Cuối cùng Tổng thống Donald Trump cũng đã thực hiện lời hứa quan trọng nhất trong chiến dịch vận động tranh cử là buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các thông lệ thương mại không công bằng của nước này. Tổng thống xứng đáng được khen ngợi vì đã sẵn sàng lên tiếng về cách hành xử tồi tệ của Trung Quốc hơn là những người tiền nhiệm của ông, nhưng các biện pháp của ông lại là những chính sách đối ngoại gây phá hoại và biệt lập nhất cho tới nay. Các khoản thuế trong nhiều lĩnh vực sẽ gây hại cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ, trừng phạt các đồng minh của Mỹ, và làm xói mòn hệ thống thương mại toàn cầu. Có một cách tốt hơn để thách thức Trung Quốc mà bảo vệ được công cuộc đổi mới của Mỹ và duy trì cả sự thịnh vượng lẫn vai trò lãnh đạo của Mỹ trong nền kinh tế quốc tế.

Không có gì phải tranh cãi về việc Trung Quốc đã gây tổn hại cho hệ thống thương mại toàn cầu và các lợi ích kinh tế của Mỹ. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã khiến các thị trường trên thế giới tràn ngập hàng hóa được trợ giá, buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao công nghệ độc quyền cho các công ty Trung Quốc, hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài đối với các khu vực rộng lớn của nền kinh tế Trung Quốc, và dính líu đến việc công khai đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ đã phải trả giá nặng nề khi mất đi sự tăng trưởng và công ăn việc làm. Giờ đây, khi Trung Quốc dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, chính các thông lệ này lại đang đe dọa nền tảng đổi mới vốn được đánh giá cao của Mỹ vì Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào việc chi phối các công nghệ tương lai, bao gồm cả trong lĩnh vực người máy, khoa học sức khỏe và trí tuệ nhân tạo.

Nước Mỹ trước tiên, nước Mỹ đơn độc

Khao khát của Trump là chiến đấu chống lại chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc được chia sẻ rộng rãi trên mọi phương diện chính trị của Mỹ và ngày càng nhiều trong khu vực tư nhân Mỹ. Điều gây tranh cãi nhiều hơn là cách tiếp cận của ông. Chính quyền Trump đã sử dụng một loạt đạo luật trong nước hiếm khi được sử dụng vốn có trước các cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – cụ thể là các điều khoản trong Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 và Đạo luật thương mại năm 1974 cho phép Chính phủ Mỹ ứng phó với một loạt mối nguy hiểm đối với sự thịnh vượng của quốc gia, trong đó có sự gia tăng đột ngột hàng nhập khẩu, sự phụ thuộc quá mức mà đe dọa đến an ninh quốc gia, và sự phân biệt đối xử với các công ty Mỹ. Trump đã quyết định sử dụng những đạo luật này để áp đặt các khoản thuế có ảnh hưởng sâu rộng lên sản phẩm máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu, và sau đó là thép và nhôm nước ngoài, và giờ đây, trong tuyên bố của ông vào ngày 22/3, nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá ít nhất là 50 tỷ USD/năm vì những hành vi lạm dụng liên quan đến công nghệ.

Các khoản thuế của Trump có thể thành công ở phương diện hạn hẹp nhất là giải quyết được một số thông lệ gây hại của Trung Quốc trong ngắn hạn. Nhưng tổn thất gây ra trong tiến trình này sẽ lớn hơn nhiều so với các lợi ích. Với rất ít trường hợp ngoại lệ, các nhà kinh tế học nhất trí rằng thuế quan là một công cụ tệ hại. Chúng làm tăng giá thành sản phẩm đối với người tiêu dùng, cũng như các công ty xuôi dòng (nằm ở cuối quá trình sản xuất hoặc chuỗi cung ứng) vốn phụ thuộc vào nguồn lực đầu vào của nước ngoài. Chẳng hạn, thuế thép của Trump có thể lập luận là tốt cho ngành công nghiệp thép của Mỹ, nhưng lại là điều tệ hại đối với tất cả các nhà sản xuất của Mỹ. Theo một số ước tính, đối trọng với hàng chục nghìn công ăn việc làm tăng lên nhờ thuế thép và nhôm của Trump sẽ là gần nửa triệu công ăn việc làm bị mất đi trong khắp nền kinh tế Mỹ, nghĩa là khoảng 18 việc làm bị mất đi mới có 1 việc làm mới. Đây không chỉ là lý thuyết: Thuế thép do Tổng thống George W. Bush áp đặt vào năm 2002 đã dẫn đến việc ước tính 200.000 việc làm bị mất.

