___________________

 

Từ ngày 1/1/2010, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiệm kỳ 2010. Đây là một chức vụ luân phiên theo truyền thống ASEAN và dựa trên thứ tự tên nước theo vần ABC. Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN phát triển và trở thành một tổ chức khu vực có vai trò, uy tín quốc tế lớn và đặc biệt kể từ khi ASEAN thực hiện Hiến chương 2008, Chủ tịch ASEAN có nhiều trọng trách và được quốc tế vị nể hơn. Đúng như Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đã nói “Đây là vinh dự to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của chúng ta”.

 

Một vinh dự to lớn và một vị thế quan trọng

 

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã vinh dự được tổ chức và chủ trì nhiều hoạt động của các tổ chức quốc tế lớn, trong đó đáng lưu ý là Hội nghị cấp cao  ASEAN 1996, Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ 1997, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2006, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Á-Âu (ASEM) 2007 và đặc biệt là đã gánh vác vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 bao gồm cả trọng trách 2 lần Chủ tịch luân phiên của Hội đồng và Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hiệp quốc khoá 2009.      

 

Lần này, trong cương vị Chủ tịch ASEAN suốt cả năm 2010, vinh dự và vị thế của Việt Nam được nhân lên hơn, bởi vì trong vai trò này, Việt Nam sẽ đứng đầu và chủ trì công việc, hoạt động của tất cả các cơ chế quan trọng của ASEAN cũng như các cơ chế ASEAN + Đối tác, đặc biệt là trong bối cảnh ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức khu vực lớn mạnh, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng, được các nước vị nể và nhiều cường quốc mời chào. Như vậy, ở vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam cũng sẽ được các nước nể trọng và nếu làm tốt vai trò này, uy tín và vị thế của Việt Nam lại càng được nâng lên hơn nữa; mặt khác, Việt Nam cũng còn tận dụng vị thế này không những để đóng góp vào sự nghiệp chung của khu vực, quốc tế mà còn có thể đóng góp thuận lợi và hiệu quả hơn cho việc thực hiện các mục tiêu của quốc gia mình.

 

Một trách nhiệm rất nặng nề và khó khăn


Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam đảm đương một trọng trách của ASEAN. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà Việt Nam sẽ gánh vác trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 rất nhiều và phức tạp.

Để làm được và làm tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam phải thực hiện một lượng công việc khổng lồ cả về mặt tổ chức, hậu cần, nội dung và tiến hành rất nhiều các hoạt động đối nội cũng như đối ngoại nhằm chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ của nước Chủ tịch.

 

Riêng về số lượng các hội nghị quan trọng Việt Nam phải chủ trì và tổ chức đã lên tới hàng chục, trong đó đặc biệt nhất là hai Hội nghị cấp cao ASEAN và một loạt các Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ ASEAN + 1 (như  ASEAN-Mỹ, ASEAN- Trung Quốc, ASEAN-Nhật, ASEAN-Nga, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Úc-New Zealand, v.v.), ASEAN + 3, các Hội nghị Ngoại trưởng và các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành cũng như các Hội nghị Quan chức cấp cao của ASEAN và trong khuôn khổ ASEAN + Đối tác.

 

Về nội dung, trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam phải có trách nhiệm đề xuất và chủ trì xây dựng các chương trình nghị sự và chương trình làm việc của các hội nghị nói trên cũng như các văn kiện của ASEAN; điều phối các hoạt động của ASEAN; đồng thời, tham vấn và điều phối lập trường các nước trong việc xử lý những vấn đề khu vực và quốc tế; đại diện cho ASEAN tham dự các diễn đàn khu vực và quốc tế lớn có liên quan.

