Theo đánh giá của một số tờ báo Pháp, lập trường cứng rắn của tân chính phủ cánh tả Hy Lạp trong mấy ngày qua đã tạo điều kiện để nước này thay đổi cán cân sức mạnh trong cuộc đối thoại với các chủ nợ chính nhằm giải quyết nợ nần và tái cấu trúc nền kinh tế. Đây xứng đáng được coi là thành công ngoạn mục của Thủ tướng Alexis Tsipras và Bộ trưởng kinh tế Yanis Varoufakis ngay trong tuần cầm quyền đầu tiên.

Theo báo Pháp Le Point số ra ngày 3/2, cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp, kịch bản tưởng chừng như không thể xảy ra cách đây một tháng, nay đang có khả năng trở thành hiện thực. Ngoại trừ Thủ tướng Đức Angela Merkel, gần như không còn lãnh đạo châu Âu nào công khai tỏ ý phản đối.

Điều này đã dần dần chính thức kể từ ngày 2/2: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tỏ ý muốn giải tán Troika, nhóm bộ ba chủ nợ của Hy Lạp, bao gồm Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhóm quyền lực đã kê cho Athens liều thuốc đắng này không còn nhận được thiện cảm của bất cứ ai. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố trên đài truyền hình CNN rằng “người ta không thể tiếp tục gây sức ép với các nước đang rơi vào cảnh khốn cùng”, trước khi nói thêm rằng: “Vào một thời điểm nhất định, cần phải có chiến lược tăng trưởng để có khả năng trả nợ”. Thái độ can thiệp chủ yếu bắt nguồn từ mối lo ngại của Mỹ về tình trạng tăng trưởng yếu kém của châu Âu.

Những chỉ trích đối với Troika, với phương pháp làm việc và phương thuốc điều trị khủng hoảng của nhóm không phải mới xuất hiện gần đây, vì trong vòng hai năm nay, nghị viện châu Âu đã ra hai báo cáo đánh giá về hoạt động của họ. Tòa án công lý châu Âu cũng cho rằng việc Liên minh châu Âu tham gia Troika chẳng khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi. Điều mới mẻ chính là sự thay đổi thái độ một cách đột ngột của lãnh đạo các nước châu Âu.

Trong khi đó nhật báo kinh tế La Tribune cho rằng với việc giết chết Troika và từ chối nhận khoản viện trợ khẩn cấp 7 tỷ euro trong khuôn khổ chương trình cứu trợ của Troika, Athens đã lật ngược cán cân sức mạnh trong quan hệ với các chủ nợ quan trọng nhất của họ. Kể từ nay, ECB sẽ phải quyết định giữ hay để mặc Hy Lạp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chính thức thì Hy Lạp vẫn nằm dưới sự cương tỏa của Troika, hệ thống ngân hàng nước này phụ thuộc vào số tiền hỗ trợ khẩn cấp của ECB, trong khi kỳ hạn trả nợ, nhất là các khoản nợ đối với ECB, đã sắp đáo hạn. Trong chuyến công du Paris ngày 1/2, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã thừa nhận nước ông “đang ở sát chân tường”. Theo logic thông thường, Athens sẽ phải im lặng và cố gắng đạt thỏa hiệp với các chủ nợ.

Nhưng chính phủ mới của Hy Lạp đã không theo chiến lược đó. Gần đây, Yanis Varoufakis đã tỏ ngay thái độ cứng rắn với Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem, người đang trong hoàn cảnh rất lúng túng. Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp tuyên bố sẽ không đàm phán với một ủy ban “đang bị lung lay” của nhóm Troika và không tiếp tục tham gia chương trình cứu trợ bắt đầu từ tháng 3/2012 của nhóm. Về hình thức, không đạt được thỏa thuận với Troika trước cuối tháng, ECB sẽ cắt quyền tiếp cận của các ngân hàng Hy Lạp đối với chương trình cứu trợ tiền mặt khẩn cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này bị trục xuất ra khỏi Eurozone trên thực tế. Vì không có tiền mặt cho ngân hàng, chính phủ không có lựa chọn nào khác là in tiền riêng và áp đặt kiểm soát tỷ giá để tránh chảy máu ngoại tệ. Do đó, Hy Lạp sẽ rơi xuống vực thẳm không phanh.

