Tóm tắt

Sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn và gia tăng cạnh tranh chiến lược đã khiến tập hợp lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương đi theo các hướng lớn như do Mỹ dẫn dắt, do Trung Quốc dẫn dắt, do các nước khác dẫn dắt và theo lĩnh vực. Sự dịch chuyển tập hợp lực lượng này tác động đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở cấp độ cục diện, cấu trúc khu vực, các nước và các vấn đề. Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức trong bối cảnh mới. Để có thể ứng xử phù hợp, Việt Nam cần nhận thức rõ các xu hướng tập hợp lực lượng, phương châm và từ đó đề ra các biện pháp thích hợp.

Từ khóa: Tập hợp lực lượng, châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam, chính sách đối ngoại.

Từ đầu thế kỷ XXI và nhất là trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa các nước lớn, kèm theo đó là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng (THLL) trong quan hệ quốc tế đã có những biến đổi về chủ thể, hình thái và bản chất. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), THLL đang phát triển ngày càng phức tạp với xu hướng đa dạng, đa tầng nấc, đan xen trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tại khu vực đã hình thành các nhân tố dẫn đến những thay đổi trong quá trình THLL. Các nhân tố bên ngoài là: (i) Việc chuyển dịch mạnh mẽ trong cán cân so sánh lực lượng của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, kể cả trên thế giới lẫn tại khu vực; (ii) Mặt cạnh tranh trong quan hệ giữa các nước lớn trở nên nổi trội, thậm chí có dự đoán khu vực đang tiến tới hình thành thế hai cực đối lập Mỹ - Trung; (iii) Chính sách tranh thủ, lôi kéo và THLL ráo riết giữa hai nước lớn đối với các nước trong khu vực. Các nhân tố bên trong là (i) Yếu tố lợi ích quốc gia, thể hiện ở lợi ích về an ninh lẫn kinh tế và (ii) Sự trỗi dậy của các ý thức hệ mang tính dân tộc chủ nghĩa và dân túy.

Dưới tác động của các nhân tố đó, tại CA-TBD có ba dạng THLL chủ yếu gồm: (i) THLL do Mỹ dẫn dắt; (ii) THLL do Trung Quốc dẫn dắt và (iii) Các THLL do các chủ thể không phải Mỹ và/hoặc Trung Quốc dẫn dắt (bao gồm cả các THLL do các chủ thể phi nhà nước (non- state) dẫn dắt, đặc biệt trên một số lĩnh vực an ninh phi truyền thống). Nếu xem xét theo lát cắt lĩnh vực, các THLL ở CA-TBD ngày càng mở rộng ra cả các lĩnh vực truyền thống (kinh tế, chính trị - an ninh - quân sự, văn hóa - xã hội…) và phi truyền thống (môi trường, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực). THLL ở khu vực cũng rất đa dạng về hình thức (song phương, đa phương, liên kết kinh tế, đối tác chiến lược theo lĩnh vực…) và lỏng lẻo về mức độ ràng buộc, không mang tính loại trừ lẫn nhau (một quốc gia có thể tham gia nhiều THLL). Nhìn chung, trong 5-10 năm tới, THLL ở CA-TBD chủ yếu đi theo bốn hướng: do Mỹ dẫn dắt; do Trung Quốc thúc đẩy; do các nước tầm trung (trong đó đáng chú ý nhất là ASEAN) làm nòng cốt và THLL linh hoạt theo vấn đề.

….

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

Lê Hải Bình, TS, Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại trung ương. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 1 (120), tháng 3/2020.