đẻ” của hải quân Trung Quốc hiện đại, đã vạch ra lộ trình 3 bước đưa hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng tầm cỡ toàn cầu vào năm 2049. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh tuyên truyền về 7 chuyến hải trình từ những năm 1400 của Đô đốc Trịnh Hòa thời Minh. Nhân vật này là nguồn cảm hứng, “Chúng ta từng là thế lực hải quân hùng mạnh toàn cầu; và chúng ta có thể làm lại điều này.” Diện mạo mới của hải quân Trung Quốc thể hiện qua hình ảnh ấn tượng của tàu khu trục Hải Khẩu trong cuộc tập trận RimPac 2014 hay sĩ quan điện tử của tàu, Thượng úy Wu Chao Huang, đại diện cho thế hệ “Ông Vua con” (Little Emperors) xuất phát từ chính sách một con của Trung Quốc. Họ mang kỳ vọng của gia đình, quan tâm tới vận mệnh đất nước và toát lên vẻ kiêu hãnh. Điều quan trọng hơn, họ thực sự tin rằng “Mỹ là quá khứ và Trung Quốc là tương lai.” Hải quân Trung Quốc sẽ vượt qua Hải quân Mỹ về công nghệ và năng lực chiến đấu. Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt vị thế độc tôn hàng thập kỷ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Với mục tiêu đó, hải quân Trung Quốc leo thang thách thức tàu chiến, máy bay Mỹ bằng nhiều “động thái chiến tranh ấm” (Acts of Warm War). Có thể kể ra hàng loạt vụ áp sát, ngăn chặn nguy hiểm ở Biển Đông như vụ chiến đấu cơ F-8II của Trung Quốc va chạm máy bay do thám EP-3E của Mỹ năm 2001; tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Impeccable năm 2009; tàu ngầm Trung Quốc phá cáp sonar của tàu khu trục USS John S. McCain năm 2009…Hành động “chiến tranh ấm” này còn diễn ra ở Biển Hoàng Hải như vụ tàu tuần tra Trung Quốc hăm dọa tàu USNS Bowditch năm 2002; “tàu cá lưới rà” của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu do thám USNS Victorious năm 2009. Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Trung Quốc không chỉ muốn thống trị Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải mà là sở hữu các vùng biển này. Theo tác giả, trong khi giới ngoại giao Mỹ hưởng nụ cười của Trung Quốc với tuyên bố về “phát triển hòa bình”, hải quân Mỹ đang phải đối diện với “nhiều mũi dao nhọn” ở Tây Thái Bình Dương. Tình huống Mỹ gặp phải khiến chúng ta liên tưởng tới một câu ngạn ngữ cổ, “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” (Conceal a dagger behind a smile).
Tuy nhiên, trước một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ với nhiều tham vọng như vậy, giới tinh hoa chính trị và quốc phòng của Mỹ thực tế không có cách nhìn nhận đồng nhất. Theo tác giả, nội bộ Mỹ chia thành hai Phái “Dragon Slayers” (Những Người Diệt Rồng) và Phái “Panda Hugger” (Những người Thân thiện Gấu Trúc). Phái “Panda Hugger” cho rằng cần có cách tiếp cận không đối đầu với Trung Quốc. Theo họ, nếu thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có thể định hình các chính sách quân sự và hạn chế xu hướng quyết đoán của nước này. Đây cũng là quan điểm chung của chính quyền Obama và một số lãnh đạo hải quân: “Cần để Trung Quốc là một phần của cuộc chơi.” Nếu Mỹ đối xử với Trung Quốc như một đối tác và không phải đối thủ tiềm tàng, khi đó Trung Quốc sẽ hành xử như một đối tác và giảm bớt hành vi quyết đoán ở các vùng biển. Tư lệnh Tác chiến hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert thậm chí còn tin việc thiết lập quan hệ cá nhân giữa các tư lệnh quân sự có thể giúp ngăn chặn xung đột và định hình chính sách quốc gia và quân sự trong dài hạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế đã không như họ kỳ vọng. Hải quân Trung Quốc tiếp tục hành xử quyết đoán với các bên tranh chấp khác ở các vùng biển. Sự kiện tàu Cowpens năm 2013 tiếp tục như “một gáo nước lạnh.” Không chỉ thế, Trung Quốc còn gửi tàu do thám cuộc tập trận RimPac 2014 khi chính nước này được mời tham dự. Sau sự kiện này, người ta kỳ vọng Trung Quốc dần chấp nhận việc các nước có quyền tiến hành hoạt động do thám, quân sự ở vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ khi bay cách Hải Nam khoảng 216km. Một lần nữa, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng: “Chúng tôi có thể làm điều đó còn các anh thì không thể.” Trung Quốc đang hành động ở Biển Đông như thể đây là con phố riêng của họ.
