23/07/2018
Thế giới đang chuyển sang “Thế giới Mạng - đa trung tâm” và trong bối cảnh đó Việt Nam là một nước không lớn và đang gặp những thách thức nghiêm trọng mới đối với chủ quyền, an ninh và phát triển, nhưng về lâu dài, vẫn có những thuận lợi chiến lược để tận dụng các thay đổi trong trật tự và luật chơi quốc tế đang định hình, giúp củng cố hơn nữa vị thế độc lập, đồng thời khai thác tối đa có thể các nguồn lực từ bên ngoài vì an ninh và phát triển đất nước.
Tóm tắt:
Bài viết nhận định rằng thế giới đang chuyển sang “Thế giới Mạng - đa trung tâm” và trong bối cảnh đó Việt Nam là một nước không lớn và đang gặp những thách thức nghiêm trọng mới đối với chủ quyền, an ninh và phát triển, nhưng về lâu dài, vẫn có những thuận lợi chiến lược để tận dụng các thay đổi trong trật tự và luật chơi quốc tế đang định hình, giúp củng cố hơn nữa vị thế độc lập, đồng thời khai thác tối đa có thể các nguồn lực từ bên ngoài vì an ninh và phát triển đất nước”. Tăng cường tính độc lập và sự linh hoạt cao nhất về đối ngoại trong thế giới mạng đa trung tâm là thấm nhuần tư tưởng và thực tiễn Ngoại giao Hồ Chí Minh, phục vụ tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam.
Từ khóa: Trật tự thế giới, thế giới mạng-đa trung tâm, đối ngoại Việt Nam.
Trật tự thế giới đang trong thời chuyển tiếp
Từ những năm cuối Thế kỷ 20, đầu Thế kỷ 21, ngày càng có nhiều biểu hiện của một trật tự và luật chơi quốc tế mới rất khác với thời “Thế giới cực” do tác động của nhiều yếu tố. Trước hết đó là toàn cầu hóa (TCH) và Cách mạng thông tin đã làm gia tăng sự tùy thuộc và tác động kết nối trực tiếp giữa các quốc gia, dân tộc và mọi chủ thể của quan hệ quốc tế (QHQT). Tiếp đến là sự thay đổi nhanh chóng tương quan sức mạnh giữa các nước lớn đã làm xuất hiện hình thái không có nước nào - dù là hùng mạnh nhất - có thể một mình chi phối các sự kiện quốc tế, và giải quyết được các vấn đề toàn cầu và khu vực đang ngày càng nhiều. Trật tự và luật chơi quốc tế thay đổi không ngừng, và đến nay có thể nêu vài đặc điểm tổng quát sau:
Một là: trật tự thế giới đang chuyển hóa dần đến đa trung tâm. Thời cổ đại, đó là trật tự và luật chơi “man rợ” theo quyền lực tối thượng của các “Đấng tối cao” dựa vào tập quyền tuyệt đối về sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng. Bước vào thời kỳ phong kiến và tiền tư bản cùng với sự ra đời của các đế chế, trật tự và các luật chơi quốc tế gắn với sức mạnh thực tế của các trung tâm quyền lực về quân sự, kinh tế, tôn giáo. Các đế chế ra đời, lớn mạnh rồi tàn lụi, thay thế nhau bằng các cuộc chiến tranh, thôn tính theo luật kẻ mạnh thắng kẻ yếu. Đến thời tư bản, xã hội phát triển theo quy luật cạnh tranh, và chiến tranh như là kết cục tất yếu: đế quốc sinh sau thắng đế quốc già cỗi và thiết lập trật tự và luật chơi quốc tế, về cơ bản vẫn là trật tự đơn cực, tuy trước Thế chiến I, đã tồn tại trong vài năm một trật tự “đa cực đế quốc”. Từ 1917, Liên Xô ra đời trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, phải đấu tranh để tồn tại và phát triển, và bắt đầu thúc đẩy một trật tự thế giới mới. Thế chiến II (1939-1945) như là cuộc khủng hoảng về trật tự cũ do các trung tâm đế quốc chi phối. Sau các cuộc chiến tranh này, Liên Xô lớn mạnh vượt bậc, trật tự thế giới mới bắt đầu trên thực tế với sự phân chia địa chính trị thành hai phe.