Nhưng tình thế không đơn giản như vậy. Chiến lược hiện nay của Athens dựa trên các bài học rút ra từ hai thất bại gần đây liên quan đến Eurogroup. Trước khi tìm hiểu cụ thể, cần xem xét lại sơ bộ về tình hình: kể từ khi đảng của Alexis Tsipras lên nắm quyền, khu vực đồng tiền chung chia làm hai phe đối lập: phía Nam, Chính phủ Hy Lạp yêu cầu tái cấu trúc nợ và tiến hành một chính sách kinh tế mới cho châu Âu (New Deal), còn ở phía Bắc, Berlin vẫn tỏ thái độ cứng rắn, buộc Athens phải trả toàn bộ các khoản nợ và tiếp tục cải tổ. Để bắt Angela Merkel phải nhượng bộ, Alexis Tsipras có thể chọn con đường như François Hollande và Matteo Renzi đã mở ra. Tháng 5/2012, François Hollande, vừa mới đắc cử Tổng thống Pháp, đã tính chuyện thuyết phục nhẹ nhàng để Berlin phải nhượng bộ bằng cách chấp nhận kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng đến cuối tháng 6, ông đã phải chấp nhận thông qua thỏa thuận ngân sách giữa Pháp và EU được người tiền nhiềm Nicolas Sarkozy đàm phán từ trước, đổi lấy việc được tung ra gói cứu trợ kinh tế trị giá 120 tỷ euro. Thực tế, thỏa thuận này chưa từng được thực hiện, cũng không ai biết hiệu quả của nó ra sao, cho đến nay vẫn nằm trong ngăn kéo tại Brusseles. Hai năm sau, Matteo Renzi trở thành thủ tướng Italia, cũng cố gắng thảo luận để giảm nhẹ các ràng buộc của Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU (buộc các nước thành viên phải hạn chế thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP). Cuối cùng, ông không thành công, nhưng cũng không tuân thủ quy định của EU.

Chính phủ Hy Lạp chắc chắn không thể chấp nhận vị thế đi xin xỏ. Tình cảnh của Hy Lạp không cho phép nước này đạt được điều mà nền kinh tế thứ hai và thứ ba EU đã không thể làm nổi, tức là sự nhượng bộ của Đức. Nhưng đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp buộc phải đạt được kết quả. Vì đối với Hy Lạp, sẽ không có gì tồi tệ hơn cho chính phủ mới bằng sự thất vọng của người dân, kéo theo việc bác bỏ toàn bộ chính sách của họ và tăng cường ảnh hưởng cho các đảng cấp tiến hay phe đối lập ngoài quốc hội.

Cho nên Athens đã lựa chọn một chiến lược rất cứng rắn. Với việc từ chối khoản vay 7 tỷ euro, từ đó đe dọa sẽ không làm gì để ngăn chặn nguy cơ mất khả năng thanh toán, tức là vỡ nợ, kéo theo việc để mặc cho hệ thống ngân hàng nước mình đổ vỡ, Chính phủ Hy Lạp trên thực tế đã đẩy trách nhiệm sang phía Liên minh châu Âu. Họ buộc EU phải hành động theo hướng mà Athens mong muốn, nếu không sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới của Eurozone. Có nghĩa là, nếu như ECB thực hiện các lời đe dọa đã đưa ra và Hy Lạp rời Eurozone, chính sách của EU sẽ sụp đổ, trên thị trường, các nhà đầu tư sẽ xem lại thái độ của họ trước tình hình mới. Chính sách nới lỏng định lượng (QE) đã tạo ra bong bóng ở các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (trừ Hy Lạp) có nguy cơ nổ tung, buộc ECB phải hành động, lần này không chỉ trong khuôn khổ của QE, vốn không được thiết kế để đối phó với tình huống như thế này, mà phải can thiệp cả vào chương trình mua lại nợ (OMT). Vấn đề khó khăn là chương trình OMT là công cụ rất khó sử dụng, nhất là trong bối cảnh nó đang bị Tòa án hiến pháp Karlsruhe (Đức) phản đối.Hậu quả thứ hai của việc ECB loại bỏ Hy Lạp: các đảng phái ủng hộ chủ quyền quốc gia, phản đối tăng quyền lực cho Liên minh châu Âu, sẽ thắng thế: Mặt trận quốc gia (FN) tại Pháp, Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 sao ở Italy. ECB chỉ tồn tại được nhờ có đồng euro, làm suy yếu vị thế của đồng tiền này đồng nghĩa với việc họ tự bắn một viên đạn vào chân mình.

