Tóm tắt

Bài viết này đưa ra những đánh giá cấp thiết, cập nhật về việc Trung Quốc sử dụng luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế - một trong những đề tài quan trọng và được tranh luận nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Bài viết này phân tích một chuỗi các vấn đề nổi cộm của Trung Quốc trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn, bao gồm thực tiễn tại WTO của Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển, các hiệp định song phương về quyền dân sự, chính trị và các hiệp định đa phương. Một trong những phát hiện của tôi là trật tự dựa trên luật lệ hiện tại không thể thực sự kiềm chế một cách đáng kể sức mạnh đang ngày một lớn của Trung Quốc, và tôi cho rằng lập trường hiện nay của Bắc Kinh về luật pháp quốc tế (mà trước nay thay đổi chậm chạp theo từng vấn đề một), có thể đang trong quá trình chuyển dịch, từng bước tiến đến một cách tiếp cận ngày càng sáng tạo, bao quát hơn. Cách tiếp cận này sẽ định hình luật pháp quốc tế theo cách mà một số ý kiến cho rằng sẽ khởi đầu cho sự quay trở lại của nền bá chủ Trung Quốc tại Đông Á như trong lịch sử, còn một số nhà quan sát khác thì lo ngại rằng xu hướng này thậm chí còn thể hiện những tham vọng vĩ cuồng hơn. Tuy nhiên, sức mạng ngày càng lớn của Trung Quốc không phải là bất biến như chúng ta vẫn nghĩ, và chúng ta cũng không nên bỏ qua thực tế là quan điểm của Trung Quốc cũng phần nào bị tác động bởi những tương tác của nước này với Mỹ cũng như cách mà nước này nhìn nhận việc Mỹ ứng xử với luật pháp quốc tế trong thực tiễn.

Từ khoá: Trung Quốc, luật quốc tế, WTO, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển, hiệp định song phương, hiệp định đa phương về quyền con người, quan hệ Mỹ - Trung

GIỚI THIỆU

Để đánh giá mối quan hệ giữa luật pháp và sức mạnh trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc là một việc phức tạp bởi Trung Quốc có nhiều giai đoạn căng thẳng và nhiều cuộc đấu tranh khác nhau. Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau khi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1971 và đặc biệt là từ sau khi chủ tịch Mao qua đời cùng với sự kết thúc của Đại Cách mạng Văn hoá vào năm 1976, Bắc Kinh nhìn chung chưa thể hiện thách thức gì đối với các giá trị phương Tây hoặc các giá trị phổ quát được thể hiện trong công pháp quốc tế. Trên lý thuyết, nhìn chung Trung Quốc đã công nhận công pháp quốc tế, bao gồm nhiều tập quán quốc tế, hiệp định song phương và đa phương, các văn bản, học thuyết, tiêu chuẩn và thể chế luật pháp khác. Điều này đối lập rõ rệt so với cách mà chính quyền của ông Tập Cận Bình thường xuyên thoái thác các khái niệm chính thống liên quan tới nhà nước pháp quyền và tìm cách nhấn mạnh vào “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đặc sắc Trung Quốc”.[1]

Bài viết sẽ tập trung vào một số khía cạnh của việc Trung Quốc, trong thực tiễn, tôn trọng đến đâu những hạn chế mà luật quốc tế đặt ra cho việc thực thi sức mạnh quốc gia của họ. Bài viết sẽ kết luận bằng cách đặt ra câu hỏi liệu sau khi xem xét các vấn đề trong bài viết, ta có thể đánh giá chính quyền Tập Cận Bình, trong nhiệm kỳ thứ 2, trên thực tế đã bắt đầu thách thức hệ thống luật pháp quốc tế phương Tây, được xây dựng từ Hoà ước Westphalia, giống như cái cách mà trong nhiệm kỳ đầu, nước này đã thách thức những quy tắc về nhà nước pháp quyền của phương Tây vốn đã được chấp nhận rộng rãi hay không?[2]

I. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN

Từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) năm 1949 cho đến năm 1971, Bắc Kinh đã thường xuyên bác bỏ những quan điểm quốc tế phổ quát về công pháp quốc tế, cả trên lý thuyết lẫn trong thực tiễn. Đây là sự đáp trả dễ hiểu cho việc cộng đồng thế giới không chấp nhận chính phủ mới sau cách mạng của Trung Quốc. Ngay sau khi thành lập, khi CHNDTH tìm cách thay thế nhà nước Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch trong vai trò là đại diện của nhà nước Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc (LHQ), thì đơn gia nhập của họ đã bị cự tuyệt, mặc dù thực tế là chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã bỏ chạy khỏi Trung Quốc đại lục sang Đài Loan, để lại cho CHNDTH gần như toàn quyền đối với Trung Quốc đại lục. Sự tham gia của “Chí nguyện quân Nhân dân” CHNDTH vào xung đột ở bán đảo Triều Tiên, theo phe Triều Tiên để chống lại LHQ vào mùa thu 1950 càng làm cô lập CHNDTH với LHQ - tổ chức quốc tế mà đứng đằng sau là Mỹ. Ngay cả sau Hiệp định Đình chiến Triều Tiên năm 1953, khi CHNDTH thực thi “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” và một chính sách đối ngoại ôn hòa hơn, LQH vẫn không chấp nhận sự tham gia của Bắc Kinh. Hơn nữa, hầu như các cường quốc phương Tây vẫn từ chối công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với Bắc Kinh.[3]

Dễ hiểu là, trong những bối cảnh đó CHNDTH không chỉ lên án cách áp dụng luật pháp quốc tế của phương Tây là mang tính thao túng và đạo đức giả mà đôi khi còn bác bỏ cả khái niệm về một cộng đồng thế giới duy nhất và một hệ thống công pháp quốc tế đơn nhất có tính ràng buộc. Một số thời điểm Bắc Kinh còn ủng hộ thành lập một tổ chức quốc tế mới nhằm cạnh tranh với LHQ.[4] Ngoài ra, dưới sự ảnh hưởng của một vài học giả pháp lý Xô Viết, một số chuyên gia nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn chấp nhận học thuyết rằng có ba hệ thống công pháp quốc tế - một điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các nước tư sản, một điều chỉnh quan hệ quốc tế giữa các nước cộng sản, và một điều chỉnh quan hệ giữa các nước tư sản và các nước cộng sản![5]

May mắn thay, những sự không phù hợp về thể chế và ý thức hệ đã bắt đầu biến mất với sự kết thúc của thời kỳ khắc nghiệt nhất trong cuộc Đại Cách mạng Văn hoá vào mùa thu năm 1969, khi Bắc Kinh tái khởi động nỗ lực gia nhập LHQ và bình thường hoá quan hệ song phương với các cường quốc. Tuy nhiên, bất chấp sự kiện mang tính đột phá khi Canada Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1970 và sự kiện CHNDTH gia nhập LHQ vào năm tiếp theo, các lãnh đạo Trung Quốc, khi đó vẫn đang bận giải quyết những cuộc đấu đá chính trị nội bộ khốc liệt trong những năm cuối thời kỳ cầm quyền của Chủ tịch Mao, tỏ ra tiếp tục không tin tưởng vào các thể chế của LHQ và luật pháp quốc tế phổ quát. Hơn nữa, ít nhất là cho đến giữa thập niên 70, ảnh hưởng của cuộc Đại Cách mạng Văn hoá lên hệ thống giáo dục, nghiên cứu và công chức Trung Quốc đã khiến cho nhiều nhà ngoại giao và quan chức CHNDTH không được trang bị tốt để xử lý các yêu cầu pháp lý mà tình hình mới đặt ra.

Hai câu chuyện cá nhân của tôi thể hiện rõ những điểm này. Vào ngày 16/6/1972, cùng với đồng nghiệp của tôi là Giáo sư John Fairbank từ Đại học Harvard, Harrison Salisbury của tờ New York Times và những người khác, tôi tham gia vào một cuộc ăn tối-thảo luận dài bốn tiếng cùng với Thủ tướng Chu Ân Lai và các cố vấn chính sách đối ngoại quan trọng của ông. Thấy rằng nửa đầu của cuộc thảo luận có vẻ thuận lợi khi nội dung xoay quanh mối quan hệ Trung-Mỹ và cuộc chiến tại Việt Nam, tôi quyết định hỏi về thái độ hiện nay của chính phủ Trung Quốc với luật pháp quốc tế. Tôi giới thiệu chủ đề bằng cách gợi ý rằng CHNDTH, vừa trở thành thành viên quan trọng tại Liên Hợp Quốc với chiếc ghế thường trực, có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, cũng nên xem xét việc đề cử một chuyên gia để đảm nhiệm vai trò thẩm phán tại Toà án Công lý quốc tế (ICJ) ở La Hague. Gợi ý này nhận ngay một tràng cười rộ lên từ các quan chức Trung Quốc, những người nghĩ rằng đó là một đề nghị ngớ ngẩn. Họ thắc mắc là vì sao CHNDTH lại muốn có một vị trí trong 15 ghế thành viên ICJ, nơi mà họ chắc chắn rằng hầu hết các thẩm phán còn lại sẽ có thành kiến và không đồng tình với ý kiến của một nước theo chế độ cộng sản tới từ Châu Á? Hơn nữa, như sau đó đã trở nên rõ ràng hơn, CHNDTH có truyền thống không tin tưởng việc giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua phân xử, trọng tài và các hình thức khác trong giải quyết tranh chấp dựa vào bên thứ ba. Bất chấp việc hàng ngàn năm qua Trung Quốc đã sử dụng hình thức trung gian cho các tranh chấp trong nước, nhưng họ từ chối sử dụng biện pháp trung gian có sự tham gia của bên thứ ba, dù với vai trò rất hạn chế đi nữa, trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