Trong suốt 46 năm (1945-1991), trật tự “hai cực” Xô-Mỹ theo ý thức hệ, đã chi phối QHQT với các luật chơi chính là đối đầu và cạnh tranh trực diện, gần như không có sự hợp tác nào đáng kể.
Từ năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, siêu cường duy nhất còn lại là Mỹ với tham vọng thiết lập “trật tự một cực” nhưng đã không thành công do lâm vào khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 và sa lầy vào hai cuộc chiến chống khủng bố tại Ápganixtan và Irắc. Trong khi đó các nước lớn khác tận dụng thời cơ để vươn lên, đặc biệt là Trung Quốc đã khai thác triệt để TCH, và từ năm 2010 trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Nước Nga dưới thời Putin xúc tiến hiện đại hóa quân sự và giành giật lại ảnh hưởng tại các khu vực “Liên Xô cũ”. Ấn Độ, Nhật Bản và EU đều năng động và độc lập hơn. Kinh tế thế giới phát triển vào giai đoạn “chuỗi giá trị” với vai trò quan trọng của các tập đoàn đa, xuyên quốc gia. Các liên kết mới đa dạng về kinh tế, chính trị an ninh ra đời. Các liên minh liên kết thời “Chiến tranh Lạnh” còn lại đã trở nên lỏng lẻo: nước Anh đang rời bỏ EU; Thủ tướng Đức kêu gọi châu Âu hãy thôi dựa dẫm vào Mỹ và tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Hiện vẫn còn những thế lực tham vọng giành vị thế siêu cường để “làm vua thiên hạ”. Nhưng có thể nói lịch sử đã sang trang dưới tác động của 2 quy luật chính: “sự xuất hiện và tàn lụi của các đế chế” và “sự phát triển khách quan của TCH”. Theo đó, cấu trúc quyền lực quốc tế đã trở nên phức hợp, không còn chỉ tập trung ở một số nước lớn nhất định; quyền lực và ảnh hưởng phân bố theo hình thái đa trung tâm, không trung tâm nào có thể chi phối các trung tâm khác và thế giới nói chung.
Yếu tố tiếp theo là sự thay đổi tính chất tương tác giữa các trung tâm, các quốc gia. Tiến trình TCH đã đưa đến sự thiết lập một mạng liên hệ qua lại dày đặc, đa tầng nấc, đa lĩnh vực giữa tất cả các chủ thể QHQT. Sự tùy thuộc giữa các quốc gia tăng lên đến mức không một trung tâm nào, dù là mạnh nhất, có thể bằng các chính sách đơn phương độc đoán để giành cái lợi riêng mà không bị thiệt hại. Mỹ là một siêu cường nhưng từ năm 2009 Tổng thống Obama đã công nhận rằng, Mỹ không thể ép buộc các nước khác làm theo ý Mỹ, và “Mỹ hướng đến xây dựng các quan hệ với các nước trên cơ sở tính đến lợi ích của nhau và tôn trọng nhau”.1 Trong thế giới hiện đại, ngay các quan hệ giữa các nước lớn và cả với các nước nhỏ cũng là những mối quan hệ tương tác; ngày càng ít đất cho luật chơi đơn phương áp đặt. Trong QHQT trước đây, người ta chỉ quen mô hình hóa các “Tam giác chiến lược” giữa các nước lớn như “Mỹ-Xô-Trung”. Nhưng giờ đây đã có thể nêu các khuôn khổ “tam, tứ giác” như Trung Quốc-Ấn Độ-Mianma, Mỹ-Nhật Bản-Ôxtrâylia-Philíppin, Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam…để xem xét bản chất và tác động qua lại của các mối quan hệ giữa các nước lớn, nhỏ khác nhau.
