Tóm tắt

Chính sách đối ngoại bao gồm yếu tố chiến lược (lợi ích quốc gia  và cách thức tốt nhất để đạt được chúng) và chính trị (những thể chế và tác nhân nào đóng vai trò gì  và có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình chính sách). Hoạch định chiến lược đối ngoại là sự lựa chọn những mục tiêu cần đạt được và tạo dựng những phương cách để đạt được những mục tiêu đó. Còn khía cạnh chính trị của chính sách đối ngoại là quá trình lựa chọn và hình thành chính sách thông qua những thể chế tham gia vào hoạch định chính sách. Theo tiêu chí chủ thể quyết sách có 3 mô hình hoạch định chính sách đối ngoại: tập thể  quyết sách, cá nhân quyết sách và tổ chức quyết sách. Việt Nam theo mô hình tập thể quyết sách. Mô hình này có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Để nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách đối ngoại, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mô hình hoạch định chính sách đối ngoại trong nhận thức cũng như xây dựng và phát triển các cơ quan tư vấn chính sách.

Từ khóa: Chính sách đối ngoại, hoạch định chính sách đối ngoại, dân chủ hóa, phản biện ...

Đặt vấn đề

Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội…Theo một định nghĩa thông dụng nhất, “chính sách đối ngoại là tổng thể những chiến lược, sách lược, chủ trương, quyết định và những biện pháp do nhà nước hoạch định và thực thi trong quá trình tham gia tích cực, có hiệu quả vào đời sống quốc tế trong từng thời kỳ lịch sử, vì lợi ích quốc gia, phù hợp với xu thế phát triến của tình hình thế giới và pháp luật quốc tế”.[1] Chính sách đối ngoại bao gồm hai tập hợp câu hỏi lớn gồm chiến lược chính sách đối ngoại (lợi ích quốc gia là gì và cách nào tốt nhất để đạt được chúng) và chính trị chính sách đối ngoại (những thể chế và tác nhân nào đóng vai trò gì và có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình chính sách). Hoạch định chiến lược, chính sách đối ngoại là bản chất của sự lựa chọn những mục tiêu cần đạt được và tạo dựng những phương cách để đạt được những mục tiêu đó.[2] Trong khi đó, chính trị chính sách đối ngoại là quá trình lựa chọn và hình thành chính sách thông qua những thể chế tham gia vào hoạch định chính sách.[3] Nếu lấy tiêu chí là chủ thể quyết sách, hiện nay trên thế giới có 3 mô hình hoạch định chính sách đối ngoại: cá nhân quyết sách; tập thể quyết sách và tổ chức quyết sách. Mô hình cá nhân quyết sách là mô hình tồn tại trong các thể chế quân chủ chuyên chế hoặc thế chế tổng thống, ví dụ như Arập Xêút, Hoa Kỳ, Nga...Mô hình tập thể quyết sách là mô hình của các nước XHCN, mà ở đó chính quyền nhà nước do Đảng Cộng sản nắm như Việt Nam, Cu Ba, Lào...Mô hình tổ chức quyết sách là mô hình mới, hình thành ở Trung Quốc năm 2013. Ủy ban An ninh quốc gia là cơ quan quyết định các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia. Việt Nam theo mô hình tập thể quyết sách với vai trò tối cao của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Mô hình này có những ưu điểm song cũng có những hạn chế nhất định. Để giảm hạn chế, tăng cường hiệu quả việc hoạch định chính sách đối ngoại, Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới quy trình hoạch định chính sách đối ngoại.

Tại sao lại phải đổi mới quy trình hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam?

Có nhiều nguyên nhân đòi hỏi phải đối mới quy trình hoạch định chính sách đối ngoại ở nước ta.

