Mặc dù chính quyền Obama và nhiều nước khác hiện đang đặt nhiều kỳ vọng rằng phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài, cho rằng đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc cung cấp một giải pháp dựa trên pháp luật cho tranh chấp Biển Đông nhưng theo GS. Gewirtz , đóng góp của phán quyết của Tòa thực chất rất hạn chế. Lý do chính là vì Tòa không có thẩm quyền xét xử những vấn đề cốt lõi của tranh chấp Biển Đông là chủ quyền, phân định biển, danh nghĩa lịch sử hay hoạt động quân sự, chấp pháp trên biển. Các nội dung Philippines có thể kiện được thì cũng chưa chắc đã thắng và nếu có thắng thì cũng có ý nghĩa hạn chế do phán quyết của Tòa tuy về danh nghĩa là “ràng buộc pháp lý” với Trung Quốc nhưng không có cơ chế thực thi và Trung Quốc sẽ phớt lờ.

Để làm rõ hơn kết luận này, GS. Gewirtz  đã đi vào phân tích các kết quả có thể xảy ra đối với từng nội dung mà Philippines khởi kiện, chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm 7 nội dung mà Tòa đã tuyên bố có thẩm quyền theo Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý ngày 29/10/2015 (nội dung số 3, 4, 6, 7, 10, 11 và 13). Nhóm thứ hai bao gồm 8 nội dung còn lại trong đó Tòa chưa ra quyết định về thẩm quyền vì còn phải xét đến vấn đề “nội dung” (xin xem Tóm tắt các nội dung kiện của Philippines trong bảng dưới đây). Tác giả không phân tích nội dung kiện số 15 trong nhóm hai vì cho rằng nội dung này hầu như không có tác động thực tiễn.

TÓM TẮT CÁC NỘI DUNG KIỆN CỦA PHILIPPINES

STT

Nội dung kiện

1

Các vùng biển của Trung Quốc không được vượt quá quy định của UNCLOS

2

Yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc trái với UNCLOS

3

Scarborough không phát sinh vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa

4

Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi là ba bãi cạn nửa nổi nửa chìm. Do đó, không phải là đối tượng để chiếm đóng

5

Vành Khăn, Cỏ Mây nằm trong vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines

6

Ga Ven và Mc Ken Nan là bãi lúc nổi lúc chìm. Chúng không phát sinh các vùng biển nhưng có thể dùng để xác định đường cơ sở.

7

Đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không có vùng EEZ hay thềm lục địa

8

Trung Quốc cản trở Philippines thực hiện quyền chủ quyền đối với tài nguyên nằm trong các vùng biển của Philippines

9

Trung Quốc đã không ngăn cản công dân và các tàu mang cờ Trung Quốc khai thác tài nguyên sinh vật trong vùng EEZ của Philippines

10

Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines mưu sinh ở bãi cạn Scarborough

11

Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo UNCLOS tại Scarborough và Cỏ Mây

12

Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trên bãi Vành Khăn là vi phạm các quy định của UNCLOS về đảo nhân tạo và bảo vệ môi trường biển và là các hành động chiếm hữu bất hợp pháp

13

Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo UNCLOS bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp nước này thực hiện các hành vi nguy hiểm trong bãi cạn Scarborough.

14

Trung Quốc đã làm phức tạp và mở rộng tranh chấp bằng cách cản trở quyền đi lại của Philippines quanh bãi Cỏ Mây, ngăn chặn việc tiếp tế của các sĩ quan Philippines tại bãi Cỏ Mây và đe dọa sức khỏe của các sĩ quan này.