Thời nay, từ phương diện an ninh thế giới, tưởng rằng, cân bằng vững chắc về vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc (trước hết giữa Mỹ và Nga) đã là bảo đảm khó xảy ra chiến tranh hủy diệt. Tuy nhiên, sự phức tạp của vấn đề Triều Tiên, trường hợp Iran, Pakixtan-Ấn Độ đã cho thấy nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện hữu và còn phức tạp hơn nhiều và có thể xuất hiện không chỉ trong quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân, mà cả giữa các nước lớn và nhỏ. Thêm vào đó, QHQT trở nên bất định hơn bởi nhiều yếu tố như sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố hay việc xuất hiện những cá nhân lãnh đạo mới…Việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân càng tỏ ra khó khăn hơn. Nền hòa bình trong thế giới TCH càng không thể chia cắt, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các nước để không xảy ra chiến tranh hạt nhân. Trong thời TCH và vũ khí hạt nhân, nhu cầu cùng tồn tại, cùng phát triển của tất cả các quốc gia ngày càng lớn hơn bao giờ hết.
Từ “đa cực” chuyển qua “đa trung tâm,” quan hệ quốc tế có đặc trưng “vừa cạnh tranh, vừa hợp tác” và tương tác qua lại nhau. Đó là một thay đổi quan trọng về tính chất của luật chơi không chỉ trong quan hệ nước lớn mà còn trong QHQT nói chung trong tất cả các mối quan hệ giữa các quốc gia. Kết quả là nhận định về việc các nước lớn vẫn có vai trò mang tính “quyết định” đối với tình hình thế giới cũng chỉ còn có ý nghĩa tương đối.
Tất cả các yếu tố trên đã và đang dẫn đến sự định hình lần đầu tiên trong lịch sử, một thế giới Mạng-đa trung tâm, đa chủ thể, đa đối tác/đối tượng tác động qua lại nhau ở nhiều cấp độ và đa lĩnh vực. Trong thế giới đó, tất cả các nước lớn hay bé đều có lợi ích trải rộng qua mạng toàn cầu trong các lĩnh vực khác nhau. Chiến tranh hạt nhân hủy diệt (ở bất cứ quy mô nào) cũng đều là vô cùng mạo hiểm và trở thành nhân tố kiềm chế chiến tranh hủy diệt ở cả cấp khu vực. Yếu tố ý thức hệ chính trị - tư tưởng trong QHQT không còn chi phối khi tất cả các nước đều đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc. Các luật chơi mới ra đời gắn với hình thái tác động qua lại nhau, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Dù các nước lớn tuy còn đóng vai trò nhưng không còn là các “cực” để có thể tập hợp lực lượng theo phương cách cũ. Khái niệm “thế giới đa cực” trở nên ít thích hợp khi tất cả các nước lớn hay bé đều là những chủ thể QHQT tương tác tổng hợp qua lại với nhau trong sự cạnh tranh quyết liệt nhất, vì lợi ích dân tộc - quốc gia của mình.
Hai là: Trật tự thế giới và luật chơi QHQT thay đổi gắn với tiến trình dân chủ hóa của đời sống xã hội quốc tế. Cấu trúc quyền lực của thế giới thay đổi cùng với sự thay đổi so sánh lực lượng giữa các trung tâm, sự gia tăng không ngừng các chủ thể tham gia, và sự phát triển sâu rộng mạng lưới các mối QHQT. Lợi ích của tất cả các quốc gia đan xen nhau thúc đẩy mạnh mẽ sự đấu tranh vì sự công bằng; đòi tiếng nói và vị thế quốc tế tương xứng. Các xu hướng phát triển trên thế giới không chỉ phụ thuộc vào chính sách của các trung tâm-nước lớn, các liên minh, liên kết, các tập đoàn hùng mạnh mà còn bị tác động bởi chính các nước nhỏ và trung bình và bởi xã hội công dân đang có vai trò gia tăng trong quá trình xây dựng chính sách đối nội cũng như đối ngoại của các quốc gia.
Tiến trình dân chủ hóa biểu hiện trước hết ở vị thế của các nước nhỏ chiếm đa số trong cộng đồng quốc tế. Các nước như đã trở thành những chủ thể độc lập trong mạng QHQT, có quan hệ tự tôn với các nước lớn, có tiếng nói càng có trọng lượng để vươn lên bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, tham gia ngày càng sâu rộng vào thúc đẩy các luật chơi mới công bằng hơn. Các nước nhỏ trong thế giới đa trung tâm càng có thêm bạn bè/đối tác để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế đối với các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển.
