Vào ngày 20/5/2016, Thái Anh Văn đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống được bầu trực tiếp thứ 4 của Trung Hoa Dân Quốc (ROC), thường được gọi là Đài Loan. Bài phát biểu nhậm chức của bà Thái rõ ràng đã nhắm tới việc ổn định và cả việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Nhưng bất chấp những nỗ lực làm yên lòng của bà, có thể sẽ khó duy trì những thành quả gần đây trong quan hệ hai bờ.

Bài phát biểu được háo hức mong chờ này hầu như không chứa đựng nhiều bất ngờ. Bà đã kêu gọi sự chú ý tới một danh sách dài những thách thức mà Đài Loan phải đối mặt, và bà nhấn mạnh người dân Đài Loan phải kiên nhẫn với chính phủ mới khi nó cố gắng hiện thực chương trình nghị sự khó khăn đó. 

Bài phát biểu của bà Thái tuân theo khuôn mẫu được vạch ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà. Bà đã dành phần lớn bài phát biểu để nói về những vấn đề nội bộ của Đài Loan: nền tư pháp chuyển tiếp, những cơ hội cho thanh niên, những mối quan tâm đến phúc lợi xã hội và những thách thức về kinh tế.

Việc thảo luận về quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc tương đối ngắn gọn; phần lớn nhắc lại những đề tài từ chiến dịch tranh cử. Bà Thái đã không hé lộ điều gì để có thể coi là một nỗ lực thể chế hóa hay thúc đẩy việc tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc - không có động thái nào tiến tới nền độc lập về mặt pháp lý. Thay vào đó, yếu tố mới lạ nhất trong bài phát biểu là một ám chỉ củng cố địa vị của Đài Loan như một thực thể Trung Quốc. Đây không phải là điều Bắc Kinh hy vọng, nhưng nó là một dấu hiệu gây tò mò. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vẫn hy vọng bà Thái sẽ công nhận Nhận thức chung năm 1992, một thỏa thuận ngầm giữa Đài Bắc và Bắc Kinh rằng cả Đài Loan và Đại lục là một phần của dân tộc Trung Hoa đơn nhất, cách diễn giải chính xác về điều mà hai nước có ý kiến khác nhau. Bà Thái đã không nhắc đến Nhận thức chung, nhưng bà cho biết chính sách của bà sẽ được dẫn dắt bởi một đạo luật của Đài Loan năm 1992 được gọi là Đạo luật quản lý quan hệ giữa nhân dân khu vực Đài Loan và khu vực Đại lục, một văn kiện mà trước đó bà đã không nhắc đến.

Thời hoàng kim?

Dưới sự lãnh đạo của Mã Anh Cửu ở Đài Loan, 8 năm vừa qua dường như là một thời đại hoàng kim trong quan hệ hai bờ. Kể từ năm 2008, hợp tác kinh tế, đối thoại chính trị và tiếp xúc về mặt xã hội đã nhiều hơn bao giờ hết. Đài Bắc và Bắc Kinh đã hoàn tất hai chục thỏa thuận kinh tế, việc đi lại và du lịch giữa hai bờ đã đạt những tầm cao mới, sự cộng tác giữa các quan chức chính phủ ở cấp làm việc đã trở thành thủ tục hoạt động tiêu chuẩn.

Trong thời kỳ Mã Anh Cửu, các nhà hoạch định chính sách của cả hai bên (và ở những nước khác) đã có thể xoay mối quan tâm của họ sang các vấn đề khác. Họ đã được giải phóng khỏi những lo lắng về những khủng hoảng có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Hiện nay, khi chính quyền mới lên nắm quyền, cả hai bên đang cho thấy lo ngại về việc liệu thời đại bề ngoài có vẻ hoàng kim này có thể tiếp tục đến bao lâu.

Nhưng cái vẫn được gọi là một thời đại hoàng kim chưa bao giờ thực sự hoàng kim. Mặc dù do những nguyên nhân thực tế hai bên đều chọn cách lờ đi những khác biệt của họ, những khác biệt này là có thật, ngay cả trong thời kỳ Mã Anh Cửu. Các nhà hoạch định chính sách Đài Loan của Bắc Kinh tin rằng ông Mã có chung mục tiêu với họ là đưa hai bên xích lại gần nhau, vì vậy họ sẵn sàng né tránh những vấn đề gai góc nhất. Nhưng họ hết sức hoài nghi về bà Thái, Đảng Dân tiến (DPP) của bà đã có lịch sử ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Việc bà lên nắm quyền có thể khiến những bất đồng giữa hai bên trở nên rõ ràng hơn, nhưng sự thật là chúng đã hiện hữu từ lâu.

