Liệu lôgích của sự răn đe có mở rộng tới một chế độ đang hấp hối?

Vào ngày 7/2, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa tầm xa khác, được ngụy trang dưới hình thức một vụ phóng vệ tinh. Vụ thử nghiệm này diễn ra sau một vụ thử hạt nhân vào ngày 6/1 và một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy rằng chế độ Kim Jong-un đang có ý định phát triển một vũ khí hạt nhân răn đe đảm bảo và có thể phóng được. Nếu chế độ này đạt được mục tiêu của mình, Triều Tiên có thể trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trên thế giới, không phải là bởi chế độ Kim phi lý, mà là bởi Triều Tiên là nước sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất đang tồn tại mà người ta tin rằng sẽ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ phải đặt ra một câu hỏi rất đáng lo ngại: Mỹ có nên chấp nhận Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và tìm cách giảm bớt căng thẳng hay không?

Lôgích thông thường liên quan đến răn đe hạt nhân dựa trên nguyên tắc rằng các nước có lý trí, quan tâm đến việc tự bảo vệ mình là trên hết, và sẽ không sẵn lòng tự sát bằng cách tấn công một nước khác có khả năng trả đũa hủy diệt đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ý tưởng chung đằng sau quan niệm này là khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân ít nhiều sẽ ngăn cản việc sử dụng chúng và sẽ giảm bớt, nếu không nói là loại bỏ, động cơ của một nước để bắt đầu hay leo thang một cuộc xung đột mang tính hủy diệt. Lịch sử cho đến giờ đã ủng hộ luận cứ này. Chắc chắn rằng đã có những cuộc khủng hoảng ở Berlin lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, cuộc tập trận Able Archer, khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan và các cuộc khủng hoảng khác, mà gần như đã dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Nhân loại có thể đã may mắn, thay vì sáng suốt, với các cuộc khủng hoảng này. Nhưng nói đúng ra, thực tế là răn đe hạt nhân, ít nhất là trong thế giới hiện nay với một số lượng nhỏ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cho đến giờ không hề thay đổi.

Theo nguyên tắc này, Triều Tiên không hẳn là một mối đe dọa. Xét cho cùng, động cơ của Triều Tiên nhằm theo đuổi một kho vũ khí đảm bảo và có thể phóng được là an ninh, như bản thân người Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố. Dĩ nhiên, chế độ Kim có thể tung ra những sự khiêu khích và thậm chí gia tăng chúng bằng các khả năng hạt nhân mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo lôgích răn đe hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện những tính toán sáng suốt và sẽ không bao giờ leo thang đến mức độ mà chế độ này sẽ gây nguy hiểm trầm trọng cho an ninh của chính mình. Hơn nữa, do sự yếu kém về quân sự và kinh tế của Triều Tiên, nước này không đủ sức để mở rộng vượt ra ngoài biên giới của mình. Chẳng hạn, không giống như Trung Quốc, Triều Tiên sẽ không bao giờ trở thành một nước bá quyền khu vực tiềm năng hay một đối thủ cạnh tranh thực sự đối với Mỹ.

Nhưng Triều Tiên không phải là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân bình thường. Nước này là nước sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất đang tồn tại mà có thể nhìn thấy một sự sụp đổ bất ngờ ở bên trong. Những người chỉ trích có thể lập luận rằng các dự đoán về sự sụp đổ của chế độ này trước đây là sai, nhưng lôgích này không chính xác: thực tế là một sự kiện đã không diễn ra không có nghĩa rằng sự kiện đó sẽ không bao giờ diễn ra. Quả thực, cách mạng Iran đã bắt đầu vào ngày 7/1/1978 – một tuần sau khi Jimmy Carter ca tụng đất nước này là “một hòn đảo ổn định”. Thế còn Liên Xô, đất nước mà Robert Gates, trong những năm 1980, đã nói rằng sẽ không bao giờ sụp đổ trong đời ông hay con cái của ông thì sao? Sau đó là “Mùa Xuân Arập”, phong trào đã khiến cả thế giới phải sửng sốt. Chủ đề chung từ những trường hợp này là sự bất ổn của chế độ có thể tự nó bộc lộ trước khi các nhà phân tích nhận ra rằng nó có thể xảy ra. Chỉ với sự nhận thức muộn màng, người ta mới có thể chỉ ra tại sao các sự kiện đột ngột này đã diễn ra vào thời điểm chúng xuất hiện.

