Kết quả là tuyên bố, được đưa ra ngày 14/8 cũng như các tuyên bố trước của các chính phủ Nhật Bản thời hậu chiến trong đó bao gồm cả tuyên bố của Thủ tướng Murayama, vẫn bị hứng chịu những lời chỉ trích. Mặc dù ông nhắc lại cụm từ "hối hận sâu sắc và xin lỗi chân thành" song một số người đã chỉ trích ông Abe là tìm cách né tránh thể hiện điều này bằng ngôn ngữ của chính mình. Những người khác coi nhiều chỗ trong tuyên bố của ông là nhằm làm hài lòng những người ủng hộ đầy bảo thủ của ông, nhất là câu "chúng tôi không để con cháu chúng tôi và cả các thế hệ tiếp theo, những người không còn liên quan gì tới cuộc chiến đó, vẫn phải nói lời xin lỗi".

Song tuyên bố của ông Abe tiếp tục bằng đoạn: "Dù vậy, những người Nhật Bản chúng tôi, qua nhiều thế hệ, phải đối diện thẳng thắn với quá khứ lịch sử. Chúng tôi có trách nhiệm kế thừa quá khứ, bằng tất cả sự khiêm tốn, và chuyển giao nó cho tương lai". Hai câu này nghe có vẻ như thừa song bằng việc nhắc lại, ông Abe đã yêu cầu những người Nhật Bản phải ghi nhớ "lịch sử đau thương của những người dân ở châu Á" do chế độ thực dân, sự xâm lược và những vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và tù nhân chiến tranh.

Không phải ai cũng có nhận thức về lịch sử giống nhau, song phát biểu của ông Abe đã phản ánh sự đồng thuận cơ bản của người Nhật. Xuyên suốt thời kỳ hậu chiến, các nhà sử học, tiểu thuyết gia và nhà làm phim lớn của Nhật Bản đã phản ánh và thể hiện sự hối tiếc về con đường mà nước Nhật thời tiền chiến đã lựa chọn. Các tư duy này đã cấu thành nền tảng cho chủ nghĩa hòa bình độc nhất của Nhật Bản. Những người bảo thủ đã thử tìm cách thách thức sự đồng thuận này, nhất là từ những năm 1990, song phát biểu của ông Abe là sự kế thừa nhận thức cơ bản nhất về lịch sử chiến tranh của Nhật Bản từ các chính quyền trước. Quan trọng là các cử tri Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với một tuyên bố cân bằng như thế, và điều này thể hiện qua tỷ lệ ủng hộ tuyên bố trong nội các tăng. Rõ ràng rằng phần đông người Nhật muốn có quan hệ ổn định và chung sống thịnh vượng với các nước láng giềng.

Đây là lúc Nhật Bản và Trung Quốc phải có những bước tiến tới việc tăng cường làm mới mối quan hệ song phương. Mối quan hệ chính trị song phương Nhật Bản-Trung Quốc chưa được khôi phục kể từ khi đi xuống hồi năm 2012-2013 cho dù đã có hai cuộc gặp gỡ thượng đỉnh hồi tháng 11/2014 và tháng 4/2015. Tất nhiên là hiện vẫn có thêm nhiều người Trung Quốc tới Nhật Bản để du lịch, học tập và công tác.

Bầu không khí chính trị đã khác so với thời kỳ sau tháng 9/2012, khi những người biểu tình Trung Quốc đập phá các công ty Nhật Bản để phản ứng trước việc chính phủ Nhật mua ba trong số các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản. Song cả hai nước vẫn chưa xây dựng mối quan hệ chính trị hợp tác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản phải nhận thức được rằng xây dựng một trật tự chiến lược mới được cả hai bên chấp thuận cho khu vực Đông Á là chìa khóa cho hợp tác Trung-Nhật và mối quan hệ Trung-Nhật ổn định cũng giá trị như mối quan hệ song phương của các nước này với Mỹ.

Ngày nay, một số người ở Trung Quốc - và các nơi khác ở châu Á - đang kêu gọi xem xét lại trật tự khu vực và toàn cầu sau sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những sáng kiến gần đây của Trung Quốc như thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á và chính sách "Một Vành đai, Một Con đường" là hai ví dụ về những nỗ lực của Trung Quốc muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á bằng cách củng cố mạng lưới liên minh và đối tác của mình đã bị chỉ trích là nỗ lực "kiềm chế" Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế. Cần phải có những nỗ lực ngoại giao lớn hơn vì những quan điểm khác nhau của Nhật Bản và Trung Quốc về trật tự quốc tế gây tổn hại tới mối quan hệ song phương. Vì Nhật Bản vẫn có ảnh hưởng lớn tới các nước châu Á khác, nên Trung Quốc không thể bỏ qua quan hệ với Nhật Bản. Trung Quốc nên tìm cách tránh những chỉ trích có thể có rằng nước này đang tìm cách thống trị khu vực hay đang cố gắng xây dựng một trật tự thế giới mới nhằm thay thế trật tự thế giới tự do thời hậu chiến hiện nay. Hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc có thể làm Mỹ bớt lo ngại về các vấn đề này. Mặt khác, Nhật Bản nên hiểu được tầm quan trọng của việc nhìn nhận vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong trật tự thế giới hiện nay. Bước đi đầu tiên của hai bên phải là tiến hành đối thoại về phát triển và hàng hải.

Nếu Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành đối thoại thành công, kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc có thể học Nhật Bản kinh nghiệm xử lý những thách thức về dân số của mình, điều mà Trung Quốc chắc chắn sẽ đối diện trong những năm sắp tới. Nhật Bản có nhiều nguồn lực và kiến thức để hỗ trợ Trung Quốc trên con đường hướng tới sự tăng trưởng bền vững hơn.

Mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Tokyo là vấn đề thiết yếu, và bất kỳ phát biểu nào của lãnh đạo có thể làm gia tăng căng thẳng cần nên tránh. Các chính trị gia có trách nhiệm giáo dục người dân nước mình về lợi ích của mối quan hệ hòa bình và thịnh vượng. Một số chính trị gia Nhật Bản đã có những bước tiến trong vấn đề này. Đó là cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, người đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và Thủ tướng Abe, trong tuyên bố ngày 14/8, đã tái khẳng định rằng "chúng ta phải không bao giờ được để lặp lại sự tàn phá của chiến tranh". Các chính trị gia Trung Quốc cũng như Nhật Bản nên công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương. Điều này sẽ khuyến khích các quan chức cũng như các nhóm xã hội dân sự ở cả hai nước tránh gây kích động và tìm cách tăng cường giao lưu.

Nhật Bản và Trung Quốc là láng giềng và cần phải cùng nhau tồn tại. Một thái độ thù địch (hoặc thiếu hiểu biết) sẽ ngăn cản Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Ưu tiên của ngành ngoại giao hai nước là cùng nhau làm thay đổi tình hình hiện nay.

Phó Giáo sư chính trị quốc tế học Ryo Sahashi giảng dạy tại Đại học Kanagawa, Nhật Bản. Bài viết được đăng trên East Asia Forum.

Trần Quang (gt)