Ngay cả với các cuộc bầu cử tự do và công bằng, chính phủ mới cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn. Các cuộc bầu cử sắp tới của Myanmar, được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 8/11/2015, đã đảm nhận tầm quan trọng gia tăng sau khi đảng đối lập chính, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), quyết định vào giữa tháng 7 rằng đảng này sẽ tham gia tranh cử. Cả người dân Myanmar lẫn cộng đồng quốc tế đang trông đợi vào các cuộc bầu cử để giúp mở ra nền dân chủ thực sự cùng hòa bình và thịnh vượng lâu dài.

NLD, đảng được yêu thích nhất tại Myanmar, được trông đợi sẽ giành được một “đa số” ghế mà đảng này được phép tranh cử theo hiến pháp gây tranh cãi năm 2008 – 75% tổng số ghế, với 25% số ghế còn lại được dành cho quân đội. NLD có một thành tích tranh cử đã được chứng minh, giành được 82,2% số phiếu trong cuộc bầu cử năm 1990 và 97,7% số phiếu trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Vì vậy, tuy kết quả của cuộc bầu cử năm 2015 vẫn chưa chắc chắn, dường như NLD có nhiều khả năng sẽ ở vị trí thuận lợi để định hình nền chính trị Myanmar trong cả chính phủ lẫn quốc hội tiếp theo. Đây chắc chắn sẽ là một kết quả được ưa thích rộng rãi.

Nhưng nhiều câu hỏi về tương lai của Myanmar vẫn còn đó. Mối quan hệ giữa NLD và Lực lượng vũ trang – được biết đến với cái tên Tatmadaw – sẽ như thế nào sau các cuộc bầu cử? Liệu NLD có tìm cách can dự với quân đội, thể chế hùng mạnh nhất tại quốc gia này, hay ngược lại? Liệu Tatmadaw có sẵn sàng chấp nhận sự can dự có thể xảy ra, và nếu như vậy thì bằng cách nào? Mối quan hệ tiềm tàng giữa NLD và lực lượng vũ trang sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định sự chuyển tiếp sang nền dân chủ của Myanmar và tương lai của quốc gia này.

Loại bỏ

Đó là những câu hỏi nghiêm túc. Biểu hiện nổi bật nhất gần đây cho các câu hỏi này là việc loại bỏ đột ngột Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann vào giữa tháng 8/2015. Shwe Mann, một cựu tướng lĩnh quân đội Myanmar, đã bị cách chức chủ tịch Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền một cách đáng ngạc nhiên vào tối ngày 12/8, với lý do được cho là ông đã trở nên quá thân thiết với nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Nói cách khác, vị Chủ tịch Hạ viện đầy ảnh hưởng này đã thiếu đi một chiến lược để ứng xử với Tatmadaw – một thiếu sót lớn. Vụ ồn ào chính trị này cho thấy nếu không có sự ủng hộ của Tatmadaw, các nhà lãnh đạo chính trị của Myanmar sẽ không có con đường nào để tiến lên. Khi xem xét tới việc này, câu hỏi quan trọng nhất cho kỷ nguyên hậu bầu cử của Myanmar là: Ai sẽ giúp quản lý mối quan hệ giữa phe đối lập và Tatmadaw, vì lợi ích của một sự chuyển tiếp thành công và hòa bình?

Điều không may là chỉ có rất ít người, nếu không muốn nói là không ai cả, sẽ có câu trả lời cho câu hỏi đó vào thời điểm này. Nhưng nó cần được xem xét, thậm chí có thể trước khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, để đất nước có thể tiến lên phía trước. Xét cho cùng, nếu lời hứa của Ủy ban bầu cử liên bang về các cuộc bầu cử tự do và công bằng được giữ vững, NLD rõ ràng sẽ chiếm lĩnh thêm nhiều không gian chính trị hơn.

Về mặt lịch sử, từ trước tới nay chưa có thành tích can dự giữa Tatmadaw và NLD. Thay vào đó, cả hai bên liên tục xung đột với nhau – gần đây nhất là lần sửa đổi hiến pháp tại Quốc hội mà quân đội đã ngăn cản. Lịch sử đương đại của Myanmar toàn là bế tắc chính trị. Với NLD nhiều khả năng sẽ gia tăng quyền lực sau các cuộc bầu cử, một cuộc đối đầu chắc chắn sẽ xảy ra trừ phi hai bên có thể tìm ra một cách thức hợp tác vì lợi ích của quốc gia.

Hãy xem xét lần sửa đổi hiến pháp. Sau các cuộc bầu cử, NLD chắc chắn sẽ ở vị thế tốt hơn so với vị thế của đảng này trong Quốc hội hiện nay, vốn đang bị quân đội thống trị. Đảng này sẽ tìm cách thực hiện những bước đi táo bạo hơn để thay đổi hiến pháp. Do tầm quan trọng của vấn đề này đối với quân đội, quân đội được cho là sẽ làm mọi điều có thể để ngăn cản bất cứ sự sửa đổi nào. Nếu hai bên không thể đàm phán, bế tắc chính trị sẽ là kết quả không tránh khỏi. Đây là một nguy cơ mà cả NLD lẫn Tatmadaw cần xử lý, vì lo sợ rằng Myanmar quay trở lại tình hình nước này từng rơi vào dưới thời chính quyền quân sự.