Thứ nhất, nội dung chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung đã trở nên đa dạng, phong phú, nhiều chiều và vô cùng phức tạp. Nếu như trong Chiến tranh Lạnh, nội dung chính sách đối ngoại đơn giản chỉ là những vấn đề chính trị. Hiện nay, chính sách đối ngoại của quốc gia phải xử lý ngoài  các vấn đề chính trị, còn có các vấn đề kinh tế, văn hóa, môi trường... Cùng ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa phát triển mạnh mẽ. Ngay trong chính trị đối ngoại, nội dung cũng được mở rộng. Chính trị đối ngoại còn bao hàm cả quốc phòng và an ninh. Bên cạnh an ninh truyền thống còn có an ninh phi truyền thống. An ninh phi truyền thống là một lĩnh vực rất rộng lớn từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chống khủng bố, chống buôn bán người, ma túy cho đến an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước v..v. Nội dung kinh tế của chính sách đối ngoại cũng vô cùng phong phú, phức tạp, không đơn thuần chỉ là xuất nhập khẩu, đầu tư mà còn rất nhiều các lĩnh vực phức tạp khác như công nghệ, sở hữu trí tuệ, bản quyền... Ngoài ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương phát triển mạnh. Ngoại giao cấp cao phát triển đột biến cũng là nét đặc trưng của ngoại giao kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đại hội Đảng ta lần thứ XI (2011) đã rất đúng khi nêu ra quan điểm ngoại giao toàn diện. Đó là: i) Toàn diện về chủ thể..; ii) Toàn diện về lĩnh vực với 4 trọng tâm là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; iii) Toàn diện về đối tác và địa bàn..; iv) Toàn diện về công cụ sử dụng.[4]

Như vậy, nội hàm của ngoại giao trở nên rất phong phú, đa dạng và phức tạp cần có sự tham gia xử lý của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc hoạch định chính sách đối ngoại.

Thứ hai, quy trình hoạch định chính sách đối ngoại của chúng ta còn một số hạn chế. Quy trình hoạch định chính sách của Việt Nam là hoạch định tập thể. Quy trình  hoạch định chính sách đối ngoại trên có những ưu điểm lớn cần phải nói đến. Đó là:

i) Đã tập trung được sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đối việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia. Điều đó cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

ii) Đường lối, chính sách đối ngoại được thông qua tại các Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên đã tranh thủ được trí tuệ tập thể trong việc hoạch định, đảm bảo được việc đáp ứng lợi ích quốc gia - dân tộc, tránh được phần nào sự chủ quan trong hoạch định chính sách.

iii) Chính sách đối ngoại là lĩnh vực có nhiều vấn đề tế nhị, nhiều bí mật quốc gia vì liên quan đến đối tượng, đối tác nước ngoài. Về cơ bản qui trình hoạch định này đã đảm bảo đươc tính mật trong hoạch định chính sách. Đó là một trong các thành công lớn của ngoại giao trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bên cạnh mặt ưu điểm, điểm mạnh, mô hình hoạch định chính sách đối ngoại trên cũng có một số hạn chế nhất định. Có thế kể đến:

i) Quá trình hoạch định chính sách chưa thật sự tranh thủ đươc trí tuệ của các chuyên gia, các học giả. Trước đây trong điều kiện chiến tranh, bí mật quốc gia là tối thượng, không thể đưa ra thảo luận rộng rãi; các đề án đối ngoại, không thể mời giới khoa học và cả xã hội tham gia phản biện các dự án chính sách đối ngoại của quốc gia. Tuy nhiên, việc mở rộng thảo luận về các vấn đề/đề án đối ngoại hiện nay vẫn chưa thực sự toàn diện và đồng đều. Hệ thống các cơ quan tư vấn chưa được phát huy mạnh mẽ, vì thế chưa tranh thủ được trí tuệ của xã hội, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng các chính sách và cũng hạn chế sự đồng thuận xã hội.