Thực ra, Hy Lạp đang chơi xấu vì biết rằng các lãnh đạo châu Âu sẽ không chấp nhận rủi ro. Tại Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Wolfgang Schäuble là người tán thành chính sách trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone từ năm 2011, nhưng chưa chắc Angela Merkel có thái độ tương tự, vì Thủ tướng Đức đã đặt cược vào chính sách cứu đồng tiền chung euro theo đuổi từ 2010 đến nay. Việc loại bỏ Hy Lạp khỏi Eurozone có thể khiến cho bà có thêm một chút uy tín trong nước, nhưng điều đó cũng đồng thời củng cố thêm cho lập luận của các đảng hoài nghi châu Âu, trong đó có đảng sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và khơi lại yêu cầu của cánh hữu trong nội bộ đảng liên minh dân chủ cơ đôc giáo (CDU) đòi đảng phải đối thoại với AfD.

Trục xuất Hy Lạp khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung sẽ kéo theo việc đơn phương hoãn trả nợ hoặc xóa nợ cho Hy Lạp. Tại sao Athens phải tiếp tục trả nợ cho các “đối tác” đã bỏ rơi họ? Từ nhiều tháng nay, AfD không ngừng chỉ trích chính phủ sử dụng tiền thuế của dân để phục vụ cho các chính sách cứu trợ Hy Lạp mà Angela Merkel và CDU tiến hành.

Quả bóng trên sân châu Âu

Đối với Chính quyền Alexis Tsipras, điều cần làm hiện nay là duy trì một thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu các lãnh đạo EU. Nếu họ cũng chơi trò cứng rắn, EU sẽ phải trả giá đắt. Do đó EU sẽ phải giải tán Troika và với việc này, Hy Lạp đã thay đổi được bàn cờ: họ không còn ở thế buộc phải trả lời các đòi hỏi từ các chủ nợ. Từ nay, áp lực sẽ dồn lên ECB, cơ quan sẽ phải quyết định thực hiện hay không các đe dọa mà mình đã đưa ra.

Canh bạc quan trọng mà Alexis Tsipras và Yanis Varoufakis đang theo đuổi là buộc chủ tịch ECB Mario Draghi không chấp nhận rủi ro làm suy yếu khu vực đồng euro để cứu Troika. Lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ phải tìm ra một lối thoát: ấn định một thời hạn chót mới và mở thêm các cuộc thảo luận nghiêm túc. Quả bóng nằm trên sân các đối tác của Athens. Việc lật ngược được thế cờ này xứng đáng là thành công lớn nhất trong tuần đầu tiên nắm quyền của Tsipras. Đúng ra, đó là một sự bắt chẹt, theo như mô tả của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble.

Thế của Hy Lạp còn mạnh hơn ở chỗ, giải pháp mà tân chính phủ đưa ra cho các đối tác châu Âu – tái cơ cấu nợ dựa trên cơ sở tăng trưởng và trả nợ - là giải pháp đỡ đau đớn nhất cho họ, so với việc đẩy nước này ra khỏi Eurozone và kéo theo vỡ nợ. Do đó, ván cờ đã được an bài từ trước: Liên minh châu Âu sẽ phải đàm phán trên cơ sở phương án mà Hy Lạp đưa ra. Đây thực sự là một hành động tống tiền, nhưng rất cần thiết để đáp lại chính sách mà Troika đã áp dụng đối với nước này từ hơn 5 năm qua.

Theo Le Point; La Tribune

Lan Hương (gt)