Từ góc độ kinh doanh, khu vực Đông Nam Á từ lâu đã là một sự tập hợp thú vị nhưng không đồng bộ của các thị trường nhỏ hơn, nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Hơn 11 năm theo đuổi, AEC sẽ chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Khi châu Á bước vào năm mới, giấc mơ về một thị trường và cơ sở sản xuất chung bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ chính thức trở thành hiện thực, một dấu mốc quan trọng trong chiến lược thiết lập một vòng tăng trưởng và cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế. Một ASEAN thống nhất về kinh tế sẽ là một thị trường với 640 triệu dân, GDP 2.400 tỷ USD. Nền kinh tế của toàn bộ khối ASEAN lớn thứ bảy thế giới. McKinsey & Company dự báo rằng số lượng các hộ gia đình trung lưu ở khu vực này sẽ tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 163 triệu từ nay đến năm 2030.

Con đường đến AEC đã diễn ra khá lâu và lễ kỷ niệm vào cuối năm nay sẽ không đánh dấu sự kết thúc của cuộc hành trình. Báo cáo AEC năm 2012 ước tính rằng các quốc gia thành viên đã đạt được 67,5 % mục tiêu hội nhập. Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất như thương mại tự do đối với các mặt hàng lương thực, các ngành dịch vụ chủ chốt… vẫn đang được đàm phán. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng có những khác biệt lớn khiến mục tiêu tạo ra một thị trường phù hợp với tất cả thậm chí còn khó khăn hơn nhiều. Chẳng hạn, theo báo cáo năm 2004 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), GDP bình quân đầu người của Singapore, thành viên giàu nhất ASEAN, cao hơn 20 lần so với Myanmar, quốc gia nghèo nhất khu vực, trong khi đó, khu vực này bao gồm cả các quốc gia theo chế độ quân chủ tuyệt đối lẫn các quốc gia có nguồn gốc cộng sản (ASEAN được thành lập trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nghĩa là tất cả các thành viên phải đồng ý trước khi các biện pháp được thực hiện). Và nếu AEC được hình thành mà thực sự chưa hoàn hảo hay đầy đủ thì nó cũng sẽ trở thành một cột mốc quan trọng khẳng định các cam kết của các thành viên đi chung một con đường để hội nhập sâu hơn.

Sự đa dạng của khu vực là một thách thức, nhưng nó cũng sẽ trở thành cơ hội chưa từng có để thể hiện khả năng tự duy trì tăng trưởng: có nhà cung cấp, người tiêu dùng tài nguyên; các nhà sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao tạo ra hàng hóa mà các nhà sản xuất có lợi nhuận thấp mong muốn và ngược lại. Các bước cuối cùng để tạo ra thị trường chung sẽ hóc búa nhất vì vấn đề này tác động lớn tới lợi ích của các nước, nhưng cũng sẽ là quan trọng nhất nếu khu vực thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững và công bằng.

Có ba ưu tiên có sự gắn kết với nhau, đó là kết nối thương mại, kết nối tài chính và kết nối vật lý. ASEAN cần giữ áp lực để tiến tới dỡ bỏ các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan, bao gồm các ngành công nghiệp dịch vụ. Phần lớn sự tăng trưởng mới của châu Á, đặc biệt ở các nước thu nhập trung bình như Thái Lan và Malaysia, sẽ đến từ các lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực này sẽ tiến bộ nhanh và ổn định hơn khi nó được vận hành ở tầm khu vực hơn là trong khuôn khổ một quốc gia.

Về cơ sở hạ tầng, nếu không có các khoản đầu tư lớn hơn nữa cho kết nối vật lý (các tuyến đường bộ, đường sắt và cảng biển), thương mại và các cấu trúc tài chính có thể phải trả giá, điều khiến cho giấc mơ về một cường quốc kinh tế ASEAN tự cường sẽ không bao giờ được trở thành hiện thực đúng nghĩa. Sự cần thiết về điều kiện cơ sở hạ tầng đầy đủ, tốt hơn được thừa nhận rộng rãi, nhưng khu vực này đang phải vật lộn để tìm giải pháp bền vững nhằm huy động được các khoản kinh phí phục vụ cho mục tiêu này. Châu Á thường có truyền thống dựa vào vốn vay ngân hàng đối với phần lớn các nhu cầu tài chính của mình, nhưng quy mô và thời gian cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay ở trong môi trường hoàn toàn khác. ASEAN cần kết nối tốt hơn, sử dụng các khoản đi vay hiệu quả hơn để chuyển được số tiền tiết kiệm vào đầu tư cho giai đoạn tiếp theo của sự phát triển, điều này cần một hệ thống quản lý đồng bộ để bảo vệ cả người cho vay và người đi vay.

Tầm nhìn AEC đầy đủ là một khu vực kết nối vật lý, thương mại và tài chính. Ngày 31/12 tới sẽ rất quan trọng, nhưng nó không đánh dấu sự khởi đầu cũng không phải sự kết thúc của một quá trình. Các nhà hoạch định chính sách xây dựng một Cộng đồng có thể nhìn lại những thành tựu đã đạt được với niềm tự hào, nhưng điều quan trọng hơn là phải hướng về phía trước với sự quyết tâm cao.

Tác giả Noel Quinn là Giám đốc khu vực ngân hàng HSBC. Bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta” (ngày 23/3).

Hương Trà (gt)