* PV: Thông tư liên tịch 198/2015/TTLT-BTC-TNMT có quy định về giá thuê mặt biển, trong đó giá cao nhất là 7,5 triệu đồng/ha. Ông có nhận định gì về đơn giá này?

- Ông Dư Văn Toán: Hiện nay đã có Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo 2015, cùng với Nghị định 51/2014 về giao cho thuê khu vực biển, cùng với Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT của liên Bộ Tài chính và Tài nguyên Môi trường (có hiệu lực từ 20/1/2016). Theo Thông tư liên tịch 198/2015, có 6 nhóm hoạt động sử dụng biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển như: Sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu; xây dựng các công trình nổi, ngầm, đảo nhân tạo; đổ thải bùn nạo vét;  làm vùng nước cảng biển, cảng nổi, vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, đón trả khách,... Tuy nhiên, cả 6 nhóm hoạt động này giá thuê cao nhất mới là 7,5 triệu đồng/ha, còn lại đều thấp hơn.

Theo tính toán, mỗi năm, 1 triệu km2 biển Việt Nam có giá trị kinh tế tự nhiên khoảng 1.571 tỷ USD (con số tiềm năng). Với giá thuê 7,5 triệu đồng/ha/năm, nếu cho thuê toàn biển Việt Nam tính ra chưa đến 30 tỷ USD, trong khi thực tế có thể thu được 36 tỷ USD (36 tỷ USD là tổng giá trị thu được từ các dịch vụ biển năm 2015 của Việt Nam), khiến ngân sách bị thất thu. Vì vậy, giá cho thuê hiện tại còn tương đối thấp so với giá trị thực mang lại.

* PV: Xin ông cho biết căn cứ định giá thuê mặt biển của Việt Nam và đơn giá trên so với các nước khác?

- Ông Dư Văn Toán: Thông thường các khu vực biển gần bờ 3 đến 6 hải lý ít được giao cho thuê dài hạn. Và giá cho thuê vùng sát bờ tương đương giá đất đai liền kề và xét đến giá trị dịch vụ hệ sinh thái biển mang lại. Theo cách định giá của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc)  thì giá dịch vụ vùng biển khơi xa gần 500 USD/ha/năm, sát bờ gần 200.000 USD/năm. So với định giá của UNEP thì thấy giá cho thuê biển Việt Nam theo Thông tư Liên tịch 198/2015 là rẻ, chỉ có 7,5 triệu đồng/ ha/năm.

* PV: Đối với các vùng biển mang lại giá trị khai thác du lịch lớn thì cách tính giá như trên so với giá trị thực khai thác được tại các vùng biển này đã hợp lý chưa, thưa ông?

- Ông Dư Văn Toán: Đối với các khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế, giá trị khai thác du lịch, dịch vụ lớn, theo định giá của UNEP là 200.000 USD hay 350.000 USD/ha/năm, kể cả những bãi tắm thông thường. Giá cho thuê biển tại Việt Nam cao nhất hiện nay  đối với 6 nhóm hoạt động sử dụng biển  đều nằm trong giới hạn khoảng 3 - 7,5 triệu đồng/ha/năm, tức khoảng 130 - 350 USD/ha/năm. Khoảng biên độ dao động không quá lớn và không phân biệt vị trị địa lý, như khu vực biển gần bờ hay xa bờ, tại trung tâm hay gần khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế. Ví dụ như Vịnh Hạ Long có danh hiệu quốc tế - di sản thiên nhiên thế giới, giá phải ngang bằng quốc tế, nhưng giá cho thuê vẫn như những khu vực khác, tối đa không quá 7,5 triệu đồng/ha/năm.

Giá thấp có thể tạo cơ hội doanh nghiệp thuê hàng loạt khu vực biển có giá trị thiên nhiên cao với mục đích trục lợi, trong khi ngân sách nhà nước lại bị thất thu khoản này.

* PV: Vậy theo ông, cần tính toán lại mức giá như thế nào để phù hợp với mức định giá chung của quốc tế và không làm thất thoát ngân sách của Nhà nước?

- Ông Dư Văn Toán: Các khu vực biển liên tục gia tăng trong 20 năm gần đây. Khu vực san hô có giá trị cao nhất gấp 700 lần so với biển khơi, khu vực biển gần bờ cao hơn 88 lần ngoài khơi, khu đất ngập ven bờ cao hơn 400 lần biển khơi. Vì vậy, giá cả thuê giao phải được xem xét cẩn trọng. Cần xác định các vùng biển hay vùng bờ đắt giá và các vùng giá thấp để có thể tăng thu ngân sách, đặc biệt những khu du lịch đẳng cấp quốc tế: Vịnh biển, bãi biển, khu san hô, di sản thiên nhiên, khu bảo tồn biển... Tôi thấy cách định giá theo giá trị dịch vụ hệ sinh thái theo UNEP khá hợp lý, có thể áp dụng cho Việt Nam.

Tôi cho rằng, cần xem xét điều chỉnh tăng giá thuê khu vực biển cao hơn, vì giá tối đa 7,5 triệu đồng/ha/năm là quá thấp, dễ bị thuê sử dụng không bền vững (ô nhiễm môi trường, làm công trình lấn biển, nhân tạo), đặc biệt là vùng đất ngập nước ven bờ (từ 0 - 6m).

Khung giá nên đa dạng và đặc biệt mức cao nhất, như giá trị đất đai có nhiều khung và thay đổi trong một vài năm. Đối với các khu vực biển có danh hiệu quốc gia hay quốc tế, giá trị khai thác du lịch, dịch vụ lớn, giá nên ngang bằng quốc tế không thể đồng giá như khu vực biển khác. Khi định giá cao, sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Và có thể tạo ra thêm các sinh kế mới, động lực mới.

Bên cạnh đó, cần xác định các kịch bản thiệt hại dịch vụ hệ sinh thái đối với các nguồn thải, theo các khu vực biển (Formosa, Vĩnh Tân,...), các giá trị dịch vụ phía trên mặt biển (điện gió, sóng, vận tải hàng hải cũng cần xem xét tính đến) để đảm bảo đơn giá thuê hợp lý, tránh thất thu ngân sách.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Luyện Vũ

Bài viết được đăng lần đầu trên Thời báo Tài chính Việt Nam.