Quyền lực hành pháp

Thứ hai, quyền lực hành pháp hiện nay của Myanmar là có một không hai khi xét tới việc ngay cả trong nhánh hành pháp, quyền lực được chia sẻ giữa tổng thống và tổng tư lệnh, với tổng tư lệnh có quyền chỉ định 3 bộ trưởng quan trọng là bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới. Trên thực tế, đây là một nhánh hành pháp dân sự-quân sự – điều yêu cầu cả hai bên phải hợp tác với nhau.

Trên thực tế, quyền lực tối cao tại Myanmar vẫn nằm trong tay Hội đồng an ninh và quốc phòng, bao gồm 11 nhân vật quyền lực: tổng thống, hai phó tổng thống, chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, tổng tư lệnh, phó tổng tư lệnh, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng phụ trách vấn đề biên giới. Rõ ràng, quân đội đã thống trị hội đồng đầy quyền lực này. Hội đồng này thậm chí có thể đề xuất tình trạng khẩn cấp vào bất kỳ thời điểm nào, vì bất kỳ lý do nào, ví dụ nếu họ cảm thấy lợi ích của mình đang bị tổn hại. Chừng nào không có sự giám sát dân sự đối với quân đội và chừng nào không có cải cách trong lĩnh vực an ninh, các nguy cơ chính trị sẽ rất cao.

Vì vậy, khi NLD gia tăng quyền lực hành pháp, đảng này phải nỗ lực xây dựng một mối quan hệ với quân đội. Điều này không nhất thiết có nghĩa là NLD phải nhượng bộ trước mọi yêu sách của Tatmadaw trong cấu trúc quyền lực đó, nhưng thay vào đó đảng này phải phát triển một số chiến lược hiệu quả để đưa đất nước tiến lên, ngay cả đôi khi sẽ làm tổn hại tới các lợi ích của Tatmadaw. Đây có thể là thách thức lớn nhất mà NLD phải đối mặt sau cuộc bầu cử.

Thứ ba, Myanmar cần phải đạt được một nền hòa bình lâu dài. Liệu tiến trình hòa bình có thể phát triển được hay không một lần nữa sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa NLD và Tatmadaw. Có một điều rõ ràng là quân đội có thể dễ dàng phá vỡ tiến trình hòa bình vào bất kỳ thời điểm nào, và phá hủy bất cứ lòng tin nào đã được gây dựng giữa các bên tham gia. Tuy vậy, chính phủ dân sự mới phải đảm nhận trách nhiệm làm việc để đem lại một nền hòa bình lâu dài. Điều này một lần nữa tương đương với việc cộng tác với Tatmadaw. Nếu không có một nền hòa bình thực sự, không thể có một nền dân chủ chân chính. Vì vậy, chính phủ tiếp theo sẽ cần phải làm việc với quân đội để phát triển các chiến lược nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài.

Thứ tư, trong một thế giới được kết nối rất cao này, sự thịnh vượng của Myanmar phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Với rất nhiều nguy cơ chính trị tiềm tàng trong thời kỳ hậu bầu cử, các nhà đầu tư có thể do dự với việc đầu tư vào Myanmar. Điều này sẽ khiến chính phủ mới khó có thể đem lại thịnh vượng và phát triển. Việc này tới lượt nó có thể dẫn tới sự thất vọng gia tăng và gây tổn hại tới sự tín nhiệm của chính phủ. Bất ổn sẽ một lần nữa hiện ra dần. Sự không chắc chắn sẽ leo thang. Các nguy cơ cho nhà đầu tư sẽ tăng lên.

Và như vậy Myanmar đang phải đối mặt với một con đường gập ghềnh tiến tới nền dân chủ, một con đường đầy nguy cơ, đặc biệt trong thời kỳ hậu bầu cử trước mắt. Người ta sẽ cần tới sự khéo léo chính trị ấn tượng để giải quyết các nguy cơ. Đây không phải nói rằng Myanmar không có một con đường tiến lên, mà là nước này đang đối mặt với một nhiệm vụ chính trị to lớn là đảm bảo cho một quá trình chuyển tiếp hòa bình. Đây là nhiệm vụ đối với toàn bộ đất nước. Các bên tham gia chính trị quan trọng, bao gồm đại diện của các sắc tộc, cần tham gia đối thoại dựa trên một sự hiểu biết chung về những cạm bẫy tiềm tàng. Họ cần phải tìm ra cách thức quản lý các nguy cơ đối với nền dân chủ, hòa bình và phát triển. Không có nhiệm vụ nào lớn hơn mà các chính trị gia của Myanmar sẽ phải đối mặt sau cuộc bầu cử ngoài nhiệm vụ này./.

Theo The Diplomat

Hương Trà (gt)