Hơn nữa, xã hội Triều Tiên đã dần thay đổi kể từ nạn đói năm 1994-1998, với sự nổi lên của một nền kinh tế chợ đen ở khắp nơi và tham nhũng tràn lan. Các hoạt động chợ đen ở Triều Tiên diễn ra rất phổ biến. Thậm chí các quan chức chính phủ của Triều Tiên cũng sử dụng chợ đen để thu lợi cá nhân. Tuy nhiên, nhà nước Triều Tiên không thể thẳng tay trấn áp hệ thống không chính thức này, bởi vì làm như vậy có thể dẫn đến tình trạng rối ren trong dân chúng và sự sụp đổ kinh tế. Quả thực, nỗ lực hồi năm 2009 của chế độ Triều Tiên nhằm nhổ bỏ tận gốc các hoạt động cá nhân-thị trường, bằng cách tiến hành định giá lại tiền tệ mà đã lấy đi sạch những khoản tiền tiết kiệm của nhiều người dân Triều Tiên, đã châm ngòi cho những cuộc phản kháng hiếm hoi ở Bình Nhưỡng.

Một hậu quả của hiện tượng chợ đen là những cư dân “thiên niên kỷ” của Triều Tiên, “thế hệ chợ đen”, có tư tưởng độc lập hơn, đổi mới hơn và cảm thấy ít ràng buộc hơn với chế độ Kim so với những thế hệ người Triều Tiên trước đây. Những kinh nghiệm mang tính định hình của thế hệ chợ đen này là nạn đói vào những năm 1990 và kinh nghiệm tìm ra những cách thức để tồn tại khi không có sự trợ giúp của nhà nước. Theo một người đào ngũ, Yeonmi Park, thế hệ của bà “không thực sự tôn sùng chế độ Kim một cách chân thành mà chỉ giả vờ làm như vậy”. Người Triều Tiên ngày nay cũng hiểu biết về thế giới bên ngoài nhiều hơn bao giờ hết, với băng đĩa DVD và USB của Hàn Quốc tràn ngập chợ đen của Triều Tiên. Các xu hướng này đang diễn ra vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chế độ Kim, không thể đảo ngược và không báo trước điềm lành về sự ổn định của nhà nước Triều Tiên.

Chắc chắn rằng chế độ này đang thử nghiệm với các “cải cách” kinh tế, chẳng hạn, bằng cách cho các cá nhân nhiều quyền kiểm soát hơn và bổ sung thêm các khoản tiền lương do thị trường thúc đẩy, nhưng các biện pháp này có thể không cứu vãn được chế độ. Những sự điều chỉnh này có thể giúp nền kinh tế Triều Tiên, nhưng cũng có thể đi kèm với các rủi ro chính trị đáng kể và có khả năng bị thúc đẩy, ít nhất là một phần, bởi sự cần thiết phải điều chỉnh và đưa các hoạt động trái phép vốn diễn ra phổ biến của thị trường vào dưới sự kiểm soát của chế độ. Chẳng hạn, Bình Nhưỡng ít nhiều đã bị buộc phải hợp pháp hóa các máy phát truyền thông di động trị giá khoảng 50 USD, được gọi là Notels, vào năm 2014. Những người Triều Tiên bình thường thường sử dụng các thiết bị này để xem các chương trình truyền thông đại chúng thu được một cách bất hợp pháp. Sự hợp pháp hóa này có thể xảy ra, không phải bởi chế độ Kim đã trở nên rộng lượng hơn, mà bởi chế độ này đã không thể thẳng tay trấn áp việc sở hữu các thiết bị này và mong muốn tìm ra cách để kiểm soát việc sử dụng chúng. Những điều chỉnh kinh tế vẫn đang diễn ra ở Triều Tiên có thể phản ánh sự mất quyền kiểm soát dần dần và không tránh khỏi của chế độ Kim đối với nền kinh tế và xã hội của nước này, thay vì ý định cải cách thực sự của chế độ.

Về lâu dài, chế độ Kim cũng có thể bị chia rẽ ở các vị trí hàng đầu, do tuổi đời còn trẻ và thiếu kinh nghiệm của Kim Jong-un. Kim Jong-un đã xử tử ít nhất 70 quan chức hàng đầu kể từ khi lên nắm quyền, trong khi cha của ông, Kim Jong-il, chỉ xử tử khoảng 10 quan chức trong vài năm đầu nắm quyền của ông. Theo Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), từ cuối năm 2011, khoảng 20-30% quan chức hàng đầu và 40% quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên đã bị “thay thế”. Một nhà lãnh đạo thực sự an tâm sẽ không cần phải thanh trừng nhiều quan chức hàng đầu đến như vậy. Theo NIS, như là kết quả của triều đại kinh hoàng của Kim Jong-un, sự trung thành đối với gia tộc họ Kim đã giảm sút, và các quan chức Triều Tiên ở nước ngoài đang tìm cách xin tị nạn. Các cuộc thanh trừng cuối cùng có thể dẫn đến việc gây nguy hiểm cho sự nắm quyền của Kim Jong-un. Nhiều người trong ban lãnh đạo của Triều Tiên có thể lo sợ rằng họ có thể sẽ là những người bị xử tử hay “thay thế” tiếp theo và có thể quyết định có các động thái nguy hiểm và gây bất ổn chống lại chế độ hay thậm chí là bản thân nhà lãnh đạo để ngăn chặn những hậu quả như vậy. Do tất cả các nhân tố này ở các cấp độ giới tinh hoa, xã hội và kinh tế, câu hỏi liên quan đến sự sụp đổ của Triều Tiên không phải là có hay không, mà là khi nào.

