Những vấn đề quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Điều này không đúng với hai cuộc bầu cử trước đó: Do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, nên các vấn đề kinh tế là nội dung trọng tâm trong các cuộc bầu cử năm 2008 và 2012. Trong những năm qua, bối cảnh đã thay đổi. Trong khi những vụ tấn công ở Boston tháng 4/2013 dường như đã bị quên lãng, thì việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu nhà báo người Mỹ James Foley tháng 8/2014, các vụ tấn công ở Paris, San Bernardino năm 2015, sau đó là ở Brussels năm 2016, đã làm dấy lên mối lo ngại trong dư luận Mỹ về vấn đề khủng bố. Đồng thời, sự trở lại của một nước Nga hiếu chiến vốn đã chứng tỏ tham vọng lấn chiếm lãnh thổ của họ ở Ukraine năm 2014, đã làm sống lại ký ức về Chiến tranh Lạnh. Hậu quả: Trong mối quan ngại của các cử tri, thì các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và hoạt động đối ngoại của Mỹ hiện đã gần ngang bằng với vấn đề kinh tế.

Vậy nên đề án của các ứng cử viên Nhà Trắng về chính sách đối ngoại đã được xem xét một cách kỹ lưỡng. Là nữ ứng cử viên có quan điểm ôn hòa từ lâu có lợi thế trong các cuộc thăm dò, bà Hillary Rodham Clinton (HRC, đảng Dân chủ) đương nhiên có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại, vì từng là Ngoại trưởng Mỹ (cương vị bà đã đảm nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, từ năm 2009 đến năm 2013). Chương trình về chính sách đối ngoại của bà Hillary Clinton được xem là cụ thể hơn so với đối thủ thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy nên có thể xem đó là một chính sách đối ngoại với thương hiệu HRC, vừa có tính lý tưởng, vừa mang chất thực dụng, với ngôn từ chính được sử dụng là "tính hiệu quả".

Sự giao thoa của những truyền thống trong chính sách đối ngoại Mỹ

Sự khởi đầu có phần lý tưởng hơn

Cần nhắc lại rằng thuyết về lý tưởng và thuyết về hiện thực là hai dòng chính được biết đến trong chính sách đối ngoại Mỹ. Nó là khởi điểm của các dự án trái ngược nhau trong việc giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.

Những người theo đuổi thuyết lý tưởng cho rằng có thể cải thiện tình hình của phần lớn các nước trên hành tinh và rằng Mỹ rất chú trọng đầu tư vào nhiệm vụ này. Vậy nên ít nhất họ có trách nhiệm đảm bảo hòa bình trên thế giới và nếu có thể góp phần vào sự phồn vinh và dân chủ của các nước có ít cơ hội hơn. Những người theo thuyết hiện thực trước hết tìm cách bảo vệ lợi ích riêng của nước Mỹ. Kế thừa thuyết chính trị thực tế của Đức, họ chọn lựa đồng minh và hành động của họ với sự thực dụng, theo các sự kiện.

Trong các sự kiện, những chuyên gia thực thi chính sách đối ngoại Mỹ hoàn toàn không phải là những người theo thuyết lý tưởng hay rất thực dụng. Hillary Clinton không phải là ngoại lệ: Trong cuốn sách của bà năm 2014, "Những sự lựa chọn khó khăn", bà xác định theo đuổi cả hai thuyết này và khẳng định nên tìm một sự cân bằng giữa hai cực này.