Trong thời kỳ Mã Anh Cửu, Bắc Kinh và Đài Bắc đã sử dụng Nhận thức chung năm 1992 để che đậy khoảng cách lớn giữa quan điểm của hai bên. Nhận thức chung ngụ ý phản ánh một thỏa thuận mà các đại diện của hai bên đã đạt được trong một loạt cuộc gặp ở Hong Kong năm đó. Các nhà đại diện đã nhất trí rằng hai bên đều tin Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng đã quyết định không chỉ rõ ý nghĩa của từ “Trung Quốc”. Đối với Trung Quốc, Nhận thức chung năm 1992 đồng nghĩa với việc Đài Loan chấp nhận quan điểm của Đại lục rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đối với Đài Loan, điểm cốt lõi của Nhận thức chung là Trung Quốc sẵn lòng chấp nhận Đài Loan có một định nghĩa “Trung Quốc” của riêng mình. Sự trù liệu của Nhận thức chung năm 1992 chỉ có tác dụng khi không bên nào chú tâm quá mức vào những gì bên kia nói.

Bắc Kinh muốn giữ nguyên nền móng này. Họ đã biến sự tán thành của bà Thái về Nhận thức chung năm 1992 thành một yêu cầu về duy trì những tương tác tích cực mà đã rất thành công dưới thời nguyên Tổng thống Mã Anh Cửu, bởi họ nhận thấy thỏa thuận này là một thể thức tiện lợi – đủ mơ hồ để trấn an một lượng lớn thính giả.

Nhưng bà Thái và các đồng minh DPP của mình không thể hoàn toàn đồng ý với Nhận thức chung năm 1992. Có thể nói chính sách của bà Thái tiệm cận với bản hiệp ước: bà có tiến đến rất sát, nhưng không bao giờ chạm vào nó.

Cách tiếp cận của bà Thái 

Bài phát biểu nhậm chức là một minh chứng cho cách tiếp cận này. Bà cho biết các cuộc gặp gỡ vào năm 1992 “đã đạt được một số thừa nhận và hiểu biết chung” và bà “tôn trọng sự thật lịch sử này”. Việc tôn trọng một sự thật lịch sử là điều gần nhất với việc thừa nhận nó mà không cần thực sự làm như vậy, nêu ra “những thừa nhận và hiểu biết chung” gần nhất với khái niệm đồng thuận mà không cần thực sự sử dụng chính từ đó.

Bài phát biểu của bà Thái cũng nhắc lại nhiều yếu tố khác trong cách tiếp cận lâu dài của bà. Bà mô tả các cuộc gặp năm 1992 là đã được tiến hành “trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và một quan điểm chính trị tìm kiếm nền tảng chung trong khi gác sang bên những khác biệt”. Các cuộc trao đổi đã khả thi hóa “hơn 20 năm tiếp xúc và đàm phán xuyên eo biển qua đó cho phép có và tích lũy những kết quả mà cả hai bên phải cùng trân trọng và duy trì”.

Bà Thái Anh Văn cũng tái khẳng định “những nền tảng chính trị đang tồn tại” đối với quan hệ hai bờ: “Sự thật về các cuộc trao đổi năm 1992 giữa hai thể chế đại diện cho mỗi bên eo biển”, “trật tự theo hiến pháp của Đài Loan hiện nay”, “những hậu quả của hơn 20 năm thương thảo và tương tác qua eo biển”, và “nguyên tắc dân chủ và ý nguyện phổ biến của nhân dân Đài Loan”.

Nếu phần lớn bài phát biểu là khá quen thuộc, có ít nhất một yếu tố mới gây tò mò: đó là việc đề cập đến đạo luật quản lý quan hệ hai bờ của Đài Loan năm 1992. Bà Thái Anh Văn cho biết: “Chính phủ mới sẽ dẫn dắt các vấn đề xuyên eo biển sao cho phù hợp với Hiến pháp của Đài Loan, Đạo luật quản lý mối quan hệ giữa nhân dân khu vực Đài Loan và khu vực Đại lục, và các điều luật liên quan khác”. Điều có thể xác nhận rõ nhất là, bà Thái Anh Văn chưa bao giờ nhắc tới đạo luật này trong năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử và trong lễ nhậm chức của mình, vì vậy việc bổ sung điều này vào bài phát biểu là một điểm đáng chú ý.

Đạo luật 1992 được bà Thái nhắc tới đã thiết lập những thể chế mà thông qua đó Đài Loan dẫn dắt mối quan hệ của mình với Đại lục trong 24 năm qua. Đài Loan đã thành lập Hội đồng các vấn đề Đại lục như một cơ quan cấp chính phủ cho các vấn đề xuyên eo biển, nước này đặt ra những giới hạn trong đó những tương tác không chính thức, gần chính thức và kể cả – trong Chính quyền Mã Anh Cửu – chính thức ở cấp độ làm việc cũng đã được thực hiện.

