Vấn đề giữa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với Hy Lạp đã trở thành một khúc mắc khó giải quyết, hai bên đều có lý do riêng, đều muốn đối phương nhượng bộ nhiều hơn, cuối cùng trong tình thế ép buộc đã phải đạt được một thỏa thuận tạm thời, làm dịu sức ép căng thẳng của thị trường. Tuy nhiên, lời kêu gọi phổ biến của giới kinh tế Đức là: chỉ có Hy Lạp rút khỏi Eurozone thì mới có thể tăng cường hệ thống tiền tệ đơn nhất của EU. 

Do vậy, theo quan điểm của Aengus Collins - chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Eurozone thuộc Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, Đức một mặt xoa dịu Hy Lạp tiếp tục ở lại Eurozone, mặt khác lại chuẩn bị sẵn sàng cho việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone vẫn rất lớn.

Phản ứng dây chuyền chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng

Thỏa thuận tạm thời giữa Eurozone và Hy Lạp không có tình tiết xoa dịu căng thẳng giống như trước đây, ngày 20/2 cuộc đàm phán cuối cùng đã xong, Hy Lạp có hơn 1 tỷ euro tiền vốn chảy ra bên ngoài, và bình quân mỗi tuần tổn thất tiền gửi lên đến 2 tỷ euro. Nếu xu thế này tiếp tục kéo dài 14 tuần nữa thì tiền dự trữ trong ngân hàng sẽ không đủ để dùng cho các khoản vay mới. Quan chức Ngân hàng Trung ương Hy Lạp bình luận rằng nếu tình hình này tiếp tục duy trì, mà Ngân hàng Trung ương châu Âu không nhanh chóng rót vốn thì hệ thống tài chính của Hy Lạp sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Ông Collins cho rằng thỏa thuận kéo dài thời hạn đạt được trong thời gian gần đây nằm trong sự mong đợi, bởi vì chỉ cần Hy Lạp vẫn nỗ lực trả nợ, các nước thành viên của Eurozone đều sẽ đồng ý cho Hy Lạp kéo dài quá trình trả nợ, chỉ sợ Hy Lạp dây dưa không trả nợ. Ông phân tích rằng: “Hiện nay, vấn đề gây tranh cãi nhất là làm thế nào xây dựng kế hoạch cải cách kết cấu, bởi vì điều này liên quan đến kế hoạch cứu trợ cụ thể của Hy Lạp”. Trong 5 năm qua, nền kinh tế Hy Lạp sụt giảm 25%, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức trên 25%, làm thế nào để thúc đẩy Hy Lạp thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế và tài chính nghiêm trọng nhất mới là điểm then chốt để tháo gỡ nút thắt.

Ông Collins cho rằng chính sách “chống thắt lưng buộc bụng” của chính phủ mới của Hy Lạp rất khó kéo dài mãi. Cuộc thảo luận về việc liệu có thể kết thúc chính sách thắt lưng buộc bụng luôn xuyên suốt toàn bộ quá trình đàm phán giữa Hy Lạp với “Bộ ba chủ nợ” (Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)), một trong những điều kiện tiên quyết mà nhà lãnh đạo mới của Liên minh cánh tả cấp tiến Hy Lạp được trúng cử chính là phản đối kế hoạch thắt chặt tài chính khắc khổ trong thỏa thuận cứu trợ. Khi chính phủ mới củaHy Lạp với các nước thành viên khác của Eurozone bắt đầu đàm phán về việc hủy bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ ủng hộ chính phủ đã bắt đầu tăng mạnh, việc này tương đương với một sự trao quyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, khác với sự mong đợi trong nước Hy Lạp, sự kiên nhẫn của Eurozone đối với Hy Lạp dường như đã cạn kiệt, nếu không có điều kiện thắt chặt tài chính hơn nữa thì rất nhiều quốc gia sẽ không tin tưởng sự thành công của Hy Lạp trong việc cải cách kinh tế, vì họ không thể giám sát việc thực thi các biện pháp cứu trợ.