Tuy nhiên, khi bắt đầu sự nghiệp, bà Clinton đã nghiêng theo những ý tưởng về tiến bộ xã hội. Từ lâu, bà Clinton được cho là có thể hành động cụ thể nhằm cải thiện tình trạng của những cá nhân, không chỉ ở Mỹ mà còn trên thế giới. Theo bà, đó là vai trò của nhà nước và cả các sáng kiến cá nhân, như mục tiêu từ thiện của Quỹ Clinton được thành lập năm 2001. Cam kết của bà Clinton ủng hộ trẻ em và phụ nữ là một trong những phần việc ứng dụng xuất phát từ niềm tin này. Bà Clinton thích nhắc lại rằng sau khi nhận bằng đại học luật năm 1973, nơi làm việc đầu tiên của bà là Quỹ bảo vệ trẻ em, một tổ chức phi chính phủ chuyên chăm sóc các trẻ em bị thiệt thòi và gia đình của chúng rất nghèo. Tại Hội nghị lần thứ 4 của Liên hợp quốc về phụ nữ, tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995, bà Clinton đã nêu trong bài phát biểu của mình một câu cho đến nay vẫn còn nổi tiếng: "Quyền của phụ nữ là quyền con người". Một tầm nhìn mà bà đã không ngừng bảo vệ trong suốt sự nghiệp của mình.

Một ưu tiên được ghi dấu bằng sự can thiệp

So với những nhà lãnh đạo Mỹ khác, bắt đầu là Tổng thống Obama vốn thể hiện một sự do dự khi phát động một chiến dịch can thiệp ở bên ngoài, thì bà Hillary Clinton tự xếp mình vào phe theo đuổi hành động can thiệp. Theo ông James B.Steinberg, từng là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2009-2011, bà Clinton đã ghi dấu ấn sâu sắc với hai giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng bà từ năm 1992-2000. Đầu tiên, là cuộc khủng hoảng ở Rwanda năm 1994, trong khoảng thời gian mà Mỹ có thể để mặc cho tình trạng diệt chủng ở nước này diễn ra mà không có phản ứng. Sau đó là các cuộc chiến ở Bosnia năm 1994 và Kosovo năm 1999: Trái lại, Mỹ đã triển khai hành động quân sự đứng đầu liên minh quốc tế và phối hợp với các nỗ lực ngoại giao. Một bài học rõ ràng: Can thiệp là con đường phải theo đuổi. Anne Marie Slaughter, Giám đốc chương trình kế hoạch chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến 2011, khẳng định: Bà Clinton ưu tiên tìm mọi giải pháp khi đất nước đối mặt với cuộc khủng hoảng. 

Và cho những giải pháp quân sự…

Khi đã trở thành Thượng nghị sĩ bang New York năm 2001, ứng cử viên tổng thống tương lai đã yêu cầu dự phiên họp của Ủy ban quân lực Thượng viện. Vậy nên dưới góc độ quân sự và an ninh, bà đã tích lũy và có những hiểu biết về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại. Một quyết định đã nâng bà lên tầm hiện được xem là những “nhân vật diều hâu về quân sự” và nhận được sự ủng hộ của những nhân vật như Robert Kagan (cựu Cố vấn của George W.Bush, vốn được xem như một trong những gương mặt đi đầu của phe bảo thủ mới). 

Quan điểm chính được biết đến trong những năm qua là việc bà Clinton năm 2002 ủng hộ việc xâm lược Iraq của Chính quyền Bush - một sự ủng hộ mà nhiều người cho là bà đã đánh giá “sai lầm”. Người ta có thể nhận thấy trong sự ủng hộ này có dấu hiệu của một số sự cơ hội. Thực vậy, ở thời điểm đó, những ai không đồng thuận với chính phủ cũng dễ bị phe ủng hộ Bush cáo buộc là “phản bội tổ quốc” và “là những đồng minh mục tiêu của các phần tử khủng bố ngày 11/9”. Tuy nhiên, bà Clinton rõ ràng đã có một sự lựa chọn phù hợp với quan điểm của bà.

…được điều hòa bởi “sức mạnh thông minh” và ngoại giao

Thời gian bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ đã giảm xu hướng ưu tiên hành động quân sự, hay chính xác hơn, đã được bổ sung: Đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, bà Clinton đã biết đánh giá, sử dụng tốt hơn những công cụ khác, nhất là ngoại giao. Ngay khi đảm nhiệm cương vị, bà đã thúc đẩy khái niệm “sức mạnh thông minh”. Khái niệm này đã được hợp thức hóa trong những năm 2000 bởi Alexandra Nossel trên tạp chí Foreign Affairs và bởi Joseph Nye trong một nghiên cứu của CSIS (Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược).

