Bài viết phân tích và phản biện các quan điểm nêu trong một những tài liệu sớm nhất của Trung Quốc khẳng định quan điển chính thức về chủ quyền của họ đối với quần đảo ở Biển Đông do tác giả “Shi Dizu” xuất bản năm 1975 là những bằng chứng lịch sử không đáng thuyết phục và không thể sử dụng được trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này. Nghiencuubiendong xin đăng tải lược dịch bài viết của Johannes L. Kurz:
Giới thiệu
Sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo Tây Sa (hay theo cách gọi của Việt Nam là Hoàng Sa) vào tháng 1 năm 1974, ngay lập tức vào tháng 3 và tháng 4 cùng năm, Bảo tàng Quảng Đông và Cục Văn Hóa Đặc khu hành chính Hải Nam đã cho các nhà nghiên cứu đến khảo sát khu vực này. Họ đã tìm thấy một số bằng chứng cổ vật như đồng xu, đồ gốm sứ Trung Quốc, và nhật ký hải trình của ngư dân Hải Nam; và dựa vào đó cho rằng “Quần đảo Hoàng Sa từ xa xưa đã là lãnh thổ linh thiêng của Trung Quốc”.
Sau các cuộc khảo sát đó, trên báo chí của Hồng Kông cũng đã xuất hiện ba bài viết khẳng định lại các yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Hai bài viết đầu muốn khẳng định sự chiếm hữu liên tục của Trung Quốc tại các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa sẽ biến các quần đảo này thành lãnh thổ của Trung Quốc. Bài thứ ba tập trung vào lịch sử thế kỷ 19-20 để lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa từ lâu đã thuộc về Trung Quốc. Sự kiện Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa có thể chính là động lực cho các tác giả viết những bài đó.
Biển Đông trong các tài liệu cận đại: Bài viết của “Shi Dizu” năm 1975
Vào năm 1956, Shao Xunzheng (Thiệu Tuần Chính), nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử số 3 của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã giải thích trên tờ Nhân dân nhật báo rằng các thiết chế trên biển xuất hiện trong các tài liệu cận đại của Trung Quốc chính là các nhóm đảo ở biển Biển Đông. Qua điều tra các tài liệu lịch sử, Shao đã cho thấy Trung Quốc đã biết về quần đảo Hoàng Sa kể từ năm 1292 đến thời hiện đại. Quần đảo Hoàng Sa đã được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ.
Gần 20 năm sau, vào năm 1975, bài viết của “Shi Dizu” (là bút danh của 1 nhóm thành viên thuộc Nhóm nghiên cứu Địa lý Lịch sử nằm trong Viện Địa lý Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) đã cung cấp bằng chứng “mang tính lịch sử hơn” về quyền lực của Trung Quốc ở biển Biển Đông, nhằm bác bỏ phản đối của chính quyền miền Nam Việt Nam về hiện diện của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa. Bài viết lập luận đanh thép rằng Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn có thẩm quyền không thể chối cãi được đối với các khu vực yêu sách của mình. Số lượng khu vực yêu sách và tài liệu được sử dụng cũng nhiều hơn trước. Về nguyên do, vào năm 1975, Trung Quốc tự tin rằng sự chiếm đóng thực tế của mình không thể bị thách thức bằng quân sự. Hơn nữa, việc sử dụng yêu sách lịch sử đồng nghĩa với việc các quốc gia Đông Nam Á không thể thách thức được Trung Quốc, vì bản thân các quốc gia này cũng không có đủ bằng chứng. Các bộ quy tắc chung về biển (như UNCLOS 1982) lúc này vẫn chưa được hình thành.
Những tài liệu “Shi Dizu” sử dụng đều nhằm ủng hộ phỏng đoán rằng Trung Quốc đã biết về các đảo ở biển Biển Đông hơn một nghìn năm, và được các học giả Trung Quốc trích dẫn lại thường xuyên. Tuy nhiên “Shi Dizu” nhìn chung chỉ tổng hợp việc đặt tên sớm các đảo và các hành động khai phá, chăn nuôi qua các thời kỳ, chứ không đưa ra bằng chứng. Đôi lúc cũng có tài liệu lịch sử được trích lại, nhưng không ghi rõ nguồn ở đâu. Ngay cả những thiết chế quan trọng trong yêu sách của Trung Quốc ở biển Biển Đông cũng theo nguyên tắc “đã được đặt tên rồi thì coi như là của mình”. Những nguồn mà “Shi Dizu” tham khảo bao gồm các bản ghi chép chính thức và không chính thức, bản đồ, ghi chép, và cả báo chí.
