22/05/2016
Một phán quyết “ủng hộ” Philippines dù không ngăn được ngăn được Trung Quốc theo đuổi mục đích, nhưng nó sẽ có tác dụng khích lệ và mang lại cho những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác nhiều cơ hội hơn để đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên biển.
Phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines sẽ làm suy yếu những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông song không ngăn cản được nước này theo đuổi những lợi ích của họ tại khu vực. Tuy nhiên, phán quyết “ủng hộ” Philippines sẽ có tác dụng khích lệ các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây, mang lại cho những nước này nhiều cơ hội hơn để đối phó với các hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên biển.
Mặc dù tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), song Trung Quốc cho rằng Toà không có quyền đưa ra một phán quyết mang tính ràng buộc về vấn đề này. Quan điểm của Bắc Kinh gói gọn trong 3 điểm: Thứ nhất, bản chất vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS; thứ hai, Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận song phương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đàm phán nên việc Manila đơn phương khởi kiện Trung Quốc lên PCA là “vi phạm thỏa thuận”; thứ ba, kể cả nếu vấn đề tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, đây vẫn là trường hợp phân định biển của hai quốc gia.
Đối với Philippines, Biển Đông là con đường huyết mạch nối quốc gia này với các thị trường quốc tế, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu cũng như phục vụ ngành chế tạo còn non trẻ của nước này. Ngoài ra, hầu hết dân cư các vùng duyên hải của nước này kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Nếu Manila đánh mất lợi thế trong cuộc tranh chấp lãnh hải này, vị thế địa chính trị vốn đã yếu của Philippines sẽ càng bị lung lay hơn.
Vào đầu những năm 1990, Manila đã từ chối gia hạn hiệp định có từ thời Chiến tranh Lạnh với Washington về vấn đề đặt căn cứ của quân đội Mỹ tại nước này. Song sự hiếu chiến của Trung Quốc rốt cuộc đã khiến Manila phải thay đổi lập trường. Sự ủng hộ của Mỹ đã giúp Manila thêm quyết tâm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình bất chấp nguy cơ phải từ bỏ những giao dịch thương mại lớn với Trung Quốc. Mỹ, tuy về mặt chính thức tỏ ra trung lập, song tháng 12/2014 đã đưa ra một báo cáo bác bỏ các chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đến tháng 7/2015, Mỹ lại ra tiếp một báo cáo trong đó tuyên bố rằng Trung Quốc, với tư cách là một nước tham gia UNCLOS, có nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết của Toà.
Toà Trọng tài cuối cùng cũng sẽ đưa ra phán quyết của mình và nhiều khả năng “không có lợi cho Trung Quốc”. Song điều đó không có nghĩa phán quyết của PCA sẽ làm thay đổi sâu sắc tình hình khu vực. Thực tế cho thấy Trung Quốc là một cường quốc mạnh tại Thái Bình Dương, và họ vẫn chiếm đóng nhiều đảo bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế. Một báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính Trung Quốc đã bồi đắp 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (diện tích được mở rộng lên tới hơn 1.300 hécta) mặc dù những thực thể này nằm trong vụ kiện mà PCA thụ án từ năm 2013. Tuy nhiên, không thể nói rằng vụ kiện của Philippines sẽ không có tác động. Luật quốc tế và các thể chế như Liên Hợp Quốc thực chất là những công cụ để thông qua đó các quốc gia củng cố lợi ích của mình bằng cách kiềm chế đối thủ và trợ giúp các đồng minh. Mỹ muốn thông qua những cơ chế và nguyên tắc quốc tế như “tự do hàng hải” cùng với ảnh hưởng của mình để tạo sức mạnh trong đàm phán cho các đối tác trong khu vực. Một phán quyết có lợi cho Philippines, tuy chỉ có ý nghĩa biểu tượng, song sẽ mang lại cho Washington tính hợp pháp để hỗ trợ các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng đối phó với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc có rất ít phương án để đối phó với phán quyết của Toà Trọng tài. Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, điều đó sẽ “hại nhiều hơn lợi” bởi việc rút khỏi UNCLOS sẽ phải mất 1 năm kể từ khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố và trong thời gian đó các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vẫn có đủ thời gian để theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc đến phút chót. Ngoài ra, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tượng trong phán quyết của Toà liên quan đến vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ không thể sử dụng UNCLOS phục vụ cho những mục đích của mình. Trung Quốc lâu nay vẫn muốn khai thác các đáy biển trong khu vực, điều mà UNCLOS có thể trợ giúp, và hiện Bắc Kinh đang dựa vào UNCLOS để khẳng định những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Có thể Trung Quốc sẽ lựa chọn cách tiếp cận ít gay gắt nhất để duy trì lập trường hiện nay của nước này đối với Biển Đông, khăng khăng rằng vụ tranh chấp chủ quyền nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của UNCLOS. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi những lợi ích của họ tại khu vực - song song với đó là Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách ngăn cản Trung Quốc - trong khi các bên (yếu hơn) có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ phải chật vật bảo vệ đường biên giới trên biển hiện nay của mình.
Theo Stratfor
Trần Quang (gt)
Sáng ngày 17/7/2024, (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã...
Ngày 14/6, Philippines đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) bản đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan. Đây là đệ trình thứ hai của Philippines; trước đó, nước này đã nộp đệ trình vào năm 2009 ở khu vực Benham...
Tòa Trọng tài Biển Đông đã tuyên rằng Ba Bình là “đá” và không phải là một “đảo” như quy định tại Điều 121 của UNCLOS. Đài Loan đã phản ứng với phán quyết khi lặp lại quan điểm phản ứng của Trung Quốc. Bài viết này đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, phản ứng tức thì từ Đài Loan là nhắm tới ba đối tượng,...
Ấn Độ không nên quá kỳ vọng rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ thay đổi "hành vi ngang ngược" của Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong tương lai.
Cùng với khát vọng quyền lực lớn của Trung Quốc, các "chiến binh" mạng của nước này đã thể hiện sự tức giận sau khi thua trong vụ kiện với Philippines. Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa đưa ra, ít nhất 68 trang mạng của chính phủ và địa phương của Philippines đã đồng loạt bị tấn công.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết đã làm thay đổi cuộc chơi trong tranh chấp biển.