 

Bối cảnh quốc tế và khu vực ASEAN hiện nay không dễ dàng cho việc Việt Nam triển khai thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Khó khăn rất lớn là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu vừa qua đã và tiếp tục đè nặng lên các nước thành viên, gây ảnh hưởng và làm chậm việc triển khai các chương trình và kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhiều dự án hợp tác trong ASEAN, cũng như các chương trình hợp tác của ASEAN với các đối tác. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gia tăng quyết liệt của các cường quốc bên ngoài ASEAN về ảnh hưởng và quan hệ với ASEAN phần nào làm cho nội bộ ASEAN bị chia rẽ, thiếu sự thống nhất trong nhiều vấn đề. Xu hướng “ly tâm” của một số thành viên ASEAN có vẻ như rõ hơn. Đặc biệt đáng quan ngại là gần đây mâu thuẫn và tranh chấp giữa một số thành viên ASEAN căng thẳng hơn, thậm chí đã có thời điểm bùng nổ thành xung đột nóng giữa các lực lượng quân sự hai bên biên giới. 

 

 

Chương trình nghị sự cho ASEAN năm 2010

 

Năm 2010 là một năm quan trọng, khởi đầu giai đoạn phát triển mới của ASEAN với việc triển khai vào chiều sâu các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN để hiện thực hoá mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ASEAN là đưa Hiến chương ASEAN mới được thông qua vào cuộc sống, trong đó kiện toàn bộ máy hoạt động của ASEAN phù hợp với Hiến chương là một khâu hết sức quan trọng.

        

Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ mà ASEAN đã đề ra, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010,  Việt Nam đã xác định một chương trình nghị sự với chủ đề là: «Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động». Chủ đề này thể hiện mục tiêu xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010 và cũng đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN. Trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2010 và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (AMM Retreat) tháng 1/2010 ở Đà Nẵng, Việt Nam đã nêu rõ các ưu tiên là tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, tăng cường hợp tác để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, triển khai thực hiện hiểu quả Hiến chương và các lộ trình, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, qua đó giữ vững vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực cũng như trên thế giới.
       

Trước hết, đối với việc thực hiện Hiến chương ASEAN, để đưa Hiến chương vào cuộc sống, hiện ASEAN vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là hoàn thiện tổ chức bộ máy mới và phương thức hoạt động cũng như hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan. Từ chỗ là một tổ chức liên kết lỏng lẻo và ra đời trên cơ sở một tuyên bố chính trị, đến nay ASEAN  đã chính thức có tư cách pháp nhân với Hiến chương ASEAN. Tuy nhiên, để tư cách pháp nhân này có giá trị trong thực tế cuộc sống, nhiều văn kiện pháp lý liên quan để cụ thể hoá Hiến chương và bảo đảm việc thực thi cần được hoàn tất. Đồng thời, bộ máy mới của ASEAN, nhất là các Hội đồng cấp Bộ trưởng và Ủy ban các Đại diện Thường trực về ASEAN, cần được củng cố và hoạt động một cách trôi chảy, có hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy và điều phối mọi hoạt động hợp tác của ASEAN. Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền và Ủy ban về Quyền phụ nữ và trẻ em cũng cần hoạt động theo đúng các mục tiêu và nguyên tắc đã đề ra. Phương thức hoạt động của ASEAN cần tiếp tục được cải tiến theo hướng giảm thiểu các thủ tục lễ tân – hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả.

      

Cùng với việc thực hiện Hiến chương, ASEAN cũng cần tập trung đẩy mạnh  thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bao gồm các Kế hoạch tổng thể về từng trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội cùng với Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. 
       

Đối với việc xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, ASEAN sẽ ưu tiên thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể và các công cụ bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực. Đó là tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh, kể cả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia;  đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ quốc tế, kể cả cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên. Đó là tiếp tục phát huy giá trị của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á thành bộ quy tắc ứng xử trong quan hệ không chỉ giữa các nước khu vực mà cả giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Cần làm cho Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân  phát huy tác dụng trong thực tế  với sự tham gia và cam kết của cả các nước có vũ khí hạt nhân, góp phần vào nỗ lực chung của quốc tế nhằm ngăn chặn và tiến tới loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Tiếp tục thúc đẩy việc tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở vùng biển này. Hoạt động của Diễn đàn Khu vực ASEAN cần được đẩy mạnh để tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh hàng đầu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là chuyển từ giai đoạn xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa với những biện pháp cụ thể. ASEAN cũng cần đẩy mạnh hợp tác với nhau và với các đối tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển, v.v.