Nguồn tài liệu mà “Shi Dizu” dựa vào để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông
Để minh chứng cho việc chính quyền Trung Quốc trước đây có quản lý hành chính đối với các đảo ở Biển Đông, cuốn “Shi Dizu” dựa vào nhiều nguồn tài liệu từ Trung Hoa cổ nhằm củng cố cho ba lập luận chính bao gồm: (i) “Phát hiện địa lý từ lâu trong lịch sử” (“Geographical discovery with a long history”); (ii) “Sự phát triển liên tục” (continuous diligent development); và (iii) “các chính quyền xưa đã có quản lý hành chính đối với các đảo ở Biển Đông” (Administrative jurisdiction of past governments over the South China Sea Islands). Tuy nhiên, các bằng chứng này đều chưa đủ thuyết phục để làm cơ sở cho lập luận của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thứ nhất, các dẫn chứng do “Shi Dizu” đưa ra không đủ để chứng minh có “phát hiện địa lý từ lâu trong lịch sử”. Bằng chứng ghi lại cho thấy tàu thuyền đi từ Tây Nam sang vùng Đông Bắc đã gặp phải đá và bãi ngầm từ dưới biển rất mơ hồ, có thể là các chuyến hải trình của người dân các nước Đông Nam Á, chứ không phải của Trung Quốc. Hơn nữa, minh chứng Trung Quốc từ lâu có sự quản lý hành chính đối với Biển Đông như “Shi Dizu” đưa ra chỉ miêu tả hải trình đi lại khó khăn, không tạo thành chứng cớ thuyết phục về có sự tuần tra. Các bằng chứng từ nguồn lịch sử và hải đồ mà “Shi Dizu” lấy dẫn chứng chỉ cho thấy cảnh báo tàu thuyền Trung Quốc tránh các vật cản (các bãi ngầm, bãi cạn…) ở Biển Đông, không cho thấy sự đi lại qua các thực thể này. Qua đó, những ghi chép này có lẽ cảnh báo người dân Trung Quốc về nguy hiểm khi vượt biển, chứ không thể minh chứng cho sự phát hiện ban đầu của Trung Quốc đối với các đảo và thực thể ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng chủ đích sử dụng từ ngữ để đánh lạc hướng dư luận thế giới bằng cách sử dụng từ “zhanghai qitou” (涨海崎头) và dịch sang tiếng Anh là “large boulders” mà mang nghĩa bao gồm tất cả các thực thể như “đảo, bãi cạn, đá,…ở Biển Đông bao gồm cả ở Hoàng Sa và Trường Sa”, không phân biệt bãi cạn nổi, chìm hay nửa nổi nửa chìm. Việc này khiến độc giả nước ngoài cảm thấy yêu sách của Trung Quốc là đúng đắn và nếu không có kiến thức về ngôn ngữ thì khó có thể lập luận lại được. Hơn nữa, học giả Trung Quốc đánh tráo khái niệm bằng cách biến khái niệm về các thuật ngữ như “đá” thành “đụn cát, bãi cạn…”, “tàu thuyền nước ngoài” thành “tàu thuyền tuần tra”, hay từ “zhanghai” (涨海) thành “Biển Đông”. Từ đó, họ lập luận rằng các ghi chép lịch sử cho thấy Trung Quốc có tuần tra và quản lý hành chính các đảo, thực thể ở Biển Đông. Trên thực tế, thuật ngữ “zhanghai” không nhất thiết là đề cập tới một vùng biển cụ thể, mà có thể là một khu vực biển không xác định nào đó trải rộng từ Quảng Đông tới Ấn Độ Dương.