15

Trung Quốc phải ngừng tiến hành thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp

 

Dự báo kết quả đối với 7 nội dung mà Tòa trọng tài đã tuyên bố có thẩm quyền

- Về xác định quy chế pháp lý của các thực thể, GS. Gewirtz  cho rằng nhiều khả năng Tòa sẽ đồng ý với lập luận của Philippines. Cụ thể, Tòa có thể sẽ kết luận bãi cạn Scaborough là “đá” (nội dung kiện số 3); bãi Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và Xu-bi là những “bãi lúc nổi lúc chìm” (nội dung kiện số 4); Ga Ven và Ken Nan là “bãi lúc nổi lúc chìm” (nội dung kiện số 6); Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là “đá” (nội dung kiện số 7). Tuy nhiên, tác giả cho rằng phán quyết đối với các nội dung kiện trên không tự nhiên dẫn đến kết luận các hành động của Trung Quốc hiện nay là phi pháp, vì sự phân loại chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia có chủ quyền đối với các “đá” và lãnh hải tạo ra từ các “đá” này, nhưng ai có chủ quyền với các thực thể thì Tòa không có quyền đưa ra phán quyết. Còn quyền với các “bãi lúc nổi lúc chìm” tùy thuộc vào vị trí của các bãi này: nếu nằm trong phạm vi 12 hải lý của các đảo hay đá khác thì được quyền nối thành đường cơ sở với các đảo, đá đó; nếu nằm ngoài 12 hải lý của tất cả các đảo, đá thì cũng không có nghĩa là Trung Quốc không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo ở đây – do các khu vực này có thể nằm trong phạm vi 200 hải lý EEZ từ các “đảo” mà Trung Quốc đòi chủ quyền, đặc biệt là đảo Ba Bình. Lúc này Tòa lại bị vướng về vấn đề “phân định biển” (vấn đề mà Toà không có thẩm quyền) để xác định quyền xây đảo nhân tạo thuộc về bên nào.

- Liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (nội dung kiện số 10 và 13),  GS. Gewirtz  cho rằng vì Tòa không có thẩm quyền đối với vấn đề chủ quyền nên Tòa phải giả sử Trung Quốc có chủ quyền đối với Scarborough để xem xét liệu Philippines có quyền đánh cá trong lãnh hải của Scarborough không. Điều này sẽ càng làm phức tạp nội dung kiện của Philippines vì Philippines phải lập luận mình có “quyền đánh cá truyền thống” quanh bãi cạn Scarborough nhưng vấn đề này lại chưa có luật rõ ràng để giải quyết. Ngoài ra, liên quan đến “các hoạt động chấp pháp”, tác giả cho rằng nó có thể nằm trong phạm vi các vấn đề mà Trung Quốc loại trừ theo Điều 298 của UNCLOS.

- Liên quan đến việc Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ môi trường (nội dung kiện số 11), UNCLOS chỉ có các quy định chung chung đối với vấn đề này nên Tòa có thể kết luận quy định còn quá mơ hồ hay không đủ căn cứ thực tế để kết luận là Trung Quốc vi phạm. Dù UNCLOS có quy định cụ thể là phải “đánh giá tác động có nguy cơ xảy ra của các hoạt động đối với môi trường biển”, “công bố báo cáo về các kết quả”, và cung cấp các báo cáo này cho “các tổ chức quốc tế có thẩm quyền” (Điều 205-206) nhưng tác giả cho rằng trong tương lai Trung Quốc có thể dễ dàng hoàn thành nghĩa vụ báo cáo này mà không cần thay đổi nhiều các hoạt động hiện nay của mình.

Các nội dung kiện còn lại của Philippines

- Liên quan đến việc Philippines lập luận Trung Quốc vi phạm quyền của Philippines trong vùng EEZ của nước này (các nội dung kiện số 5, 8, 9 và ở chừng mực nào đó nội dung kiện số 12, 14), tác giả cho rằng các nội dung kiện này bị phức tạp hóa bởi vấn đề quy chế pháp lý của Ba Bình. Do định nghĩa của Điều 121 (3) UNCLOS mơ hồ, thiếu vắng án lệ cụ thể và điều kiện thực tế ở Ba Bình nên theo tác giả Tòa khó có khả năng coi Ba Bình là “đá”. Nếu Ba Bình là một “đảo” đúng nghĩa theo quy định của UNCLOS và được hưởng vùng EEZ và thềm lục địa của riêng nó, thì EEZ của Ba Bình sẽ chồng lấn với EEZ của Philippines. Do đó, Tòa sẽ không thể phán quyết những nội dung kiện này mà không tiến hành “phân định biển” - một vấn đề mà Trung Quốc đã loại khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Điều 298.