Tại phiên điều trần trước Thượng viện, bà Clinton đã xác định nội hàm của những thuật ngữ này: "Chúng ta sẽ phải sử dụng những gì được gọi là ‘sức mạnh thông minh’. Trong tất cả những công cụ mà chúng ta có như ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, pháp lý và văn hóa, thì cần phải lựa chọn công cụ tốt, hay sự phối hợp các công cụ, để thích ứng tốt nhất cho từng trường hợp”.

Theo quan điểm của bà Clinton, “sức mạnh thông minh” bao gồm “sức mạnh cứng” (sức mạnh quân sự) và “sức mạnh mềm” (khả năng gây ảnh hưởng, nghĩa là sử dụng công cụ ngoại giao, viện trợ phát triển, những ảnh hưởng về văn hóa), và sự phối hợp này sẽ cho phép Chính phủ Mỹ sử dụng những công cụ cần thiết để thực thi một chính sách đối ngoại hiệu quả. Hành động quân sự không được xem như một liều thuốc bách bệnh. Các mối quan hệ ngoại giao có thể cũng cho thấy mức độ hữu ích.

Trong bốn năm ở Bộ Ngoại giao, bà Clinton đã hành động thuyết phục theo “quan điểm đa phương”, phù hợp với truyền thống và thực tiễn ngoại giao của Mỹ. Trái ngược với những người theo đuổi chủ nghĩa đơn phương xem rằng thế giới ngày càng bạo lực và thiếu những quy định, dường như là một thế giới trong tình trạng khởi thủy như Thomas Hobbes đã diễn tả trong tác phẩm Le Léviathan, và rằng tham nhũng và sự bất lực thường gây bất ổn cho một số nước đồng minh, các nhà ngoại giao Mỹ và cơ sở chính trị ở bờ Đông, quan niệm thực thi chính sách đối ngoại trong khuôn khổ đa phương. Hillary Clinton đã thường nhắc lại: Mỹ phải thực thi hành động của họ trong khuôn khổ pháp luật và các thể chế quốc tế.

Một hồ sơ phong phú được khẳng định bằng bảng tổng kết giai đoạn 2009-2013

Nhiều những tính từ (lý tưởng, can thiệp, đa phương, quân sự và sức mạnh thông minh) hướng các phương tiện truyền thông Mỹ đánh giá ứng cử viên đảng Dân chủ là người theo “chủ nghĩa quốc tế tự do”. Vậy cụ thể nó theo dạng thức nào? Thoạt đầu, việc xem xét hành động của Hillary Clinton với tư cách là Ngoại trưởng (2009-2013) có thể sẽ đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn khiến một bảng tổng kết như vậy không dễ được thiết lập. Liệu có phải do Ngoại trưởng của ông Barack Obama không hoàn toàn có đủ không gian để tự do hành động. Trong một tác phẩm năm 2013, Vali Nasr, giảng viên đại học và cố vấn Bộ Ngoại giao giữa giai đoạn 2009 và 2011, khẳng định Tổng thống đã giữ sự kiểm soát chặt chẽ về chính sách đối ngoại của đất nước có hại cho bộ máy ngoại giao và phàn nàn rằng Nhà Trắng có thể đã lựa chọn đối với phần lớn các hồ sơ, để xử lý. Những gì bà Clinton đã nói trong tác phẩm “Những sự lựa chọn khó khăn”: Đó là một cuốn sách vận động tranh cử trong đó bà Clinton nỗ lực đánh giá hành động của mình dưới thời Chính quyền Obama, đồng thời vẽ nên một dự án cá nhân cho những năm sắp tới. Điều chắc chắn, trong mọi trường hợp, đó là Barack Obama và Hillary Clinton không phải lúc nào cũng cùng ý kiến về những gì nước Mỹ cần làm trong các khu vực khác nhau của thế giới…

