21854815.JPG

Ngày 6/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Florida (Mỹ). Hai nhà lãnh đạo đã gạt bỏ những vấn đề chính có thể dẫn tới căng thẳng giữa hai nước. Một trong những vấn đề đó là cân bằng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ của thế giới đã được hai nhà lãnh đạo nhất trí giải quyết trong vòng 100 ngày tới. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm cải thiện cân bằng thương mại giữa hai bên bằng cách tăng xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc, chứ không phải là hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tuy kế hoạch 100 ngày này có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới, nhưng những biện pháp bảo hộ của Mỹ vẫn là một mối đe dọa. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nếu không có kết quả thực tế trong 100 ngày tới, Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xem xét liệu có nên tiếp tục kế hoạch này hay không.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sức tiêu thụ của Mỹ lớn nhất thế giới với chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình lên tới hơn 14,88 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Trong khi đó, Trung Quốc là nước có tổng lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất với giá trị khoảng 2,14 nghìn tỷ USD trong năm 2015. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế khổng lồ này rất rõ ràng: Mỹ là nước tiêu dùng lớn nhất trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, đang có sự thay đổi chiều hướng giữa hai nước với việc Mỹ hướng tới chủ nghĩa bảo hộ trong khi Trung Quốc hướng tới nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tiêu dùng. Sự thay đổi đột ngột của nền kinh tế Mỹ hướng tới chủ nghĩa bảo hộ có thể ngăn cản mối quan hệ cân bằng kinh tế với Trung Quốc. Trên thực tế, các chính sách bảo hộ mà Chính quyền của ông Trump đề xuất có thể gây hại tới nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, điều đó cũng có thể bỏ qua một mối quan hệ cân bằng thương mại hơn nữa giữa hai nước như đã được nhất trí trong Đối thoại.

Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung (S&ED)

Các chính sách bảo hộ của ông Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ nhưng nhiều khả năng Chính quyền Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ này. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây từ các ngân hàng đầu tư và các công ty luật tại Phố Wall, có tới hơn 50% khả năng ông Trump sẽ áp dụng mức thuế cao hơn để ngăn cản nhập khẩu hàng hóa từ các công ty ở nước ngoài do Mỹ sỡ hữu. Như vậy, lợi nhuận gấp 4 lần của các công ty Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2004-2012, theo một nghiên cứu của JP Morgan, có thể giảm đáng kể. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng ảm đạm từ những biện pháp bảo hộ này. Nếu Chính quyền của ông Trump áp dụng mức thuế 45% đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ dẫn tới giá hàng hóa cao hơn, ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Mỹ.

Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng cách giảm trữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ và cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có những tổn thất đối với các công ty đa quốc gia Mỹ (MNC) do chi phí sản xuất tăng vì các công ty này dựa vào chuỗi cung ứng sản xuất tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực.

Sự phụ thuộc lẫn nhau

Cả Mỹ và Trung Quốc đều gắn với nhau do sự phụ thuộc cùng có lợi. Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ với khoảng 161,6 tỷ USD trong năm 2015 trong khi Mỹ dựa vào việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và các tài sản USD khác. Hơn nữa, Trung Quốc là nước cho vay lớn thứ hai đối với chính phủ Mỹ với việc Mỹ nợ Trung Quốc khoảng 1,115 nghìn tỷ USD tính đến tháng 10/2016.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau này có lợi cho cả hai nước. Các khoản vay của Trung Quốc cho Mỹ thông qua nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ cung cấp tiền cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cho phép Mỹ nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á và là nhà kinh tế học người Mỹ - ông Stephan Roach - đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang hướng tới một sự thay đổi lớn từ nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu và đầu tư sang một mô hình kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và lĩnh vực dịch vụ. Do vậy, đây là một câu hỏi hóc búa về việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước việc Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế dẫn đầu về tiêu dùng nếu Mỹ vẫn dựa vào hàng hóa giá rẻ và vốn của Trung Quốc.

Sự chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc theo hướng tăng tiêu dùng bắt đầu từ năm 2011 khi kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được ban hành kèm theo một khuôn khổ tái cân bằng cấu trúc nền kinh tế. Do vậy, cải cách kinh tế quan trọng của Trung Quốc được thông qua năm 2013 để hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế tiêu thụ dẫn đầu. Một vài cải cách kinh tế quan trọng là việc thông qua sửa đổi chính sách mỗi gia đình chỉ có một con và khoản thuế 30% đối với lợi nhuận của các Doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Hơn thế nữa, Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô của khu vực dịch vụ tư nhân chiếm khoảng 46% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong bối cảnh này, Mỹ cần phải có phản ứng đối xứng với sự chuyển đổi đang diễn ra của kinh tế Trung Quốc.

Như Stephan Roach đã giải thích, Mỹ phải gia tăng tiết kiệm quốc nội bởi sự chuyển đổi kinh tế tiêu dùng dẫn đầu sẽ làm giảm việc Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ và dẫn tới giảm bớt nguồn vốn của Trung Quốc tại thị trường Mỹ khiến lãi suất cao. Hơn nữa, việc Mỹ thoát khỏi việc dựa vào vào nhu cầu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ sẽ cho phép nước này có thể bù đắp cho việc tiêu dùng quá mức.

Mỹ-Trung cần mối quan hệ cân bằng hơn

Tuy mọi quốc gia đều có quyền đánh giá chính sách đối ngoại của họ thông qua lăng kính các lợi ích quốc gia nhưng Chính quyền của ông Trump nên tránh tập trung vào mâu thuẫn quan hệ với Trung Quốc. Điều cần thiết là cả hai nền kinh tế này cần phải đặt tiến trình S&ED giữa hai bên vào trung tâm của mối quan hệ song phương. Trong năm 2011, hai nước đã nhất trí trong vòng đàm phán thứ 3 S&ED để thúc đẩy mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Hai bên đã đồng ý về việc Trung Quốc nên thực hiện các bước đi cần thiết để gia tăng tiêu dùng nội địa như đã đề ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, cùng với đó là việc Mỹ cần phải gia tăng tiết kiệm nội địa và xuất khẩu theo “sáng kiến xuất khẩu quốc gia” của Mỹ.

S&ED cũng sẽ là công cụ để hai bên thảo luận về việc làm thế nào để đối phó với các vấn đề quan trọng của thương mại, tỷ giá hối đoái và môi trường kinh doanh. S&ED cũng có thể là con đường cho hai nền kinh tế lớn này thảo luận về những tiềm năng hợp tác trong các sáng kiến cơ sở hạ tầng mà các công ty Trung Quốc có thể đầu tư. Đây có thể là thành tựu to lớn đối với Mỹ khi mà Trung Quốc đang tìm kiếm tài chính và hợp tác công nghệ từ các nền kinh tế công nghiệp cho sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của nước này.

Chính quyền của ông Trump đổ lỗi cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này khiến Mỹ mù quáng trong việc nhận ra rằng nước này cần một nền kinh tế vĩ mô mạnh mẽ hơn và có mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc. Do vậy, theo đuổi các biện pháp chính sách sẽ giúp ích cho “nước Mỹ lớn mạnh trở lại” hơn là thực hiện các chính sách bảo hộ.

Tác giả Phidel Vinels là chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu đa phương, Trường Nghiên cứu Quốc tế RSIS trực thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên “RSIS”.

Hương Trà (gt)