15fe6__54133866_012469756-2.jpg 

Từ lâu đã xuất hiện cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi: Liệu Liên minh châu Âu (EU) có phải là một mô hình kiểu mẫu cho các khu vực khác? Cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband năm 2007 đã nói rằng EU cần phải là một “mô hình sức mạnh”, chứ không phải là “siêu cường”. EU sẽ chứng minh cho các quốc gia khác thấy rằng các chuẩn mực của châu Âu cũng có thể hòa hợp được với họ, mang lại các ưu đãi kinh tế, các chuẩn mực và định hình chính sách của các đối thủ cạnh tranh toàn cầu bằng các ví dụ thuyết phục.

Tuy nhiên, việc coi EU như một mô hình hay việc tạo ra một hình ảnh EU như một "mô hình sức mạnh" cũng có nhiều vấn đề phải bàn tới. Những thực tế của việc hội nhập khu vực bên ngoài châu Âu - chẳng hạn như trong trường hợp của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - cho thấy không nhất thiết phải bắt chước hay sao chép một mô hình. Thay vì sao chép mô hình của EU, ASEAN đã phản ứng với những áp lực quốc tế bằng cách cải thiện nhân quyền và quản lý kinh tế nhằm củng cố sự độc lập và toàn vẹn của mình. Sự độc lập của ASEAN trong việc ra quyết định cũng như các ưu tiên và mục tiêu của khối này sẽ thách thức ý tưởng về một mô hình EU cho chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á. Có một số bằng chứng cho thấy đối với ASEAN, mô hình EU vẫn còn là một "nguồn cảm hứng" và chỉ đơn thuần là một tài liệu tham khảo.

Khi nói đến những điểm tương đồng, EU và ASEAN đều đã sử dụng hội nhập kinh tế và xây dựng cộng đồng để thúc đẩy, duy trì an ninh và phát triển kinh tế. Theo nghĩa rộng, EU được cho là một mô hình cho chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á và điều này có thể đúng. Nhưng nó sẽ cần phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa sự phát triển của ASEAN và ảnh hưởng của EU. Bản chất của hội nhập ASEAN cũng như các ưu tiên, chuẩn mực và đổi mới thể chế của khối này đều có những hạn chế đáng kể cho bất kỳ “mô hình sức mạnh” nào của EU.

Rất khó nhận ra sự khao khát của các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc cạnh tranh với EU, mặc dù trong những năm qua họ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với EU. Tuy nhiên, kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit (Anh rời khỏi EU), sự hoài nghi về hội nhập khu vực kiểu EU đã gia tăng. Từ lâu, cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã cho rằng EU là một nguồn cảm hứng, chứ không phải là một mô hình cho ASEAN. Tương tự, học giả Singapore Reuben Wong cũng lập luận rằng EU không thể hiện “mô hình sức mạnh” và rằng “EU tạo ra một số quyền lực đối với ASEAN - nhưng chỉ đơn thuần là một điểm tham chiếu”. Theo ông, EU có ảnh hưởng thụ động, chứ không phải là tích cực, đối với ASEAN.

Một nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng từ kinh nghiệm của EU, ASEAN chấp nhận, từ chối hoặc điều chỉnh một cách tích cực và sáng suốt các khía cạnh của hội nhập EU để phù hợp với bối cảnh của mình. Nói cách khác, các quan chức và các nhà hoạch định chính sách của ASEAN muốn coi EU như một tài liệu tham khảo, là sự hỗ trợ hoặc nguồn cảm hứng, chứ không phải là sự hấp dẫn liên quan đến các mô hình.

Thời gian gần đây, EU đã giảm bớt tuyên bố về một mô hình giả định; đồng thời cũng thay đổi cách tiếp cận để hỗ trợ cho sự hội nhập của khu vực Đông Nam Á. Mặc dù EU là một thực thể ủng hộ mạnh mẽ hội nhập khu vực Đông Nam Á, nhưng ASEAN cũng có quy trình riêng để theo đuổi, và sự ủng hộ của châu Âu chỉ nên là sự chỉ dẫn, chứ không phải là một mô hình dành cho ASEAN.

ASEAN cũng cầu thị học hỏi từ EU, và điều này được thể hiện qua các chuyến thăm châu Âu của Nhóm nhân vật nổi tiếng ASEAN năm 2006 và các quan chức của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) vào các năm 2011, 2013 và 2015. ASEAN còn vượt xa EU trong việc tìm kiếm nguồn cảm hứng cho Hiến chương ASEAN, đánh giá cao Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) với hiến pháp hết sức ngắn gọn mà có thể là một định dạng phù hợp cho ASEAN hơn là điều ước "dài lê thê" của EU. Hơn nữa, các thể chế khác trong khu vực có thể không chia sẻ các giá trị mà EU tán thành, cũng giống như một số người coi cơ cấu quản lý thể chế của EU là không thích hợp.

Ở một mức độ nào đó, EU đã nỗ lực thúc đẩy kinh nghiệm của mình như một hình thức tác động bên ngoài của ASEAN. Tuy nhiên, kinh nghiệm đó có lẽ không phải là một mô hình.

Tác giả Laura-Allison Reumann là nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Philomena Murray là Giáo sư tại Trường Khoa học Chính trị Xã hội và Giám độc Cơ quan nghiên cứu về quản trị khu vực, Đại học Melbourne. Bài viết đăng trên trang “East Asia Forum”.

Nhật Linh (gt)