Trước khi Hy Lạp hoàn thành phần cải cách còn lại mà các chủ nợ yêu cầu thì sẽ không được nhận khoản tiền viện trợ trả góp 7 tỷ euro mà kế hoạch cứu trợ này cung cấp. Tân Thủ tướng Alexis Tsipras từng cam kết giảm bớt một số cải cách trong đó, và muốn giành được “gói cứu trợ”, Hy Lạp vẫn phải chứng minh nước này sẽ không đơn phương từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng.

 

Chính vì khẩu hiệu chống “thắt lưng buộc bụng” trước đó nên Hy Lạp đã có rất nhiều kẻ thù trong Eurozone, ví dụ, các nước chịu sức ép của chính sách thắt lưng buộc bụng từ Brussels như chính phủ cầm quyền Bồ Đào Nha và Ireland, còn có Đức, Hà Lan, Phần Lan luôn gây sức ép với Hy Lạp, thực ra họ đều mong muốn Liên minh cánh tả cấp tiến Hy Lạp có thể luôn bám sát trình tự thắt lưng buộc bụng. Chỉ có Pháp và Italy bị người Hy Lạp lôi kéo trở thành đồng minh đáng tin cậy, nhưng lập trường của hai đồng minh này vẫn rất ôn hòa, chỉ có thể an ủi bằng lời nói, về vấn đề cứu trợ cụ thể lại không có sự giúp đỡ thực chất nào.

Ông Collins bày tỏ các chính phủ cánh hữu kiểm soát Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha đã rất ghét chính phủ mới của Hy Lạp. Ông phân tích rằng: “Đức liệu có quá khoan dung đối với Hy Lạp hay không, là nhân tố bất ổn nhất ở khu vực Eurozone hiện nay, dù là đối với Hy Lạp có một chút khoan dung về mặt chính sách cứu trợ thì cũng sẽ làm cho các nước chịu sức ép nợ khác rất sợ hãi. Đặc biệt là các đảng phái chính ở các nước như Tây Ban Nha và Ireland… đặc biệt lo ngại, vì họ sợ quá khoan dung thì sẽ xuất hiện tình trạng như khi bầu cử ở Hy Lạp, Liên minh cánh tả cấp tiến theo ‘phe chống kế hoạch thắt lưng buộc bụng’ cuối cùng sẽ đe dọa đến địa vị lãnh đạo của đảng phái truyền thống”. Cử tri của những quốc gia này đều có thể cũng sẽ bầu cho một đảng phái chính trị cực đoan lên nắm quyền, tăng thêm nhiều khoản chi lớn cho người dân, đồng thời kiên trì để các nước khác trong Eurozone chi trả cho mình.

Việc rút lui là không thể tránh khỏi

“Xét về lâu dài, rất có thể Hy Lạp cuối cùng sẽ rút khỏi Eurozone, các trung tâm nghiên cứu kinh tế dự đoán khả năng của việc này là 40%”. Ông Collins dự đoán tình hình đàm phán trước mắt rất căng thẳng, dù cho hiệp định cuối cùng đạt được, nhưng rủi ro để lại cho Hy Lạp sẽ không mất đi. Cộng thêm Liên minh cánh tả cấp tiến không có kinh nghiệm cầm quyền, chỉ dựa vào sự ủng hộ của một số thành viên nghị viện cánh tả cực đoan, sau đó việc thúc đẩy cải cách kinh tế ở nghị viện dự tính rất khó giành được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ nên rủi ro cầm quyền rất cao.

Xét cho cùng, Hy Lạp chỉ là một phần rất nhỏ trong chiếc bánh kinh tế của Eurozone. Nếu nói trước đây Eurozone chỉ là một liên minh tiền tệ với cơ năng mất cân bằng, vậy thì sau khi trải qua nhiều lần Hy Lạp bắt ép thành công, các nước chịu sức ép nợ khác cũng sẽ không ngừng mô phỏng theo, vậy thì khả năng quản lý và đoàn kết của Eurozone có thể coi là thất bại hoàn toàn, đến lúc đó nếu không xử lý Hy Lạp để cảnh cáo nước khác thì cả Eurozone chỉ có thể đi đến tan rã.

