15fe6__54133866_012469756-2.jpg

Khi những cuộc họp khu vực khởi động, chúng ta cần phải ghi nhớ bức tranh lớn hơn về vai trò chủ tịch của Viêng Chăn. Tuần này, Lào, một quốc gia nằm sâu trong lục địa với chưa đầy 7 triệu dân, đang chủ trì vòng đầu tiên trong hai vòng hội nghị cấp cao khu vực với tư cách chủ tịch trong năm nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên. Trong khi mọi con mắt sẽ đổ dồn về việc Viêng Chăn sẽ xử trí vấn đề Biển Đông như thế nào chỉ hơn một tuần sau phán quyết mang tính bước ngoặt về vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, đây cũng sẽ là một cửa sổ mở ra những cơ hội và thách thức lớn hơn cho nước chủ tịch ASEAN trong thời gian còn lại của năm 2016.

Bối cảnh

Mặc dù chỉ có một vài cuộc họp sẽ thực sự thu hút được sự chú ý của quốc tế, Lào đang tổ chức một loạt các họp trong số đó từ ngày 21-26/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Viêng Chăn. Chúng bao gồm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM), Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 (APT FMM), Hội nghị Ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS FMM) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Như thường thấy trong các nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN, vòng họp thứ hai vào tháng 9 sẽ có các nguyên thủ quốc gia tham dự.

Khi các cuộc họp này diễn ra, quan trọng là phải lưu ý đến bức tranh lớn hơn. Lào - một trong những thành viên mới hơn của ASEAN - đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên hàng năm trong một năm chuyển tiếp quan trọng cho tổ chức khu vực này. 2016 là một năm chuyển tiếp quan trọng đối với ASEAN, nằm giữa thời điểm hình thành một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, mà chúng ta đã chứng kiến ở Malaysia, và dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức này vào năm 2017, mà chúng ta sẽ chứng kiến ở Philippines. Hơn nữa, đây là một năm đặc biệt quan trọng cho quan hệ của ASEAN với các nước lớn, với việc hiệp hội này chủ trì ba hội nghị thượng đỉnh đặc biệt - với Mỹ, Nga và Trung Quốc - cùng với việc phải đối mặt với phán quyết Biển Đông rất được mong đợi và hậu quả của nó.

Lào cũng đang nắm giữ vị trí này vào một thời điểm thú vị ở trong nước. Vào tháng 1, Đảng Cộng sản Lào, cai trị đất nước từ năm 1975, đã tổ chức đại hội 5 năm một lần của mình để bầu ra các nhà lãnh đạo của mình (như nước Việt Nam láng giềng đã làm). Thongloun Sisoulith, người đã từng là bộ trưởng ngoại giao của đất nước trong một thập kỷ và được biết đến với quan điểm quốc tế chủ nghĩa tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ của nước này vượt ra ngoài nước láng giềng Trung Quốc, đã được bầu làm thủ tướng mới của Lào. Mặc dù việc ông lên nắm quyền là điều gì đó được một số người đơn giản coi là thất bại đối với Trung Quốc và một chiến thắng dành cho Mỹ (Không có gì ngạc nhiên khi chính sách đối ngoại của Lào phức tạp hơn nhiều so với các nước láng giềng ASEAN khác, người ta đã chứng kiến những thay đổi thú vị trong cách Viêng Chăn xử lý một số khía cạnh của mối quan hệ kinh tế với Bắc kinh.

Cơ hội

Bên trong bối cảnh rộng lớn hơn này, các cuộc họp tuần này sẽ đồng thời nêu bật các cơ hội và thách thức mà chức vụ chủ tịch ASEAN đặt ra đối với Lào, cũng như với bất kỳ nước chủ tịch ASEAN nào khác hàng năm. Các cơ hội dường như rõ ràng hơn nhiều. Rõ ràng nhất, Lào sẽ có khả năng kết hợp những ưu tiên của nước này với chương trình nghị sự của khu vực. Chắc chắn là một phần trong vai trò của bất kỳ chủ tịch nào cũng là giúp thúc đẩy thêm tiến độ công việc trong khu vực hiện đang diễn ra trong chương trình nghị sự ASEAN, và nó đặc biệt đúng trong năm 2016, khi đây là năm đầu tiên thành lập Cộng đồng ASEAN. Điều này giải thích lựa chọn phù hợp của Lào về chủ đề “Biến tầm nhìn thành thực tế vì một Cộng đồng ASEAN năng động”.

Đồng thời, những ưu tiên mà các quan chức của Lào đã vạch ra trong năm nay cũng phản ánh ý thức của nước này về việc họ muốn thúc đẩy điều gì trong chương trình nghị sự khu vực, vốn cũng là quyền – và thực sự là đặc quyền – của nước chủ tịch. Lấy một ví dụ, tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển, và một kế hoạch hành động cho Sáng kiến Hội nhập ASEAN – một sáng kiến bắt đầu từ năm 2000 nhằm mục tiêu tăng tốc hội nhập về kinh tế của các thành viên mới hơn trong ASEAN, đó là Campuchia, Lào, Myamar và Việt Nam, hay còn gọi là các quốc gia CLMV – trực tiếp mang lại lợi ích cho Viên Chăn.

