Dự đoán toàn cầu: 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, hãy đánh giá lại xem chúng ta đang đứng ở đâu. Các nền kinh tế ở phương Tây phát triển, châu Á đang nổi lên và các phần khác của thế giới đang hoạt động như thế nào? Chúng ta kỳ vọng chúng hoạt động như thế nào trong một vài năm tới? 

Matthew P. Goodman: Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa ở vị trí thuận lợi. Tăng trưởng GDP toàn cầu đã thất bại so với xu hướng trước khủng hoảng, trung bình chỉ trên 3% một năm kể từ năm 2008. Ngay cả mức tăng trưởng khiêm tốn này cũng đòi hỏi phải có một sự bùng nổ nợ: tỷ số nợ trên GDP toàn cầu đã tăng gần 10 điểm phần trăm kể từ sau cuộc khủng hoảng. Tăng trưởng thương mại, trước kia thường dễ dàng vượt mức tăng trưởng GDP trước cuộc khủng hoảng, đã suy yếu đáng kể chỉ trên 2% một năm. Ngay cả ở Mỹ, nơi tăng trưởng công ăn việc làm đã trở nên tương đối sôi nổi, thì tiền lương cũng chỉ vượt mức năm 1996 của nước này. 

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh của sự bất định to lớn về chính trị và sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ. Một trong hai điều này có thể đem lại tình trạng gián đoạn hơn nữa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi đầu tư kinh doanh đã liên tục bị giảm bớt trên khắp toàn cầu. 

Scott Miller: Phần lớn những người đưa ra dự báo dự đoán rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ bị mắc kẹt ở mức khoảng 3 đến 3,5%, với việc năm 2017 và 2018 Mỹ đạt mức tăng trưởng thực 2% giống như trước đây. Về cơ bản, các dự đoán nói chúng ta hãy “đón nhận sự buồn tẻ”. Không có khả năng cho sự kích thích tiền tệ hoặc tài chính ở liều lượng lớn, thì tăng trưởng chậm chạp chắc chắn tốt hơn so với chẳng có gì. 

Goodman: Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ sôi nổi hơn, nhưng không mạnh mẽ và cũng không có khả năng bền vững. Trung Quốc đang tiếp tục sự giảm tốc mang tính cơ cấu. Ngay cả nếu Ấn Độ duy trì tăng trưởng ở mức 7%, thì không có nước đơn lẻ nào có thể thúc đẩy sự tăng trưởng khu vực. 

Heather A. Conley: Châu Âu tiếp tục bị quấy nhiễu bởi nợ ở mức cao, tăng trưởng thấp và khu vực ngân hàng rất mong manh, khu vực sẽ trở nên yếu kém hơn bao giờ hết do lãi suất âm và ảnh hưởng của các khoản vay kém hiệu quả. Tỷ suất nợ trên GDP của 5 nước thuộc Khu vực đồng euro đã vượt mức 105% vào cuối năm 2015. Những điều bất ngờ có thể khiến chiến lược “loay hoay xoay xở” của châu Âu chệch hướng, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho những điều bất ngờ đi kèm với những mặt không thể dự đoán được. Giờ đây, tác động về kinh tế của Brexit đã không đi theo con đường được dự báo về cuộc chiến Armageddon kinh tế. 

Dự đoán toàn cầu: Xem xét bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, các ông cho rằng một số rủi ro then chốt nào mà các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác? Liệu chúng ta có khả năng chứng kiến một sự suy thoái khác tương đương như cái chúng ta từng chứng kiến trong năm 2008 hay không? Điều ngược lại thì sao – ông có thấy bất kỳ thế mạnh nào bị đánh giá thấp hay không? Và các nhà hoạch định chính sách cần làm gì đối với tất cả những điều này? 

Goodman: Tin tốt là các nền kinh tế lớn đã làm được rất nhiều để giải quyết khả năng dễ bị tổn thương trong hệ thống tài chính toàn cầu mà đã gây ra cuộc khủng hoảng gần đây nhất. Nhưng ngay cả khi sự phục hồi lớn hơn đã hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu năm 2008, thì cũng khó để lập luận rằng những rủi ro đã biến mất. 

Một rủi ro là sai lầm chính sách vĩ mô. Sự phục hồi của Mỹ vẫn không đặc biệt mạnh mẽ, và Ngân hàng dự trữ liên bang cần thận trọng trong việc tăng lãi suất quá nhanh. Ở châu Âu và Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cần tránh sự cám dỗ cắt giảm chi tiêu chính phủ quá sớm. 