Nhưng điều khiến đạo luật này trở nên thú vị hiện nay đó là việc nó định nghĩa rõ ràng Trung Hoa Dân Quốc là một chính phủ có yêu sách lãnh thổ ở cả Đại lục và Đài Loan, và sự đề cập đến việc thống nhất. Mục đích được tuyên bố của đạo luật này như sau: “Đạo luật này được đặc biệt ban hành dành cho các mục tiêu đảm bảo an ninh và phúc lợi xã hội ở Đài Loan, điều chỉnh quan hệ giữa nhân dân khu vực Đài Loan và khu vực Đại lục, và xử lý các vấn đề pháp lý nảy sinh từ đó trước khi thống nhất quốc gia”. Đạo luật này xác định rõ khu vực Đài Loan bao gồm hòn đảo chính Đài Loan, cũng như các đảo Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ gần đó (tất cả đều do Đài Bắc quản lý); khu vực Đại lục được xác định bao gồm “vùng lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc bên ngoài khu vực Đài Loan”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể diễn giải một cách tiêu cực về việc bà Thái đề cập tới đạo luật này – xét cho cùng, họ không thừa nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc.
Tuy nhiên, một cách diễn giải tích cực cũng có thể xảy ra. Bà Thái đã ngụ ý là bà không bác bỏ khái niệm về Trung Hoa Dân Quốc và liên hệ của nó với Trung Quốc. Bằng cách đề cập tới điều luật này như thể nó là một hòn đá thử cho chính sách của mình, bà đang gắn sự lãnh đạo của mình với một cách diễn giải đã có từ lâu – được đưa vào trong hiến pháp và luật pháp Đài Loan – mà gắn kết Đài Loan với Trung Quốc. 

Phản ứng của Bắc Kinh trước bài phát biểu nhậm chức của bà Thái cho thấy họ không có ấn tượng với tiến triển này; họ đánh giá sự thể hiện của bà là “chưa đầy đủ”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn kỳ vọng vào một sự tán thành rõ ràng đối với Nhận thức chung năm 1992, điều họ nhận được là chỉ gần như vậy mà không phải hoàn toàn, và một yếu tố mới đã lần đầu xuất hiện.

Quan trọng là cần lưu ý rằng yếu tố mới này tách bạch với nền độc lập về mặt pháp lý, trong đó nó khẳng định cách tự diễn giải truyền thống của Trung Hoa Dân Quốc. Bắc Kinh nên lưu ý đến điều này một cách thận trọng.

Chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa thực tế ở phía trước 

Cụ thể là có 3 sự phát triển dẫn đến kết luận rằng kể cả bà Thái có dẫn lại cụm từ kỳ diệu “Nhận thức chung năm 1992” trong bài phát biểu nhậm chức của mình, thì quan hệ hai bờ sẽ vẫn không thay đổi trong một giai đoạn khó khăn.

Đầu tiên, kể cả nếu các nhà lãnh đạo Đài Loan sẵn lòng chấp nhận thỏa thuận năm 1992, thì sẽ không có sự nhất trí nào về sự đồng thuận trong công chúng Đài Loan. Nhiều người Đài Loan đồng ý rằng có một công thức cho phép mối quan hệ tiến triển là tích cực và hữu ích, nhưng hầu như không ai cảm thấy thoải mái với nội dung của Nhận thức chung năm 1992 như cách Bắc Kinh vẫn hiểu – thừa nhận rằng Đài Loan là một phần của một Trung Quốc được bao gồm vào Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, việc bà Thái không che giấu sự thực về Đài Loan đằng sau chiếc lá vả là Nhận thức chung năm 1992 chứa đựng những nguy cơ, nhưng nó cũng có ưu điểm là chân thành. Trong suốt cái gọi là thời đại hoàng kim, những thông điệp từ bờ Đài Loan hướng tới giảm bớt đi thái độ hoài nghi về Đại lục của công chúng Đài Loan. Thông điệp của bà Thái có thể ít an ủi được các nhà ra quyết định ở Đại lục, nhưng nó sẽ cho phép họ xây dựng chính sách dựa trên những đánh giá chính xác về tình hình mà họ đối mặt.

Thứ hai, kinh nghiệm của Đài Loan dưới thời Mã Anh Cửu đã cho thấy những giới hạn của sự thân thiện của Bắc Kinh – cái được cho là thời kỳ hoàng kim đã bị làm lu mờ bởi việc Trung Quốc miễn cưỡng trao những lợi ích mà Đài Loan có thể bỏ túi. Ví dụ, ông Mã đã ưu tiên những nỗ lực cải thiện quan hệ hai bờ hơn là ra sức mở rộng không gian quốc tế của Đài Loan, như tìm cách tham gia các tổ chức quốc tế. Ông đã bảo vệ cách tiếp cận của mình bằng việc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đền đáp những hành động này bằng việc xóa đi những trở ngại để Đài Loan tham gia các hoạt động quốc tế, bao gồm bật đèn xanh cho những thỏa thuận thương mại song phương mới với Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế, qua 8 năm quan hệ hai bờ ấm lên, không gian quốc tế của Đài Loan đã mở rộng rất ít. Sự cô lập chính trị và kinh tế của Đài Loan đã không giảm bớt. Và kết quả là nhân dân Đài Loan ngày càng lo lắng rằng hòn đảo của họ trở nên quá phụ thuộc vào Đại lục cho sự tồn tại nền kinh tế của mình.