Ba là: Trật tự nào thì luật chơi đó. Thế giới đang trong giai đoạn chuyển tiếp qua trật tự mới “Mạng-đa trung tâm” thì những luật chơi mới sẽ xuất hiện phù hợp với trật tự mới, mặc dù sự định hình trật tự mới còn là một quá trình lâu dài. Tương quan lực lượng giữa các trung tâm quyền lực của thế giới sẽ còn thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc từ sau 2010 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang ra sức đề cao các luật chơi “cùng thắng, cùng có lợi”, “bình đẳng, tôn trọng nhau” “cho và nhận” để giành vị thế quốc tế mới trong bàn cờ nước lớn, nhất là ở châu Á-Thái Bình Dương.2 Nhưng Mỹ chưa chịu ngồi cùng Trung Quốc trên một “chiếc ghế tựa hai chỗ”, trừ phi chiếc ghế đó do Mỹ thiết kế.3 Ý tưởng về trật tự “G2” (Mỹ - Trung Quốc) đã mờ nhạt vì không hợp thời. Nước Mỹ với Tổng thống Trump đang nuôi chí khôi phục lại sức mạnh và vị thế của một siêu cường số một.
Trong trật tự trước đây khi Mỹ và phương Tây có ảnh hưởng chi phối, các luật chơi kinh tế quốc tế chủ yếu là theo Hiệp định GATT với nhiều bất bình đẳng đối với đại đa số các nước đang phát triển. Đến khi WTO ra đời, nước nhỏ đã có thể áp dụng luật để trừng phạt kinh tế đối với các công ty lớn trong buôn bán hàng hóa và các lĩnh vực khác. Thời hiện đại, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP hay RCEPT chỉ có thể tiến triển trên cơ sở các luật chơi “cùng thắng”, “cùng có lợi”. Các nước nhỏ tham gia các FTA để có nhiều sự lựa chọn và ứng phó khi tình thế thay đổi. Chính các thỏa thuận trong hàng trăm FTA là sự thay thế luật chơi chỉ do các cường quốc chi phối thông qua các định chế toàn cầu. Vòng đàm phán toàn cầu Doha khó khăn vì chưa thích ứng với những thay đổi to lớn trong trật tự kinh tế mạng và tùy thuộc trên thế giới. Trong thế giới đa trung tâm, đa chủ thể, các luật chơi quốc tế càng đan xen phức tạp hơn, và những sự cực đoan về chính sách của các nước lớn cũng cần phải điều chỉnh.
Bốn là: Trật tự và luật chơi quốc tế mới tạo nhiều thuận lợi hơn hẳn cho các nước nhỏ, vươn lên củng cố vị thế của mình. Quá trình chuyển từ thế giới “Đa cực” sang “Đa trung tâm, đa chủ thể, đa đối tác/đối tượng” gắn với sự mở rộng khác hẳn về không gian quan hệ đối ngoại. Các “trung tâm” dù có sức mạnh vượt trội nhưng cũng “đa phương hóa”. Nước Mỹ từ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush (tháng 1/2005) sau những thất bại của chiến lược đơn phương, đã bắt đầu thực hiện chính sách “muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước châu Á”. Còn Trung Quốc chủ trương “ngoại giao đa phương diện”. Đối với Ấn Độ, một nước lớn nhưng còn yếu, nhưng cũng nhận thấy luật chơi đã thay đổi nhiều. Tạp chí Các Vấn đề Chiến lược của Ấn Độ ngay từ số tháng 3/2011 đã viết về tứ giác Ấn Độ-Trung Quốc-Nga-Mỹ: “Việc Nga trỗi dậy mở ra cho Ấn Độ các sự lựa chọn mới về ngoại giao, về kinh tế - thương mại, KHCN và chiến lược. Tuy hiện Nga thiên về Trung Quốc để trỗi dậy về chiến lược, Nga muốn Ấn Độ phải can dự tốt với Trung Quốc vốn gây ra những hạn chế đối với các lợi ích trung và dài hạn của Ấn Độ. Vì vậy tốt hơn đối với Ấn Độ là không ở vị thế bạn chiến đấu với Nga vốn cũng không có lợi cho Nga. Ấn Độ chỉ can dự với Nga trên cơ sở song phương, trong khi can dự với cả Mỹ”. Đây là một ví dụ về suy tính tổng thể chính sách khá điển hình của Ấn Độ trước các thay đổi trật tự của thế giới. Ấn Độ không muốn bị bất lợi với bất cứ nước lớn nào trong ma trận lợi ích chằng chịt của các trung tâm quyền lực và ảnh hưởng.