Trung Đông

Chủ thể có trách nhiệm với sự ủng hộ của Mỹ trong chiến dịch ở Libya

Vấn đề Syria hoàn toàn thể hiện rõ xu hướng theo đuổi học thuyết can thiệp và lý tưởng của bà Hillary Clinton. Được kích thích từ hiện tượng lan rộng về “Mùa Xuân Arập”, người dân Libya đã nổi dậy ngay từ tháng 2/2011 chống lại vị tổng thống nắm quyền từ năm 1969, Muammar Gadhafi. Ông này từng tuyên bố mạnh tay trấn áp các cuộc nổi dậy. Dù nhà độc tài này từng thân với phương Tây trong những năm trước đây (còn nhớ Gadhafi được Tổng thống Pháp Sarkozy tiếp đón tại Paris tháng 12/2007), song Pháp và Anh đã quyết định can thiệp vào nước này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và với sự đồng thuận của Liên đoàn Arập, để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Với việc can thiệp chống Gadhafi, ý đồ của phương Tây cũng nhằm khích lệ tiến trình dân chủ hóa khu vực, đã có ở Tunisia và Ai Cập.

Trong hai bài báo dài xuất bản hồi tháng 2/2016, tờ New York Times đánh giá tiến trình triển khai các hoạt động quân sự năm 2011 và vai trò của bà Clinton trong quyết định của Mỹ ủng hộ liên minh. Các nhà báo mô tả một nữ ngoại trưởng rất ủng hộ hành động can thiệp, nhân danh nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” được Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tổ chức tại New York năm 2005. Về phần mình, Barack Obama đã tỏ ra do dự hơn, cùng với một số chính khách trong nội các của ông, như Phó Tổng thống Biden hay Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ở thời điểm đó. Ngoại trưởng rốt cuộc đã thuyết phục tổng thống đưa ra một thỏa thuận có tính nguyên tắc. Can thiệp quân sự, với sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ, đã diễn ra từ tháng 3 đến tháng 10/2011. Sự mâu thuẫn giữa các phe phái bộ tộc bất đồng, thiếu vắng một cơ cấu chính phủ hiệu quả, sự tồn tại của những kho vũ khí lớn không có sự kiểm soát và cái chết của Gadhafi tiếc thay đã đẩy nước này vào trong sự bất ổn. Tình hình ngày càng xấu đi khi xảy ra cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi tháng 9/2012 và nội chiến trở lại năm 2014. Vụ tấn công Benghazi đã gây ra cái chết của 4 người Mỹ, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens, là một trong những chủ đề được phe đối lập Cộng hòa lựa chọn trong các vụ tấn công nhằm vào bảng tổng kết hoạt động của cựu Ngoại trưởng Clinton, bị cáo buộc là thiếu thận trọng trong xử lý vấn đề khi vụ tấn công này xảy ra.

Syria: Tổng thống ngờ vực

Trái lại, những khuyến nghị của Ngoại trưởng về sự ủng hộ gia tăng với các lực lượng “ôn hòa” tham gia trong cuộc nội chiến ở Syria từ tháng 3/2011 cũng không được Tổng thống Obama làm sáng tỏ. Sau khi đã xác định “lằn ranh đỏ” - Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị đe dọa trả đũa nếu ông quyết định sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường, ông Obama đã đột ngột thay đổi thái độ dù ông hầu như biết chắc rằng các loại vũ khí như vậy đã được sử dụng vào tháng 8/2013. Bước lùi này của Mỹ diễn ra sau khi những lý do chính được xét đến không những là sự gia tăng sức mạnh của IS, và cả cam kết của các lực lượng Nga trên thực địa bắt đầu từ tháng 9/2015. Sự tồn tại của một chương trình đào tạo và huấn luyện của Mỹ cho các lực lượng địa phương chống lại ông al-Assad được tiết lộ vào cuối năm 2015 và được cho thấy rất ít hiệu quả, đã không thể đủ làm đối trọng so với sự thận trọng rất lớn của Washington trong hồ sơ này.

