Sea123.jpg

Ngày 7/3 vừa qua, Hiệp hội các Quốc gia vành đai Ấn Độ Dương (IORA) đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập của tổ chức này bằng Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo IORA tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Hội nghị này đã nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của IORA đối với kinh tế, an ninh chính trị của khu vực cũng như trên thế giới. Đối với Indonesia, đây là tổ chức đa phương có tầm quan trọng hàng đầu, chỉ sau Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

IORA là tổ chức gồm 21 quốc gia thành viên nằm trên vành đai Ấn Độ Dương được thành lập với mục đích tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực. Vì vậy, hợp tác kinh tế cho đến giờ vẫn là động lực chính để các quốc gia thành viên theo đuổi sự hợp tác trong khuôn khổ của tổ chức này. Mặc dù IORA đã được thành lập cách đây 20 năm nhưng hiệp hội vẫn còn tương đối lỏng lẻo và gần đây, lãnh đạo các quốc gia thành viên mới tích cực thiết lập và tạo ra khuôn khổ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia nội khối. Indonesia là một trong những quốc gia hiện đang tích cực thể hiện vai trò cũng như tìm kiếm các giải pháp để củng cố khuôn khổ hợp tác trong IORA, báo hiệu rằng tổ chức này sẽ là tổ chức quan trọng sau ASEAN mà quốc gia này quan tâm sâu sắc.

Trải dài từ bờ phía Tây đến bờ phía Đông của Ấn Độ Dương, IORA bao gồm các quốc gia: Nam Phi, Mozambique, Madagascar, Mauritius, Comoros, Tanzania, Kenya, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Yemen, Somalia, Oman, Iran, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Seychelles, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Úc. Tầm quan trọng của IORA thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, về mặt địa lý, Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược, là đại dương lớn thứ ba trên thế giới với nhiều quốc gia đang phát triển nằm dọc theo bờ biển đang tích cực có sự hợp tác kinh tế, thương mại với nhau. Trong khu vực này, có nhiều nền kinh tế lớn, mới nổi như Úc, Ấn Độ, Indonesia đang tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thứ hai, không giống như ASEAN, các đối tác và đối thoại của IORA đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng các quy tắc cũng như thiết lập các chương trình hợp tác của khối. Có 7 quốc gia đối thoại của IORA là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Đức, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Cho đến nay, Trung Quốc là một trong số những đối tác tích cực nhất của IORA, bên cạnh đó là Đức hiện cũng có nhiều hoạt động ủng hộ tổ chức này. Đây là một dấu hiệu thể hiện tầm quan trọng chiến lược của IORA đối với các cường quốc trên thế giới. Sự sẵn sàng, tích cực của một số quốc gia thành viên IORA đối với hoạt động của tổ chức này sẽ góp phần định hình, tạo dựng sự hấp dẫn đối với các quốc gia đối tác, đối thoại từ đó góp phần làm cho tổ chức này ngày càng có sức lan tỏa lớn trên thế giới.

Thứ ba, Bộ Ngoại giao Indonesia muốn dựa vào IORA để tối đa hóa tiềm năng thương mại, hợp tác và đầu tư với các đối tác truyền thống.

Indonesia đang tích cực thể hiện vai trò đầu tầu của mình trong IORA nhằm xây dựng tổ chức này ngày càng lớn mạnh cũng như hấp dẫn đối với các nước đối tác, đối thoại của hiệp hội để giúp cho Indonesia có thêm nhiều cơ hội thể hiện chính sách đối ngoại độc lập và công bằng của mình.

Hội nghị thượng đỉnh IORA lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Jakarta. Trước đó, đã diễn ra một loạt cuộc họp cấp cao ở Padang và Bali từ năm 2011. Hoạt động của Indonesia trong các cuộc họp cấp cao chính thức, diễn đàn học thuật của IORA đã thể hiện quyết tâm của Indonesia nhằm gia tăng vai trò của IORA trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, liệu các cam kết này của Indonesia có tiếp tục được thực hiện sau nhiệm kỳ của Tổng thống Jokowi hay không? Có nhiều lý do để trông đợi, cụ thể là vì IORA được nhiều người dân Indonesia cũng như lãnh đạo của nước này coi trọng.

Thỏa thuận IORA mà Indonesia ủng hộ là kết quả của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của tổ chức này nhằm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Nạn đánh bắt cá trái phép; vấn đề buôn bán ma túy; vấn đề di cư bất hợp pháp và vi phạm bản quyền. Tất cả đều là những vấn đề cấp bách mà hiện Indonesia cũng đang tích cực thể hiện vai trò của mình trong ASEAN. Indonesia đang nỗ lực thể hiện vai trò, vị trí của mình trong IORA với mong muốn tổ chức này sẽ góp phần thực hiện chiến lược trở thành “trung tâm biển” của nước này, giúp đưa Indonesia lên một tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.

Tác giả là Tiến sỹ Dinna Wisnu, Trưởng khoa Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Atmajaya. Bài phân tích đăng trên “The jakarta post”.

Mỹ Anh (gt)