Nếu như điều này là chưa đủ, thì các khoản thuế của Trump có thể có những tác động dây chuyền lớn đến hệ thống thương mại toàn cầu rộng lớn hơn. Các nước khác có khả năng đi theo sự lãnh đạo của Trump, sử dụng một định nghĩa bao quát về an ninh quốc gia như một lời biện hộ để đưa ra tất cả các kiểu rào cản thương mại ngăn chặn các công ty của Mỹ. Các quốc gia bị ảnh hưởng cũng có khả năng sẽ kiện Mỹ ra WTO với những lý do rằng hành vi miễn thuế vì lý do an ninh quốc gia của Chính quyền Trump là không thỏa đáng.

Tính bao quát của quyết định ban đầu của Trump về thuế thép và nhôm cũng cản trở các nỗ lực nhằm tăng cường một liên minh các nước có hiệu quả để chống lại các thông lệ thương mại của Trung Quốc. Bằng việc bao gồm tất cả các đối tác thương mại, kể cả các đồng minh chủ chốt ở châu Âu và châu Á, chính tuyên bố ban đầu này đã gửi tín hiệu sai lầm đến các đối tác như Úc, Nhật Bản và Đức, những nước sẽ làm việc với Mỹ để đối phó với tình trạng dư thừa năng lực và hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc Ủy ban châu Âu đi xa tới mức công khai nói về hành động trả đũa nhằm vào hàng hóa của Mỹ như quần jean và quả nam việt quất, và Ngoại trưởng Hàn Quốc ám chỉ một lập trường ít mang tính hợp tác hơn về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Chính quyền Trump cuối cùng đã phải chịu thua trước áp lực này và miễn thuế cho các đối tác thương mại này và một số đối tác khác. Nhưng các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách mục tiêu, và tổn thất chính trị rộng lớn hơn đã xảy ra.

Cứng rắn nhưng có mục tiêu

Cách tiếp cận mang tính phá hoại của Trump đối với thương mại không phải là lựa chọn thay thế duy nhất, cũng không nên mặc định là phải quay trở lại các cuộc đối thoại vô ích và những cuộc đàm phán không có hồi kết. Thay vào đó, một sự kết hợp lành mạnh giữa ý chí chính trị mạnh mẽ ở Washington và vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài có thể tránh được các lợi thế không công bằng của Trung Quốc mà không gây thêm tổn thất đáng kể trong tiến trình thực hiện.

Sự tấn công tốt nhất bắt đầu bằng sự phòng thủ tốt. Mỹ nên cập nhật thông tin và hỗ trợ cho Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chính phủ có nhiệm vụ xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vì những quan ngại về an ninh quốc gia. Một dự luật lưỡng đảng đang chờ được Quốc hội thông qua nhằm siết chặt việc kiểm tra đối với các công nghệ mang tính quyết định. Điều sẽ có ý nghĩa then chốt là Quốc hội làm vậy theo một cách tránh được việc gây tổn thất rộng lớn hơn cho môi trường đầu tư cởi mở của Mỹ, và cung cấp cho CFIUS đầy đủ các nguồn lực để giải quyết số lượng trường hợp lớn hơn nhiều. Tương tự, việc có thêm nhân viên và nguồn lực tại Văn phòng đại diện thương mại Mỹ sẽ cho phép tập trung nhiều hơn vào việc thực thi các hoạt động thương mại, ngoài việc đàm phán và tái đàm phán các thỏa thuận thương mại.

Các biện pháp thương mại là một phần chính đáng trong bất kỳ phản ứng nào trước thách thức Trung Quốc. Chính quyền Trump không sai khi dựa vào các công cụ như Mục 301, Đạo luật thương mại năm 1974 để xóa bỏ cách hành xử tồi tệ của Trung Quốc, trong đó có việc ép buộc chuyển giao công nghệ. Nhưng những hành động được thực hiện theo các luật lệ thương mại của Mỹ cần phải loại bỏ hoàn toàn các vấn đề cơ bản, giành được sự ủng hộ của các đối tác thương mại khác, và tránh vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Washington. Trái lại, việc đưa ra các khoản thuế gần như chắc chắn sẽ vi phạm các quy tắc của WTO và dẫn đến hành động trả đũa gây tổn hại.

Với một cách tiếp cận nhắm mục tiêu nhiều hơn vào Trung Quốc, Mỹ tốt hơn nên tập hợp các đối tác chủ chốt để xử lý những thông lệ hiểm ác của Trung Quốc theo một cách mang tính phối hợp nhiều hơn. Chỉ riêng những hành động của Mỹ thôi thì hầu như không làm được gì nếu Trung Quốc có thể đơn giản là lựa chọn người tiếp theo trả giá cao nhất. Washington sẽ làm việc với các đối tác châu Á và châu Âu để đệ đơn kiện chung lên WTO và chia sẻ thông tin về các hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Ngoài việc phòng thủ tốt, Mỹ cũng nên dẫn đầu với một tầm nhìn tích cực bằng cách đặt ra các quy tắc thương mại và đầu tư mới cho thế kỷ 21. Điều này chứa đựng lời hứa hẹn tốt đẹp nhất về việc hạn chế các thông lệ không công bằng của Trung Quốc theo thời gian bằng cách yêu cầu Bắc Kinh phải tuân theo các quy tắc nếu họ muốn tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động thương mại và đầu tư cởi mở ở châu Á-Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực này.