Trong khi đó, cặp quan hệ nước lớn Trung Quốc - Mỹ, từ năm 2010 đã bước sang giai đoạn mới với hình thái “vừa hợp tác vừa cạnh tranh”. Theo đó, mặt cạnh tranh nổi trội hơn, diễn ra giữa một siêu cường hiện hữu với một trung tâm quyền lực mới đang trỗi dậy muốn giành vị thế siêu cường thay thế.4 Nhưng không vì thế mà cục diện châu Á - Thái Bình Dương chỉ do cặp quan hệ hai trung tâm Mỹ và Trung Quốc quyết định. Mọi chính sách của cặp quan hệ Trung Quốc - Mỹ đều tác động đến và cũng đều gặp phản ứng đối trọng và tính toán chiến lược của các nước khác trong khu vực.
Các nước nhỏ trong điều kiện đa trung tâm, có dư địa hành động rộng hơn, có tiếng nói trọng lượng hơn trong sự tương tác đa phương, đa tầng nấc, đa lĩnh vực, không cam chịu bị tác động một chiều của các nước lớn. Sự lớn mạnh và sự tham gia của số đông các chủ thể dù là nhỏ, nhưng với tính độc lập và chủ động cao, đã góp phần thúc đẩy các mối QHQT trở nên có đi có lại, công bằng và tiến bộ hơn. Các nước nhỏ cũng tăng cường tham gia xây dựng các luật chơi quốc tế mới.
Trong thời thế giới “cực” khi nước nhỏ có bước đi gia tăng quan hệ với một “cực” nào đó là phải trả giá hoặc chí ít bị cản trở phát triển quan hệ với các “cực” khác. Chuyển sang giai đoạn “đa trung tâm”, các nước nhỏ có cơ hội mới tận dụng sự “cân đối lợi ích” và “tác động kích thích” qua lại đối với các cặp quan hệ song phương khác nhau để thúc đẩy đối ngoại đa phương theo cả chiều rộng và chiều sâu của mình. Tuy nhiên để có hiệu quả, trình độ xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại phải ở tầm cao. Và yếu tố quan trọng là độ linh hoạt và khôn ngoan của các chính sách đã tính đến đầy đủ nhất các điểm yếu và mạnh về “giá trị và tài sản chiến lược” của mỗi nước nhỏ. Vị thế của các nước có thể được hình dung như là các con nhện to nhỏ trên mạng nhện chằng chịt các dây ngang dọc và đa lớp.
Khi TCH chưa đạt đến mức cao như hiện nay, thì các mối quan hệ với bên ngoài của các quốc gia còn ít. Giờ đây các mối quan hệ lợi ích đó không những tăng đột biến về số lượng đối tác/đối tượng mà còn mở rộng phạm vi rộng, sâu và trực tiếp. Khi có quan hệ buôn bán với hàng trăm quốc gia thì chủ thể, tuy là nước nhỏ, cũng có lợi ích kinh tế trải ra toàn cầu, và theo đó là chiến lược đối ngoại toàn cầu ở các mức độ khác nhau. Song chưa bao giờ các lợi ích về từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa lại liên đới với nhau sâu rộng như hiện nay. Ngày nay, lợi ích dân tộc về các mặt đều đan xen, tác động qua lại và luôn thay đổi trong mạng quan hệ ở nhiều tầng nấc giữa các quốc gia. Có thể nói hệ thống QHQT cũng bước vào giai đoạn phát triển mới “4.0”. Vì vậy các chủ thể QHQT đều nỗ lực và rất linh hoạt điều chỉnh chiến lược và chính sách, và tích cực tham gia xây dựng các luật chơi mới. Trật tự mới đòi hỏi nước nhỏ càng phải phát huy cao nhất tính độc lập, tự chủ, vừa kiên định vừa hết sức khôn khéo mềm dẻo trong đấu tranh vì các lợi ích dân tộc của mình. Các nước ASEAN càng nhận thấy cần gia tăng tính độc lập và sức tự cường khu vực, củng cố “vai trò trung tâm” của Cộng đồng trong chính trị Đông Nam Á (ĐNA).