Trong khi ngược lại, Phái “Dragon Slayers” muốn có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Theo họ, Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc nhưng phải đi kèm quyết tâm và sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và sau là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, cho rằng “Mỹ sẽ hợp tác khi có thể nhưng sẽ đối đầu khi cần.” Cụ thể, Mỹ đã thách thức yêu sách quá mức của Trung Quốc bằng các hoạt động FONOP, cho phóng viên CNN theo máy bay tuần tra đưa tin về những gì Trung Quốc làm ở Trường Sa. Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Caster trên tàu sân bay USS John C.Stennis trong chuyến tuần tra 2 tháng ở Biển Đông cũng đầy tính biểu tượng. Để tăng cường sức mạnh cho hải quân, Mỹ hiện đang phát triển các loại vũ khí, tên lửa, tàu chiến hiện đại như súng điện từ, vũ khí trùm tia la-de năng lượng cao, tên lửa chống tàu tầm xa hay khu trục hạm tối tân lớp Zumwalt. Quan điểm của Đô đốc Tom Rowden, Giám đốc phụ trách chương trình tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ, rất rõ ràng: Nhiệm vụ chính của hải quân không phải “cứu người” mà là “tiêu diệt kẻ xấu.” Tuy nhiên, tác giả cũng lo ngại trước những diễn tiến Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, liệu các vũ khí trên có kịp trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2014, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng “Trường thành Cát” (Great Wall of Sand) ở Biển Đông. Nước này xây dựng các đảo nhân tạo ở tốc độ và quy mô chưa từng có. Không chỉ vậy, Trung Quốc “quân sự hóa” các thực thể này với doanh trại, hệ thống ra-đa, ụ pháo và đường băng quân sự. Mỹ đã can dự và khuyến khích Trung Quốc tham gia cuộc chơi với hy vọng nước này tuân thủ luật lệ. Nhưng trước mỗi phản ứng “thụ động” của Mỹ, Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Mỹ vẫn có thể triển khai tàu chiến và máy bay tới các khu vực nhưng mỗi ngày qua đi, các vùng biển và vùng trời lại nguy hiểm hơn. Có lẽ chúng ta đều có cảm giác Mỹ đang thua trong “Chiến tranh ấm”? Tuy nhiên theo tác giả Fabey, kỷ nguyên “crashback” của hải quân Mỹ dường như đã kết thúc. Chính trường Mỹ có thay đổi khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống năm 2017. Ông Trump và đội ngũ của ông tin rằng cách tiếp cận mềm mỏng chỉ khiến Trung Quốc quyết đoán hơn và chính sách thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc của chính quyền trước đã chấm dứt. Giới chức quốc phòng Mỹ cũng dần nhận ra lợi ích cốt lõi của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu không quyết tâm chiến thắng trong cuộc “Chiến tranh ấm” với Trung Quốc. Thông điệp cuối cùng tác giả đưa ra rất rõ ràng: Hải quân Mỹ kiên quyết đáp trả mọi hành động quyết đoán trên biển cả. “Nước Mỹ năm 2017 không phải nước Mỹ của năm 2013.”
NHẬN XÉT
Cuốn sách là tài liệu phù hợp, hấp dẫn cho bạn đọc phổ thông khi phác hoạ cạnh tranh Mỹ-Trung tại Biển Đông dưới góc nhìn thực tế, sống động từ lời kể của những quân nhân Mỹ hoạt động trên thực địa. Cách xử lý của quân nhân Mỹ trong các vụ va chạm, đụng độ (như vụ Cowpens, EP3...) - điều mà chúng ta khó có thể hiểu rõ qua các bản tin khô khan trên truyền thông - cũng được tác giả khéo léo thuật lại để mô tả chính sách của Mỹ tại khu vực. Nhìn chung, cách tiếp cận của cuốn sách giúp chúng ta có cái nhìn trực quan về không chỉ những gì xảy ra hàng ngày trên biển, mà còn cả về cách vận hành chính sách đối ngoại của lực lượng quân sự Mỹ - những người "đầu sóng ngọn gió" trên thực địa. Tuy nhiên, do hướng đến độc giả phổ thông nên cuốn sách không đi sâu vào học thuật và hầu hết các câu chuyện chỉ được tiếp cận một chiều từ phía Mỹ.
Dẫu vậy, cuốn sách vẫn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với độc giả về tham vọng của Trung Quốc và sự căng thẳng đang diễn ra trên thực địa tại Biển Đông. Nếu không phải là người thường xuyên theo dõi tình hình, chắc hẳn chúng ta sẽ phải nhiều lần giật mình trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong những vụ việc xảy ra trên biển, cũng như phải ngạc nhiên trước sự yếu đuối và lúng túng của Mỹ - lực lượng quân sự vốn vẫn được coi là hùng mạnh trên thế giới. Với tác giả, trong cuộc chiến với cái tên "chiến tranh ấm" tranh giành ảnh hưởng và kiểm soát quân sự tại Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Trung Quốc đang trên đà là bên thắng thế. Tác giả cảnh báo cuộc chiến đang diễn ra là cuộc chiến không tiếng súng, và thời điểm Mỹ thua cuộc sẽ là khi Mỹ không thể bảo vệ được trật tự trên biển, tuyến đường biển an toàn, không bị cản trở hay cụ thể hơn, là khi Mỹ không duy trì hoặc giảm sự hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Điều may mắn là đang có những dấu hiệu tích cực khi "những người diệt rồng" [dragon slayers] mà trong đó nổi bật là Tổng thống Trump, Đô đốc Harry Harris (người hiện là Đại sứ tại Hàn Quốc), Phó Đô đốc Tom Rowden (Tư lệnh Lực lượng Chiến đấu trên biển của Hải quân Mỹ)... đang thắng thế "những người thân thiện với gấu trúc" [panda huggers] mà tiêu biểu là Tổng thống Obama, Đô đốc Jonathan Greenert (cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama)... Đây là cơ sở để tác giả tin rằng Mỹ hoàn toàn có thể ngăn cản được tham vọng thống trị Biển Đông bởi sự bành trướng của hải quân Trung Quốc là một phần hệ quả của chính sách hoà hoãn, chú trọng vào đối thoại trong các thời tổng thống trước, chứ không chỉ là do sự trỗi dậy tự nhiên của nước này. Theo tác giả, điều quan trọng là Mỹ cần phải có chính sách đúng đắn, cụ thể là vẫn duy trì hợp tác với Trung Quốc nhưng cần có thái độ cứng rắn, kiên quyết hơn và đặc biệt là dành nguồn lực đầu tư hợp lý cho lực lượng hải quân./.
Nhóm tác giả: Đinh Tuấn Anh, Vũ Quang Tiệp - Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.