- Liên quan đến tính pháp lý của Đường lưỡi bò (nội dung kiện số 1 và 2), GS. Gewirtz cho rằng Tòa sẽ không ra phán quyết do yêu cầu khởi kiện của Philippines về Đường lưỡi bò quá trừu tượng, thiếu cụ thể, hoặc không có thẩm quyền xem xét do Đường lưỡi bò có liên quan đến yêu sách chủ quyền và phân định biển. Trong trường hợp Tòa vẫn ra phán quyết thì Tòa nên kết luận rằng, yêu sách Đường lưỡi bò chưa rõ ràng, Trung Quốc nên yêu sách chủ quyền với đảo, đá và các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.

Nhìn chung, tác giả kết luận rằng, bất kể Tòa phán quyết thế nào, điều mấu chốt là Tòa không có thẩm quyền đối với các vấn đề chủ quyền và phân định biển - vốn là trọng tâm của tranh chấp Biển Đông. Phán quyết của tòa đối với tính chất các thực thể ở các nội dung kiện số 3, 4, 6 và 7 (là bãi lúc nổi lúc chìm hay là đá không có EEZ) chỉ có thể làm giảm một phần yêu sách của Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ các thực thể trong Đường lưỡi bò và các vùng biển phát sinh từ đó theo UNCLOS.

Nhìn nhận về phán quyết và kiến nghị biện pháp

Mặc dù chỉ ra các hạn chế của phán quyết trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông, GS. Gewirtz khẳng định nghiên cứu không nhằm phủ nhận vai trò của luật pháp quốc tế. Trái lại, ông cho rằng phán quyết có những đóng góp tích cực sau đây: (i) phần nào giải quyết cuộc tranh luận hiện nay về quy chế pháp lý của các thực thể là đảo, đá hay bãi lúc nổi lúc chìm; (ii) tạo ra các tiêu chuẩn luật cho các cuộc đàm phán phân định biển; (iii) phản bác cách diễn giải Đường lưỡi bò theo kiểu bành trướng nhất của Trung Quốc, gây áp lực buộc Trung Quốc giải thích yêu sách của mình. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh phán quyết chỉ có thể cung cấp một số câu trả lời hạn chế “dựa trên pháp luật” cho tranh chấp Biển Đông.

Về hướng đi tiếp theo, tác giả cho rằng biện pháp thực tế nhất đối với Mỹ là tiếp tục khuyến khích đàm phán và đồng thời thể hiện quyết tâm thông qua việc sử dụng sức mạnh bằng nhiều hình thức. Theo GS. Gewirtz, Mỹ đã thể hiện rõ quyết tâm nhưng chưa xác định được mục tiêu của quyết tâm đó là gì, sử dụng công cụ sức mạnh nào, rủi ro ra sao và quản lý các nghĩa vụ với đồng minh thế nào. Tác giả nhấn mạnh vai trò của các đàm phán song phương và đa phương, DOC, COC, cho rằng cần đưa ra các cách tiếp cận mới để khuyến khích Trung Quốc tìm ra giải pháp với các bên tranh chấp khác.

Paul Gewirtz là Giáo sư về Luật Hiến pháp tại Trường Luật Yale và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Trường Luật Yale. Gewirtz dạy và viết trong lĩnh vực luật pháp và chính sách, bao gồm luật hiến pháp, Tòa án liên bang, luật chống phân biệt, pháp luật và văn học, luật pháp Trung Quốc, và chính sách đối ngoại của Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu tiên tại trang Viện Brookings.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Bản dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.