Cũng có những rủi ro tài chính đang dần xuất hiện. Châu Âu cần phải đối phó với khu vực ngân hàng vẫn yếu kém đến mức không thể đứng vững trước một cú sốc bên ngoài, như chúng ta từng chứng kiến khi các ngân hàng Italy “loạng choạng” sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Trung Quốc cần giải quyết nợ tập đoàn ngày càng tăng và sự dư thừa năng suất ngành công nghiệp nhằm tránh “thập kỷ mất mát” của chính họ. 

Điều khó khăn hơn đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng không kém phần thiết yếu, là giải quyết những sự kiềm chế mang tính cơ cấu mà vừa cản trở tăng trưởng hiện nay vừa có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong tương lai. 

Conley: Châu Âu có nhiều rủi ro. Có nền kinh tế Pháp và Italy yếu ớt, một khu vực ngân hàng có liên hệ quá mật thiết với chính phủ, nợ chính phủ cao, tỷ lệ thất nghiệp cao đặc biệt là trong số những người trẻ, một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang dần xuất hiện và những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ ngày càng tăng. 

Nhưng châu Âu cũng có những thế mạnh bị đánh giá thấp. Nền kinh tế Đức bị xuất khẩu chi phối tiếp tục hoạt động tốt, cũng như nền kinh tế Anh, bất chấp Brexit. Châu Âu có các thể chế dân chủ mạnh mẽ và các hệ thống pháp lý có thể dự đoán được, hàng hóa và dịch vụ đáng mong ước trên toàn cầu, cơ sở hạ tầng phát triển và môi trường đầu tư chào đón. Đây là lý do giải thích tại sao cả các hãng của Mỹ lẫn Trung Quốc đều nhận thấy châu Âu có sức hấp dẫn như là một điểm đến kinh tế bất chấp những lo lắng hiện tại về kinh tế. 

Miller: Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác phải đối mặt với nguy cơ mất nhiều hơn là được vào thời điểm này trong chu kỳ kinh doanh. Sự mở rộng hiện tại của Mỹ được 90 tháng, lâu hơn mức trung bình 56 tháng hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, và lạm phát giá tăng chậm. Lãi suất vẫn thấp một cách bất thường trên khắp thế giới, nhưng không có khả năng đứng yên như vậy. Sự kết thúc của “tiền tệ tự do” – dù là kết quả của thị trường hay là hành động của ngân hàng trung ương – là nguồn có khả năng gây ra sự bất ổn. Gánh nặng nợ chính phủ đã gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2008, và những nghĩa vụ trả nợ sẽ thay thế các biện pháp tài chính khác. 

Tại Mỹ, cải cách thuế có thể đem lại động cơ cho tăng trưởng hiệu suất và sự hình thành vốn mạnh mẽ hơn, điều đã thất bại kể từ sự suy thoái năm 2008. Tuy nhiên, không có ban lãnh đạo tài chính thực sự, hoạt động chính trị nguyên trạng có khả năng sẽ đem lại sự tăng trưởng chẳng hơn gì nguyên trạng. 

Dự đoán toàn cầu: Châu Âu đã bị tổn hại đặc biệt nặng nề vào năm 2008. Những triển vọng cho sự phục hồi của nó là gì? Không có sự phủ nhận rằng những tai ương về kinh tế có ảnh hưởng về mặt chính trị. Ông có thể cho chúng tôi biết sự tăng trưởng trì trệ có thể dẫn tới chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng như thế nào hay không, và điều này sẽ đóng vai trò gì trong các cuộc bầu cử trên khắp châu Âu và trong những nỗ lực lớn hơn nhằm gắn kết châu Âu với nhau hậu Brexit? 

Conley: Bất chấp những dấu hiệu phục hồi, nhận thức ở châu Âu vẫn là nền kinh tế đang đình trệ. Điều này gây ra mối lo lắng xác thực tạo ra sự tàn phá về chính trị và kinh tế. Để đem lại cho bạn nhận thức về sự lo lắng, hãy xem xét việc Ngân hàng trung ương châu Âu đã duy trì lãi suất mức gần bằng 0, nhưng thay vì khuyến khích chi tiêu, tỷ lệ tiết kiệm thực của các hộ gia đình và doanh nghiệp thực sự tăng thêm 40%! 
Hãy đặt cạnh điều này với thực tế rằng 3/4 nền kinh tế thuộc Khu vực đồng euro sẽ có các cuộc bầu cử quốc gia hoặc trưng cầu ý dân từ bây giờ cho tới cuối năm 2017. Khi sự lo lắng gặp gỡ ý chí của dân chúng, thì kết quả không thể dự đoán được để mà nói giảm nói tránh. Đây là điều đã xảy ra với Brexit, điều đã xảy ra với cuộc bầu cử của chúng ta, điều hiện đang diễn ra với tình trạng hỗn loạn chính trị ở Italy, và điều có thể xảy ra vào năm 2017 với các cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. 