Hiện nay, thỏa thuận đạt được giữa chính phủ mới của Hy Lạp với Eurozone chỉ có thể nói là nước này đã giành được thời gian phát triển, chứ không thể nói là họ đã bắt ép thành công, bởi vì lập trường của Đức vẫn rất kiên định, không thể từ bỏ “thắt lưng buộc bụng”. Tuy người châu Âu và người Hy Lạp đều ca ngợi thỏa thuận này là một sự thắng lợi, nhưng ông Collins cảnh cáo rằng thỏa thuận này trên thực tế là dành vấn đề khó để lần sau giải quyết.

Có thể nói rằng việc đàm phán ở giai đoạn sau có thể sẽ khó khăn hơn. Cuối tháng này Hy Lạp phải đệ trình bảng liệt kê các biện pháp cải cách, đây sẽ là “khởi điểm” của cuộc đàm phán liên quan đến kế hoạch viện trợ. Trước khi cung cấp tiền, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế - cơ quan giám sát kế hoạch cứu trợ Hy Lạp - sẽ cần đánh giá tiến triển mà Hy Lạp đã đạt được. Eurogroup (Hội nghị Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro) còn quyết định sẽ rót 10,9 tỷ euro trái phiếu do Hy Lạp kiểm soát trước đây vào một quỹ cứu trợ, chỉ có dưới yêu cầu của Ngân hàng trung ương châu Âu thì quỹ này mới được cho vay tiền. Biện pháp bảo vệ này có thể tránh xuất hiện rủi ro Hy Lạp sử dụng tiền để “tái cơ cấu vốn của chính phủ”. Ông bày tỏ số tiền này chỉ có thể dùng vào việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng.

Mối quan hệ giữa Eurozone với Hy Lạp hiện nay giống như là một “cuộc hôn nhân kiểu cũ”, cuộc hôn nhân của họ liên quan đến sự tồn vong của đồng euro. Nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone thì chắc chắn sẽ lập tức dẫn đến tình hình hỗn loạn. Hy Lạp có thể sẽ bị tổn thương nặng nề, mất đi ngoại tệ mạnh dùng cho nhập khẩu dầu mỏ và dược phẩm, quốc gia này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của một chính phủ cực đoan gần như không có bất kỳ kinh nghiệm cầm quyền nào, vì vậy Hy Lạp cũng có chút lo ngại.

Xét từ góc độ lịch sử, không có một loại tiền tệ nào là có thể bền vững mãi mãi, nhưng sự rút lui của Hy Lạp không thể đe dọa đến sự vận hành của Ngân hàng trung ương châu Âu. Ông Collins cho rằng “cục diện bế tắc trước đây là việc từ bỏ biện pháp thắt lưng buộc bụng, cục diện bế tắc tiếp theo sẽ là sự rút lui của Hy Lạp, cho dù cục diện bế tắc này đến lúc nào thì định nghĩa cuối cùng chỉ là một sự kiện chính trị, chứ không phải là Ngân hàng Trung ương châu Âu gặp thách thức mang tính kỹ thuật”.

Việc rút khỏi Eurozone có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Điều đáng chú ý là việc rút lui của Hy Lạp không chỉ là vấn đề của bản thân châu Âu, Chính phủ Mỹ xuất phát từ việc suy nghĩ đến lợi ích bản thân cũng đang gây sức ép với EU. Do vậy có người cho rằng Mỹ có thể là “chúa cứu thế” thực sự của Hy Lạp. Trong thời gian Eurozone khủng hoảng kéo dài 5 năm, Tổng thống Mỹ Obama từng nhiều lần tiến hành bàn bạc với các quan chức EU, có lúc đã phát huy vai trò quyết định. Ví dụ, tháng 5/2010, Obama trong giờ phút cuối cùng của cuộc điện đàm với bà Merkel đã thuyết phục được bà Merkel ủng hộ kế hoạch nới lỏng “thắt lưng buộc bụng” đầu tiên cho Hy Lạp. Lần này, Mỹ lại một lần nữa tiến hành can thiệp đối với cuộc khủng hoảng của Eurozone, bởi vì sự bất ổn của Eurozone có thể đe dọa đến sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Nếu Hy Lạp cuối cùng không thể đạt được nhất trí về kế hoạch cải cách với Eurozone, Hy Lạp có thể chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc để tìm kiếm sự giúp đỡ. Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp bày tỏ: “Điều chúng tôi muốn là một thỏa thuận. Nhưng nếu không có thỏa thuận, nếu chúng tôi nhìn thấy Đức vẫn cố chấp và muốn chia rẽ châu Âu, thì chúng tôi có nghĩa vụ lựa chọn kế hoạch B. Kế hoạch B chính là việc thông qua cách khác để lấy được tiền. Tiền có thể đến từ Mỹ, có thể đến từ Nga, cũng có thể đến từ Trung Quốc hoặc các nước khác”. Thái độ bày tỏ như vậy lại một lần nữa dấy lên sự tranh cãi về địa chính trị, còn Mỹ tuyệt đối không cho phép cuộc khủng hoảng như vậy xuất hiện.