ii) Công tác nghiên cứu làm luận cứ khoa học cho các quyết sách đối ngoại, nghiên cứu các vấn đề quốc tế cũng chưa thật sự bài bản, căn cơ. Nhiều vấn đề lý luận cũng như thực tiễn chưa có điều kiện làm rõ. Ví dụ như  trước đây có vấn đề mâu thuẫn Xô - Trung về mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc trong thời kỳ kháng chiến Mỹ cứu nước. Về mâu thuẫn Xô - Trung, chúng ta cho rằng đó là mâu thuẫn về đường lối, chính sách, chưa thấy đó là mâu thuẫn cơ bản về lợi ích. Hiện nay, cũng có không ít vấn đề quốc tế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mặt khác, chúng ta cũng chưa thực sự coi trọng khía cạnh khoa học của việc hoạch định chính sách đối ngoại nên thường bỏ qua các khâu xây dựng lý luận để định hướng nhận thức và  thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng… Ví dụ, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị ra ngày 10/4/2013 đã cụ thể hóa một bước chủ trương của Đại hội XI về vấn đề hội nhập quốc tế. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ, như thế nào là hội nhập sâu; tiêu chí đánh giá đối tác chủ chốt là thế nào…

iii) Chưa tổ chức được nhiều việc lấy ý kiến phản biện các dự án đối ngoại. Cũng vì yếu tố bảo mật, nhạy cảm, đề án đối ngoại không được đưa ra tranh thủ ý kiến phản biện rng rãi.

iv) Chúng ta chưa phân tách được con người lãnh đạo, con người tư duy và con người hành động. Đáng chú ý, đội ngũ tư duy chiến lược chuyên nghiệp giúp hoạch định chính sách đối ngoại còn chưa mạnh. Chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc vấn đề này trong thời kỳ chống Mỹ. Để nghiên cứu về thế giới, đặc biệt là nước Mỹ và hoạch định đối sách trong đấu tranh ngoại giao với Mỹ, trước hết là phục vụ Hội nghị Pari về Việt Nam, Bộ Chính trị đã thành lập “Tiểu ban Việt Nam” trực thuộc Bộ Chính trị gọi là CP-50, gồm các nhà nghiên cứu tài giỏi, nhiều kinh nghiệm như các ông Nguyễn Cơ Thạch, Đinh Nho Liêm, Trần Quang Cơ, Võ Văn Sung… Đây thực sự là một nhóm tư duy chiến lược góp phần quan trọng trong việc hoạch định đối sách cơ bản chính xác, khoa học chống lại nền ngoại giao nhà nghề của nước Mỹ. Việc Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chiến lược đã góp phần quan trọng, đưa nước ta dần dần thoát khỏi tình trạng bị bao vây cấm vận, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, từng bước hội nhập quốc tế và khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đã “từng giao hẳn một vấn đề cho một người, không làm việc gì cả, chỉ tập trung suy nghĩ cho thấu đáo cho ra nhẽ”.[5]

Đại hội  lần thứ VI của Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một sự thiếu sót về đối ngoại và khẳng định đây là “bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan… Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa tả khuynh vừa hữu khuynh”[6]. Xét về bản chất, đây là kết quả của các yếu tố kể đến ở trên.

vi) Một hạn chế nữa của quy trình hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam là thiếu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hoạt định chính sách. Bộ Ngoại giao có thông tin của 98 cơ quan đại diện ở nước ngoài, còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…. cũng có những kênh thông tin riêng. Thông tin hầu như chưa  được chia sẻ trong giới hoạch định chính sách quốc gia ở mức cần thiết và nhất là chưa được tập hợp trong một cơ chế Hội đồng An ninh quốc gia vốn thông dụng ở nhiều nước trên thế giới.

vii) Cuối cùng, nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới có cơ chế Hội đồng An ninh quốc gia. Hội đồng nào cũng có bộ máy giúp việc chuyên trách với nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo quốc gia về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Văn phòng của Hội đồng gồm những chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau. Học thuyết quân sự mới (12/2014), Chiến lược an ninh quốc gia mới (12/2015), Học thuyết biển (7/2015), Học thuyết đối ngoại mới (11/2016) của Nga đều do Bộ máy giúp việc của Hội đồng An ninh quốc gia soạn thảo. Gần đây, Nhật Bản cũng thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc cũng thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia (2013) gồm các chuyên gia lớn đa ngành do Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tập Cận Bình làm Chủ tịch và Chủ tịch Quốc hội, Thủ tưởng Chính phủ làm Phó Chủ tịch. Đây là kinh nghiệm của thế giới chúng ta cần tham khảo. Việt Nam đang thành lập  Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên, Hội đồng này lại không có bộ máy giúp việc chuyên trách.

