ED-AN838_mead_G_20110701172902.jpg

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quốc tế chưa từng có, đó là: nhà lãnh đạo thất thường của Triều Tiên Kim Jong-un với lá bài đe dọa hạt nhân; một nước Nga liều lĩnh - từng sáp nhập bán đảo Crimea và tiến hành cuộc chiến ở miền Đông Ukraine và Syria - dường như sẵn sàng tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng; một châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn và tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị; Trung Quốc - vốn luôn có những lời nói và hành động đe dọa các nước láng giềng - vẫn kiên quyết với yêu sách trên biển, đồng thời tìm cách giảm dần và tiến tới loại trừ ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á; những nỗ lực của Iran để thống trị Trung Đông và làm gia tăng xung đột giữa người Sunni và người Shi'ite, đồng thời gây bất ổn trong khu vực; các mối đe dọa khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan... Bên cạnh đó, nhiều nước hiện không "sợ" và cũng không tôn trọng Mỹ. Kẻ thù của nước Mỹ đã bị lôi kéo và đang hợp tác với nhau, nhất là trục Moskva-Bắc Kinh-Tehran là ví dụ điển hình. Họ không chỉ tìm cách khiến Mỹ thất bại mà còn làm mất uy tín của tất cả các giải pháp mà Mỹ sử dùng để "cai quản" đất nước và thế giới. Thật không may, họ đã đạt được một số thành công trong những nỗ lực này.

Nhiều bạn bè và đồng minh của Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và bị xa lánh. Liên minh của Mỹ đã suy yếu. Uy tín và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đã bị giảm đi rất nhiều. Chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đề xuất đã đặc biệt phản tác dụng do nước Mỹ không thể mở rộng, răn đe hạt nhân. Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ người Mỹ ủng hộ chính sách đối ngoại quyết đoán của ông suy giảm. Trong khi đó, một số lượng lớn cử tri Mỹ vẫn luôn đặt câu hỏi về giá trị của sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong thời gian tới. Nhiều người Mỹ quay lưng với thương mại tự do - vốn được coi là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Nhiều người đã coi thường các đồng minh của Mỹ và các tổ chức toàn cầu. Mặc dù có nhiều thách thức, khó khăn, nhưng Mỹ vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới. Người dân Mỹ vẫn hướng về thế giới, sẵn sàng chấp nhận một chính sách đối ngoại mang tính can thiệp. Kẻ thù của Mỹ đang bị ngăn cản bởi nhiều vấn đề trong nước mà Mỹ có thể khai thác bằng một chính sách ngoại giao khéo léo và linh động.

Theo đó, có một số bước cần phải được thực hiện:

Đầu tiên, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump phải đưa ra một chiến lược rõ ràng, những nguyên tắc cơ bản cho chính sách đối ngoại của Mỹ và chuẩn bị đáp án cho câu hỏi: tại sao lợi ích quốc gia lại đòi hỏi sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ?

Thứ hai, Washington phải dẫn đầu quốc tế, củng cố quan hệ đồng minh và bạn bè, đồng thời ngăn chặn, hạn chế kẻ thù. Để đạt được mục tiêu này, ông Trump cần cam kết tôn trọng các  hiệp ước và thỏa thuận mà Mỹ đã ký. Với nguồn lực trong nước hữu hạn, việc chia sẻ gánh nặng và quản lý liên minh là rất cần thiết.

Thứ ba, Mỹ nên cam kết duy trì một trật tự quốc tế ổn định và theo luật pháp quốc tế. Nước Mỹ không được phép từ bỏ và cũng không nên áp đặt các giá trị cốt lõi đối với các quốc gia trên thế giới.

Thứ tư, Mỹ cũng cần nhận ra rằng một nền kinh tế trong nước mạnh mẽ và tiềm lực quốc phòng hùng mạnh là chìa khóa cho sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu, vì vậy, ông Trump nên tập trung nhiều vào cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng trong nhiệm kỳ của mình. Bhiều người đã nói rằng thế kỷ XXI là "thế kỷ tiếp theo của Mỹ" và không có lý do gì ngăn điều này trở thành hiện thực đối với nước Mỹ.

Tác giả là Paula  Dobriansky, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề toàn cầu và hiện là giảng viên cao cấp tại trường Đại học Harvard. Bài viết đăng trên "National Interest".

Vũ Hiền (gt)