Tất cả các đặc điểm trên đan xen nhau trong quá trình chuyển tiếp đến một trật tự và các luật chơi quốc tế mới gắn với cạnh tranh và hợp tác quyết liệt. Có thể dự đoán rằng, một trật tự mới đa trung tâm sẽ định hình và đó là một kịch bản khả thi nhất trong các kịch bản QHQT trong những năm tới.
Trật tự mới và Việt Nam
Trật tự và các luật chơi quốc tế luôn là những yếu tố chi phối sự lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước. Việt Nam không là một ngoại lệ. Trong thời hiện đại, Việt Nam đã có những kiểm nghiệm lịch sử không bao giờ quên.
Cả hai cuộc chiến tranh giải phóng của Việt nam đều đã diễn ra trong thời “Chiến tranh Lạnh” của trật tự “hai cực” trên thế giới. Do hoàn cảnh lịch sử, cả hai Hiệp định kết thúc hai cuộc chiến đó đều là những văn kiện chỉ ghi nhận chiến thắng từng bước của Việt Nam chứ chưa phải chiến thắng hoàn toàn tương xứng với giá hy sinh của dân tộc. Hiệp định Giơnevơ 7/1954 dừng lại ở chia cắt Việt Nam làm hai miền; Hiệp định Pari 1/1973 dừng ở kết quả Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút khỏi Việt Nam. Các mốc đó một mặt, phản ánh sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng Việt Nam, của ý chí tự cường của một dân tộc nhỏ đã đánh bại những siêu cường. Mặt khác, đó là kết cục của trò chơi nước lớn trong ma trận lợi ích của tam giác Mỹ - Xô - Trung, nhất là khi nhân tố Trung Quốc ra sức tận dụng mọi thời cơ để vươn lên thành một “cực” và Mỹ nỗ lực để không mất vị thế siêu cường số một.
Chiến thắng hoàn toàn của Việt Nam năm 1975 là đỉnh cao của đường lối độc lập tự chủ đúng đắn trong môi trường chính trị nước lớn rất phức tạp, đặc biệt là sự phân liệt Xô - Trung và cấu kết Mỹ - Trung Quốc. Từ sau 1975 Việt Nam lại trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia và Trung Quốc. Tính ra trong thế kỷ 20, Việt Nam chỉ được hưởng hòa bình thực sự không đầy 10 năm cuối.
Hiện nay, chính trị nước lớn tiếp tục tác động mạnh, rất phức tạp và trực tiếp đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của Việt Nam.
Có thể nêu một cách tiếp cận vấn đề theo 3 không gian như sau:
Một là, đối với không gian an ninh sinh tồn là khoảng không gian bao gồm các vùng địa lý sát sườn của Việt Nam. Có thể nói Việt Nam đang đứng trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 thế kỷ trước đến nay về chủ quyền lãnh thổ và nguy cơ xung đột trong vùng, nổi lên là Biển Đông. Một phương ngôn nói rằng: “muốn tránh chiến tranh thì phải chuẩn bị chiến tranh”. Điều này có nghĩa trước hết phải nhanh chóng phát triển mọi mặt bên trong đất nước để tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của Việt Nam. Ngoài ra,Việt Nam cần tìm mọi cách tận dụng các xu thế mới về thay đổi trật tự và luật chơi quốc tế, để củng cố nền hòa bình cho phát triển đất nước. Trong Di chúc của Người về xây dựng đất nước, điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi là giữ và xây cho được một nước Việt Nam “hòa bình”. Hòa bình là điều kiện tiên quyết đối với an ninh và phát triển sống còn. Nếu không giữ được hòa bình để phát triển nhanh thì nước ta mãi vẫn là một nước “nghèo, hèn”.