Đây chính là mục tiêu của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) – Trump đã từ bỏ cả hai hiệp định này – mà hẳn là sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao và quy tắc đối với nhiều vấn đề được quan tâm có liên quan đến Trung Quốc, bao gồm các tiêu chuẩn và quy tắc đối với các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động mua sắm của chính phủ và việc khoanh vùng dữ liệu. Các thỏa thuận này cũng bao gồm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường nhằm san bằng sân chơi cho người lao động Mỹ và ngăn chặn một “cuộc đua xuống đáy” (các công ty cạnh tranh giảm giá thành bằng cách giảm tiền lương và các điều kiện lao động-ND). Quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Trump ước tính khiến Mỹ mất thu nhập tiềm tàng lên đến 131 tỷ USD/ năm cho tới năm 2030, chưa kể đến thực tế rằng các cuộc đàm phán sau đó mà không có Mỹ đã dẫn đến sự trì hoãn việc thực thi hơn 20 điều khoản khó khăn lắm mới đạt được về quyền sở hữu trí tuệ và các quy tắc khác.

Tự giúp mình

Việc cạnh tranh một cách hiệu quả với Trung Quốc không chỉ là vấn đề về chính sách thương mại; nó cũng sẽ đòi hỏi Mỹ phải tiếp tục các khoản đầu tư trong nước. Dịch vụ y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng có chất lượng ít nhất cũng sẽ mang lại lợi ích cho người dân Mỹ như bất kỳ thỏa thuận thương mại hay khoản thuế nào. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng nên xem xét một loạt đề xuất lưỡng đảng mang tính đổi mới đang được đưa ra để hỗ trợ những người phải chuyển việc làm, kể cả từ các ngành thương mại và tự động hóa, bởi nền kinh tế thế kỷ 21. Chẳng hạn, Edward Alden và Robert Litan thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại đã đưa ra các giải pháp hợp lý cho một khế ước xã hội mới, bao gồm các đề xuất về bảo hiểm tiền lương, hỗ trợ chuyển việc làm, và cấp phép nghề nghiệp quốc gia. Những ý tưởng này và các ý tưởng khác đáng được xem xét một cách nghiêm túc.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải có can đảm chính trị để chống lại tâm lý bầy đàn đối với chủ nghĩa bảo hộ ở cả hai đảng. Thực tế là vẫn có nhiều người Mỹ ủng hộ thương mại tự do. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Viện Gallup, 70% người Mỹ nhìn nhận ngoại thương là một cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế, so với 25% người Mỹ xem đây là một mối đe dọa. Những con số là như nhau ở cả hai đảng, cho dù có các nhóm thiểu số lớn tiếng phản đối thương mại ở cả hai phe. Vẫn có một số lượng lớn những người có tư tưởng trung dung về thương mại ở cả hai đảng sẵn sàng chấp nhận ngoại thương.

Trump đã giúp Mỹ bằng cách nâng các thông lệ thương mại theo tư tưởng trọng thương của Trung Quốc lên thành một vấn đề được quan tâm ở tầm quốc gia. Nhưng việc Washington tự cô lập mình, trừng phạt các đồng minh của mình, và làm xói mòn những nỗ lực tập thể nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm không có ý nghĩa gì. Hầu hết các bước đi của chính quyền này cho đến nay trong điều kiện tốt nhất cũng là phản tác dụng. Có một con đường tốt hơn mà bao gồm các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ và hợp lý để bảo vệ các công nghệ then chốt của Mỹ, những biện pháp thích hợp để đối phó với các thông lệ thương mại phi lý, một nghị trình tích cực để đặt ra các quy tắc tăng cường vai trò lãnh đạo và sự thịnh vượng của Mỹ, và các khoản đầu tư trong nước đã được mong đợi từ lâu để củng cố khả năng người dân Mỹ vượt trội bất kỳ ai, kể cả Trung Quốc.

Matthew P. Goodman là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Chính trị William E. Simon tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ely Ratner là nghiên cứu viên cao cấp Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc Maurice R. Greenberg tai Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Cả hai đều từng làm việc tại Nhà trắng thời tổng thống Obama. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Trần Quang (gt)