Trong bài viết trên tờ “Business Standad”, ông Shyam Saran cho rằng tại các nước khu vực Đông Nam Á như Xinhgapo, Việt Nam , Lào và Thái Lan, nơi ông vừa tới thăm, người ta không nghi ngờ gì về việc sự phát triển của quan hệ Mỹ-Ấn trong tương lai sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Do vậy, trong bối cảnh trên, Ấn Độ không thể bỏ qua cơ hội chiến lược can dự vào khu vực này. 


Những tháng gần đây Ấn Độ đã đưa ra học thuyết chiến lược của mình đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương, theo đó ủng hộ các dàn xếp mở, mang tính dung nạp và đa cực cho các cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực. Điều này giải thích tại sao Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) mở rộng bao gồm cả Mỹ và Nga, và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) được tiến hành như một đối tác an ninh cân xứng. 


Về nguyên tắc, Ấn Độ cần hiểu rằng ASEAN tiếp tục là trung tâm của cấu trúc an ninh đang nổi lên này vì đó là cơ sở tốt nhất cho sự dung hòa các lợi ích khác nhau của những nước có vai trò chủ chốt ở khu vực. Các diễn đàn kinh tế và an ninh khác nhau ở khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3 và EAS là các quá trình song song. Điều đó bác bỏ nhận xét được Trung Quốc ủng hộ rằng ASEAN+3, bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, hình thành như thể một “hạt nhân” đặc biệt mà cơ cấu mới nổi này cần phải quay xung quanh. 


Ấn Độ cần phải lắng nghe lập trường thể hiện trong tuyên bố được EAS thông qua tại Hà Nội ngày 28/10, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thiết lập một “diễn đàn công khai, mang tính dung nạp, minh bạch, và hướng về phía trước” ở khu vực. Tương tự như vậy, trong tuyên bố chung ngày 8/11, Mỹ-Ấn Độ cam kết “phối hợp với các bên khác ở khu vực thúc đẩy một cơ cầu cân bằng, mang tính dung nạp ở khu vực”. Đây là trường hợp hiếm hoi khi biểu đạt chiến lược của Ấn Độ phù hợp với đại đa số các nhân tố chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 


Lập trường của ASEAN đối với các diễn biến hiện nay tại châu Á-Thái Bình Dương là sự pha trộn phức tạp các lập trường, đặc biệt là quan điểm đối với Trung Quốc, không khác mấy so với quan điểm của Ấn Độ. Đó là sự công nhận rằng số phận kinh tế và sự phồn thịnh của khu vực phụ thuộc vào sự can dự mạnh mẽ hơn về kinh tế và thương mại với Trung Quốc hiện đang phát triển với tốc độ nhanh. Đồng thời, ở đây cũng có mối lo ngại về khả năng quá phụ thuộc vào Trung Quốc và trở thành một bộ phận phụ về kinh tế của nước này. Trong bối cảnh đó, chỉ có một nền kinh tế phát triển nhanh khác ở châu lục - Ấn Độ, được coi là một đối tác chủ yếu tạo cho khu vực không gian nhất định để thay đổi và những khả năng cho các quan hệ kinh tế đa dạng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Xinhgapo ví châu Á giống như một con chim có hai cánh: một cánh là Ấn Độ và cánh kia là Trung Quốc, cho phép nó bay cao hơn tới mục tiêu phồn vinh. Bởi vậy, việc quan trọng là phải bảo đảm cấu trúc an ninh cho phép tăng cường can dự cả với Ấn Độ và Trung Quốc cũng như các cơ hội cho các quan hệ kinh tế đa dạng hơn với tất cả các nền kinh tế chủ yếu. 


Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, tình hình phức tạp và đáng lo ngại hơn. Điều rõ ràng là mối lo ngại trong khu vực ngày càng gia tăng trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân và những hành động hung hăng của họ thời gian gần đây. Nhiều nước khu vực đều cho rằng Bắc Kinh tìm kiếm sức mạnh quân sự tới mức độ có thể chi phối, cho phép họ bác bỏ hiệu quả các quyết định và lựa chọn an ninh của các nước khác trong khu vực. Đáp lại, các nước này đã thông qua một loạt biện pháp. Thứ nhất, tăng cường khả năng quân sự bằng cách mua sắm thêm vũ khí như một chính sách bảo hiểm. Thứ hai, tăng cường hợp tác an ninh cả trong nội bộ ASEAN cũng như với các cường quốc hải quân bên ngoài khối như Mỹ và Ấn Độ. Mục tiêu không phải là nhằm bao vây kiềm chế Trung Quốc, mà chủ yếu là nhằm đạt được mức độ khuyến khích Trung Quốc tham gia các dàn xếp an ninh cân bằng, đa dạng và lỏng lẻo hơn ở khu vực thay vì theo đuổi việc tìm kiếm địa vị thống trị. 


Trong khi lo ngại về khả năng bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung nhằm giành quyền chi phối khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ ngày càng được nhìn nhận chung là một nước ôn hòa. Trên thực tế, các nước Đông Nam Á cho rằng Ấn Độ làm không đủ để tạo ra sự có mặt mạnh mẽ hơn nhiều ở khu vực này. Tuy nhiên, Ấn Độ cần phải tránh bị lôi cuốn trở thành một công cụ trong các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một “chuỗi ngọc trai” xung quanh Trung Quốc, điều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định và lợi ích kinh tế ở khu vực. Đại đa số các nước trong khu vực đã vạch ra giới hạn tinh tế phân tách giữa việc tăng cường sự cân bằng và biện pháp kiềm chế. Đây là việc làm không dễ dàng vì một chính sách này rất dễ bị hiểu lầm thành chính sách kia. Chỉ có thể hy vọng tránh được sự đánh giá nhầm như vậy thông qua sự can dự sâu rộng và thường xuyên hơn giữa các nước liên quan. 


Một mặt, cần phải kiên quyết phản đối những hành động đơn phương tuyên bố về cái gọi là “ lợi ích cốt lõi” do bất kỳ nước nào đưa ra vì điều đó đụng chạm tới các lợi ích sống còn của các nước khác, đặc biệt là tự do hàng hải và an ninh của các tuyến đường biển. Mặt khác, việc xây dựng các dàn xếp an ninh đặc biệt và có tính bù trừ để đối phó với thách thức an ninh đang nổi lên chứa đựng sự mạo hiểm. Trung Quốc đang thể hiện xu hướng bất an đáng lo ngại dao động giữa sự kiêu ngạo về vị thế một cường quốc mới nổi và tâm lý bị bao vây bắt nguồn từ lịch sử yếu đuối và bị sỉ nhục của nước này trước đây. Các quốc gia không được khuyến khích bất kỳ một xu hướng nào trong số này. Các nước ASEAN dường như hiểu được điều đó theo bản năng. Ấn Độ cũng cần phải hiểu như vậy./.

 

Theo Business Standard; TTXVN