Tôi vẫn giữ lập trường của mình, giải thích rằng với các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, việc có được một ghế thẩm phán ICJ là một trong những đặc quyền của việc trở thành một cường quốc thế giới và rằng CHNDTH không nên bỏ lỡ cơ hội này. Hơn một thập kỷ trôi qua trước khi Bắc Kinh cuối cùng cũng cử thẩm phán đầu tiên tới ICJ. Vị thẩm phán này và những thẩm phán sau đó mà Trung Quốc cử đến ICJ đều có trình độ rất tốt.

Một trong những lý do mà quá trình này kéo dài như vậy là vì CHNDTH lúc đó không đủ số lượng các chuyên gia cần thiết về luật pháp quốc tế để đảm nhiệm các vị trí quan trọng mà sự chấp nhận muộn màng của cộng đồng thế giới yêu cầu. Vào năm 1973, hai năm sau khi Bắc Kinh gia nhập LHQ, nước này vẫn thiếu nhân sự được đào tạo đáp ứng yêu cầu công tác tại đây. Thời điểm đó, đại diện thường trực của CHNDTH ở LHQ, một vị Đại sứ rất có năng lực tên là Huang Hua, kể với tôi ông đã xấu hổ ra sao, khi bởi vì thiếu nhân sự đủ điều kiện để trám vào vị trí của Uỷ ban thứ 6 Hội đồng bảo an chịu trách nhiệm về vấn đề pháp lý, ông phải nhờ vợ mình, người chỉ được học về kinh tế, đảm nhiệm vị trí đó!

II. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Hơn 45 năm sau đó, tình hình đã rất khác. CHNDTH đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia rất có năng lực trong lĩnh vực công pháp quốc tế. Các trường luật và khoa học chính trị có các giáo trình chi tiết về chủ đề này, được xây dựng bởi các chuyên gia được đào tạo tốt, nhiều người trong đó được học tập và nghiên cứu, thậm chí được mời giảng dạy trong các tổ chức học thuật hàng đầu thế giới. Những học giả này và các đồng nghiệp từ các tổ chức nghiên cứu và chính sách thường xuất bản các phân tích trong sách, tạp chí học thuật và các bài bình luận trên truyền thông, không chỉ bằng tiếng Trung mà còn bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, và cũng là thành viên tích cực của các hội nghị và đối thoại phi chính phủ về luật pháp quốc tế. Thêm nữa, họ thường xuyên đưa ra lời khuyên cho nhiều cơ quan chính phủ Trung Quốc.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Jerome A. Cohen, Giáo sư Luật và Trưởng Khoa, Viện Luật Mỹ-Á, Trường Luật, Đại học New York, Học giả Cấp cao Không thường trú về Châu Á, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết được đăng trên Tạp chí "New York University Journal of International Law & Politics", Số. 52 (sắp xuất bản năm 2019).

Dịch giả: Đỗ Phương Anh, thực tập sinh Viện Biển Đông.

Hiệu đính: Trần Quang

 



[1] Jerome Alan Cohen, Law’s Relation to Political Power in China: A Backward Transition, SOCIAL RESEARCH: AN INTERNATIONAL QUARTERLY (sắp xuất bản năm 2019).

[2] Đã dẫn.

[3] JEROME ALAN COHEN AND HUNGDAH CHIU, PEOPLE’S CHINA AND INTERNATIONAL LAW: A DOCUMENTARY STUDY 19 (1974)

[4] Đã dẫn, tr. 20.

[5] Đã dẫn, tr. 25-64 (bàn về nỗ lực của CHNDTH nhằm xây dựng một học thuyết luật pháp quốc tế theo “chủ nghĩa xã hội” cho Trung Quốc)