Cần phải đổi mới cái gì?

Trước hết, cần đổi mới nhận thức. Ngoại giao là một khoa học tổng hợp và nghệ thuật. Chính vì vậy, không thể chỉ ứng xử với ngoại giao bằng chủ nghĩa kinh nghiệm. Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và hoạch định chính sách đối ngoại quốc gia là một khoa học mà nhiều. chuyên gia đã đánh giá là khoa học xã hội phức tạp nhất trong các bộ môn khoa học xã hội. Giáo sư Nga A.B. Torcunov cho rằng hệ thống quốc tế là hệ thống phức tạp nhất trong thế giới hữu sinh.[7]  Do đó, hoạch định chính sách đối ngoại là việc làm khoa học và phải có cách tiếp cận  khoa học.

Một khía cạnh khác của đổi mới tư duy chính là tăng cường dân chủ hóa quá trình quyết sách đối ngoại. Về bản chất, đây là việc tranh thủ sự tham gia rộng rãi, tích cực của cộng đồng khoa học, của xã hội vào các quyết sách đối ngoại. Ngoài việc đóng góp ý kiến cho việc xây dựng luận c khoa học của các chủ trương đối ngoại, giới học giả có thể đóng góp các sáng kiến về giải pháp, lập luận... Các học giả, xã hội đóng góp hiệu quả lại phụ thuộc vào cơ chế cung cấp thông tin định kỳ cho họ. Dân chủ hóa còn bao gồm cả việc tăng cường phản biện các quyết sách đối ngoại. Phải biện không có nghĩa là phản bác. Việc phản biện chủ yếu liên quan đến việc đưa ra các góc nhìn khác, giải pháp khác để bổ sung hoặc điều chỉnh các phương án ban đầu.

Ngoài ra, cần đổi mới nhận thức về vai trò của cơ quan quyết sách, cơ quan tham mưu và lực lượng thực hiện. Cấu trúc của quá trình ra quyết sách (người lãnh đạo, người tư duy và người thừa hành) cần được tách ra theo các hình thức phân công lao động chuyên biệt. Theo đó, Bộ Chính trị là cơ quan quyết sách tối cao, cần có đội ngũ chuyên gia đa ngành giỏi làm nhiệm vụ nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến, giải pháp. Trên cơ sở các đề xuất của đội ngũ chuyên gia đa ngành, Bộ Chính trị bàn và đưa ra quyết định cuối cùng.

Thứ hai, cần nhanh chóng xây dựng các “think tank” (có thể hiểu trong tiếng Việt bằng nhiều khái niệm khác nhau như “Túi khôn”, “Vựa tư duy”, “Vựa ý tưởng”, “Nhóm tư duy chiến lược”...). Hiện toàn thế giới có khoảng 5500 think tank, rất phát triển ở các nước tiên tiến như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật và phát triển nhanh ở Trung Quốc. Có think tank  nghiên cứu các vấn đề có phạm vi toàn cầu, có nhóm chỉ quan tâm đến các vấn đề khu vực hoặc vấn đề của nước mình, công ty hay trường đại học của mình. Về đối tượng nghiên cứu có think tank coi trọng tâm nghiên cứu là chính sách, hỗ trợ quá trình làm luật, ban hành quyết sách hay phục vụ các đảng phái chính trị, hoạch định các hướng đi chiến lược, tạo môi trường sinh hoạt tri thức cho lãnh đạo chính trị lão luyện và tài năng chính trị kế cận có think tank, chuyên nghiên cứu những chương trình hành động, đề xuất những sáng kiến, làm cơ sở cho các chương trình nghị sự toàn cầu của quốc gia. Ví dụ như Royal Institute  of  International  Affairs của Anh và Brookings Institute Council  on Foreign Relations của Mỹ… Các chiến lược đối ngoại lớn đều in đậm dấu ấn của các think tank. Sự phát triển của think tank là một trào lưu phát triển mạnh trên thế giới.