Tuy nhiên, bà Clinton có thể đã không còn bất động với hồ sơ Syria. Trong một bài viết năm nay, Scott Ritter, một cựu thanh sát viên về giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc (từng tuyên bố năm 2003 rằng Iraq không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt), đã cáo buộc mạnh mẽ vai trò của bà Clinton. Theo ông này, cựu ngoại trưởng Mỹ đã giám sát việc chuyển giao vũ khí của Libya tới một số nhóm đối lập ôn hòa ở Syria thông qua Đại sứ Stevens. Các nhà báo của New York Times đã lần ra dấu vết về yêu cầu của ngoại trưởng thực hiện việc chuyển giao như vậy, song họ không bao giờ có thể chứng minh rằng những vũ khí này có được chuyển giao thực sự hay không.

Ủng hộ Mubarak

Tại Libya cũng như ở Syria, bà Clinton xuất hiện như một nhân vật theo đuổi chủ nghĩa can thiệp đã gây ra sự thay đổi thể chế trong các chế độ độc tài ở Trung Đông. Tuy nhiên, bà đã không thể hiện quyết tâm một cách thường xuyên. Trong một bài báo xuất bản trên tờ Foreign Policy tháng 11/2015, nhà báo James Traub nhấn mạnh đến sự thực dụng của bà Clinton. Ông nêu ra ví dụ về phản ứng của bà khi bắt đầu các cuộc biểu tình ở Ai Cập tháng 1/2011. Các cố vấn của Tổng thống Obama đã do dự về cách thức xử lý đối với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarack (đã nắm quyền từ năm 1981, và được Mỹ ủng hộ đến thời điểm đó), trong khi những người biểu tình ở quảng trường Tahrir (Cairo) yêu cầu ông này phải ra đi.

Thời điểm đó, bà Clinton đã khẳng định rằng việc quay lưng lại với các nhà lãnh đạo bạn bè của Mỹ từ 30 năm nay chỉ có thể khiến các đồng minh khác của Washington trên thế giới lo lắng. Theo bà, trong trường hợp đặc biệt, những nguyên tắc đạo đức sẽ phải nhường bước trước những lợi ích dài hạn… Bà Clinton đã không thể đạt được điều mình muốn. Những cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, ông Mubarak bị Mỹ bỏ rơi, đã buộc phải từ bỏ quyền lực ngày 11/2/2011. 

Giữa Israel và Iran, môi trường cân bằng

Bà Clinton đã luôn tỏ sự ủng hộ vô điều kiện đối với Israel. Ví dụ, gần đây bà đã chống lại phong trào kêu gọi tẩy chay những sản phẩm đến từ những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Bức thư mà bà đã gửi cho nhà tài trợ quan trọng của đảng Dân chủ Haim Saban, trong đó nêu quan điểm về phong trào trên, đã được công khai trên mạng Internet. Sự ủng hộ của bà có phần khác với thái độ giữ khoảng cách của Tổng thống Obama, đặc biệt trong mối quan hệ với Thủ tướng theo đường lối bảo thủ Benyamin Netanyahu. 

Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi này với Israel cho thấy những giới hạn: Bà Clinton đã không chỉ chống lại thỏa thuận về hạt nhân Iran - một thỏa thuận trong đó Chính phủ Israel nhận thấy mối nguy hiểm tiềm tàng. Theo quan điểm của bà Clinton, văn bản này trái lại tạo ra phương tiện tốt nhất để ngăn chặn mối đe dọa Iran trong khu vực. Bà yêu cầu phải có sự đánh giá rất chặt chẽ sự tôn trọng thỏa thuận của Tehran, cũng như các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc trong trường hợp có gian lận được ghi nhận. 

