Ngập dưới nước sâu tới thắt lưng, hàng trăm người dân đứng đãi vàng. Từ khắp nơi ở Mianma họ đổ về bang Kachin, nơi hai dòng sông N’Mai và Mali sáp nhập vào thành sông Irrawaddy hùng vĩ. Và họ cũng biết rằng thời gian được đãi vàng ở đây cũng sắp kết thúc.

Bên kia sông, những dãy nhà tập thể là nơi ở của hàng trăm công nhân Trung Quốc đang làm việc trên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone. Theo chính phủ Mianma, đập nước ở dự án này sẽ là con đập lớn thứ sáu trên thế giới, và sẽ sản xuất ra 6.000 MW điện một năm. Khi dự án hoàn thành năm 2019, vùng đãi vàng trên sẽ bị ngập nước và hơn 10.000 người dân sẽ phải di chuyển đến nơi ở mới. Nhưng lượng điện làm ra sẽ để xuất khẩu hết sang Trung Quốc.

Người dân phải di chuyển đến nơi khác không phải là những người duy nhất lo lắng về dự án trên. Dự án thủy điện giáp ranh với vùng đất do Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) kiểm soát, một trong những nhóm phiến quân nổi dậy đã giao tranh với chính phủ hàng thập kỷ qua. Năm ngoái, vài vụ nổ bom đã xảy ra ở khu vực xây đập và trong tháng 5/2011, KIO đã cảnh báo rằng nếu không dừng việc xây dựng đập này lại thì sẽ dẫn đến nội chiến. Cánh quân được trang bị vũ trang của KIO gần đây đã có một vài cuộc đụng độ nhỏ với quân chính phủ, mặc dù đã có lệnh ngừng bắn. KIO đưa ra lời đe dọa trên khi Tổng thống Mianma Thein Sein bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ 26-28/5/2011.

Trung Quốc có quyền lợi to lớn ở Mianma, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nước này. Nhà máy thủy điện Myitsone là một trong nhiều dự án về thủy điện, khai thác mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Mianma. Dự án lớn nhất của Trung Quốc ở nước Đông nam Á này là xây dựng một cảng nước sâu mới cho tàu chở dầu. Khi cảng này xây xong vào năm 2013, nó sẽ được dùng để chuyên chở khí đốt từ mỏ Shwe ở ngoài khơi của Mianma và sẽ có công suất đáp ứng 10% nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc.

Nhưng mối quan hệ thân thiết này cũng còn nhiều vấn đề không dễ chịu đối với mỗi nước. Khoảng từ 1-2 triệu dân Trung Quốc đã sang sinh sống ở miền bắc Mianma. Họ thống trị việc kinh doanh mặt hàng đá quý, đẩy giá đất lên cao và phô trương sự giàu có của mình ở các thành phố lớn như Mandalay và Myitkyina, nơi tất cả những chiếc xe ô tô đắt tiền đều mang biển số bằng tiếng Trung Quốc. Những người đứng đầu các nhà thờ ở Myitkyina nói rằng người Trung Quốc chiếm hơn một nửa dân số ở vùng này. Còn nhiều người dân Mianma nói các bang ở miền bắc nước họ giống như một tỉnh của Trung Quốc.

Khi lợi ích kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc ngày càng có nhu cầu sử dụng các cảng và hải phận của Mianma, để giám sát an ninh của cảng biển mới và các đường ống dẫn dầu, và cũng để ngăn ngừa bọn cướp biển. Nhưng điều này lại là vấn đề đau đầu cho Yangon. Các nhà lãnh đạo bài ngoại của Mianma đang cố gắng giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chìa tay ra với Ấn Độ và phương Tây. Nhưng Ấn Độ đã chậm chân trong việc giành lại lợi thế này, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây lại kéo dài lệnh cấm vận Mianma.

Do vậy, Mianma lại bị đẩy vào quĩ đạo của Trung Quốc vì hoàn cảnh buộc phải như vậy. Và cuối cùng như một thầy tu Mianma nói: “Chúng tôi như là cái bếp của Trung Quốc. Họ lấy những gì họ muốn rồi để lại cho chúng tôi toàn những đồ bỏ đi”.

  Theo Economist

 Viết Tuấn (gt)