Miller: Đó là một tình huống tồi tệ gây bất ổn – tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Cùng với việc hầu như không có chỗ cho sự kích thích tiền tệ hoặc tài chính bổ sung. 

Goodman: Chính lúc này đây là khoảnh khắc mong manh ở châu Âu. Pháp và Tây Ban Nha đang phục hồi nhưng cả hai nước vẫn phải đối mặt với nạn thất nghiệp cao. Anh phải đối mặt sự bất ổn lớn phụ thuộc vào việc liệu chúng ta nhận thấy một Brexit “cứng” hay “mềm”. Trở ngại lớn nhất cho sự phục hồi ở châu Âu có lẽ là Đức, mặc dù nước này tiếp tục có được mức tăng trưởng ổn định và tiền lương ngày càng tăng. Sẽ có những hạn chế đối với sự phục hồi của châu Âu chừng nào Berlin còn từ chối sử dụng chính sách tài chính mở rộng hơn. Nhưng nền chính trị của chính nước này là điều đáng phải lo nghĩ tới. 

Dự đoán toàn cầu: Các lực lượng dân túy trên khắp thế giới đang nhắm mục tiêu vào thương mại như là đang có xu hướng nghiêng về doanh nghiệp lớn và thúc đẩy sự bất bình đẳng. Cơ hội tốt nhất để giải cứu một nghị trình thương mại và tránh các cuộc chiến thuế quan trong những năm tới là gì? G7 cần phải làm gì? 

Miller: Nhà tư bản mạo hiểm cũng là người ủng hộ Trump, Peter Thiel, đã tổng kết điều đó trong một bài phát biểu gần đây tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia: “Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử này, điều mà Trump đại diện không hề điên rồ và nó sẽ không biến mất”. Chủ yếu, phản ứng dữ dội mang tính bảo hộ là bằng chứng cho thất bại của ban lãnh đạo chính trị. Nhưng vì các lực lượng đằng sau tình trạng hỗn loạn hiện tại chủ yếu là về công nghệ, nên quan trọng là các nhà lãnh đạo công nhận rằng các chính sách “có tác dụng” trong một môi trường khác có thể không hiệu quả trong tương lai. Công nghệ, chứ không phải chính sách, là động lực căn bản đằng sau tính cạnh tranh liên quốc gia gia tăng ngày nay, và các thỏa thuận thương mại và tiền tệ trước kia với các nền kinh tế tiên tiến sẽ không thỏa đáng. 

“Tin tốt” là phần lớn người Mỹ dường như hiểu được rằng mọi thứ đã thay đổi. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ vững chắc cho thương mại và các thỏa thuận thương mại bất chấp giọng điệu tranh cử gay gắt. Chắc chắn là việc đạt được các chính sách mới phù hợp với một thực tế mới sẽ mất thời gian và năng lượng. Trong khi đó, các quan chức được bầu trong G7 và những nơi khác cần hợp tác để tránh “chủ nghĩa phá hoại” đối với cấu trúc hiện tại trong khi đó đẩy nhanh nhận thức về cách nền kinh tế “mới” thực sự hoạt động và làm thế nào để giải quyết những thách thức mới đó với người dân, các ý tưởng và nỗ lực. 

Goodman: Thương mại đã trở thành “bia đỡ đạn” cho một loạt sự bất bình có liên quan tới những thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế và xã hội. Giống như tiến bộ công nghệ, thương mại mở cửa hơn sẽ đem lại những lợi ích lớn và đáng kể cho một nền kinh tế. Tuy nhiên, điều cũng đúng là thương mại tạo ra sự gián đoạn thực sự cho một số người lao động và công ty. Các chính phủ đã không hoàn thành công việc đủ tốt ở bất kỳ khía cạnh nào của câu chuyện này: giải thích lợi ích của thương mại hoặc giải quyết những phí tổn điều chỉnh của nó. 

Việc xây dựng lại sự ủng hộ đối với thương mại và thỏa thuận thương mại bắt đầu bằng việc tạo ra những khoản đầu tư lớn hơn trong những trụ cột ở trong nước làm nền tảng cho một nền kinh tế vững mạnh và có tính cạnh tranh, bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, và cải tiến. Sự giúp đỡ nhiều hơn cho những người lao động bị gián đoạn bởi sự thay đổi kinh tế – dù là do thương mại hay sự tiến bộ công nghệ gây ra – cũng là cần thiết. 