Thứ hai, về lập luận sự phát triển liên tục (continuous diligent developments), tác giả bác bỏ bằng chứng do cuốn “Shi Dizu” đưa ra về việc người Trung Quốc đã ở trên các đảo ở Biển Đông từ thời nhà Đường (bằng chứng về di tích trồng một số cây dừa, một số di tích nhà ở). Tuy nhiên, các bằng chứng này quá ít ỏi và khó có thể cho thấy có sự trồng trọt trên các đảo ở Biển Đông. Thậm chí, các bằng chứng này có khả năng là miêu tả thiệt hại do bão gây ra trên đảo Hải Nam (không tìm thấy các bằng chứng cho thấy bão ảnh hưởng tới các vùng khác ngoại trừ Hải Nam).
Thứ ba, các bằng chứng đưa ra trong cuốn “Shi Dizu” không thể minh chứng cho sự kiểm soát hành chính của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông. Cuốn “Shi Dizu” đưa ra bằng chứng từ thời nhà Tống bao gồm “Yudi jisheng” (ghi chép về các nơi nổi tiếng), “Wujing zongyao” (các yếu tố về quân sự cổ đại) – đề cập tới các bãi chìm ở Hoàng Sa, và “Yangfang jiyao” (Tổng kết về Phòng thủ trên biển) – nói tới bản đồ “Zhisheng haiyang zongtu” (Bản đồ tổng hợp về các tỉnh trên biển) mà đề cập tới toàn bộ các đảo Biển Đông. Tuy nhiên, bản đồ “Zhisheng haiyang zongtu” thực ra chỉ miêu tả về “ten-thousand-miles sandbank” (các bãi cạn cách hàng chục nghìn dặm) từ Tỉnh Hải Nam, chứ không phải miêu tả toàn bộ các đảo và thực thể ở Biển Đông. Hơn nữa, các bằng chứng trên không thể giúp xác định chính xác vị trí của các đá và bãi cạn tại Biển Đông. Trên thực tế, các thủy thủ không thể xác định vị trí của các thực thể hay các bãi cạn này do nó phần lớn thời gian là chìm dưới biển.
Tổng kết
Vào năm 1974, cách làm của Trung Quốc là dùng sức mạnh quân sự giành quyền kiểm soát lãnh thổ, rồi sau đó nhờ các học giả và nhà báo lục lại những tư liệu cận đại làm bằng chứng cho quyền “lịch sử” của họ. Tuy nhiên những bằng chứng này không quan trọng trong con mắt của các cơ quan, tổ chức ngoài Trung Quốc.
Cấu trúc và cách lập luận trong bài báo của “Shi Dizu” đã trở thành một mô hình quen thuộc, như có thể thấy trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2000. Tầm quan trọng của bài báo được thừa nhận vào năm 2009, và sau đó bài báo được coi là một phần bằng chứng lịch sử chống lại yêu sách của Việt Nam và Philippines tại biển Biển Đông.
Tuy nhiên, sau hơn 4 thập kỷ, những nhà báo và nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn chỉ đi theo lối mòn: Viết về chủ đề cũ, dùng những phương pháp cũ và tham khảo từ nguồn cũ. Lý do là vì nếu chỉ dựa trên cơ sở các tài liệu cận đại không rõ ràng, yêu sách của Trung Quốc sẽ yếu. Vậy nên Trung Quốc muốn có càng nhiều người khẳng định lại những gì mình đã nói, để cho thấy cơ sở của mình là đáng tin cậy. Những bài viết về quyền lịch sử của Trung Quốc không hướng đến đối tượng ngoài nước, mà thay vào đó là nhóm học giả, công chúng trong nước chưa ủng hộ yêu sách của mình.
Trong tranh chấp đảo Điếu Ngư, Trung Quốc cũng sử dụng cách làm tương tự. Tuy nhiên, vì đây là tranh chấp với Nhật Bản – một cường quốc kinh tế khu vực, Trung Quốc đã phải chuyển hướng sang sử dụng luật quốc tế thay vì sức mạnh quân sự.
Thái độ của Trung Quốc về cải tạo lại các nhóm đảo vẫn nhất quán với các luận điểm và yêu sách chủ quyền, tuy nhiên vẫn không đủ sức thuyết phục những người phản đối về mặt luật pháp.
Hồ Hạnh (Tóm dịch)