Các cơ hội hay khó khăn về hòa bình đều gắn với chính sách của Việt Nam với các trung tâm thế giới, và với trật tự và sự can dự của các nước lớn vào khu vực ĐNÁ. Hiện Biển Đông đang là điểm nóng nhưng ĐNÁ không chỉ có Biển Đông mà còn nguy cơ khủng hoảng rất có thể nổ ra ở vùng Mê Kông hay từ bất cứ đâu như là hệ quả của ván bài chính trị nước lớn. ĐNÁ cũng chỉ là một trong những khu vực và con bài đối với lợi ích - ảnh hưởng của họ. Các diễn biến ở Biển Đông, ĐNÁ đều nằm trong bàn cờ chung giữa các nước lớn, liên đới với vấn đề Triều Tiên hay Đài Loan... Tuy nhiên, khác so với trước đây, Việt Nam ngày nay, dù vẫn là nước yếu hơn, nhưng đã có nhiều năng lực hơn để không là quân bài chính trị của các nước lớn.
Hai là, không gian địa chiến lược. Thực chất đây là môi trường gắn với “sự an toàn và thăng bằng chiến lược”, trong đó quan hệ với các trung tâm, nước lớn, là có tính chi phối. “Mạng khung quan hệ đối tác chiến lược”của Việt Nam trước hết bao gồm quan hệ với các trung tâm lớn. Để củng cố vị thế đối ngoại độc lập, cần thiết lập khuôn khổ quan hệ đó với tất cả các nước lớn. Sau đó, còn lại là vấn đề làm sao tận dụng tác động qua lại trong ma trận mạng quyền lực đa trung tâm để duy trì sự an toàn và thăng bằng đó, tránh các tình huống khủng hoảng làm mạng bị vỡ cục bộ (điều không thể loại trừ).
Ba là, không gian phát triển mà trọng tâm là thích ứng và mở rộng càng nhanh càng tốt các quan hệ kinh tế đối ngoại với thế giới mạng nhưng siêu phẳng, tranh thủ tối đa có thể về thị trường và đầu tư đúng hướng từ bên ngoài vì phát triển đất nước. Nhìn khía cạnh này, từ “hội nhập” thường dùng hiện nay ít nhiều cản trở tư duy và hành động. TCH đang tạo ra một môi trường rộng lớn, khách quan, có trật tự và luật chơi phổ cập nhưng luôn thay đổi và cạnh tranh quyết liệt. Cần đặt Việt Nam trong thế giới TCH đó để chủ động khai thác, chứ không nên tạo cảm giác đang “nhập vào hội”, đi vào “hộp đen” có sẵn và ít biến động; không thể chỉ dừng ở những khái niệm chung như về “cách mạng 4.0”, “kinh tế tri thức” để diễn tả các thay đổi như đang có ở bên ngoài đất nước, trong khi đó lại là hiện thực ngay trong “ngôi nhà chung” mà Việt Nam đang ở. Giờ đây điều cốt yếu là Việt Nam cần ứng xử ra sao để không bị bỏ rơi xa trong một thị trường thế giới thống nhất trước hiện tượng “vạn vật kết nối” và cách mạng KHCN đang phát triển kỳ diệu làm đảo lộn mọi lý luận và thực tiễn về phát triển.
Cả ba không gian trên lồng ghép vào nhau và tác động qua lại với nhau. Sức mạnh nội lực đất nước là yếu tố quyết định mọi khả năng mở rộng đối ngoại, hợp tác và liên kết với bên ngoài.
Như vậy, xét trên tổng thể và lâu dài có thể nói, Việt Nam đang ở thời kỳ thuận lợi nhất mặc dù có rất nhiều khó khăn kể từ khi dựng nước đến nay. Từ khi không có tên trên bản đồ thế giới cho đến ngày nay, Việt Nam đã là một quốc gia thống nhất với dân số gần 100 triệu, có nền kinh tế đang từng bước phát triển; là một chủ thể độc lập và năng động trong QHQT, có sức mạnh văn hóa và truyền thống lịch sử kiên cường, xa lạ với tâm lý sợ sệt các thế lực xâm lược. Điều quan trọng là chúng ta cần phải tiếp tục nhận biết sâu sắc những thay đổi rất nhanh chóng của thời cuộc và định vị đúng Việt Nam ở đâu để từ đó có chính sách đối nội và đối ngoại thích hợp nhất. Với cách tiếp cận về “Việt Nam trong một thế giới Mạng - đa trung tâm” càng củng cố sự tự tin và nâng cao tính chủ động trong xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” và theo tầm “nhìn cho rộng (và) suy cho kỹ” của Ngoại giao Hồ Chí Minh trong điều kiện mới./.