Nhưng vị trí chủ tịch cũng đồng thời mang lại cho Lào một số lợi ích bổ sung thêm ngoài việc định hình chương trình nghị sự khu vực. Không thường xuyên có một nước nhỏ như Lào có nhiều thời gian trên bục sân khấu trong vai trò chủ tịch của một tổ chức, bao gồm hơn 600 triệu người và gộp lại thì là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Việc công khai các cuộc họp vòng này cũng như vòng tháng 9 mang lại một cơ hội cho quốc gia này nâng cao uy tín trên diễn đàn thế giới.

Điều đó không chỉ mang tính biểu tượng. Bằng việc triệu tập hai vòng họp khu vực này, Lào đã đạt được cơ hội có các tương tác khác bên lề cũng như có thể giúp thúc đẩy xa hơn các lợi ích của chính mình. Mặc dù một loạt các cuộc can dự song phương sẽ diễn ra trong tuần này và vào tháng 9, thì sự kiện sẽ được báo chí đăng tải nhiều nhất là cuộc viếng thăm đã được mong đợi của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 9 tới. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Lào, và các quan chức Nhà Trắng cũng đã nói rằng chính quyền Mỹ xem đây như một cơ hội tăng cường các mối liên hệ với Viên Chăn như một phần của sự tập trung ngày càng tăng của nước này vào Đông Nam Á.

Thách thức

Tuy nhiên, việc Lào đảm đương chức chủ tịch ASEAN cũng đặt ra những thách thức cho nước này. Trước khi chuyển giao chính thức vị trí này từ Malaysia cho Lào vào cuối năm 2015, một số người đã lập luận rằng thách thức chủ yếu của Lào trong vòng hội nghị này cũng như vòng hội nghị vào tháng 9 đơn giản sẽ là quản lý công tác hậu cần vốn có trong nhiệm vụ này. Mặc dù Viêng Chăn trước đây đã làm chủ tịch ASEAN, nhưng không giống như Myanmar khi đảm nhận lại trách nhiệm này vào năm 2014, quy mô của thách thức lần này lớn hơn rất nhiều so với năm 2004. Chẳng hạn, số lượng các hội nghị nhiều hơn gấp 2 lần so với vào lúc đó. Nhưng cũng đúng là Viêng Chăn đã làm chủ tọa cho các hội nghị khác gần đây hơn, bao gồm cả Hội nghị Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 vào năm 2012. Hơn nữa, giới quan sát ASEAN dày dạn biết rằng các nỗ lực xây dựng năng lực đã được các nhà nước Đông Nam Á cũng như các bên tham gia khác thực hiện nhằm giúp đỡ Lào với chức chủ tịch của họ.

Điều có thể trở nên đáng lo ngại hơn là thách thức của Lào trong việc quản lý các nước lớn trong ASEAN. Rõ ràng là, vấn đề này không phải của riêng Lào. Mặc dù vai trò ngày càng tăng của ASEAN trong việc định hình cơ cấu khu vực trong những năm gần đây – bao gồm cả sự xuất hiện của Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2005 – đã dẫn tới việc các nước lớn ngày càng can dự nhiều hơn, nhưng điều đó cũng khiến cho các nguy cơ của những đặc tính thể chế của nó trở nên rõ ràng hơn và gây đe dọa đến tính trung tâm được đề cao của tổ chức này. Trong những năm gần đây, điều đó tự nó biểu hiện rõ ràng nhất trong cuộc đấu tranh của tổ chức này nhằm đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông, điều đáng hổ thẹn là đã dẫn tới thất bại chưa từng có tiền lệ trong việc đưa ra một thống cáo chung khi Campuchia giữ chức chủ tịch năm 2012.

Mặc dù vậy, xét tới việc nước Lào nhỏ bé, nằm hoàn toàn trong đất liền không có lợi ích trong vấn đề Biển Đông và đầu tư đáng kể của họ trong mối quan hệ với nước Trung Quốc láng giềng, nỗi lo sợ trong số hầu hết những người anh em Đông Nam Á của Viêng Chăn cũng như các bên tham gia khác có liên quan về sự lặp lại điều xảy ra ở Phnom Penh là điều có thể hiểu được. Về phần mình, các quan chức Lào khẳng định rằng bất chấp những sự kiềm chế, Lào đã cố gắng hết sức nhằm đảm bảo rằng vấn đề Biển Đông nhận được sự chú ý xứng đáng, như họ đã làm trong tuyên bố của chủ tịch sau Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN vào tháng 2 vừa qua. Nhưng cũng đúng là sự đồng thuận ngày càng khó đạt được trong năm 2016, như được chứng minh bẳng việc ASEAN không thể thông qua một tuyên bố mạnh mẽ khác thường tại Côn Minh vào tháng 6 sau sự dè dặt vào phút chót của Campuchia và Lào, như tác giả từng viết riêng về sự kiện này trên tờ The Diplomat và những nơi khác.