Trong một bản báo cáo do IMF công bố tháng 3/2012 cho rằng nếu như Hy Lạp rời khỏi Eurozone, đồng tiền Hy Lạp sẽ mất giá, lưu thông tiền tệ với khoản chi thâm hụt sẽ đẩy cao lạm phát, tiền lương và giá thành sản xuất khác tăng lên sẽ gây sức ép lớn, sẽ nhanh chóng làm yếu đi ưu thế cạnh tranh tổng thể của Hy Lạp. Đồng thời, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone có thể sẽ làm cho các quốc gia khác ở châu Âu và toàn thế giới đều phải trả giá về kinh tế. Một khi “việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone” trở thành hiện thực, chính phủ sẽ đạt được nhận thức chung với các quốc gia khác ở Eurozone về thời gian Hy Lạp rút khỏi Eurozone cũng như việc phát hành đồng tiền mới. Đồng thời, Hy Lạp rất có thể sẽ đóng cửa ngân hàng, đổi khoản tiền dự trữ euro sang đồng drachma. Sau đó, tiền lương, hợp đồng và tiền lương hưu của tất cả các nhân viên chính phủ sẽ được trả bằng đồng tiền mới, tiền gửi ngân hàng cũng sẽ được tính toán lại. Chính phủ cũng sẽ đặt tỷ giá hối đoái ban đầu của đồng nội tệ mới đối với đồng euro, sau đó chính phủ sẽ để cho thị trường tiền tệ quyết định tỷ giá hối đoái của đồng tiền mới, điều này có thể sẽ dẫn đến đồng tiền mới mất giá nhiều. Nhân lúc rủi ro “Hy Lạp rút khỏi Eurozone” tăng cao, các chuyên gia dự kiến đồng nội tệ mới ít nhất sẽ mất giá 50%, còn một số nhà kinh tế học cho rằng mức độ mất giá thậm chí có thể cao đến 80%, hơn nữa hậu quả đồng nội tệ mất giá gây ra sẽ không thể tưởng tượng nổi. Hậu quả đầu tiên sẽ là lượng tiền gửi chảy ra bên ngoài, trước đó người gửi tiền bắt đầu ồ ạt rút tiền, ngành ngân hàng trong nước Hy Lạp do vậy sẽ đối mặt với rủi ro chen nhau đổi tiền mặt và tiền vốn chảy ra bên ngoài.

Nhớ lại trước kia, sau khi hai nước Argentina và Nga từ bỏ tỷ giá hối đoái cố định, đồng nội tệ của hai nước này lập tức mất giá khoảng 60-70%. Tuy nhiên, Hy Lạp ngoài các sản phẩm phô mai phong phú đa dạng thì không có thực lực về tài nguyên như năng lượng và nhiều mặt hàng chủ lực giống hai nước nói trên. Do vậy, hỏi rằng Hy Lạp có thể sụp đổ hay hồi sinh sau khi “rút khỏi Eurozone”? Câu trả lời của ông Collins là “rất khó khăn”, vì vậy sau khi thỏa thuận mới đạt được, Hy Lạp thật sự cần phải lo cho bản thân mình liệu có bị lặng lẽ “đá” ra khỏi Eurozone hay không?

Theo Thời báo Tài chính Quốc tế, Trung Quốc

Hoàng Lan (gt)