Nguyễn Tâm Chiến, Đại sứ, Cố vấn Cao cấp Học viện Ngoai giao, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 3 (108).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Barack Obama, "Remarks at Suntory Hall", The White House: Office of the Press Secretary, ngày 14/9/2009, https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/remarks-president-barack-obama-suntory-hall, truy cập ngày 14/9/2017.
2. Jessica Yellin, "Obama, Xi work through range of issues in 2-day summit", CNN, http://edition.cnn.com/2013/06/09/politics/obama-xi-summit/index.html, truy cập ngày 14/9/2017.
3. Tập Cận Bình, Phát biểu về "Quan hệ nước lớn kiểu mới", ngày 18/11/2017
4. Vương Nghị, Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ngày 2/7/2013.
1 Xem phát biểu của Tổng thống Obama tại Tokyo trong chuyến thăm châu Á đầu tiên, tháng 9/2009.
2 Xem phát biểu của TBT Trung Quốc tại Đại Hội 18 ĐCS TQ (18/11/2012 về “Quan hệ nước lớn kiểu mới”; Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Diễn đàn ARF 2/7/2013; Tham khảo về 4 điểm của Trung Quốc xây dựng quan hệ Trung Quốc - Mỹ,.báo Bình luận Hồng Kông 15/12/2012.Và các phát biểu cấp cao hai nước sau Cuộc gặp Obama -Tập Cận Bình đầu tiên 6/2013.
3 Tháng 6/2013 nhân cuộc gặp Cấp cao đầu tiên, Tổng thống Obama đã tặng Chủ Tịch Tập Cận Bình một chiếc ghế tựa hai chỗ, được làm từ giống gỗ đỏ của bang Califonia, Mỹ.
4 Đây còn là vấn đề tranh luận. Có đánh giá khác coi mặt hợp tác nổi trội hơn. Tuy nhiên cần đặt trong mối liên hệ với thời gian dự báo trung, và dài hạn.
Sự dịch chuyển tập hợp lực lượng hiện nay tác động đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên nhiều cấp độ và vấn đề khác nhau. Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức trong bối cảnh mới. Để có thể ứng xử phù hợp, Việt Nam cần nhận thức rõ các xu hướng tập hợp lực lượng, phương châm...
Bài viết trình bày vấn đề chính trị năng lượng và ngoại giao năng lượng từ cả góc độ lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đưa ra những hàm ý cho việc tiếp cận, xây dựng và triển khai ngoại giao năng lượng ở Việt Nam.
Một trong những bí quyết thành công của sự nghiệp Đổi mới và của ngoại giao Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay là không ngừng tìm tòi cái mới, tạo đột phá. Bài viết này cố gắng làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh ý tưởng cường quốc tầm trung cho Việt Nam sau năm 2030.
Chính sách/quyết định quốc gia hay quốc tế thường phải đạt tầm “tư duy chiến lược”. Nếu một chính sách chỉ giải quyết được các vấn đề thứ yếu, trước mắt mà để lại hậu quả, hệ lụy tiêu cực lâu dài, đó sẽ là một “sai lầm chiến lược”; ngược lại, nếu đạt mục tiêu cơ bản, chính yếu thì chính sách đó sẽ có...
Các mối quan hệ quốc tế đang vận động trong một môi trường đa chiều và phức tạp. Điều này đòi hỏi tất cả các nước phải có những cách tư duy và ra quyết định phù hợp với bối cảnh mới. Việt Nam cũng cần phải có những điều chỉnh phù hợp với xu hướng này.
Năm quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng hậu phương quân đội trong giai đoạn hội nhập quốc tế là một chỉnh thể mà các chủ thể xây dựng hậu phương quân đội cần nắm vững. Nó gắn chặt tư duy chỉ đạo (chủ quan) với những thực tiễn (khách quan) đã diễn ra trong tình hình mới. Có nắm chắc và vận dụng quan...