 Trước yêu cầu của thực tiễn, các think tank không chỉ nghiên cứu định hướng cho những quyết định phản ứng nhanh của cơ quan chỉ huy, phát hiện các nguy cơ và phát kiến các đối sách, giúp người lãnh đạo luôn nắm lấy thượng nguồn của của dòng chảy vận động của thực tiễn, tránh cho lãnh đạo rơi vào tình trạng “theo đuôi”, mà còn hơn thế nữa phải tư duy theo hướng phát kiến những tiền đề của một trật tự mới nảy sinh từ đáy sâu của trạng thái vô trật tự, tạo cơ hội để kiến thiết những sáng tạo cho dòng chảy mới vận hành.[8]

 Think tank là cầu nối giữa tri thức hàn lâm và chính sách. Hiện chưa có tiêu chí thật rõ ràng về think tank. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Stephen Boucher năm 2004 cũng đã sơ bộ nêu ra 9 tiêu chí của think tank. Đó là: tổ chức thường trực; chuyên đưa ra các giải pháp chính sách công; có một đội ngũ chuyên nghiên cứu riêng; cung cấp một sản phẩm đặc biệt gồm các bài nghiên cứu, lời khuyên, nhận xét, nhằm trao đổi với lãnh đạo và công chúng; không bị giao các nhiệm vụ của chính phủ; giữ độc lập với các lợi ích cá nhân và đảm bảo quyền tự do nghiên cứu; chức năng chính không phải là công tác đào tạo và cấp bằng; phục vụ lợi ích chung qua công việc của mình.[9]

Hiện nay, ở nước ta có thể nói thực sự chưa có các think tank theo đúng nghĩa về quốc tế và chính sách đối ngoại.[10] Học viện Ngoại giao Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với một loạt các viện nghiên cứu về quốc tế như Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện nghiên Châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á..., Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và gần đây là Hội đồng Lý luận Trung ương đang phấn đấu từng bước để trở thành các think tank thực thụ trong nghiên cứu quốc tế và đối ngoại Việt Nam.

Thứ ba, cần hình thành Văn phòng Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia. Theo Điều 89 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam năm 2013, Việt Nam có Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Song, Hội đồng không có bộ máy giúp việc. Muốn làm việc hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Hiến pháp quy định thì Hội đồng phải có cơ quan giúp việc mạnh gồm các chuyên gia các lĩnh vực khác nhau như đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, tài chính, môi trường v..v…

Với việc hình thành Văn phòng Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia, những bất cập đã trình bày ở trên sẽ được khắc phục cơ bản. Khi bộ máy tham mưu, giúp việc như vậy của Hội đồng được hình thành thì tất cả các đề án liên quan đến đối ngoại, an ninh quốc gia của các bộ ngành trình Bộ Chính trị sẽ được bộ máy này nghiên cứu, phân tích phản biện rồi trình Bộ Chính trị ra quyết định. Hơn nữa, tác giả các dự án sẽ có cơ hội trao đổi, tranh luận trực tiếp với các chuyên gia của Hội đồng để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất có thể. Bộ Chính trị vẫn là cơ quan quyết sách tối cao của Đảng và Nhà nước ta về đối ngoại và an ninh quốc gia. Văn phòng Hội đồng Quốc phòng và An ninh chỉ làm nhiệm vụ tham mưu, không phải là cơ quan quyết sách.

