Tóm tắt

Năng lượng là nhân tố trọng yếu đối với an ninh - kinh tế của mỗi quốc gia. Đảm bảo an ninh năng lượng vì thế trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu và ngoại giao năng lượng cũng được chú trọng hơn bao giờ hết. Đây được xem là lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp và cần thiết, đóng góp tích cực cho lợi ích quốc gia - dân tộc trên cả ba khía cạnh an ninh, phát triển và nâng cao vị thế. Với thế và lực của từng quốc gia kết hợp với những vận động của bối cảnh quốc tế, mức độ, hình thức triển khai các chiến lược năng lượng và ngoại giao năng lượng có thể linh hoạt, sáng tạo, từ đơn giản đến phức tạp, từ song phương đến đa phương, chủ yếu xoay quanh hai dạng: ngoại giao vì năng lượng và ngoại giao bằng năng lượng. Việt Nam đã xác định bảo đảm vững chắc, lâu dài an ninh năng lượng quốc gia mang tầm quan trọng, chiến lược hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia và nhấn mạnh vai trò của ngoại giao và đối ngoại năng lượng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó.

Từ khóa: năng lượng, an ninh năng lượng, ngoại giao năng lượng, chiến lược, phát triển bền vững

Mở đầu

Năng lượng xưa nay vẫn là tâm điểm của các chính sách đối ngoại, là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh, xung đột. Giờ đây, khi nguy cơ cạn kiệt nguồn dầu mỏ có thể trở thành hiện thực trong vài chục năm tới, thì nguồn cung và nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên làm nguyên liệu công nghiệp và sản xuất năng lượng, đang và sẽ ngày càng có sức nặng hơn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của mọi quốc gia. Chưa bao giờ hoạt động ngoại giao gắn liền với các hợp đồng khai thác tài nguyên khoáng sản lại có sự chuyển động phức tạp và mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với đó, những vận động mới của thị trường năng lượng thế giới như sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng  tái tạo, cạnh tranh chiến lược về năng lượng, xu hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng bền vững, vai trò của các chủ thể phi nhà nước, các diễn đàn đa phương đang là những nhân tố chi phối ngày càng rõ nét đến việc xây dựng chính sách năng lượng và ngoại giao năng lượng của các quốc gia. Ngoại giao năng lượng vì thế sẽ luôn là một câu chuyện mang tính thời sự. Bài viết này sẽ trình bày vấn đề chính trị năng lượng và ngoại giao năng lượng từ cả góc độ lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đưa ra những hàm ý cho việc tiếp cận, xây dựng và triển khai ngoại giao năng lượng ở Việt Nam.

Ngoại giao năng lượng trong lý thuyết quan hệ quốc tế

Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ quy mô toàn cầu vào những năm 1970 đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, dẫn đến tình trạng kinh tế “lạm phát kèm suy thoái” (stagflation) ở các nước phát triển phương Tây và suy thoái kinh tế ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Có thể nói, hậu quả của cuộc khủng hoảng đã gợi mở một vấn đề nghiên cứu về vai trò của năng lượng cũng như tác động của chúng đối với các nền kinh tế, thương mại và ngoại giao khi mà đại đa số các quốc gia dựa vào nguồn tài nguyên này để đảm bảo an ninh kinh tế, xã hội và quân sự.

….

Đọc toàn bộ bài viết tại đây.

Vũ Lê Thái Hoàng, TS, Bộ Ngoại giao. Hàn Lam Giang, ThS, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao. Bài viết thể hiện nghiên cứu và quan điểm cá nhân của các tác giả, không phản ánh quan điểm của cơ quan công tác. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, số 1 (120), tháng 3/2020.