Mặc dù Tổng thống Putin cùng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị khác đều lên tiếng bênh vực quyết định không tham dự hội nghị lần này của ông Obama với lý do để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, nhưng chắc chắn vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị tác động mạnh do sự vắng mặt của ông Obama lần này. Dư luận đang đặt câu hỏi: Tại sao Phó Tổng thống Joe Biden không được cử đi thay ông Obama? Mặc dù Ngoại trưởng Kerry là một chính khách lão luyện về ngoại giao, hơn nữa ông lại có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người đồng cấp, đặc biệt là Ngoại trưởng Nga Sergeri Lavrov, nhưng có 2 lý do khiến Mỹ không nên cử ông Kerry đi tham dự hội nghị lần này:

Thứ nhất, ông Kerry chưa chứng tỏ được mình là một người đại diện hoàn hảo cho Tổng thống Obama trên mặt trận đối ngoại. Uy tín của Ngoại trưởng Mỹ đã bị suy yếu sau khi Mỹ “quay ngoắt” trong chính sách đối với Syria. Chỉ vài giờ sau khi ông Kerry có những tuyên bố cứng rắn về việc sẽ trừng phạt chính quyền Syria vì đã sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Obama đã quyết định tạm ngưng kế hoạch tấn công này để xin ‎ý kiến Quốc hội. Ông Kerry có thể là một cố vấn về chính sách ngoại giao cho Tổng thống Obama, nhưng chắc chắn tiếng nói của ông không có nhiều giá trị trong việc đưa ra các quyết sách đối ngoại. Điều đó có nghĩa là những tuyên bố và những lời hứa của ông Kerry, từ việc Mỹ cam kết can dự vào an ninh khu vực đến việc Mỹ bày tỏ thái độ sẵn sàng tiến tới Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), có vẻ như không mang nhiều ý nghĩa.

Thứ hai, về nghi lễ, Phó Tổng thống Biden chắc chắn sẽ phù hợp hơn ông Kerry cho vị trí người thay mặt ông Obama. Kể từ thời Phó Tổng thống Al-Gore, (dưới thời Tổng thống Bill Clinton), một thông lệ mới đã được thiết lập, đó là Phó Tổng thống Mỹ sẽ được coi như tương đương với Thủ tướng các nước khác (đặc biệt là với Thủ tướng Nga như các ông Viktor Chernomyrdin và Yevgeny Primakov thời bấy giờ). Giống như tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) năm 2012, khi Tổng thống Nga Putin không thể tham dự và người thay thế ông là Thủ tướng Medvedev, ông này cũng đã được đối xử tương đương như các nguyên thủ khác. Vì vậy, nếu Mỹ cử ông Biden đến Indonesia, và sau đó đến Brunei để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), đây sẽ là một quyết định hợp lý hơn.

Đó là chưa kể đến việc trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đã nhiều lần được chính quyền Obama cử đi để dàn xếp các vấn đề đối ngoại. Tháng 5/2013, chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm khu vực Nam Mỹ, ông Biden đã đến thăm 3 nước ở vùng này, gồm Colombia, Trinidad và Tobago, Brazil nhằm tái khẳng định các cam kết của Mỹ về hợp tác đối với khu vực. Ông Biden cũng đã đến thăm Ấn Độ nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ với quốc gia này. Có lẽ, các nhà lãnh đạo châu Á - vốn mong muốn có một cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Obama - sẽ cảm thấy được “an ủi” nếu Phó Tổng thống Biden tham dự Hội nghị APEC lần này. 

Người Mỹ hiểu rằng ông Biden ở lại Washington để giải quyết các vấn đề trong nước, bởi ông là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, nhưng một cường quốc thế giới cần phải cân bằng được mọi vấn đề, cả đối nội lẫn đối ngoại, trong cùng một thời điểm. Các quốc gia khác trên thế giới không thể gạt công việc của mình sang một bên do tác động của chính trường Mỹ. Việc ông Biden không đến Indonesia có thể sẽ làm dấy lên mối lo ngại cho các quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực về việc Mỹ không thực sự nghiêm túc trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á. Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng ông Biden sẽ ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016, và việc tham dự Hội nghị APEC lần này hiển nhiên sẽ giúp nâng cao uy tín của ông. 

Chắc chắn, nước Mỹ không thể mất vị trí cường quốc trong ngày một ngày hai hoặc vì một hai vụ việc nào đó, nhưng khi mà ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Australia cũng đã xích lại gần với Trung Quốc (cuộc tiếp xúc song phương đầu tiên của tân Thủ tướng Australia Tony Abbott là với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứ không phải với Tổng thống Obama), Washington cần phải rất cẩn trọng. Sau khi cuộc khủng hoảng ngân sách được giải quyết, chính quyền ông Obama sẽ phải làm mọi cách để lại ảnh hưởng của mình, nếu họ thật sự muốn “xoay trục” sang châu Á.

Tác giả là ông Nikolas K. Gvosdev, biên tập viên cao cấp của tờ The National Interest, đồng thời là giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết đăng trên “National Interest” (ngày 9/10).

Vũ Hiền (gt)