Tổng kết lại, các quan hệ quốc tế đang vận động trong một môi trường đa chiều và phức tạp. Điều này đòi hỏi tất cả các nước phải có những cách tư duy và ra quyết định phù hợp với bối cảnh mới. Việt Nam cũng cần phải có những điều chỉnh phù hợp với xu hướng này. Việt Nam đã dựa vào quá trình ra hoạch định chính sách tập thể để vừa tranh thủ trí tuệ tập thể vừa giữ tính bảo mật và tạo được sự lãnh đạo thống nhất và tập trung của Đảng đối với việc triển khai chính sách đối ngoại quốc gia. Cách thức này đã phù hợp và mang lại những thành tựu đối ngoại rực rỡ cho Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến cứu nước và bắt đầu xây dựng hòa bình. Tuy nhiên, quá trình hoạch định chính sách này hiện nay cần tranh thủ được trí tuệ của giới học giả. Hơn nữa, cần có thêm liều lượng phản biện khoa học để từ đó đa dạng được cơ sở khoa học và thực tiễn cho các lựa chọn chính sách. Theo đó, quá trình hoạch định chính sách hiện nay cần có một số điều chỉnh. Người làm chính sách phải nhận thứchơn việc hoạch định chính sách đối ngoại là một khoa học; các chủ trương lớn, các chiến lược hoặc học thuyết cần được phản biện kỹ hơn. Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng các think-tank tư vấn chính sách thực thụ. Ngoài ra, cần lập văn phòng Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, có chức năng tham mưu giúp Hội đồng phản biện các đề án đối ngoại, an ninh lớn. Những thay đổi về nhận thức, tổ chức và hành động này sẽ giúp Việt Nam đề ra những quyết sách đối ngoại phù hợp hơn nữa trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến đa dạng và phức tạp hiện nay.

PGS.TS, Vũ Dương Huân, nguyên giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 3 (108).

TÀI LIU THAM KHO

1.    Bruce W. Jentleson, Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ: Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2004.

2.    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội VI, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội - 1987.

3.    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2011.

4.    Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2016.

5.    Thạch Giản: “Xin đường hiểu sai từ phản biện”, Báo vietnamnet.vn, ngày 16/11/2010.

6.    PGS TS Vũ Dương Huân, “Tiếp tục đổi mới quá trình thông qua quyết định đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3(86) 9/2011.

7.    Nguyễn Lương Hải Khôi, “Xây dựng lực lượng think tank”, Báo vietnamnet.vn, ngày 20/10/2010.

8.    Nguyễn Lương Hải Khôi, “Xây dựng văn hóa tranh luận để Việt Nam thành cá kình”, Báo điện tử: Tuan Vietnamnet.vn, ngay 17/6/2010.

9.    Phương Loan, “Cựu Ngoại trưởng Việt Nam bàn về bang giao với Mỹ”, Báo điện tử vietnamnet.vn, ngày 8/7/2010.

10.  Phạm Bình Minh, “Ngoại giao Việt Nam năm 2011: Triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 832, tháng 2 /2012.

11.  Sưgancov P.A, Lý luận quan hệ quốc tế, Nxb. Gardarki Matxcova-2005 (tiếng Nga).

12.  Thomas Bondiguel và Thierry Kellner, “Trung Quốc khôn khéo sử dụng cố vấn độc lập”, Báo điện tử vietnamnet.vn, ngày 18/10/2010.

13.  Torcunov A B, Quan hệ quốc tế hiện đại, Nxb. Rospen, Matxcơva -2000 (tiếng Nga).

 


[1] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội-1995,  t. 1, tr. 476.

[2] Bruce W. Jentleson, Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ: Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2004,  tr.7.

[3] Bruce W. Jentleson, Sđd, tr.7.

[4] Phạm Bình Minh, “Ngoại giao Việt Nam năm 2011: Triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 832, tháng 2 /2012.

[5] Phương Loan, “Cựu Ngoại trưởng bàn về bang giao với Mỹ”, Báo điện tử vietnamnet.vn, ngày 08/7/2010.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, Hà Nội-1987, tr. 26.

[7] GS. A.B.Tôrcunov (Chủ biên): Quan hệ quốc tế hiện đại, Nxb. Rospen, Matxcova 2000, tr. 36-37 (tiếng Nga).

[8] Nguyễn Lương Hải Khôi, “Xây dựng lực lượng think tank để phát triển”, Tuanvietnvietnamnet.vn, 20/10/2010.

[9] Xem: Thomas Bondiguel và Thery Keller, “Trung Quốc khôn khéo trọng dụng cố vấn độc lập”,  http:community.tuanvietnam.vietnamnet.vn /15/10/2010.

[10] Theo tiêu chí và đánh giá của J. G.MacGann, (chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu), Các think tanks và những xã hội công dân, Trường ĐH Pennsylvania, Hoa Kỳ, Việt Nam hiện nay chỉ có 9 think tank.