Khó có thể ngạc nhiên khi mà những đề xuất kinh tế của bà Thái tập trung vào việc thoát khỏi sự cách ly và quá phụ thuộc. Bà tập trung nhiều hơn vào việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (hiệp định thương mại đa phương giữa các nước vành đai Thái Bình Dương ở châu Mỹ và Đông Á) và định hướng lại nền công nghiệp Đài Loan hướng đến Nam Á hơn là tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Những phát triển này có thể không được chào đón ở Bắc Kinh, nhưng chúng được thúc đẩy bởi quan điểm ở Đài Loan rằng bất luận điều gì Trung Quốc sẽ không giúp Đài Loan phát triển mạnh về kinh tế, vì vậy hòn đảo này phải nhìn xa hơn cho nền kinh tế của mình trong tương lai.

Thứ ba, dù cho bà Thái tuân thủ Nhận thức chung 1992, thì các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cũng sẽ không tin tưởng bà, do vậy đồng ‎với nó sẽ gần như là một cử chỉ vô nghĩa – tai hại ở trong nước và hầu như không có giá trị gì ở bên kia eo biển.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tin tưởng bà Thái vì những lý do cá nhân – bà có liên hệ với cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy và bà dính líu đến học thuyết hai nhà nước của ông, đó là hai trong các yếu tố lớn nhất – cũng như bà có quan hệ với DPP. DPP nổi lên kể từ phong trào ủng hộ dân chủ của Đài Loan vào những năm 1980 với một chủ trương mạnh mẽ cho việc dân chủ hóa và một chính phủ tập trung vào, không phải dự án từ lâu của Quốc Dân đảng là thống nhất Trung Quốc dưới lá cờ Trung Hoa Dân Quốc, mà vào phục vụ cho những nhu cầu của nhân dân Đài Loan. Tuyên bố mạnh mẽ nhất của sự gắn kết của DPP với Đài Loan như một điều tự nó đã là quan trọng là nguyên tắc chủ yếu của cương lĩnh năm 1991 của đảng này mà đòi hỏi Đài Loan phải cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc và tìm kiếm sự thừa nhận là một nước độc lập. DPP không còn chủ trương độc lập trên pháp lý, nhưng nhiều người nuôi dưỡng nó vẫn nuôi dưỡng giấc mơ Đài Loan độc lập, và đảng này cho đến nay không còn có thể xóa bỏ hay thậm chí đóng băng nguyên tắc độc lập trong cương lĩnh của mình.

Đi kèm với lý do độc lập này là một lý do chủ yếu tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tin tưởng bà Thái – hay bất kỳ các nhà chính trị của DPP. Dù việc công nhận Nhận thức chung năm 1992 không đủ để vượt qua sự nghi ngờ của Bắc Kinh đối với bà Thái nhưng việc bà Thái từ chối làm vậy đã củng cố thêm quan điểm của Bắc Kinh rằng sự điều chỉnh trong chính sách của DPP là những chiến thuật nhằm kéo dài thời gian để đảng này có thể theo đuổi được mục tiêu cơ bản là nền độc lập chính thức.

Trong bối cảnh này, quyết định của bà Thái làm nổi bật lên Đạo luật quản lý quan hệ giữa nhân dân hai khu vực trong bài phát biểu quan trọng nhất của bà kể từ khi được là đặc biệt gây tò mò. Nếu mục tiêu của bà Thái là thúc đẩy sự độc lập trên pháp lý, thì bà sẽ khó bắt đầu bằng đi theo một đạo luật mà đặt quan hệ hai bờ trên cơ sở xác định rõ Đài Loan và Đại lục là những phần của một thực duy nhất.

Đối với quan hệ hai bờ, thời kỳ hoàng kim có thể không phải là một thực tế, nhưng cánh cửa mở ra cho một kỷ nguyên bạc được đặc trưng bởi chủ nghĩa lạc quan và bị kiếm chề bởi chủ nghĩa hiện thực.

Shelley Rigger là giáo sư Chính trị Đông Á, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, phó chủ nhiệm về chính sách giáo dực tại trường Davidson College. Bài viết được đăng trên Cagnegie - Thanh Hoa.

Trần Quan (gt)