       

Về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC),  ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp theo mục tiêu và lộ trình đã đề ra và theo Biểu đánh giá thực hiện AEC, tập trung tạo sự lưu chuyển tự do hơn về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động,…. Cùng với việc thực hiện các thỏa thuận đã đề ra,  ASEAN sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ hơn về hạ tầng – giao thông và công nghệ thông tin, nhất là ở khu vực Tiểu vùng Mekong, từ đó sẽ mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á. Qua những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, ASEAN cũng sẽ tập trung tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp và tiến hành các biện pháp khả thi để sớm phục hồi, bảo đảm phát triển bền vững và cân bằng, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiến trình liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác và ở khu vực Đông Á cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là việc thỏa thuận và triển khai các Khu vực mậu dịch tự do.
      

Về xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, với mục tiêu bao trùm là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân,  ASEAN sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, phát huy bản sắc văn hóa, tạo dựng ý thức cộng đồng, đối phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. ASEAN đã và sẽ tiếp tục tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong những lĩnh vực này, nhất là nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.   
       Về quan hệ với các đối tác, mục tiêu bao trùm của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác khu vực liên kết sâu rộng hơn, nhưng không khép kín và vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với các bên đối thoại thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 (gồm Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Ốt-xtray-lia, Niu Di-lân, Nga, EU, Mỹ, Canada và LHQ), nhất là đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình hành động triển khai các Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và lâu dài cũng như tăng cường đối thoại ở Cấp cao và cấp Bộ trưởng với nhiều đối tác. ASEAN cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác Đông Á thông qua các khuôn khổ do Hiệp hội giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF); nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC, ASEM, LHQ, WTO, G20, …

“Tích cực, chủ động và có trách nhiệm”

      

Hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN là quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện qua việc đóng góp nhiều sáng kiến hay vào phương hướng, nội dung hoạt động của ASEAN, vào việc chủ trì và điều phối các hoạt động ASEAN 2010, mà còn thông qua việc tổ chức thành công các hội nghị ASEAN diễn ra tại Việt Nam trong năm nay. Để làm được điều này, phương châm và khẩu hiệu mà Việt Nam theo đuổi trong suốt quá trình gánh vác vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 là “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm” như đã được Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định.

     

Việt Nam đã  sớm khởi động công tác chuẩn bị về mọi mặt từ năm 2008 và tăng tốc các hoạt động chuẩn bị ngay từ khi bước sang năm 2009 . Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 với sự tham gia của Lãnh đạo các bộ/ngành và nhiều địa phương cùng bộ máy giúp việc gồm các tiểu ban chuyên trách trực thuộc (nội dung, tuyên truyền-văn hóa, lễ tân, an ninh-y tế, vật chất-hậu cần, Ban Thư ký) đã được thành lập và hoạt động rất khẩn trương. Đến cuối 2009, công tác chuẩn bị về mọi mặt cơ bản đã hoàn tất và Việt Nam đã sẵn sàng để thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN của mình ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2010.
      

Tuy nhiệm vụ nặng nề, nhưng Việt Nam khởi đầu năm Chủ tịch ASEAN 2010 trong một tư thế mới, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với thế và lực ngày càng gia tăng, uy tín quốc tế lớn cùng với bề dày kinh nghiệm hội nhập khu vực và quốc tế. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, với quyết tâm cao và ý thức trách nhiệm, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN và các đối tác, Việt Nam sẽ đảm đương thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010./.

 

Lê Nam

www.nghiencuubiendong.vn