Liệu lôgích răn đe hạt nhân có được áp dụng đối với một Triều Tiên đang sụp đổ và hoang tưởng hay không? Trong trường hợp xảy ra một kịch bản như vậy và tình trạng hỗn loạn theo sau đó, liệu có thể hy vọng chế độ Kim sẽ vẫn nắm quyền chỉ huy và kiểm soát các vũ khí hạt nhân của mình hay không? Liệu ban lãnh đạo hàng đầu sẽ có được các thông tin và đánh giá chính xác về tình hình quốc tế và trong nước hay không trong một thời kỳ hỗn loạn và bất ổn ở trong nước, đặc biệt liên quan đến các động thái và ý định của Mỹ và Hàn Quốc? Liệu những toan tính của chế độ Kim liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thay đổi hay không nếu chế độ này cho rằng sự sụp đổ của nó là điều không thể tránh khỏi và trở nên liều lĩnh? Sẽ ra sao nếu, trong một tình thế như vậy, câu hỏi mà chế độ này phải đối mặt là nó sẽ sụp đổ như thế nào, chứ không phải là có hay không? Liệu một chế độ tự sát mà chẳng có gì để mất như vậy có lẽ sẽ dự tính giết người-tự sát và quyết định “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn là le lói cả trăm năm” hay thực hiện một nỗ lực trong vô vọng để xoay chuyển tình thế dựa trên những toan tính lạc quan quá mức hay một ý thức danh dự, như đế quốc Nhật Bản đã tìm cách thực hiện bằng cách tấn công Trân Châu Cảng? Đây là những câu hỏi hết sức quan trọng đáng để suy ngẫm.

Trong một kịch bản sụp đổ, chế độ Kim cũng sẽ đưa ra các quyết định dưới sức ép tâm lý rất lớn và với một cảm giác hoang tưởng tột độ. Có thể hiểu, chế độ này cho rằng Mỹ có khuynh hướng tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Chế độ này cũng lo sợ rằng sự sụp đổ của nước này và việc sự sùng bái cá nhân của gia tộc Kim cũng tự sụp đổ có thể không chỉ đồng nghĩa với việc đánh mất quyền lực, mà còn mất mạng, như với trường hợp Saddam Hussein của Iraq và Muammar Gaddafi của Libya. Theo Andrei N. Lankov trong cuốn sách của ông, The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopia, một viên chức của Triều Tiên từng nói: “Nhân quyền và những thứ như thế có thể là một ý tưởng hay, nhưng nếu chúng tôi bắt đầu giải thích nó cho người dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ bị giết ngay lập tức”. Do bản chất tàn bạo có một không hai của chế độ độc tài Triều Tiên, những quan điểm như vậy là có lý. Trong một kịch bản sụp đổ, các nhân tố tâm lý này có thể làm gia tăng mạnh mẽ khả năng tính toán sai hay nhận thức sai đối với chế độ Kim, đặc biệt là nếu họ đánh mất hy vọng sống sót và thiếu khả năng tiếp cận thông tin đáng tin cậy, tạo ra một môi trường mà thậm chí có thể dẫn đến việc vô tình phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Nếu các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ổn định đã tiến gần đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhiều lần trước đây, thì một Triều Tiên đang sụp đổ và hoang tưởng có thể làm những gì với kho vũ khí của nước này?

Cuối cùng, một Triều Tiên đang sụp đổ có thể không sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là để chống lại Mỹ, bởi vì việc làm như vậy sẽ biến một tình thế vốn đã tồi tệ trở thành một tình thế thậm chí còn tồi tệ hơn bằng cách đảm bảo sự trả đũa của các bên bị ảnh hưởng. Xét cho cùng, Liên Xô, một siêu cường về vũ khí hạt nhân, đã sụp đổ một cách êm ả. Nhưng Triều Tiên không phải là Liên Xô của những năm 1980 và đầu những năm 1990, và Kim Jong-un cũng không phải là Mikhail Gorbachev. Mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên không giống với mối quan hệ Mỹ-Liên Xô mà trong đó Washington và Bình Nhưỡng không có các kênh liên lạc chính thức và gần như không có các biện pháp xử lý khủng hoảng. Hơn nữa, như cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker thuật lại: “Chiến tranh Lạnh thực sự không cần phải kết thúc một cách hòa bình – nó có thể kết thúc ầm ĩ thay vì yên ả”. Việc chấm dứt sự đối đầu hạt nhân một cách hòa bình đòi hỏi sự sáng suốt và can đảm chính trị, từ Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush, người đã từ chối ăn mừng bên Bức tường Berlin khi nó sụp đổ, cũng như Gorbachev, người không có một lập trường đối đầu. Do tình thế trong nước ở Triều Tiên và hoàn cảnh chính trị ở Mỹ, kết hợp với tình trạng hiện nay của quan hệ Mỹ-Triều Tiên, sự sụp đổ của chế độ Kim có thể không kết thúc trong yên ả.