Quan điểm cứng rắn đối với Putin

Cần nhớ lại rằng, ít lâu sau khi đảm nhiệm cương vị ở Bộ Ngoại giao, bà Clinton đã đề nghị người đồng cấp Sergei Lavrov “khởi động lại” mối quan hệ Mỹ-Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc xóa đi sự thù hận đã tồn tại trong cuộc khủng hoảng Gruzia năm 2008 và đạt được sự cho phép các máy bay vận tải của Mỹ bay qua vùng trời Nga đến Afghanistan. Hiện bà Clinton thừa nhận Mỹ đã đạt được sự cho phép của Nga, cũng như một hiệp ước mới cắt giảm vũ khí hạt nhân (START mới) được ký tháng 4/2010 và áp dụng tổng thể các biện pháp trừng phạt chống Iran bắt đầu từ mùa Hè 2010. Những phần bổ sung đã được hoàn thiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Dmitry Medvedev (2008-2012)…

Với việc ông Vladimir Putin trở lại cương vị tổng thống tháng 5/2012, mọi chuyện đã thay đổi. Bà Clinton đã thể hiện thái độ cứng rắn mạnh mẽ với ông chủ điện Kremlin. Bà Clinton phê phán ông Putin không tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và đẩy đất nước của ông vào con đường thụt lùi. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2013-2014, bà đã không do dự so sánh lập luận cưỡng đoạt của Nga trong việc sáp nhập Crimea với những gì Hitler từng hành động để sáp nhập vùng Sudetenland ở Tiệp Khắc trong những năm 1930. Điều đó có thể hiểu rằng nếu bà Clinton vào Nhà Trắng, mối quan hệ của bà với ông Putin sẽ không thể tốt đẹp. 

Trung Quốc: Gia nhập những nguyên tắc và quan hệ thương mại

Trung Quốc và Mỹ có một mối quan hệ phức tạp: Căng thẳng nảy sinh từ những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông, song hành cùng với những lợi ích kinh tế và tài chính chung. Mỗi bên nhận thức rằng một sự đoạn tuyệt hoàn toàn giữa hai nước, một giả thuyết thực sự thiếu độ tin cậy, có thể đồng thời dẫn tới một sự sụp đổ về kinh tế của các nhà máy Trung Quốc, vốn xuất khẩu phần lớn sản phẩm của họ sang Mỹ, và một sự sụp đổ về tài chính của Mỹ, vốn là con nợ lớn của Trung Quốc. Vậy nên, các nhà lãnh đạo Mỹ (và rộng hơn là phương Tây) thường buộc phải lựa chọn giữa hai thái độ: Chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền hay làm tất cả để giữ mối quan hệ tốt với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Kết quả hoạt động của bà Clinton phản ánh cách mà bà thành công trong việc phối hợp giữa các nguyên tắc và tính thực dụng. Trong chuyến đi tới Trung Quốc tháng 5/2012, bà Clinton đã có các cuộc thảo luận về chính trị và kinh tế… đồng thời thương lượng về việc thả tự do cho nhân vật ly khai Trần Quang Thành. Một sự linh hoạt mang “phong cách Hillary”.