Sức ép của Trung Quốc đã đóng vai trò trong sự kiện đó, cộng thêm sự nhạy cảm của Bắc Kinh trước bất kỳ tuyên bố nào có đề cập đến Biển Đông sau phán quyết, đã làm tăng thêm sự lo lắng. Quả thực, bước vào Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, vốn đã có những dấu hiệu rõ ràng của việc Bắc Kinh nhúng tay vào tìm cách ngăn cản ASEAN đưa ra một tuyên bố riêng về phán quyết hoặc thậm chí là một thông cáo chung với ngôn từ mạnh mẽ về Biển Đông, bất chấp thực tế rằng điều sau thường sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất chứ không phải là điều gì đó có giá trị về mặt tiêu đề. Trung Quốc cũng một lần nữa “quảng bá” thực tế rằng một vài nước kể cả Lào ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết này, một thực tế mà các quan chức Lào sau đó đã phủ nhận. Bất kỳ thất bại nào theo kiểu Phnom Penh trong sự đồng thuận ASEAN về Biển Đông cũng đủ để nói là một “vết nhơ” lớn cho chức chủ tịch của Lào.

Trong khi phần lớn sự chú ý của giới truyền thông có khả năng sẽ tập trung vào mặt trận quốc tế tại Viêng Chăn tuần này, cũng có thể có sự xem xét kỹ lưỡng nào đó ở mặt trận trong nước tại Lào cho khoảng thời gian còn lại nước này giữ chức chủ tịch. Nhân quyền tiếp tục là một vấn đề, với tình huống Sombath Somphone biến mất chứng tỏ một lời kêu gọi tập hợp các nhà hoạt động cũng như một vấn đề được các chính phủ phương Tây cũng như một số chính phủ châu Á quan tâm ở những mức độ khác nhau. Những mối quan ngại trong nước này cũng lan tỏa vào trong phạm vi khu vực ngay cả trước khi Lào đảm nhận chức chủ tịch, với các tin tức xuất hiện vào đầu tháng 10/2015 rằng nước này sẽ không tổ chức hội nghị thường xuyên của các tổ chức xã hội dân sự Đông Nam Á bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các tổ chức sẽ không họp mặt ở nước chủ nhà mà ở Timor Leste – nước mà, có đôi chút mỉa mai thay, còn thậm chí không phải là một thành viên của ASEAN. Mặc dù các quan chức Lào tiếp tục trích dẫn nhiều lý do kỹ thuật và mang tính thủ tục về việc tại sao tình huống lại có kết thúc thế này, nhưng đúng là họ hầu như đã không cố gắng hết sức để ngăn chặn kết quả đó và hoàn toàn không khó chịu bởi điều này.

Một lĩnh vực khác được chú trọng là vai trò của Lào đối với việc quản lý sông Mekong – một trong những con sông lớn nhất và dài nhất chảy qua Trung Quốc và phần lục địa Đông Nam Á – đang ngày càng lâm nguy một phần là do một loạt dự án thủy điện của các nhà nước ở ven sông. Mặc dù các nước khác cũng có dính líu – đáng chú ý nhất là Bắc Kinh ở thượng nguồn – nhưng Lào đã đặt trọng tâm đáng kể vào thủy điện khi nước này tìm cách trở thành “bộ ắc quy” của châu Á. Nhưng một số dự án của Viêng Chăn, đáng chú ý nhất là đập Xayaburi ở miền Bắc nước Lào và đập Don Sahong ở tỉnh Champasak gần biên giới Lào-Campuchia, đã được xem xét kỹ lưỡng do các tác động tiêu cực của chúng. Khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton tới thăm Lào vào năm 2012, bà đã chỉ trích Lào về vấn đề này. Để trả lời câu hỏi của The Diplomat, Ben Rhodes, một trong những cố vấn thân cận nhất của Obama, đã nói trong một sự kiện tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN rằng Mỹ sẽ chú ý tới việc giải quyết vấn đề sông Mekong như là một phần của các cuộc thảo luận với Lào, mặc dù ông không nêu cụ thể điều mà Washington sẽ nói.

Kết luận

Như mọi năm, những miêu tả của giới truyền thông về chức chủ tịch ASEAN của Lào có khả năng tập trung vào một vài vấn đề then chốt, đáng chú ý nhất là Biển Đông. Mặc dù đó là điều có thể hiểu được do sự chú ý lớn hơn đối với các vấn đề toàn cầu này, nhưng chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng chúng chỉ là một phần nhỏ của những thách thức và cơ hội lớn hơn mà chức chủ tịch đặt ra cho Viêng Chăn, như với bất kỳ nước ASEAN nào giữ ghế chủ tịch mỗi năm./.

Theo “The Diplomat (ngày 23/7)

Hương Trà (gt)