Conley: Một trong những sự bày tỏ công khai bằng lời lớn nhất cho sự lo lắng và không chắc chắn của châu Âu là cuộc nổi loạn ngày càng tăng chống lại thương mại tự do, một vấn đề bao trùm bản chất gây rối loạn của toàn cầu hóa. Các nhà dân túy trên thực tế đã truyền đi nỗi sợ hãi và lo lắng này và tìm cách loại bỏ bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào giữa thương mại quốc tế và các chính sách kinh tế quốc gia. Như các nhà lãnh đạo như lãnh đạo phe cực hữu của Pháp Marine Le Pen đã tuyên bố: Bạn là một người yêu nước hay một người chủ trương toàn cầu hóa? Theo bà Le Pen và các nhà dân tộc chủ nghĩa khác giống như bà, bạn không thể là cả hai. Các quốc gia G7 phải tạo ra khoảng trống chính sách nơi mà “các nhà yêu nước” và “những người có tư tưởng toàn cầu hóa” có thể tuyên bố thành công, có nghĩa rằng chủ nghĩa yêu nước được định nghĩa lại như là khả năng của một dân tộc trở nên thành công hơn trong một nền kinh tế được toàn cầu hóa và những người có tư tưởng toàn cầu hóa thay đổi cách họ tiến hành kinh doanh và đàm phán các thỏa thuận thương mại để trở nên sẵn sàng đáp ứng tốt hơn trước những đòi hỏi và các diễn biến trong nước và khu vực. Cả hai bên phải thay đổi cách thức kinh doanh trong suốt 20 năm qua và tìm ra một nền tảng trung gian mới nhưng cả hai bên có vẻ đang đào sâu thêm hơn bao giờ hết “chiến hào” của mình để chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao sinh lực. 

Dự đoán toàn cầu: Ban lãnh đạo Mỹ có tầm quan trọng nhiều như thế nào? Ông sẽ nói gì với một số người nói rằng “Tổng thống Mỹ hầu như không có ảnh hưởng gì đối với nền kinh tế toàn cầu, hoạt động chính trị ở châu Âu, hay các lực lượng dân túy trên khắp thế giới?” 

Goodman: Mỹ vẫn là “quốc gia không thể thiếu được” trong các vấn đề kinh tế toàn cầu. Vị thế của chúng ta với tư cách là thị trường lớn nhất thế giới và một nguồn dẫn đầu về công nghệ và vốn đem lại cho chúng ta ảnh hưởng đòn bẩy vô song trong việc khuyến khích các chính sách ủng hộ tăng trưởng và ủng hộ mạnh mẽ một trật tự kinh tế toàn cầu mở, dựa trên nguyên tắc. Các bạn có thể thấy điều này đóng vai trò trong các hội nghị G20, nơi mà phần lớn các nước đóng vai trò bị động và chờ đợi Mỹ đề xuất một tiến trình hành động. Đương nhiên không phải lúc nào Washington cũng có được điều mình muốn, và cần có sự ủng hộ để giải quyết phần lớn những thách thức kinh tế toàn cầu lớn nhất, nhưng không có sự lãnh đạo của Mỹ, trật tự kinh tế toàn cầu sẽ ít ổn định, khó dự đoán và ít thành công hơn nhiều so với 75 năm qua. 

Miller: Làn sóng “toàn cầu hóa” bắt đầu vào cuối những năm 1980 được khởi xướng bởi vai trò lãnh đạo của Mỹ về công nghệ, chính trị và quân sự. Sự mở rộng của nước này được hỗ trợ bởi một cấu trúc kinh tế do Mỹ và các đồng minh chủ chốt tạo ra và duy trì. Hàng triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng không có nền kinh tế nào được hưởng lợi nhiều như chính chúng ta, với sự cởi mở tương đối, các thể chế mạnh mẽ và người dân có khả năng thích ứng, có tinh thần kinh doanh. Toàn cầu hóa giờ đây đã bước vào giai đoạn mới, nhưng tôi tự tin rằng, nếu bất kỳ ai có thể tìm ra cách khiến nó hoạt động theo cách thức mang lại lợi ích chung, thì đó là người Mỹ, được thúc đẩy bởi tính khéo léo, ý thức về lối chơi đẹp và động lực khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. 

Conley: Là nền kinh tế phương Tây lớn nhất, Mỹ cần dẫn đầu con đường giành lại niềm tin đã mất. Một nền kinh tế Mỹ vững mạnh sẽ củng cố cho nền kinh tế châu Âu. Khi chứng tê liệt chính trị ở Mỹ cuối cùng nhường đường, thì điều này sẽ phát đi thông điệp tích cực và mạnh mẽ tới các nước tiên tiến khác rằng họ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng của mình. Lòng tin của phương Tây có thể được phục hồi, nhưng trong thời điểm hiện tại, chủ nghĩa dân túy và sự lo lắng đang dâng cao và niềm tin của phương Tây đang giảm đi.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS). Bài phỏng vấn nằm trong loạt bài Dự báo toàn cầu năm 2017 của CSIS.

Trần Quang (gt)