Dự án của Hillary Clinton cho năm 2017

Chương trình chính sách đối ngoại của bà Clinton cho năm 2017 (năm bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống nếu bà trúng cử vào tháng 11 tới) đã được phát triển với sự phối hợp của một mạng lưới rộng rãi các chuyên gia, đứng đầu là Jake Sullivan, người cộng sự của bà hồi ở Bộ Ngoại giao hiện có thể trở thành cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia trong trường hợp bà Clinton thắng cử, cũng như những gương mặt lớn chuyên về chính trị quốc tế như Michele Flournoy, người sáng lập Trung tâm về một thế kỷ mới của Mỹ và là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chính trị, hay Phil Gordon, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại. Trong đường hướng hành động khi ở Bộ Ngoại giao, bà Clinton bảo vệ sự cần thiết về vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, song cụ thể là sự lãnh đạo thông minh này, với tầm nhìn dài hạn phải được triển khai thông qua “chính sách thông thái”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Jeffrey Goldberg trên tờ The Atlantic tháng 8/2014, bà Clinton đã có sự so sánh giữa chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và vai trò lãnh đạo mà nước này phải đảm nhiệm hiện nay trong cuộc đấu tranh chống mối đe dọa với phong trào khủng bố theo dòng Sunni cực đoan là đại diện. Theo bà, vì Mỹ là nước duy nhất có thể giải quyết vấn đề khó khăn này, nên họ có quyền làm điều đó. Theo ông Goldberg, Tổng thống Obama sẽ không bao giờ có thể cho phép một công thức tham vọng như vậy. Song với Hillary Clinton, mọi tầm nhìn táo bạo đều được thực thi bởi một phương pháp thực dụng…

Trang mạng vận động tranh cử “hillaryclinton.com” có một phần đề cập đến an ninh quốc gia, liệt kê những đề nghị chính thức của nữ ứng cử viên tổng thống. Các đề xuất này được bổ sung thường xuyên qua các bài diễn văn, phỏng vấn và tranh luận trên truyền hình. Có thể nêu một số ví dụ. 

Về Trung Đông, bà Clinton đã nêu chi tiết những ý định của mình trong bài diễn văn tại Diễn đàn Saban đầu tháng 12/2015, một sự kiện hàng năm về mối quan hệ giữa Mỹ và Israel được Viện Brookings tổ chức. Trong bài diễn văn này, bà Clinton đã liệt kê những đường hướng cụ thể nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng Syria. Bà khuyến nghị cung cấp vũ khí cho người Kurd và các nhóm nổi dậy người Sunni ở Iraq không phải là các phần tử thánh chiến; đề cập đến việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không ném bom vào các vùng đất người Kurd ở Syria và ngăn chặn các phần tử thánh chiến thâm nhập lãnh thổ nước này; thuyết phục Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh không tài trợ nữa cho các phe nhóm cực đoan. Dễ nhận thấy những đề nghị này đề cập đến các chủ thể trong khu vực và nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ đa phương.

Lập trường của bà Clinton liên quan đến Tổng thống Syria Bachar al-Assad vay mượn hai dòng chính. Theo thuyết lý tưởng trong chính sách đối ngoại Mỹ, bà Clinton xem sự ra đi của ông al-Assad như một ưu tiên về mặt đạo đức: Assad đã không còn xứng đáng để lãnh đạo đất nước, nên ông phải ra đi. Đồng thời, bà cũng có những đánh giá thực dụng về các chủ thể theo đuổi đường lối “chính trị thực tế”: Chính với sự ra đi của ông Assad, thì các lực lượng nổi dậy ôn hòa mới có thể được huy động bên cạnh phương Tây chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Kết luận

Khi chiến dịch bầu cử bước vào giai đoạn cuối cùng, một số cuộc thăm dò quốc gia cho thấy cách biệt giữa bà Clinton với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump có xu hướng giảm. Hai ứng cử viên giờ đây có thể bám đuổi nhau quyết liệt. Dù độ tin cậy của những dự báo này chỉ tương đối, sự chờ đợi đang gia tăng. 

Ở bên ngoài nước Mỹ, trong trường hợp ông Trump lên làm tổng thống có thể gây lo lắng. Đến nay, các dự án về chính sách đối ngoại của tỉ phú bất động sản này dao động giữa chủ nghĩa biệt lập ích kỷ, bài ngoại và một số đề xuất liên quan đến cuộc phiêu lưu quân sự có tính báo thù. Là nhà ngoại giao kỳ cựu, được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu biết đến, chắc chắn đã rút ra những bài học từ những quyết định gây tranh cãi nhất như hành động can thiệp của phương Tây ở Libya, bà Hillary Clinton có thể là một nữ tổng thống khiến người châu Âu yên tâm nhất.

Theo Politique internationale

Hương Lan (gt)