Do đó, khả năng về một Triều Tiên đang sụp đổ sử dụng vũ khí hạt nhân, bất luận là mong manh như thế nào, hẳn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ hình dung ra kịch bản tiếp theo và đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại. Hãy giả sử rằng Triều Tiên trong tương lai cho thấy nước này có các vũ khí hạt nhân có thể phóng được mà có thể tấn công Mỹ, sản xuất đủ số lượng, phân tán khắp nơi và bảo vệ chúng trên các phương tiện khác nhau để sống sót sau các cuộc tấn công phủ đầu. Việc tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại tên lửa của Triều Tiên có thể giúp ích, nhưng sẽ không đảm bảo an ninh trong một bối cảnh mà trong đó việc không thể ngăn chặn được một tên lửa hạt nhân có thể đồng nghĩa với cái chết của hàng triệu người. Việc đạt được khả năng đến mức độ này dường như là mục tiêu tối thượng của chế độ Kim, căn cứ vào các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa liên tục của Triều Tiên, bao gồm cả những nỗ lực nhằm đa dạng hóa các loại phương tiện để phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, chẳng hạn, từ tàu ngầm. Nếu chế độ Kim đạt được mục tiêu của mình, Mỹ có nên chấp nhận Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và tìm cách giảm bớt căng thẳng, nếu không nói là lập lại mối quan hệ hữu nghị, cũng như Washington đã làm với Moskva dưới thời Richard Nixon và Henry Kissinger hay không?

Một cách để giảm bớt nguy hiểm bắt nguồn từ một kịch bản sụp đổ tiềm tàng của Triều Tiên sẽ là chấp nhận Triều Tiên với tư cách là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và thiết lập các kênh liên lạc và một mối quan hệ làm việc để xử lý khủng hoảng. Việc làm như vậy sẽ trao cho chế độ Kim chính xác những gì mà họ muốn. Chế độ này muốn tạo ra một “sự đã rồi” hạt nhân cho Mỹ. Nhưng một nhà hoạch định chính sách Mỹ có trách nhiệm, với hàng triệu sinh mạng người Mỹ có nguy cơ bị đe dọa, sẽ có lựa chọn nào nếu Triều Tiên phát triển một vũ khí hạt nhân răn đe đảm bảo và có thể phóng được?

Giải pháp được ưa thích hơn sẽ là Mỹ và các đồng minh của nước này vẫy cây đũa thần để loại bỏ chế độ Kim hay ngăn chặn Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân đảm bảo có thể tấn công Mỹ. Tuy nhiên các chính phủ Mỹ liên tiếp đã nỗ lực hết sức từ ngoại giao cho đến các chiến thuật gây sức ép nhưng không đem lại kết quả, trong khi Chính quyền Obama có thể hiểu được là đang mắc kẹt với “sự kiên nhẫn chiến lược”, mà về cơ bản là một chính sách “hầu như chẳng làm gì mà hy vọng đạt được kết quả tốt nhất”. Trong tình thế hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang phải đối mặt với hai kịch bản. Trong kịch bản thứ nhất, Triều Tiên sụp đổ trước khi có được các vũ khí hạt nhân bảo đảm và có thể phóng được. Trong kịch bản thứ hai, Triều Tiên sup đổ sau khi có được chúng. Cả hai kịch bản đều có khả năng xảy ra. Cho đến khi Triều Tiên thể hiện khả năng có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, và cho đến khi chế độ này xây dựng được một kho vũ khí đảm bảo, Washington và các đồng minh của mình không nên chấp thuận địa vị và an ninh mà chế độ Kim mong muốn và nên tìm cách thay đổi chế độ hay phi hạt nhân hóa bằng bất cứ biện pháp nào có thể. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên có một vũ khí hạt nhân răn đe thực sự, Mỹ có thể sẽ phải trả lời một câu hỏi rất đáng lo ngại./.

Tác giả Sungtae “Jacky” Park là nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết đăng trên Tạp chí "National Interest" ngày 13/2

Vũ Hiền (gt)